Cảm nhận từ bài giảng về lao động của ĐGM Tôma

Về dự lễ mừng kính Thánh Giuse Thợ tại Đền thánh Sa Châu hôm nay, ngoài việc thấy được những phần nổi như sự hiện diện của Đức Cha, quý cha, quý nam nữ tu sỹ và số giáo dân tham dự đông đúc, phần trang trí, tổ chức vv…, tôi có những cảm nhận đặc biệt về nội dung bài giảng của Đức Cha.

Sau khi nêu lên thân thế, sự nghiệp và uy quyền của Thánh Giuse Thợ quan thầy đền thánh Sa Châu, Đức Cha đã vận dụng một số câu dân ca tục ngữ Việt Nam để minh họa chủ đề “Lao Động”.

Giá như Đức Cha trích dẫn những lời bất hủ của các triết gia, thần học gia thì tôi không dám bàn, nhưng đây là dân ca tục ngữ Việt Nam rất gần gũi với cuộc sống nên tôi cảm thấy “chạm mạch”, bởi tôi vốn “nghiện thơ” và thích “khai thác” dân ca tục ngữ để áp dụng vào cuộc sống, nhất là trong lãnh vực truyền thông. Xin hai câu trích dẫn đây trong đó có một câu khen và một câu khuyên:

        “Lấy chồng thợ mộc sướng sao
       Mạt cưa rấm bếp, vỏ bào nấu cơm”

Ta thử hình dung trong gia đình Nazaret, bác thợ mộc Giuse là trưởng gia, “phó gia”- hiền thê là bác gái Maria làm nghề rút chỉ kéo sợi, con trai duy nhất là anh Giêsu.

Kinh Thánh cho biết sau khi đi dự lễ ở Đền thờ Giêrusalem năm 12 tuổi, Chúa Giêsu về sống ẩn dật cùng cha mẹ suốt 18 năm, cho tới năm 30 tuổi mới đi giảng đạo. Theo lẽ thường, chắc chắn Cha Nuôi đã truyền nghề thợ mộc cho Chúa Giêsu để cùng với cha mẹ cần cù lao động kiếm sống, và như thế cũng nghiễm nhiên trở thành “anh thợ mộc” 18 năm tuổi nghề. Nếu ở thời nay, hẳn anh cũng mở một xưởng thợ riêng với tấm biển: “Xưởng mộc gia truyền Giêsu”. Như vậy là trong Gia Đình Thánh có 3 thành viên thỉ cả ba đều là gương mẫu lao động. Thuở bình sinh, Cha Giuse Phạm Xuân Thu quê Đền thánh Sa Châu, chú ruột cha cố Phạm Xuân Thi đã sáng tác bài hát “Lạy Thánh Giuse công nhân là gương mẫu lao động”. Bài hát đã sống với giáo dân Bùi Chu suốt hơn nửa thế kỷ qua. Chúa gọi Cha về lúc còn rất trẻ mới 38 tuổi đời. Giả như Chúa cho cha sống đến hôm nay, chắc ngài sẽ sáng tác thêm nhiều bài hát nữa về thánh nhân và Đức Mẹ.

Câu ca dao không khen “Lấy chồng làm vua sướng sao“; “Lấy chồng làm quan sướng sao“; “Lấy chồng đại gia sướng sao“…mà lại khen “Lấy chồng thợ mộc sướng sao“!. Cái sướng của “lấy chồng thợ mộc” chẳng có gì cao xa, chỉ là có “mạt cưa rấm bếp, vỏ bào nấu cơm“.

Mạt cưa và vỏ bào là những đồ phế thải, nếu không biết thu góp, dọn dẹp sẽ làm cho xưởng mộc trở thành bừa bộn, bụi bặm. Nhưng “bà vợ” nghèo đảm đang đã biến nó thành sản phẩm cần thiết cho cuộc sống thường nhật. Cái khoản “mạt cưa” mà “rấm bếp” thì quả là tuyệt vời, giữ lửa đượm từ tối đến sáng. Ngày xưa, nhất là thời Thánh Giuse làm gì đã có bật ga, hộp quẹt… mà muốn cỏ lửa thì phải “rấm bếp” để giữ lửa. Nếu bác Giuse không làm thợ mộc thì “bác gái” làm gì có “mạt cưa rấm bếp, vỏ bào nấu cơm“. Nếu như “bác gái” không thu vén tận dụng để “rấm bêp, nấu cơm” mà đến bữa ra hàng mua “đồ ăn ăn sẵn” như thời nay thì món “mạt cưa, vỏ bào” thành vô dụng và còn gây bừa bộn, bụi bặm cho xưởng mộc. Ở đây có sự gắn kết hài hòa giữa bác thợ mộc Giuse và người nội trợ Maria trong cuộc sống gia đình. Lửa vật chất để sưởi ấm gia đình trong giá lạnh, để nấu chín đồ ăn thức uống nuôi sống phần xác. Nó cũng là biểu tượng cho ngọn lửa thiêng liêng, ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa kính mến trong tâm hồn gia đình Nazaret.

