Cuộc truy tìm xác tàu đắm thời thánh Phaolô

Malta, quần đảo nhỏ bé giữa Địa Trung Hải tự hào là nơi hình thành một trong những cộng đồng Công giáo lâu đời nhất thế giới, có nguồn gốc từ câu chuyện liên quan đến hành trình của thánh tông đồ Phaolô.
Cái neo một tấn được khai quật vào năm 2005 do một nhóm khác triển khai - ảnh: Times of Malta
Cái neo một tấn được khai quật vào năm 2005 do một nhóm khác triển khai – ảnh: Times of Malta

 

Trong nhiều thế kỷ, Công giáo cắm rễ một cách mạnh mẽ ở Malta. Tương truyền chính Thánh tông đồ Phaolô đã mang những lời dạy của Chúa đến quần đảo Địa Trung Hải sau vụ đắm tàu vào khoảng năm 60, theo Sách Tông đồ Công vụ ghi lại.

 

Câu chuyện trong Sách Thánh

Tất cả bắt đầu từ một xác tàu đắm, khi Thánh Phaolô đang trên đường đến Rome. Con tàu chở ngũ cốc của chủ tàu người thành phố Alexandria chở theo ngài rời khỏi hòn đảo Crete, nhưng bão tố đã đánh bật con tàu khỏi cuộc hành trình. Sách Tông đồ Công vụ ghi nhận : “Đến đêm thứ mười bốn, chúng tôi đang trôi giạt trên biển Át-ri-a, thì vào quãng nửa đêm, các thủy thủ có cảm giác như đang tới gần đất. Thả dây dò đáy biển, họ thấy sâu hai mươi sải; cách một quãng, họ lại thả dây dò lần nữa, thì thấy còn mười lăm sải. Sợ rằng tàu chúng tôi có thể đụng phải đá ngầm, họ thả bốn chiếc neo ở đằng lái và cầu mong cho trời mau sáng”.

“Đến sáng, họ không nhận ra được đó là đất nào, nhưng thấy rõ một vùng có bãi cát, và tính chuyện cho tàu chạy vào, nếu có thể. Họ mới gỡ các neo bỏ lại dưới biển, đồng thời tháo những thừng cột bánh lái ra; rồi căng buồm đằng mũi lên cho gió thổi, hướng thẳng vào bãi”.

Trong lúc cơn bão vẫn đang cuồng nộ, con tàu đâm phải một bãi cát ở cửa biển và bắt đầu vỡ ra. Gần 300 người trên tàu tìm mọi cách bơi vào bờ, may mắn không ai thiệt mạng, chỉ có thiệt hại về tài sản.

“Được cứu rồi, chúng tôi mới biết đảo ấy gọi là Malta. Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh”, theo Sách Tông đồ Công vụ.

Và cũng nhờ chuyến tàu đắm đó, Kitô giáo bắt đầu được cắm rễ ở Malta và tiếp tục được phát triển qua nhiều thế kỷ. Ngày nay, Malta là quốc gia mộ đạo nhất châu Âu, với 98% dân số là tín hữu Công giáo. Thánh tông đồ Phaolô được thờ kính ở khắp hòn đảo, đặc biệt có vịnh mang tên Thánh Phaolô, nơi du khách có thể viếng thăm Vương Cung Thánh Đường tàu đắm và thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt vời tại vị trí mà hầu hết đều tin rằng là chỗ tàu chở ngài bị mắc cạn gần 2.000 năm trước.

Vịnh Thánh Thomas trên đảo Malta

 

Ngoài Malta là ứng viên số một cho vị trí đắm tàu, Mljet (Mileda), gần thành phố Dubrovnik ở miền nam Croatia, cũng miễn cưỡng lọt vào danh sách này. Tuy nhiên, dựa trên hướng gió vào thời điểm diễn ra cuộc du hành từ Levant đến Rome, nơi thánh Phaolô bị xét xử vì đức tin của mình, Malta vẫn là nơi có khả năng cao nhất. Câu hỏi được giới khảo cổ học hiện đại đặt ra là liệu tàu của ngài có bị đắm ở phía bắc hòn đảo, hay gần vịnh Salini, hoặc sát bãi biển phía nam gọi là Vịnh thánh Tôma ở Marsascala.

Khảo cổ học vào cuộc

Tiến sĩ Timmy Gambin, nhà khảo cổ học biển của Đại học Malta, ghi nhận rằng các hải cảng hiện nay trên đảo hầu hết đều quay sang hướng đông bắc, khiến chúng dễ hứng luồng gió dữ thổi từ hướng này. Việc tái tạo bờ biển cổ xưa của Malta sẽ giúp xác định liệu các tàu bè cập cảng thời đó có được bảo vệ trong mùa đông hay không. Thánh Phaolô được cho là đến Malta vào thời điểm này trong năm. Trước đó, cựu chuyên viên điều tra hiện trường của Los Angeles, Bob Cornuke đã đến Malta và phát hiện những gì kể lại trong Sách Thánh đều không phù hợp với cảnh quan của Vịnh Thánh tông đồ Phaolô. Thế là ông bắt tay vào nỗ lực tìm kiếm suốt 10 năm trời với hy vọng tìm ra câu trả lời, theo đài CBN News.

Ông Cornuke đã tuyển các thợ lặn lành nghề và ngư dân địa phương lùng sục các bãi biển có bờ cát, và nhờ cậy sự tư vấn của tiến sĩ Graham Hutt, một chuyên gia về bão Địa Trung Hải. Một ngày nọ, Cornuke kể lại đã gặp một người tên Ray Ciancio và người này nói : “Này Bob, vào đầu những năm 1960, chúng tôi đào được 4 mỏ neo ở độ sâu khoảng 27,5m”. Vị trí của những mỏ neo này nằm ở ngoài vịnh thánh Tôma, gần bãi cát cửa biển đầy nguy hiểm gọi là Đá ngầm Muxnar. Sau đó họ gởi tặng chúng cho Bảo tàng hàng hải quốc gia Malta, và kết quả phân tích xác nhận đây là những mỏ neo từ thời La Mã, nhưng lúc đó chẳng ai liên kết đến câu chuyện trong Sách Thánh.

Ông Ciancio đã đồng ý dẫn chuyên gia Mỹ đến khu vực đã phát hiện được các mỏ neo. Cornuke hồi tưởng : “Khi đến đó và quan sát kỹ lưỡng địa điểm trục vớt neo, tôi thấy mọi thứ hoàn toàn khớp với những gì đã mô tả trong Sách Thánh”. Có một cái vịnh với bãi biển, một vỉa đá ngầm nơi biển giao nhau. Ông chia sẻ một cách xúc động : “Và khi nhìn thấy mỏ neo, tim tôi như lỡ dịp và nhận ra rằng mình có thể đang đứng trước một cổ vật từng chứng kiến lịch sử trong Sách Thánh”.

Trên đây chỉ là giả thuyết của ông Cornuke, và chưa có thêm chứng cứ nào xác thực cho thấy những mỏ neo này từng thuộc về con tàu chở Thánh Phaolô. Tuy nhiên, các phát triển vượt bậc trong công nghệ hứa hẹn sẽ mở ra hướng tiếp cận mới đối với nỗ lực truy tìm xác tàu đắm lúc trước, và những rô bốt hoặc thiết bị lặn không người lái có thể trở thành công cụ tìm kiếm hiệu quả cho các dự án mới trong tương lai.

LING LANG

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc