“Trưởng thành tâm cảm trong đời tu” – Chuyên đề do Cha Giuse Trần Sĩ Nghị chia sẻ cho chủng sinh Đại Chủng Viện Huế tuần lễ 11-16/05/2015
Trong khuôn khổ đào sâu “linh đạo của linh mục giáo phận” trong “Năm Đời Sống Thánh Hiến”, cha Giuse Trần Sĩ Nghị, S.J, chuyên viên tâm lý, đã hiện diện ở Đại Chủng viện Huế gần một tuần lễ để chia sẻ với các chủng sinh về chuyên đề “Trưởng thành tâm cảm trong đời tu”. Đây là cũng là chuyên đề ngoại khóa nằm trong chương trình đào tạo nhân bản trường kỳ của Ban Giám đốc nhằm mục đích giúp các chủng sinh trưởng thành mỗi ngày mỗi hơn về đời sống tâm cảm và tính dục.
vấn đề thực tế của đời tu hiện nay. Nhiều linh mục, tu sĩ gặp khó khăn trong tương giao và đời sống tâm cảm thể hiện qua những hành vi như nóng giận, khó tính, hưng phấn thái quá, lệ thuộc hay chiếm đoạt tình cảm người khác. Đặc biệt, đam mê tính dục đang trở thành vấn đề nổi cộm đối với các linh mục và tu sĩ hiện nay. Nguyên nhân nào dẫn đến khó khăn này và đâu là những phương thế trợ giúp các linh mục, tu sĩ trưởng thành trong đời sống tâm cảm là nội dung chính của chuyên đề mà cha sẽ trình bày cho các chủng sinh.
Với một thái độ khiêm tốn, nhẹ nhàng, và cách truyền đạt dễ hiểu, cha đã mang đến cho các thầy những kiến thức bổ ích và thiết thực liên quan đến trưởng thành đời sống tâm cảm trong đời tu. Bằng cách trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa vị thuyết trình và học viên, giờ ngoại khóa trở nên sinh động, hấp dẫn và xua đi phần nào cái nắng gay gắt của những ngày đầu hè.
Theo cha Trần Sĩ Nghị, chúng ta cần nhìn con người với cái nhìn tổng quát bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau: sinh lý, tâm lý, xã hội, tâm linh…Các khía cạnh này tương tác và bổ sung cho nhau. Từ khía cạnh tâm lý, một hành vi luôn nhận chịu sự chi phối của nhận thức, cảm xúc, nhu cầu và các giá trị cuộc sống. Cho nên, một hành vi luôn là kết quả của những năng động tâm lý tác động lên con người chúng ta. Biết rõ về những năng động tâm lý là cách thức giúp nhận ra những nguyên nhân tạo nên những vấn đề khó khăn trong đời sống tâm cảm. Nhờ đó, chúng ta mới điều chỉnh hành vi cách đúng đắn và tích cực.
Cha cho biết, người trưởng thành là người có đời sống tâm lý vững vàng. Trưởng thành thì không hệ tại ở tuổi tác, không đồng hóa với sự thánh thiện hay không mất đi xung đột nội tâm. Cách riêng, người trưởng thành tâm cảm là nhờ biết thăng hoa xung năng tính dục một cách gần như tự động, nghĩa là từ cấp độ ý thức kiềm chế đến cấp độ gần như tự động được giải thoát qua những hành động tích cực và sáng tạo. Đó là người biết thiết lập tương giao đúng đắn dựa trên ngôi vị và liên vị, chứ không như đối vật. Người trưởng thành tâm cảm thì đi vào tương giao bằng tình yêu xả kỷ, quảng đại và quên mình. Ngoài ra, cha còn chỉ cho thấy những nguyên nhân gây nên cản trở cho tiến trình trưởng thành tâm cảm trong đời tu.
Trọng tâm của chuyên đề là những phương thế trợ giúp những người sống đời tận hiến vượt qua những đam mê tính dục. Đối diện với xung động này, chúng ta cần phải có ước muốn thực sự để vượt ra khỏi đam mê, cần xác định đâu là những tác hại cho tôi và cho người khác từ đam mê này, và cần thiết nhất là mỗi người phải đối diện với chính bản thân của mình với những khuynh hướng tính dục mà mình thường trải qua.Vì đam mê tính dục là một vòng xoáy khởi đi từ một điểm bắt đầu, dần dần làm cho lý trí lu mờ dẫn đến thỏa hiệp và nhập nhằng; sau đó nó tạo thành một thói quen và hình thành một hành vi đam mê; cuối cùng, nó khiến bản thân cảm thấy xấu hổ, thất vọng và lại tìm điểm khởi đầu để đi vào vòng xoáy mới. Thế nên, hiểu rõ vòng xoáy và quyết tâm cắt đứt điểm khởi xướng là một phương thế cần được lưu ý trong việc chiến đấu với đam mê tính dục. Ngoài ra, việc khiêm tốn đón nhận sự đồng hành giúp đỡ của người khác, xây dựng các mối tương quan lành mạnh và ngăn ngừa sự trở lại của đam mê cũng là những yếu tố nền tảng để vượt thắng đam mê tính dục. Những yếu tố này cần thiết nhưng chưa đủ nếu không có sức mạnh của ý chí và sự tham dự của các yếu tố tâm linh. Đời sống cầu nguyện, phút hồi tâm mỗi ngày, đồng hành thiêng liêng, thường xuyên lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và Hòa Giải là những phương thế tâm linh hữu hiệu đầu tiên và không thể bỏ qua trong việc chống lại đam mê tính dục trong đời tu.
Để kết thúc, cha đưa ra những phương thế trợ giúp các chủng sinh trưởng thành trong đời sống tâm cảm, nhất là đời sống tính dục. Trước hết, cần phải biết lắng nghe bản thân để nhận ra căn tính của mình. Thứ đến, cần luyện tập để có một nhận thức đúng đắn qua việc loại bỏ các thái độ tiêu cực như thành kiến, chạy theo dư luận hay bảo thủ. Người chủng sinh cũng cần phải nhìn con người của mình từ nhiều gốc độ, từ chiều sâu bên trong, và sự linh hoạt cần thiết. Sau cùng, cần luyện tập để làm chủ cảm xúc, biết trao ban và lãnh nhận, biết đồng cảm trong tương giao…
Chuyên đề thật hữu ích và cần thiết vì đã cung cấp những kiến thức căn bản và nền tảng để qua đó giúp cho các chủng sinh trưởng thành hơn về tâm cảm trong đời tu. Hơn nữa, chuyên đề cũng là chìa khóa mở toang cánh cửa cho những ai đang sống trong sự dày vò của những xung động và đam mê tính dục thực sự muốn thoát ra khỏi tình trạng này để có được một đời sống lành mạnh và ý nghĩa hơn. Dù trong một thời gian ngắn, nhưng những gì cha chia sẻ là cẩm nang cần thiết cho các chủng sinh thực sự sống lời khuyên khiết tịnh trong đời tu của mình.
(Đại Chủng Viện Huế, WTGP.Huế 21.05.2015