Lễ Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa tự mặc khải

Đnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28, 16-20
Anh chị em thân mến,
Một ngày chúng ta làm dấu rất nhiều lần: làm dấu mỗi sáng thức dậy trước khi bắt đầu mọi sinh hoạt trong ngày, làm dấu trước và sau bữa ăn, làm dấu để bắt đầu và kết thúc các giờ kinh nguyện, làm dấu trước khi đi ngủ… Mỗi ngày chúng ta còn đọc nhiều lần kinh Lạy Cha trước bữa ăn và kinh Sáng Danh sau bữa ăn, hay khi lần chuỗi Mân Côi…. Hỏi rằng những việc làm rất thường xuyên ấy có ý nghĩa gì và chúng ta làm với mục đích nào? Thưa, mỗi khi chúng ta thực hiện những việc rất đơn giản, dễ dàng và thường xuyên ấy là chúng ta tuyên xưng một mầu nhiệm cao siêu khôn lường của Thiên Chúa; mầu nhiệm một Thiên Chúa có Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần. Là những con người đầy giới hạn, làm sao chúng ta biết được mầu nhiệm cao cả siêu vời ấy?Với trí khôn giới hạn, thật chúng ta không thể tự mình nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng và càng không thể thấu hiểu bản tính siêu việt của Ngài. Chúng ta chỉ có thể biết Ngài, hiểu được phần nào các mầu nhiệm của Ngài nhờ mạc khải. Các mầu nhiệm, đặc biệt là mầu nhiệm Ba Ngôi được ghi lại rõ ràng trong Lời Chúa hôm nay. Quả vậy, bài đọc thứ nhất cho ta thấy kinh nghiệm nhận biết Thiên Chúa của dân Israel nhờ vào những điều kỳ diệu Ngài đã làm. Thiên Chúa đã gọi các tổ phụ, đã giải phóng Israel khỏi Ai Cập, đã ký kết với họ một giao ước để họ trở thành dân riêng của Ngài và đưa họ vào đất hứa. Thiên Chúa không những là Chúa của Israel mà còn là Chúa của muôn loài. Mọi dân tộc, mọi người và mọi vật đều là thụ tạo của Ngài, được mời gọi tuân giữ thánh chỉ và đường lối của Ngài để được sống, được hạnh phúc đời này và đời sau “Trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em…, để được hạnh phúc và sống lâu trên đất Thiên Chúa sẽ ban cho anh em.”

Thánh Phaolô trong bài đọc hai cũng nói với chúng ta về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Giêsu, Chúa Cha trao ban Thần Khí cho các tín hữu. Nhờ việc lãnh nhận Thần Khí, mọi tín hữu được tái sinh trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, được cất tiếng kêu lên “Áp-ba! Cha ơi!” Được Thánh Thần biến đổi, người tín hữu không còn là tội nhân, kẻ nô lệ sợ hãi Thiên Chúa nữa, nhưng có Thiên Chúa là cha yêu thương và trở nên con yêu của Ngài “Anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em trở nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên ‘Áp-ba!’ Cha ơi!” Việc trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần cho phép người tín hữu được đồng thừa kế với Đức Kitô vì nhờ bí tích Rửa tội, họ được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, cùng chịu đau khổ, cùng được mai táng và hưởng vinh quang với Đức Kitô phục sinh.

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe còn khẳng định điều này một cách rõ ràng hơn nữa. Vâng, đúng như vậy!  Sau khi sống lại từ cõi chết, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã hiện ra và nói với các môn đệ về một Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc trao cho các ông sứ mạng rao giảng Tin Mừng và cử hành phép Rửa đem lại ơn tái sinh“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy anh em. Ngày đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Nếu muốn trở nên thân hữu của Chúa Giêsu, các môn đệ phải ra đi làm cho muôn dân cũng trở thành môn đệ của Ngài, phải rửa tội cho mọi người nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, phải dạy cho họ tuân giữ mọi điều Ngài đã truyền dạy. Để bảo đảm cho công việc của các ông gặt hái được nhiều kết quả, Chúa Giêsu hứa ở lại với các ông mọi ngày cho đến tận thế. Ngài ở lại trong lời của Ngài, qua các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và qua sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội.

Anh chị em thân mến,

Tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại thật lớn lao! Vì yêu thương nên Thiên Chúa đã mạc khải chính mình cho nhân loại. Ngài không chỉ tỏ mình ra để con người nhận biết mà còn để cho con người hiệp thông với Ngài hầu được sống hạnh phúc đời này và đời sau. Mầu nhiệm Ba Ngôi cao cả cũng được nói với con người để làm gương cho con người về tình yêu hướng tha, về sự hiệp nhất sâu sắc trọn vẹn. Đứng trước tình thương bao la của Thiên Chúa, hằng năm Giáo Hội mời gọi chúng ta suy gẫm, chiêm ngưỡng và sống tâm tình hiệp nhất yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng ta chưa hiệp thông với  Chúa và với nhau. Xin Chúa thương đưa chúng ta vào trong tình yêu của Chúa để chúng ta biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen. 

 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh