Chiên lành

“Chúa là Mục Tử chăn dẫn tôi” (Tv 23:1).

Khi mình chân nhận Chúa là Mục Tử cũng chính là lúc nhìn nhận mình là Chiên. Nếu người Mỹ coi họ là Đại Bàng, người Anh nhận mình là như Sư Tử, người Á Đông tự hào mình là Rồng, thì người Công Giáo khiêm tốn nhận mình nhỏ bé như là Chiên giữa cánh đồng cuộc đời.

Trời cao dù rộng nhưng không đủ cho hai Đại Bàng cùng tung cánh. Rừng xanh dẫu lớn nhưng chẳng chứa nổi hai Sư Tử, như biển sâu kia dẫu thênh thang nhưng hai Rồng chẳng thể tắm chung. Thế nhưng đồng cỏ dù có chật hẹp thế nào cũng luôn rộng đủ cho cả đàn Chiên. Không có thảo nguyên nào chỉ có một chiên. Chiên ở một mình chỉ khi đó là chiên lạc. Bởi đó, chiên cần có nhau để là bước đi trong đời.

Chiên không chiếm hữu đồng cỏ như Đại Bàng độc chiếm bầu trời, hay như Sư Tử bá chủ rừng xanh. Nơi mà Chiên thuộc về chính là cung lòng của Mục Tử. Thế nên, dẫu bước đi trên đồng cỏ, nhưng Chiên không thuộc về đồng cỏ. Với Chiên, đồng cỏ xanh là điểm dừng chân, là nơi nó thưởng ngoạn lòng nhân lành của Mục Tử hơn hơn là đích đến. Không như Đại Bàng, Chiên không đủ tinh khôn để sải cánh dọc ngang bầu trời, dọc ngang cuộc đời. Nhưng cũng chẳng như Sư Tử, vì Chiên không dũng mãnh đủ để xưng vương rừng thẳm. Sức mạnh của Chiên không ở chính nó, nhưng là nơi người dẫn dắt nó, nơi người Mục Tử. Chiên không Mục Tử chỉ khi đó là Chiên hoang đàng, Chiên mất hướng. Bởi đó, Chiên không chỉ cần có nhau trong đời, nhưng hơn hết, nó cần Mục Tử để là có thể là chính mình.

Bước đi trong đời là trở nên chính mình. Để trở nên chính mình Chiên không tìm theo giấc mộng trời cao. Nó cũng chẳng đắm đuối ước mơ rừng thẳm. Chiên chỉ theo đuổi một bóng hình, đó chính là bóng hình Mục Tử. Cánh tay Mục Tử đã đưa chiên tới nơi đây, đến trong cánh đồng cuộc đời này, thì cũng chính cánh tay ấy sẽ dẫn chiên đi. Và cũng chính cánh tay ấy sẽ nâng chiên lên như một hiến tế tình yêu để tình đời sâu thẳm sẽ tìm về trong tình trời bao la, hòa trong trong tình đất măn mà.

Nguyễn Nhất Cõi