« Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy » (7.5.2015 – Thứ năm, sau Chúa Nhật V Phục Sinh)

« Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy »
(Ga 15, 9-11)

 

9 Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.

Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.

11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

***

  1. Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa (c. 9a)

Trong bầu khí của Bữa Tiệc Ly, nghĩa là bầu khí của “tình yêu đến cùng”, được Đức Giê-su diễn tả qua cử chỉ rửa chân và nhất là qua bí tích Thánh Thể, Người nói:

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào,
Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.

Tình thương được thông truyền và thông truyền cách trọn vẹn: “thế nào… như vậy”, vì đó là bản chất của tình thương, từ Cha sang Con và từ Con sang anh em của Con. Đây là một mạc khải vô cùng lớn lao về một tình yêu mà không một ai dám nghĩ tới hay mơ tưởng: Chúa Cha yêu mến Đức Giê-su bằng một tình yêu hiền phụ trong Thánh Thần, thì Đức Giê-su cũng yêu mến các môn đệ bằng một tình yêu tình yêu hiền phụ trong Thánh Thần như thế, không thể khác hơn được; Chúa Cha yêu Đức Giê-su hết lòng, hết sức, và trao ban tất cả, thì Đức Giê-su cũng yêu mến các môn đệ như thế, không giảm bớt.

Và tình thương mà Đức Giê-su dành cho các môn đệ và cho mọi người là một tình yêu đến cùng, một tình yêu “hiến mạng vì bạn hữu”, được diễn tả bởi hành vi rửa chân, và ơn huệ Thánh Thể được hoàn tất nơi mầu nhiệm Thập Giá. Tình yêu này đến từ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, như thánh Gioan đã nhận ra và kinh nghiệm sâu xa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8. 16) và “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thi khỏi phải chết” (Ga 3, 16).

Chúng hãy xin được hiểu và cảm nếm tình yêu Đức Giê-su dành cho chúng ta, vì đó cũng chính là tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho Đức Giê-su: vừa thiết thân và gần gũi, nhưng cũng vừa lạ lùng và khôn dò. Chúng ta hãy ngỡ ngàng và không ngừng làm mới lại kinh nghiệm ngỡ ngàng này: tại sao Thiên Chúa đã yêu thương và chọn lựa tôi, một tội nhân bất xứng, như Thiên Chúa đã yêu thương Đức Giê-su, Người Con Yêu Dấu, vô cùng thánh thiện của Người? Không những thế, Thiên Chúa lại còn ước ao tôi ở lại trong tình thương của Ngài, để có niềm vui trọn vẹn nữa. Thật là một điều vô cùng mầu nhiệm và cao quý mời gọi tôi phải khám phá mỗi ngày: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào. Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1).

 

  1. Ở lại trong tình thương (c. 9b-10)

Tiếp đến, chúng ta được Đức Giê-su mời gọi lưu lại trong tình thương của Người, vốn là tình thương thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một lời mời gọi yêu thương, vì thế, Người tôn trọng tự do của chúng ta: chúng ta có thể tự do lưu lại và bỏ đi; và để lưu lại, chúng ta được mời gọi giữ các điều răn của Người.

 

 

(A) Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy (c. 9b) 

(B) Giữ các điều răn (c. 10a)

(A’) Anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy (c. 10b)

Nguồn và mẫu: Đức Giê-su giữ các điều răn của Chúa Cha và ở lại trong tình thương của Người (c. 10c)

 

Để hiểu điều mà Đức Giê-su gọi là “điều răn”, chúng ta hãy so sánh với “lề luật”. Lề luật (tiếng Hi-lạp: nomos) là một nguyên tắc vô hồn, trong mức độ đó là chữ, chứ không phải lời, dành cho nhiều người, và trong mọi tình huống không gian và thời gian. Trong khi điều răn (tiếng Hi-lạp: entolê) là lời dặn dò sống động của một người dành cho một người trong một mối tương quan đặc thù và có chiều dày lịch sử (x. St 2, 25). Vì thế, Đức Giê-su không ban lề luật, nhưng ban điều răn, nghĩa là những lời dặn dò Người dành cho các môn đệ trong bối cảnh bữa tiệc li, nghĩa là bối cảnh “tình yêu đến cùng”, và sau một hành trình đồng hành với nhau đủ dài, được ghi khắc bởi tình yêu nhưng không và lòng tin tưởng.

Trước đó, Đức Giê-su còn nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy” (Ga 14, 23-24). Như thế, ở lại trong tình thương của Người có nghĩa là yêu mến Người. Lời nói này của Đức Giê-su thật đơn sơ và thật nhân tính; thật nhân tính, là bởi vì ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: yêu nhau thì giữ lời nhau; giữ lời nhau thì là yêu nhau! Lời nói đơn sơ và nhân tính, nhưng lại mặc khải cho chúng ta căn nguyên sâu xa của tội nguyên tổ, và vì thế, căn nguyên sâu xa của mọi tội của loài người và của chính chúng ta: đó là không yêu mến. Còn chúng ta, những người sống Giao Ước hôn nhân hay đời tu, như là “lề luật” hay như là “điều răn”? Sống Giao Ước như những “điều răn”, là sống như những lời dặn dò yêu thương của một người dành cho một người trên nền tảng giao ước tình yêu nhưng không.

Khuôn mẫu là cách Đức Giêsu giữ các điều răn của Chúa Cha. Ở đây chúng hãy lấy làm lạ: Đức Giêsu cũng phải giữ các điều răn của Thiên Chúa như chúng ta! Bởi vì đó là sự diễn tả cụ thể của tình yêu.

 

  1. Niềm vui (c. 11)

Và lý do tận cùng của việc giữ điều răn, đó không phải là để trắc nghiệm, thử thách hay làm khó chúng ta để xem chúng ta có xứng đáng hay không, nhưng là niềm vui:

Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy,
và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Theo Tin Mừng Gioan, trong diễn từ biệt ly, Đức Giê-su nói đến niềm vui nhiều lần (x.Ga 15, 11; 16, 20-22. 24; 17, 13). Đặc biệt là sau cuộc Thương Khó, mỗi khi Đức Ki-tô Phục Sinh tỏ mình ra, Người thông truyền niềm vui và bình an cho các môn đệ. Đó là một niềm vui sâu xa và bền vững (x. Ga 17,13; 1Ga 1, 4; 2Ga 12), cho dù phải trải qua những gian truân và thử thách (Ga 16, 20-24; 14, 28).

Như thế, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ, muốn chúng ta ngay hôm nay hưởng niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Điều này hoàn toàn phù hợp với hình ảnh “trái nho và rượu nho” diễn tả và mang lại niềm vui. Điều Ngài muốn chỉ có thể là niềm vui mà thôi, bởi vì là tình thương. Tình thương đem lại niềm vui, niềm vui ngay trong hành vi cho đi tất cả, hy sinh tất cả, dâng hiến tất cả.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc