Vaticanô II: Được cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con của Người và hiệp nhất mật thiết cùng bền chặt với Con mình, Đức Maria đã lãnh nhận nhiệm vụ và vinh dự cao cả là làm Mẹ Con Thiên Chúa, và do đó, được làm ái nữ của Thiên Chúa Cha, cùng làm cung thánh của Chúa Thánh Thần(LG 53).
Trong lịch sử Giáo Hội cũng như trong các nhà thờ công giáo, địa vị của Đức Maria hiển hiện nổi bật hẳn. Đối với người không công giáo, xem ra người kitô chúng ta dành cho Đức Mẹ một uy thế ngang hàng với Thiên Chúa, và dĩ nhiên là hữu hình hơn. Những học thuyết hoặc những phong trào lạc giáo (lạc giáo cũng có nhiều điều đúng lắm chứ!), nhất là Tin lành, đã nhiều lần lớn tiếng chỉ trích các khuynh hướng quá đáng ấy. Trong những thập kỷ gần đây, có thể nhận ra hai hiện tượng đối nghịch: một là bỏ rơi những tập quán sùng mộ đạo đức đối với Đức Mẹ và bớt giảm sự quan tâm học hỏi về Người trên phương diện tri thức, hai là thái độ mê mải với các vụ hiện ra và các sứ điệp của Người; cả hai khuynh hướng không quân bình này đều gây hại cho đời sống Giáo hội.
Nguy hiểm mà những khuynh hướng nói trên đưa tới, là thả mồi bắt bóng rồi cuối cùng đi đến chỗ chỉ còn coi tôn giáo như là một điều gì quá ư trừu tượng hoặc quá lạt lẽo. Mạc khải tỏ rõ cho thấy Đức Maria đóng giữ một địa vị quan trọng trong mối liên hệ mà Thiên Chúa có đối với loài người. Vai trò ấy, công đồng Vaticanô II đã tóm tắt nói lên khi nhận định là: Đức Maria đã lãnh nhận một nhiệm vụ và vinh dự cao cả là được làm mẹ Con Thiên Chúa, và do đó, làm ái nữ của Thiên Chúa Cha, cùng làm cung thánh của Chúa Thánh Thần. Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội” số 53.
Vậy, thử xem đức tin và thần học hiện tại nghĩ gì về Đức Mẹ Chúa Trời. Sau đây là một số tác phẩm căn bản về Maria học, như: tác phẩm tập thể Kexaritomene, Mélanges René Laurentin,Paris, Desclée 1990; Mater Dei et Fidelium, Collect Essays to honor ,Théodore Koehler, University of Dayton, Ohio 1991. “Marie, Étoile de l’Évangélisation, Les XIe Congrès Mariologique et le XVIIIe Marial Internationaux (Huelva, 18-27 Sept. 1992); K. Rahner, Mary, Mother of the Lord, 1958; E.Schillebeeckx, Mary, Mother of the Redemption, 1964; M. Thurian, Mary, Mother of All Christians, N.Y. Herder & Herder 1964; R. Laurentin, Court traité sur la Vierge Marie, Paris, Lethielleux 1967; Idem, Marie, Mère du Seigneur. Les beaux textes de deux millénaires, Paris, Desclée 1984; X. Pikaza, La madre de Jesús. Introducción a la Mariología, Salamanca 1989; G. Gharib et alii, Testi mariani del primo millenio, I,II,III, Roma, Città Nuova Ed. 1990; F.-X., Durrwell, Marie: Méditation devant l’Icône, Paris, Médiaspaul 1990.
Những Vấn Nạn
Suốt nhiều thế kỷ, giáo lý về Đức Maria đã tiệm tiến triển phát song song với cách thức sống đạo và lề lối cử hành phụng vụ, mà không gặp phải một vấn đề đáng kể nào. Tuy nhiên, gần đây Maria học đã phải trải qua một cơn khủng hoảng khá nặng nề, vì một số lý do như sau: trước hết, thần học về Đức Maria đã tập trung hết cả chú tâm vào nơi các đặc ân của Người, làm như tách Người ra khỏi Đức Kitô và Giáo hội, biến Maria học trở thành một giáo trình thần học đơn lập; thêm vào đó lại có ảnh hưởng của phong trào đại kết: nhạy cảm trước các lời phê bình của các anh chị em Tin lành, và muốn phản ứng một cách gọi là tích cực, nhiều người công giáo (nhất là các học giả Kinh Thánh) cố nín lặng, tránh nêu ra các giả thuyết hoặc các tập tục cho là nặc mùi công giáo; và cuối cùng là sự việc giới chú giải đã bị chi phối quá nhiều bởi phương pháp phê bình lịch sử khi bàn về Đức Maria.
Đành rằng mục đích của loài người là sống cho và trong Thiên Chúa. Tuy nhiên, để hiện thực tiêu đích ấy, chính Thiên Chúa đã muốn gặp gỡ với chúng ta qua Đức Maria: Người là cửa Thiên Chúa đi qua để đến với loài người và ngược lại. Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa hằng ở gần chúng ta; thế mà thần học lại lấy các phạm trù siêu hình học để suy diễn về một hình ảnh Thiên Chúa rất là xa vời: về một Đấng hoàn toàn bất biến, bất khả tri luận, toàn năng toàn tri, vô cảm vô tư, v.v., tắt một lời, về một Đấng khác hẳn và ngược hẳn với tất cả những gì thuộc về thế giới loài người, không thể nào đạt tới được.
May mắn thay, đã có Đức Kitô làm trung gian. Nhưng, một lần nữa, con người cũng vẫn còn hiểu lầm về Đấng Trung gian: Đức Giêsu không phải là một vị môi giới giữa Thiên Chúa ấy và loài người; Ngài là trung gian, vì nơi Ngài chính Thiên Chúa của Thánh Kinh. Khi nói về Thiên Chúa của Thánh Kinh, là người ta muốn ám chỉ tới hình ảnh của Thiên Chúa tỏ hiện trong sách Thánh; nghĩa là của một Thiên Chúa gần gũi với dân Ngài, của một Thiên Chúa biết phản ứng trước cảnh khổ đau và bất công của dân Ngài, của một Thiên Chúa hằng đối thoại, hằng kết giao với loài người, hằng biết yêu thương và cảm thông sầu khổ…, tức là về một Thiên Chúa muốn gặp gỡ với chúng ta và con người chúng ta đã trở thành một; bản thân Ngài là chính Thiên-Chúa-ở-với-chúng-ta mỗi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20). Nhưng Đức Kitô là Đấng quá cao cả, với lại Ngài còn là Đấng Thẩm Phán cánh chung, thế nên, con người vốn thấp hèn và tội lỗi vẫn cảm thấy e dè, không dám mạnh dạn đến với Ngài…
Thêm một lần nữa may mắn là đã sẵn có Đức Maria: là người nữ tượng trưng cho lòng dịu hiền nhân ái, khoan dung và dễ mến; là Mẹ hằng sẵn lòng cầu cho … những kẻ có tội. Kết quả là các tín hữu tấp nập tuôn đến với Đức Mẹ, vì họ quan niệm cho Người là nhân từ hơn Chúa Kitô; họ đặt thêm nhiều danh hiệu cho Người, như Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp,Đ. Mẹ Mân Côi, Đ. Mẹ Lộ Đức, Đ. Mẹ Fatima, Đ. Mẹ Lavang,v.v…, đến nỗi một đàng trong các nhà thờ và tại các nhà riêng, có nhiều tượng ảnh khác nhau của Đức Maria hơn là của Chúa Giêsu, và đàng khác, người ta có cảm tưởng là Giáo hội công giáo tin vào rất nhiều Đức Mẹ rất khác nhau. Thánh Bênađô lại nói rằng: de Maria numquam satis, nói về Đức Maria thì không bao giờ cho đủ, thế nên, người ta có khuynh hướng cứ nâng Người lên cao hơn mãi, cứ tăng số những đặc huệ đặc quyền của Người thêm nhiều hơn; tựu trung, khuynh hướng ấy cũng lại làm cho Đức Mẹ trở thành quá thánh thiện, quá siêu việt, quá cao cả xa vời…: một Nữ Vương Thiên Đàng xa xăm; rốt cuộc, con người lại đành phải đi tìm những vị trung gian thấp hơn, gần gũi hơn nữa: đó là các Thánh!
Là những con người thuần túy, đã sống cảnh tội lệ như bất cứ ai khác, nên các Thánh có thể thông cảm hơn với những nhu cầu hằng ngày của con người yếu đuối… Còn có cả những vị Thánh chuyên môn lo điều này cái nọ nữa cơ!, như ông thánh Antôn, ông thánh Máctinô, hay bà thánh Têrêxa, v.v… Người ta tưởng tượng ra một thiên triều giống như triều đình trần thế, hoặc như các cơ chế của một chánh phủ. Nhưng thật ra, các Thánh không gần chúng ta hơn Thiên Chúa đâu; trái lại, chính vì Thiên Chúa gần chúng ta, nên trong Người và trong Chúa Kitô, các Thánh mới có thể gần gũi với chúng ta được. Nếu Đức Mẹ nhân từ, thì chính là vì Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên Đức Mẹ, là Đấng nhân từ vô cùng.
Giáo hội luôn luôn cầu nguyện nhờ Chúa Giêsu Kitô. Nếu chúng ta được phép cầu nguyện nhờ Đức Maria, nhờ các Thánh, thì chính là vì tất cả chi thể của Đức Kitô đều liên đới với nhau, như tín điều các thánh thông công. Khi chúng ta nói là các Thánh thông công, thì điều đó muốn nói là các Thánh nhân, tức là các chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, đều liên đới với nhau, và các điều thánh, tức là các bí tích, công đức, v.v…, đều được thông chuyển, chia sẻ với nhau và cho nhau. Cầu xin một điều gì nhờ Đức Maria hoặc nhờ các Thánh bầu cử, ấy là lấy công đức của các ngài cũng như là của ta, hiệp với công nghiệp của Đức Kitô, mà xin Thiên Chúa ban ơn xuống cho. Đức Maria không có thể ban ơn; chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền ban ơn. Đức Maria là một tạo vật như chúng ta: Người chỉ có thể đón nhận ơn và cầu thay nguyện giúp xin Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta. hằng dạy cho chúng ta biết. Nhiều nhà thần học đã tranh cãi về thành ngữ Đức Maria Trung Gian; và dù công đồng Vaticanô II có gọi Mẹ là Đấng Trung Gian (LG 62), thì cũng vẫn không quên lưu ý cho thấy ngay rằng đó chỉ là một vai trò trung gian phụ thuộc đối với Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Kitô (1Tm 2,5).
Gần đây Giáo hội đã minh định hai tín điều về Đức Maria: tín điều vô nhiễm nguyên tội (năm 1854) và tín điều mông triệu thăng thiên (1950); sự việc đó đã có thể thúc đẩy quá trớn lòng sùng đạo của một số người ưa nhấn mạnh đến các đặc quyền đặc huệ của Đức Maria, đến độ có người công giáo đã coi Mẹ như một vị thần linh độc lập, như một vị phó Thiên Chúa… Dĩ nhiên là thần học không bao giờ quên rằng Đức Mẹ thuộc về Con của Người, các đặc ân đặc quyền ấy là ơn của chính Con ban cho Mẹ, v.v…; nhưng trong cách sống đạo hằng ngày, người ta thường có thói quen trực tiếp cầu xin với Đức Maria mà quên hàm chỉ đến Con của Người; trong cách biểu đạt nghệ thuật qua hội họa hay điêu khắc, lại thấy có nhiều ảnh tượng trình xuất một mình Đức Maria, không còn bế Con như thường thấy trong truyền thống nghệ thuật thời xưa. Đó là một số chi tiết làm cho thần học băn khoăn và cảm thấy có bổn phận cần phải trình bày lại giáo lý cho đúng đắn hơn về địa vị và vai trò của Đức Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, cũng cần nhớ lại lời sau đây của công đồng chung Vaticanô II: Được cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con của Người và hiệp nhất mật thiết cùng bền chặt với Con mình, Đức Maria đã lãnh nhận nhiệm vụ và vinh dự cao cả là làm Mẹ Con Thiên Chúa, và do đó, được làm ái nữ của Thiên Chúa Cha, cùng làm cung thánh của Chúa Thánh Thần(LG 53).
Thánh Kinh Dạy Gì về Đức Maria
Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, và Thánh Truyền đáng kính, đều trình bày ngày một sáng tỏ về vai trò của Mẹ Đấng Cứu Thế trong nhiệm cuộc cứu rỗi, và nêu rõ vai trò ấy ra cho chúng ta chiêm ngưỡng (LG 55). Về Đức Maria trong Thánh Kinh, xin xem A. Serra, E c’era la Madre di Gesù… Saggi diesegesi biblico-mariana (1978-1988), Milano-Roma 1989. Toàn bộ Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa, nhưng luôn luôn được nói qua lời của con người. Tác giả chính là Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng cho các ngôn sứ, các thi sĩ, các sử gia, các nhà xuất bản sách thánh và cho chính văn bản chúng ta đang đọc bây giờ; vì thế, Kinh Thánh hàm xúc những ý nghĩa khá phức tạp: ý của thi sĩ soạn ra Diễm Ca, ý của nhà xuất bản sách ấy như là một phần của bộ chính lục, và ý của một Giáo Phụ kitô chú giải về văn bản ấy chưa chắc đã đồng nhất với nhau; nhưng Thánh Thần giúp cho dân Chúa trong mỗi thời đại thụ hưởng được chân lý dẫn đưa đến cùng đích cứu rỗi cuối cùng. Khi Tân Ước đọc Cựu Ước, thì vinh quang Phục Sinh soi chiếu cho bản văn bằng một ánh sáng mới, và khi Giáo hội đọc cả hai, thì kinh nghiệm ngày nay làm cho việc nhận thức đạt được đến nhiều ý nghĩa sâu rộng khác, mà những độc giả thời trước đã không bao giờ ngờ. Khi nghiên cứu về Đức Maria trong Kinh Thánh, thì cũng phải nhớ đến các điểm đáng lưu ý ấy.
A. Maria học thường đọc Cựu Ước theo kiểu tượng trưng.
Trong thánh sử có những biến cố (như biến cố xuất hành Ai cập), những thực tại (như thành thánh Giêrusalem, như hòm bia, chẳng hạn), những hình bóng (như Người Tôi Tớ Giavê, người Thiếu Nữ Sion), có thể được hiểu nhiều cách khác nhau và áp dụng vào nhiều trường hợp cũng khác nhau. Trong kinh cầu Lôrêtô, Giáo hội xướng danh Đức Maria bằng nhiều tước hiệu khác nhau đã được rút ra từ Cựu Ước; chẳng hạn như ờTháp Đavítở (Dc 4,4), Tháp ngà (Dc 7,4), Cửa Trời (Tv 78,23), Sao mai (Hc 50,6), Hòm Bia Giao Ước (Đnl 10,8. 25.25, v.v.); điều đó giúp chúng ta hiểu phần nào về mầu nhiệm của Mẹ Thiên Chúa. Trong tông thư Marialis cultus (2-2-1974), Đức Paolô VI đã nhắc nhở đến sự việc nhiều Giáo Phụ đã gọi Đức Maria bằng những danh tước khác nhau, như Nơi cư trú của Ngôi Lời, Đền hoặc Nhà Tạm của Chúa,Hòm Bia Giao Ước hoặc Hòm thánh thiện, v.v… (MC, II,1).
Tước hiệu Hòm Bia, chẳng hạn, thì đi đôi với ý niệm về giao ước. Sau khi Giavê kết giao với dân Ítraen qua khế ước trên Núi Sinai, Người đã ra lệnh xây một nơi thánh để cư ngụ ở giữa họ (Xh 25,8). Lúc đầu là Nhà lều, sau là Đền thờ, nhưng cả hai phải che giữ Hòm Bia có khắc Mười Lời (10 giới răn); như vậy, Hòm Bia trở thành dấu hiệu của Giavê hiện diện ở giữa dân Người: Ta sẽ đặt Nhà Tạm của Ta giữa các ngươi, và sẽ không chán ghét các ngươi. Ta sẽ đi đi lại lại giữa các ngươi; Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi, còn các ngươi sẽ là dân của Ta (Lv 26,11-12). Để tỏ rõ một sự hiện diện đặc biệt trong những cuộc thần hiển, thì đã có đám mây che phủ Núi Sinai (Xh 24,16) hoặc Lều Hội ngộ (Xh 40,34-35), hay Đền thánh Giêrusalem (1V 8,10-12).
Căn cứ theo Phúc Âm thánh Luca, Xin xem A. Feuillet, Le Sauveur messianique et sa Mère dans les récits de l’enfance de saint Matthieu et de saint Luc, Città del Vaticano 1990, chẳng hạn. truyền thống công giáo đã áp dụng cho Đức Maria biểu tượng Hòm Bia. Thánh Ambrô-siô viết rằng: Hòm Bia là gì, nếu không phải là Đức Trinh nữ Maria? Sermo 42.6, PL 17.689.; và trong văn kiện được gọi là Trọng sắc vàng Gloriosae Dominae (27-9-1748) chẳng hạn, Đức Bênêđitô XIV đã viết là: [Giáo hội] gọi Người là Hòm Bia Giao Ước bí nhiệm, nơi đó Thiên Chúa đã thực hiện những mầu nhiệm hoà giải chúng ta; nhìn đến Người, là Thiên Chúa liền nhớ lại Giao Ước và không thể quên đi được lòng thương xót của mình.
Như đám mây che phủ đậu trên (epeskíazen) Nhà Lều và như vinh quang Đức Chúa xuống đầy Nhà Tạm (Xh 40,35), sứ thần Gabriel cũng hứa với Đức Maria rằng: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao trùm che chở bà (episkiásei soi) (Lc 1,35); kết quả là lòng dạ bà sẽ tràn đầy với sự hiện diện của Đấng thần thiêng, tương tự như Nhà Lều và Hòm Bia khi có đám mây che phủ đậu trên. Sau đó, thánh Luca trình thuật về việc Đức Maria đi viếng người chị họ của mình, là bà Êlidabét; đoạn trình thuật này song song với chương sáu của sách Samuen cuốn thứ hai, là chương thuật lại việc Đavít chở Hòm Bia từ Baalah đến Giêrusalem: cả hai sự việc trình thuật đều xẩy ra tại Giuđêa; và cả hai đều kể lại niềm hân hoan nhảy mừng sung sướng (2Sm 6,5-Lc 1,41); Hòm Bia trong nhà Obêd-Eđôm và Đức Maria trong nhà Êlidabét đều đã mang lại lời chúc lành (2Sm 6,12-Lc 1,41); Đavít đã kêu lên: Làm sao Hòm Bia Giavê đến trong nhà tôi được? (6,9); còn Êlidabét thì bỡ ngỡ thốt ra rằng: Bởi đâu tôi được hân hạnh Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm? (1,43). Rõ là Thân Mẫu Chúa bây giờ giữ vai Hòm Bia Giavê, vì vậy Êlidabét kính phục Đức Maria như xưa kia Đavít đã tỏ lòng kính trọng đối với Hòm Bia. Cuối cùng, Hòm Bia đã lưu lại tại nhà Obed-Eđôm ba tháng (2Sm 6,11), hệt như Maria cũng đã ở lại với Êlidabét độ ba tháng (Lc 1,56). Tắt một lời, khi Đức Maria thưa lên lời Xin vâng, là Người chấp nhận ý định của Thiên Chúa đề ra để sáng lập giao ước, và Thiên-Chúa-ở-với-chúng-ta đã thực sự hiện diện ở trong Người; và vì đã tin, nên Người đã trở thành tín hữu số một; rồi chính vì thế mà Người đã khánh thành cuộc khai mở giao ước mới. Gioan Phaolô II, Redemptoris Mater, số 17.
Cuộc thăm viếng này tỏ cho thấy một cảnh tượng đầy hạnh phúc, hạnh phúc thiên sai. Maria đầy ơn phúc vội vã lên đường (Lc 1,39), lòng ngập tràn niềm vui, để như thánh Ambrôsiô nhận định chia sẻ ơn viên mãn ấy với người chị họ. Thoạt nghe tiếng chào của Maria, bà Êlidabét đã kêu lớn tiếng (anephônesen: là từ chỉ được Tân Ước dùng đến có một lần duy nhất, tức là trong đoạn trình thuật này), hệt như xưa kia dân Ítraen đã kêu lên trước Hòm Bia (Cựu Ước bằng tiếng Hy lạp cũng dùng động từ anaphônein: 1Sb 15,28; 16,4.5.42; 2Sb 5,13). Toàn bộ văn đoạn này nêu lên cho thấy rằng Đức Maria chính là Mẹ Chúa tôi và thật diễm phúc vì đã tin (Lc 1,43-45). Chúa đây chính là Đấng Thiên sai tất nhiên là với bản tính siêu việt và các từ đã tin thì ám chỉ đến cộng đồng các kitô hữu, nghĩa là Đức Maria tượng trưng cho Hội Thánh các tín hữu: Đức Maria là tín hữu đầu tiên của Giáo Hội. Còn niềm hạnh phúc ngập tràn tâm lòng Đức Maria thì lại tung nnổ vang lên trong bài ca Magnificat (Linh hồn tôi tung hô chúa) để khen ngợi Thiên Chúa vì đã làm những điều to lớn ở nơi một kẻ bé mọn.
B. Giêrusalem là trung tâm của đời sống Ítraen:
Đối với người Do thái, Giêrusalem tượng trưng cho Thiên Chúa hiện diện và quan phòng, cho lời hứa và cho niềm hy vọng. Thành thánh được nhân hóa và được gọi là Thiếu nữ (Con Gái) Sion. Theo kiểu nói Hy bá, để nhân hóa, thì một nước hoặc một thành phố thường được gọi là thiếu nữ, như: thiếu nữ Babylon (Tv 137,8), thiếu nữ Ai cập (Gr 46,11), thiếu nữ Êđôm (Ac 4,21). Núi Sion là đỉnh cao nhất của Giêrusalem, nơi Salomon đã xây cất Đền Thờ, tức là chỗ Hòm Bia lưu ngụ (1V 8,1-8). Bởi đó, Sion có nghĩa là núi thánh (Is 18,7), hoặc là thành Giêrusalem (Is 37,32), và có khi cũng còn có nghĩa là cả toàn bộ Ítraen nữa (Is 46,13); theo cách nói ấy, Thiếu nữ Sion là chính Giêrusalem (Gr 6,2t) và đôi khi là cả toàn bộ dân nước Ítraen (Xp 3,14).
Đức Maria được công đồng Vaticanô II gọi là Thiếu nữ Sion cao sang (LG 55), Xem E.G. Mori, Figlia di Sion e Serva di Jahwé nella Bibbia e nel Vaticano II, Ed. Dehoniane, Bologna 1970. và trong thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Chuộc), khi bàn về hai lời chào của sứ thần Gabriel và bà Êlidabét, Đức Gioan Phaolô II viết rằng: Trong tâm hồn của người `Thiếu Nữ Sion’ này, một cách nào đó, đã hiện lên tất cả `vinh quang của ân sủng’ mà Thiên Chúa Cha quyết định rộng ban cho chúng ta nơi Con yêu dấu (RM,8). Nên chú ý là trong các văn kiện này, từ ngữ Thiếu nữ Sion mang một ý nghĩa khác với ý nghĩa trong Kinh Thánh; ở đây Thiếu nữ Sion không còn chỉ về Giêrusalem hoặc Ítraen nữa, nhưng là chỉ về một thiếu nữ Do thái giữa các thiếu nữ Do thái khác. Ý nghĩa này còn tỏ hiện rõ hơn nữa ở trong tông thư Mulieris Dignitatem (15-8-1988), số 3: Thiếu nữ Sion là một trong các con cái của con dân Ítraen, Maria chính là người thiếu nữ ấy của dân được chọn này…
Trong Cựu Ước, có ba sấm ngôn của các tiên tri Giô-en (2,21-27), Xô-phô-nia (3,14-17) và Da-ca-ria (2,14-15; 9,9-10) kêu mời thiếu nữ Sion hãy vui mừng lên vì Thiên Chúa cư ngụ ở giữa họ; Mt 21,5 và Ga 12,15 áp dụng lời của Dacaria cho cuộc Đức Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Nhiều nhà chú giải nhắc nhở lại rằng trong văn bản của Luca, Đức Maria cũng được giục giã để vui lên: Hãy vui lên, hỡi ai đầy ân sủng! (khairê, kêkharitômênê!); cách tế nhị, thánh Luca đã soạn ra một thứ miđrash (dụ ngôn giải thích) để áp dụng các sấm ngôn ấy cho bản thân Đức Maria. Như vậy, thánh Luca đồng nhất hóa Trinh nữ Nadarét với Thiếu nữ Sion, là Giêrusalem mới, tượng trưng cho toàn thể Ítraen; nói cách khác, Người là phần kiên trung còn lại của Ítraen, Trong Cựu Ước, ý niệm phần còn lại(reste, remnant) biểu trưng cho lòng trung thành của Giavê. Dù Thiên Chúa có phạt dân bất trung; nhưng vẫn còn có một nhóm kiên trung giữ Luật, và nhờ họ, mà Thiên Chúa xót thương tất cả: xem Ds 14; Is 1,9; 4,3; 6,13; 7,3; Gr 24; Ed 48; Dcr 8,11t; Mk 5,6. hiện thân của phần dân hèn mọn, khiêm hạ, chỉ biết cậy trông vào lòng xót thương hải hà của Thiên Chúa mà thôi (xem Xp 3,12-13): Đức Maria là hiện thân cho niềm hy vọng ấy của dân Chúa.
Giêrusalem cũng được gọi là Mẹ của muôn dân. Vì bất trung với Giao Ước, dân Ítraen bị phát tán (xem Đnl 4,25-27; 28,62-66) và trở thành con cái tản mác của Thiên Chúa. Khi thời lưu đày kết thúc, Thiên Chúa đoàn tụ họ lại, và hứa sẽ tuôn đổ Thần Khí của Ngài trên họ, làm cho họ nhận biết Ngài là Thiên Chúa của họ (Ed 39,26-29); hơn nữa, Giavê cho dân ngoại gia nhập cộng đồng Ítraen và được thờ phượng Ngài (Is 14,1: 60,3t): Ngày ấy, đông đảo các quốc gia sẽ quyến luyến Giavê, và họ sẽ là dân của Ta, và Ta sẽ lưu ngụ ở giữa ngươi (Dcr 2,15). Như vậy, thành Giêrusalem được coi như là lòng dạ người mẹ với Đền Thờ làm nguồn sống cho vô số con cái đến phụng tự Thiên Chúa duy nhất (xem Is. 60,1-9; Tv 87; Tb 13,11-13).
Những hình bóng ấy được áp dụng cho Đức Kitô và Mẹ của Ngài. Theo Gioan, Đức Giêsu chết là để thâu họp các con cái tản mác của Thiên Chúa, cả Do thái lẫn dân ngoại (Ga 11,51-52), vì những ai đón nhận Ngài, thì được quyền làm con Thiên Chúa (1,12); họ tập hợp trong thành Giêrusalem mới, mà thánh Phaolô gọi là Giêrusalem trên cao, mẹ chúng ta (Gl 4,26). Trong Giêrusalem này, Đền thờ là chính Chúa Kitô (xem Ga 2,19-22; Kh 21,22). Con cái của Giêrusalem mới là các môn đồ của Đức Giêsu. Và như tiên tri đã từng nói với Giêrusalem cũ là: Hãy nhìn các con cái ngươi được thu họp từ nơi mặt trời lặn cho tới nơi mặt trời mọc (Br 5,5; x.4,37; Is 60,4), thì Đức Kitô cũng nói với Mẹ mình là: Hỡi bà, này là con bà (Ga 19,26-27), lời mà truyền thống hằng không ngừng hiểu là có ý nghĩa chỉ về sự việc Đức Maria là Mẹ của toàn thể các môn đồ Đức Giêsu, của toàn thể Giáo hội vậy. Những tước hiệu của bà mẹ Giêrusalem xưa kia, bây giờ được áp dụng cho bà mẹ Maria. Trong tông thư Ineffabilis Deus (8-12-1854), khi minh định tín điều Đức Maria đã được thụ thai vô nhiễm nguyên tội, Đức Piô IX cũng đã nhắc lại về sự việc các Giáo Phụ thường dùng lời của các tiên tri mà gọi Đức Maria với nhiều danh hiệu khác nhau, như Bồ câu trắng bạch, Giêrusalem thánh thiện,ở Ngai cao tinh tuyền của Thiên Chúa, v.v…
Qua bài ca Magnificat, Đức Maria không chỉ cảm tạ vì những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi Người, mà còn trong cả toàn bộ lịch sử của Ítraen nữa. Bài ca ấy đi song song với bài ca của bà Anna trong Cựu Ước (1Sm 2,1-10): phần một (Lc 1,46-50) đề cập đến tình trạng bản thân Đức Maria; còn phần hai (Lc 51-55) thì nói lên những lời của người Thiếu nữ Sion cánh chung, tức là xác nhận cho thấy rằng những gì dân Chúa hy vọng mong chờ bấy lâu, đã trở thành hiện thực ở nơi mình: Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Ngài, như đã hứa cùng cha ông chúng ta… Từ nay, những ai là hèn kém, khiêm hạ, đói nghèo sẽ nhìn đến và ca khen Nữ tỳ này, vì những việc kỳ diệu Chúa đã làm cho Người.
C. Theo Kinh Thánh, Đức Maria là người phụ nữ tuyệt vời.
Đức Gioan Phaolô II thường dùng danh tước người Phụ Nữ của Kinh Thánh mà chỉ về Đức Maria, và đã đặc biệt căn cứ theo St 3,14; Ga 2,4; 19,26, để tóm kết tư tưởng của ngài như sau: Sự hiện diện đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Hội Thánh, làm cho chúng ta nghĩ đến mối liên hệ đặc trưng giữa người `phụ nữ’ này và toàn thể gia đình nhân loại. Mulieris Dignitatem, số 2.Lịch sử cứu chuộc bắt đầu tại trong vườn địa đàng, với lời hứa: Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người phụ nữ, giữa dòng giống ngươi và dòng giống bà. Dòng giống bà sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi thì sẽ táp lại gót chân (St 3,15). Theo nghĩa đen, lời này nói về người phụ nữ Evà và dòng giống bà, tức là về những con người sẽ trung thành theo đường lối Chúa và nhờ thế, sẽ thắng được các lực lượng tội ác. Trong bản dịch Hy lạp (LXX), dòng giống dùng ở số ít, muốn ám chỉ về một cá nhân; còn bản dịch Aram của targum Palestin thì hiểu dòng giống ấy là Ítraen trung kiên giữ Luật Môsê. Trong Tân Ước, sách Khải huyền, chương 12, đã đọc lại đoạn St 3,15 theo ánh sáng của Kitô học và Giáo hội học: con rắn là ma quỷ (Kh 12,9), còn dòng giống của Bà là những kẻ nắm giữ lịnh truyền của Thiên Chúa và mang ở nơi mình dấu chứng của Đức Giêsu (12,17). Tác giả trình tả về người phụ nữ đang thai nghén và kêu la đau đớn vì quằn quại sinh con (12,2); con trai Bà đã sinh ra được cất bổng lên nơi Thiên Chúa (12,5). Đó là ai? Các nhà chú giải so sánh đoạn này với Ga 16,21-22, và kết luận rằng: Bà đau đớn sinh con tượng trưng cho mầu nhiệm Vượt qua, giờ của Đức Kitô chịu chết và sống lại. Hơn nữa, theo Công vụ các Tông đồ, Giáo hội đã dùng các Tv 2 và 110 để giải thích rõ về mầu nhiệm phục sinh; thế thì, giống như các câu mở đầu Tv 2,8.9 và 110,1, Kh 12,5 chỉ về Đức Kitô lên Trời vinh hiển. U. Vanni còn đề nghị một cách giải thích khác: Bà sinh con ấy là mỗi một cộng đồng kitô trong lịch sử, đang chịu khổ giữa những gian truân bách hại, để sinh ra Đức Kitô cho xã hội (xem Kh 12,13-18). Ugo Vanni, La decodificazione del `grande segno’ in Apocalisse 12,1-6 trong Marianum 40 (1978) 121-152.
Trong hình ảnh người phụ nữ Khải huyền ấy, có còn chỗ cho Đức Maria hay không? Truyền thống của Giáo hội đã trả lời là có. Đức Gioan Phaolô II minh nhiên áp dụng dấu lạ vĩ đại trên trời trong sách Khải huyền cho Đức Mẹ hồn xác lên trời, như vẫn đọc thấy trong ca nhập lễ ngày 15 tháng 8. Xem Redemptoris Mater, số 50. Thần học thì nêu rõ những điểm sau đây: a) Nếu Bà của Kh 12 ám chỉ về giờ của Đức Kitô, thì cũng cần phải nhớ rằng bên cạnh thập giá, trong giờ ấy, đã có Đức Maria đứng đó cùng với môn đệ dấu yêu đại diện cho các môn đồ của Chúa; b) Bà có mặt trời bao quanh tất sẽ làm cho liên tưởng đến và thật sự có liên quan với Đức Trinh Nữ đầy ơn sủng (Lc 1,28), Người Trinh nữ có tình yêu của Mặt Trời công chính là Thiên Chúa bao phủ; c) nếuu Bà sinh con của Kh 12 ám chỉ dân Chúa, là dân đã sinh ra Đấng Thiên Sai, thì trong lịch sử, chính Đức Maria, người Thiếu Nữ Sion, đã thực sự sinh hạ Đấng Mêsia; thế nên, biểu tượng ấy cũng có thể chỉ về người nữ đang sinh Con tại Bêlem; d) nếu Bà đau đớn ấy tượng trưng cho các tín hữu phải chịu khổ vì đức tin, thì Đức Maria, người đã tin trước hết và một cách đặc thù, cũng đã chịu lưỡi gươm đâm thâu (Lc 2,35), vì lòng tin ấy có khi đã không hiểu thấu được thân phận của Con mình (xem Lc 2,48-50); e) Kh 12,1t tượng trưng cho Giáo hội bị áp bức; nhưng cũng đừng quên rằng Đức Maria là phần tử đặc trưng của Giáo hội Giêrusalem (Cv 1,14), một Giáo hội đã phải chịu truy hại rất sớm (Cv 4,4t; 5,17t; 6,9t,vv); f) cuối cùng, mỗi một lần nhìn lên mẹ-Giáo hội, hiền thê của Con Chiên và là Giêrusalem trên trời (Kh 21,1t), là hiển nhiên trong hình ảnh ấy, bao giờ người tín hữu cũng nhận ra bóng dáng Đức Mẹ hồn xác lên trời, đại diện cho toàn bộ cộng đoàn tín hữu kitô bên ngai Thiên Chúa.
