Sau khi học xong phần khái quát các thư của thánh Phaolô, tôi ngồi thinh lặng để lòng mình lắng đọng và hồi tưởng về bài học mà tôi đã được trải nghiệm. Từ đó, tôi nhận ra một số điều còn đọng lại trong tôi.
Trước hết, khi nói đến các thư của thánh Phaolô, tôi hiểu ngay đó là những bức thư thánh nhân đã viết cho một ai đó mà người viết chính là thánh Phaolô và đối tượng chính là những cộng đoàn, những cá nhân mà thánh nhân muốn gửi đến. Những bức thư đó giúp tôi học hỏi được cách viết thư và bố cục một lá thư phải như thế nào.
Thứ đến, trong những bức thư đó, thánh Phaolô đã chia sẻ cũng như động viên và an ủi những cộng đoàn hay cá nhân sống và giữ vững đức tin. Chắc hẳn thánh Phaolô đã chia sẻ những kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và muốn nói lên lòng khao khát của thánh nhân là muốn những cộng đoàn của mình có được những kinh nghiệm đức tin. Để có được điều đó, ngài phải trải qua những gian nan thử thách và đồng thời cần có niềm xác tín vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chịu tử nạn và phục sinh. Đức Giêsu đã từ bỏ mọi sự để sống kiếp con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa..”(Pl 2,6-9). Thật vậy, qua các thư, thánh Phaolô đã gửi đi cả một trái tim, một tâm tình, một sứ điệp, một tình yêu và một niềm hy vọng. Tất cả những gì ngài viết trong những bức thư đều là những cảm nghiệm được sờ chạm đến một Thiên Chúa. Đó là một đức tin sống động, những lời lẽ cháy bỏng, bởi vì đó là Lời của Thiên Chúa mà ngài đã được mặc khải.Tiếp đến, khi đã học xong phần khái quát các thư của thánh Phaolô, tôi hiểu biết về thánh Phaolô: Ngài là ai? Ngài sinh ở đâu?… Và đặc biệt cuộc đời của thánh nhân như thế nào? Điều thánh nhân đánh động nơi tôi nhiều là: Một con người đang bắt bớ Đạo, bách hại những Kitô hữu một cách không thương tiếc và đối với ông, Kitô giáo là bè phái nguy hiểm, không đội trời chung. Nhưng việc Thiên Chúa làm thật tuyệt với, Ngài đã dùng một kẻ bắt bớ Đạo để trở thành một người loan báo Tin Mừng về một Đức Giêsu Kitô chịu tử nạn và phục sinh. Đây là một cuộc biến đổi tận căn, một cuộc biến đổi cá vị, làm thức tỉnh trái tim chai đá trở thành một con tim biết yêu thương, nhiệt thành hăng say rao giảng Tin Mừng. Nếu ngày xưa thánh Phaolô bắt bớ Đạo mãnh liệt bao nhiêu, thì bây giờ thánh nhân rao giảng Đạo càng hăng say, nhiệt thành hơn gấp bội, thậm chí dùng cả sự sống của mình để làm chứng về Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đã khẳng định rất mạnh mẽ: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi”. Chính nhờ sự trở lại qua biến cố ngã ngựa trên đường Damas bắt bớ các Kitô hữu mà thánh nhân đã gặp Đức Giêsu Kitô phục sinh và chính Ngài đã biến đổi thánh nhân. Để rồi từ đó, thánh nhân đã xác tín niềm tin của mình, và một tình yêu mạnh mẽ đã thúc bách thánh nhân lên đường loan báo Tin Mừng, loan báo Đấng ngài đã được gặp gỡ. Nhờ những kinh nghiệm đặc biệt ấy, thánh Phaolô đã để lại cho Giáo Hội hôm nay một di sản đức tin rất lớn và một nền thần học rất sâu sắc, rõ ràng hơn. Thánh Phaolô đã để lại 13 tác phẩm + 1 trong Tân Ước, những gì thánh nhân đã sống, đã cảm nghiệm và đã gặp gỡ một Đấng đã chịu tử nạn và phục sinh.
Cuối cùng, tôi rút ra được những bài học giúp cho hành trình ơn gọi thăng tiến hơn cả về đức tin lẫn tri thức. Trước hết và trên hết, tôi xác định Đức Giêsu Kitô chính là chóp đỉnh và là cùng đích của cuộc đời tôi. Nhờ đó, tôi cố gắng đi ra khỏi cái tôi ích kỷ và chết đi cho tội lỗi để tình yêu Chúa được lớn lên và triển nở. Và như vậy, tôi sẽ sống nhiệt thành, quảng đại hơn trong ơn gọi của mình. Tôi cũng tin rằng để có lòng tin tưởng và tín thác vào Đức Giêsu Kitô như thánh Phaolô, tôi cần có những cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa.
Tác giả bài viết: Phêrô Hoàng Văn Tùng