Bùi Chu, 26/05/2015 (gpbuichu.org) – Nhiều năm trở lại đây, vấn đề Mục vụ Di dân đang trở thành đề tài nóng, đòi hỏi sự quan tâm của Giáo hội, đặc biệt đối với Giới trẻ và những lao động xa quê, từ nông thôn ra thành phố. Vấn đề đặt ra là làm sao để Giới trẻ và các lao động bình dân này một mặt được làm ăn sinh sống trong khi vẫn giữ vững Đức tin giữa những thử thách cuộc sống nơi đô thị phồn hoa?
Chúng tôi có chuyến công tác Sài gòn, đô thị lớn nhất cả nước và là nơi quy tụ của hầu hết các lao động phổ thông trong đó có các bạn trẻ, đặc biệt các bạn trẻ Công giáo. Không khó để tìm ra các cơ sở, nơi họ đang làm việc ở các khu Bình Hưng Hòa, Phú Bình, Tân Phú, Thủ Đức… với các công việc như: Nhuộm vải, in vải, làm hoa vải, cắt may.
Trao đổi với chúng tôi, một chủ cơ sở in vải tại khu Bình Hưng Hòa cũng là một gia đình Công giáo di dân từ Bắc (Gx Báo Đáp, Bùi Chu) cho biết: Họ thuê các nhân công từ các tỉnh lẻ về làm nghề in vải, đặc biệt các lao động trẻ độ tuổi từ 15-20. Vì là một gia đình Công giáo nên cũng có những ưu tiên khi thuê các em có Đạo. Ngoài việc đảm bảo cho các em công việc ổn định, gia đình cũng thường xuyên động viên các em giữ Đạo bằng cách cho nghỉ để đi Lễ ít nhất là vào ngày Chúa nhật mỗi tuần.
Em Giuse Trần Văn Khang, một nhân công tại cơ sở in cho biết: Năm nay em 23 tuổi và đã có “kinh ghiệm” gần 10 năm xa nhà. Bố mẹ em đều là người Bắc (Gx Quỹ nhất, Bùi Chu). Vì hoàn cảnh gia đình em di cư vào Đắc Lắc làm ăn, tuy nhiên vẫn không đủ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống nên em phải bỏ học, xuống Sài gòn và xin vào làm việc tại các cơ sở làm việc phổ thông, với mức lương trung bình chỉ từ 3.5 đến 4 triệu VNĐ/ tháng.
Chứng kiến một ngày làm việc của các em, chúng tôi mới thấy những vất vả của các lao động phổ thông. Một ngày làm việc của các em được bắt đầu từ 7h sáng đến 12h trưa. 13h các em lại tiếp tục làm đến 19h. Những hôm tăng ca, họ sẽ tiếp tục làm đến 22h đêm. Công việc có vẻ như không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi sự cẩn thận từ việc trải vải, kéo bảng in, sấy khô, phơi vải… tất cả đều diễn ra trong một không gian chật chội và nóng bức. Với điều kiện và thời gian làm việc như thế, chúng tôi không khỏi băn khoan các em sẽ giữ Đạo thế nào, thời gian nào các em sẽ dành cho Chúa?
Mặc dù vẫn được chủ là người có Đạo động viên và tạo điều kiện nhưng “đến chơi chúng em còn chẳng có thời gian, nói gì đến đi Nhà thờ đi Lễ”, em Khang cho chúng tôi biết thêm. Trong khi đó, may mắn cho em Khang vẫn được chủ là người Công giáo tạo điều kiện và động viên em đi Lễ mỗi tuần. Với những em khác nơi các cơ sở chủ không phải là người Công giáo hoặc không được động viên, cùng những cám dỗ và lôi kéo nơi cuộc sống đô thị phồn hoa, đời sống Đạo của các em sẽ ra sao?
Giải quyết vấn nạn này đòi hỏi sự cộng tác, những sáng kiến Mục vụ nhiều hơn nữa từ các thành phần trong Giáo hội. Mục vụ di dân nhiều nơi đã có những phong trào thiết thực với các nhóm xa quê, ca đoàn xa quê, đồng hương xa quê, ve chai xa quê… nhằm quy tụ để sinh hoạt, giúp đỡ nhau trong cuộc sống đời cũng như Đạo. Nhưng thiết nghĩ, hơn hết vẫn là nền tảng Đức tin của mỗi người trước khi “lên đường xa quê” ra Thành phố. Nếu không, việc sao nhãng sống Đức tin môi trường mới nơi chốn thị thành là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Hoàng Đức