Như thế, Đức Maria là người phụ nữ của thời khởi nguyên cũng như của lúc kết cục chương trình cứu chuộc. Và cả nơi tâm điểm của chương trình đó nữa, cũng vẫn có mặt của người phụ nữ ấy. Trong thư gửi giáo đoàn Galata, thánh Phaolô viết: Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình đến, sinh làm con của một người phụ nữ… (Gl 4,4). Như vậy, Kinh Thánh đã muốn ám chỉ đến vai trò của Đức Maria theo tư cách là phụ nữ, trong công trình cứu rỗi của Đức Kitô. Phúc Âm thánh Gioan nêu rõ việc can thiệp của người phụ nữ (Ga 2,4) bên cạnh Đức Kitô tại Cana, khi Ngài bắt đầu cuộc đời công khai, và cho thấy việc can thiệp ấy làm cho giờ của Đức Kitô dù chưa tới lúc đến, thì cũng đã phải đến trước kỳ hạn; rồi một khi giờ đã tới thật sự và công trình đã hoàn tất (Ga 19,30), thì Ngài phó thác môn đồ yêu dấu (tượng trưng cho toàn thể cộng đoàn kitô) cho bà (câu 26). Đã đành, đó là một vai trò làm trung gian; nhưng, nếu đã nhấn mạnh nhiều như thế đến tính cách bà, thì chắc hẳn Kinh Thánh muốn nêu bật cho thấy nữ tính chính là đặc điểm của vai trò Đức Maria đóng giữ trong phương án của Thiên Chúa. Và có lẽ vì nữ tính thường mang phẩm chất thi vị, cảm thụ, trực giác, hơn là duy lý, cho nên các đoạn văn ám chỉ về Đức Maria thường được cấu kết theo thể dạng bóng bảy, đa nghĩa, hàm ý, và những kết luận thần học thì thường được rút ra từ những cảm nhận trực nghiệm hơn là từ cách thức suy diễn chặt chẽ. Đúng như Đức Gioan Phaolô II nhận định, Đức Maria là người phụ nữ đại diện và nguyên mẫu của toàn thể nhân loại: là bản thể của chính nhân tính mà hết thảy mọi con người trong nhân loại đều có chung …Mulieris Dignitatem,số 4; nhưng đàng khác, Người cũng là biểu tượng nêu cao nữ tính của chính Thiên Chúa.
Mẹ Đồng Trinh
Trong lãnh vực này, tín điều căn bản là chính mệnh đề sau đây của kinh Tin kính: [Đức Kitô] đã sinh ra nhờ Chúa Thánh Thần, bởi Đức Trinh Nữ Maria (DS 10: …natus est de Spiritu Sancto ex Maria virgine). Đức Maria là Mẹ của Đức Giêsu: đó là điều hiển nhiên. Nhưng hơn nữa, Giáo hội lại còn tin rằng Người là Mẹ Thiên Chúa, và là Mẹ đồng trinh.
Mẹ Thiên Chúa
Lời chào của sứ thần Gabriel báo cho biết là hài nhi sắp sinh ra sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa (Lc 1,35); nói cách khác: là Đấng Thiên sai, Đấng Mêsia. Những tước hiệu cao cả (câu 32) và thánh (c.35) chỉ về tính chất siêu việt, cũng như lời của bà Êlidabét thốt lên thân mẫu Chúa tôi (c.43): tất cả đều làm cho độc giả kitô hiểu rằng Đấng ấy phải là một Đấng cao cả hơn Vị thiên sai Do thái. Giáo hội hằng suy nghiệm như thế này: Đức Maria là mẹ của Đức Giêsu; mà Đức Giêsu là Thiên Chúa; thành thử Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Liên hệ mẹ con là liên hệ của ngôi vị đối với ngôi vị, chứ không phải là liên hệ giữa hai bản tính: một người mẹ không phải là mẹ của xác thể hoặc của bản chất con mình, nhưng là mẹ của chính cá nhân người con; cũng vậy, Đức Maria là Mẹ của Đức Giêsu, là Ngôi Lời, là Ngôi Hai trong Tam Vị Thiên Chúa, là Mẹ Thiên Chúa vậy. Để ứng đối với lạc giáo Nestôriô, công đồng Êphêsô (năm 431) đã định tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, và đã dùng đến một tĩnh từ nghe qua hơi chói tai là theotókos (sinh Thiên Chúa) hầu nhấn mạnh đến chân lý ấy. DS 251; sau đó, tín điều đã được công đồng Canxêđôn nhắc lại (DS 301), cũng như đã được công đồng Vaticanô II trình bày trong Hiến chế tín lý về Giáo hội, chương VIII. Xin xem thêm thông điệp Redemptoris Mater, số 4, 31-32, và tông thư Mulieris Dignitatem, số 4. Đó là tín điều đặc trưng của Giáo hội công giáo cả bên Tây lẫn bên Đông phương. Xem A. Kniazeff, La Mère de Dieu dans l’ÉgliseOrthodoxe, Paris, Cerf 1990.
Trong thời đại chúng ta, để tránh những ngộ nhận bất lợi từ phía các anh chị em không công giáo, có lẽ tốt hơn là nên dùng danh hiệu Mẹ Đức Kitô hơn là danh hiệu Mẹ Thiên Chúa. Nhưng thế nào đi nữa, thì cũng phải ý thức rằng các đặc ân đặc quyền hết thảy của Đức Maria đều phát nguyên từ nguồn suối thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, và nếu chúng ta có tán dương, chúc tụng, có kêu khấn đến Người, thì chính vì Thánh Maria là Đức Mẹ Chúa Trời vậy.