Câu ca dao thứ 2:

Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.

Đang nói về nghề thợ mộc, Đức Cha lại dẫn câu ca dao nói về nghề làm ruộng. Thoạt đầu nghe như có vẻ lạc đề, giống như một câu chuyện biếm thời xưa. Chuyện kể rằng: Có một ông nhà giàu ưa nói chữ, được bạn mời sang dự bữa cơm thân mật. Mâm cơm được bưng lên, thấy có nhát cá chuối (cá quả, cá lóc), ông khen nịnh: Các cụ bảo “Lý ngư bất ngoạt” không sai, cá chuối tháng ba mới nhìn đã thấy béo” ! Không ngờ ông bạn giỏi chữ nói ngay: “Thưa bác, “lý ngư bát ngoạt (nguyệt)” là các cụ nói về cá chép tháng tám, còn đây là cá chuối tháng ba, giữa mùa cá đẻ chắc không được béo lắm đâu ạ, xin bác dùng tạm”!.

Khác hẳn với ông nhà giàu nói trên, Đức Cha đã khéo vận dụng nội dung 2 câu ca dao để nói lên ý thức và sự cần thiết trong lao động. “Ai ơi chớ để ruộng hoang“… Từ “Ai ơi” tức là của một người khác nhắc nhở người có ruộng, đã có ruộng rồi thì “chớ để ruộng hoang” mà phải gieo trồng mới có sản phẩm nuôi sống được con người; để gieo trồng thì phải tốn công sức, tốn mồ hôi nước mắt; tốn mồ hôi nước mắt mà lao động không có ý thức, không có kỹ thuật thì mùa màng thất bát hoặc công toi.

Câu ca dao nói trên nhắc nhớ ta về thửa ruộng vật chất. Mỗi người Công giáo chúng ta còn có cả một Cánh Đồng Truyền Giáo. Niên giám Tòa thánh cho biết đến cuối năm 2013, số tín hữu Công giáo trên toàn thế giới là 1 tỉ 254 triệu, tức tăng thêm 139 triệu tính từ năm 2005. So với dân số thế giới, tỉ lệ tín hữu Công giáo hiện nay là 17,7%.

Chuá Giêsu là chủ “cánh đồng” này. Mỗi người chúng ta được Ngài giao cho “diện tích canh tác” có giấy chứng nhận “quyền sử dụng đất“. Ví dụ: Ông chủ giao cho ta 1 mẫu, ta mới gieo trồng được 2 sào; giao cho ta 1 sào, ta mới gieo trồng được 2 miếng. Số diện tích còn bỏ hoang đó, khi Ông Chủ hỏi, chúng ta lý giải thế nào để không bị khiển trách hoặc “thu hồi diện tích không hiệu quả” vì Ông Chủ đã nhắc nhở nhiều lần: “chớ bỏ ruộng hoang” và cũng đã chỉ cho chúng ta lợi ích được hưởng: “Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu“. Muốn tiếp tục gieo trồng diện tích ruộng còn để hoang, chúng ta phải “khai hoang phục hóa”. Muốn “khai hoang phục hóa” chúng ta phải dốc toàn lực với những gì mình có, nếu có phương tiện máy móc hỗ trợ thì tốt, nếu không ta dùng liềm, dao, cày, cuốc, đôi khi bằng tay vo, chân dẫm.

“Khai hoang phục hóa” Cánh Đồng Truyền Giáo bằng đời sống đạo của mỗi chúng ta, bằng lời cầu nguyện, bằng những phương tiện hỗ trợ hữu hiệu như mạng internet, truyền thanh, truyền hình để chuyển tải Lời Chúa đến người nhận thông qua các bài viết, bài nói chuyện, âm nhạc, văn thơ, ca dao hò vè tùy theo đối tượng nghe nhìn. Ví như bài giảng của Đức Cha hôm nay, nếu Ngài dùng toàn kiến thức triết học thần học thì chỉ quý cha, quý thầy, quý sơ và một số người có tầm thức hiểu biết cao mới thu hoạch được, còn những người hiểu tầm thấp hoặc tôn giáo bạn thì như “vịt nghe sấm.

Không biết vì Đức Cha thương đoàn con ngồi nghe giảng giữa trời nắng rồi giảng ngắn đi, hay tại tôi mải nghe, mải suy tư bài giảng qua 2 câu ca dao trên mà thoắt cái đã thấy Ngài kết thúc bài giảng trong lúc tôi còn đang muốn nghe.

Ước gì mỗi người trong chúng ta “lao động” trên Cánh Đồng Truyền Giáo tích cực, hiệu quả để cũng được xem là “Gương Mẫu Lao Động” cho người khác.
 

 
Tác giả bài viết: Giuse Đinh Năng