Đồng Trinh
Ngày nay mà nói về một người mẹ đồng trinh, thì sẽ gặp phải vấn nạn phản ứng nhiều hơn là ngày trước. Việc trinh sản xem có vẻ thần thoại, và những người chống đối thường nêu lên không biết bao nhiêu là trường hợp tương tự gặp thấy trong lịch sử các tôn giáo. Ngày xưa, Pharaô, vua Ai cập, cũng đã tự xưng là Con Trời; có truyện kể lại rằng Zôrôastrô, vị sáng lập bái hảo giáo, cũng đã sinh ra từ một người mẹ đồng trinh; rồi truyền thuyết về Đức Phật cũng trình thuật tương tự như thế; còn về Đức Giêsu thì sao? Các bài tường thuật của Tân Ước thì đã kết tinh ngay khi nhiều người từng quen biết Đức Giêsu trước kia vẫn còn sống: khó mà giả mạo được. Các tác giả trình thuật đều là người Do thái, đều quan niệm về một Thiên Chúa hoàn toàn siêu việt, không thể nào hòa lẫn với tạo vật được; hơn nữa, họ gớm ghét những chuyện thần thoại, coi đó như là những gì đáng ghê tởm; mẫu mực của họ là lịch sử Cựu Ước: nhưng trong Cựu Ước thì chẳng có một trường hợp nào nói về một người mẹ đồng trinh cả, và quan trọng hơn nữa không một lời tiên tri nào, không một niềm hy vọng nào mang bóng dáng ám chỉ tới sự việc người mẹ của Đấng Thiên sai sẽ là đồng trinh. Vậy, sở dĩ họ đã trình thuật như thế, thì chính là vì họ đã đích thân nghe tận tai, thấy tận mắt những người làm chứng như vậy.
Phúc Âm thánh Luca (1,35t) nói rõ về việc Đức Maria sẽ thụ thai một cách kỳ diệu: Người nói mình không biết đến, không có (liên hệ với) người nam, nhưng sứ thần trấn an nói rằng: Thánh Thần sẽ đến trên Người và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Người, ám chỉ tới đám mây bao phủ Nhà tạm với Hòm bia giao ước (Xh 40,35); cho nên, điều mà loài người không thể làm nổi (thụ thai không có người nam, hoặc do một người nữ son sẻ), thì Thiên Chúa có thừa sức để làm (c.37). Có những nhà chú giải, sau khi đem so sánh với Ga 1,13, đã hiểu câu 35b: tò gennômenon hágion: sự sinh ra thánh như là một lời hàm chứa ý nghĩa của sự việc sinh sản kiên trinh. I. de la Potterie, Il parto verginale del Verbo incarnato: `non ex sanguinibus…, sed ex Deo natus est’ (Gv 1,13), trong Marianum 45(1983) 127-174; xem P. Hofrichter, Nicht aus Blut sondern monogen aus Gott geboren, Echter Verlag, Wuerzburg 1979.
Thánh Mátthêu 1,18-25 khẳng định rõ ràng rằng: trước hết, thánh Giuse không phải là cha đẻ của Đức Giêsu, mặc dầu thánh sử cho biết Đức Giêsu là con của Đavít bởi dòng tộc của Giuse (1,16); trong bản gia phả, Mt đã đều đặn nêu lên sự việc ông này sinh ông nọ; nhưng lạ thay, khi đến lượt Giuse, thì Mt không nói tiếp: Giuse sinh…, mà lại đổi cách nói thành: Giuse là bạn của bà Maria… Và câu 18 còn lưu ý rõ hơn nữa để nói rằng dù đã kết hôn với nhau, thì trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Dù sau này người ta có giải thích thế nào đi nữa, thì không một ai có thể phủ nhận được là Mt 1,18t đã thực sự khẳng định rõ về điểm này. Trong cuốn nổi tiếng mang nhan đề The Virginal Conception andBodily Resurrection of Jesus, (New York 1973), R.Brown đã kết luận rằng nếu chỉ nghiên cứu Kinh Thánh một cách thuần túy khoa học mà thôi, thì không thể nào giải đáp được vấn nạn này; nhưng đức tin vẫn còn có chứng tá của truyền thống nữa. Đáng chú ý nữa là câu Mt 1,23: Này, trinh nữ sẽ thụ thai…, trưng dẫn lời Is 7,14. Trong tiếng Hy pri, có từ `almah’, nghĩa là thiếu nữ và ám chỉ tới sự việc Abia, vợ của vua Akhaz, sẽ thụ thai làm mẹ của Êdêkya (2V 18,2); Mt áp dụng sấm ngôn ấy cho trường hợp của Đức Kitô, là Emmanuel thật, và dẫn lời theo bản LXX đã cố ý dịch từ `almah’ ra `parthenos’, nghĩa là đồng trinh: Mẹ của Đấng Emmanuel là một trinh nữ.
Dù nhận là Trinh nữ Maria đã thụ thai Đức Kitô, thì trong số cũng còn có nhiều người vẫn không chịu nhận Đức Mẹ là trọn đời đồng trinh. Lý do theo họ, là vì Tân Ước đã nói đến các anh chị em của Đức Giêsu. Xem các câu: Mc 3,31-32ss; 6,3ss; Cv 1,14; 1Cr 5,5; Gl 1,19. Sở dĩ Giáo hội tuyên tín về Đức Maria trọn đời đồng trinh, là vì từ những thế hệ đầu tiên, ngay khi những người quen biết Đức Giêsu vẫn còn sống, các tín hữu kitô đã không ngừng tin nhận và tuyên xưng như vậy. Trong phụng vụ, Giáo hội dùng từ aeiparthenos trong tiếng Hy lạp, và từ semper virgo trong tiếng Latinh, để xướng danh Đức Mẹ; cả hai từ ấy đều có nghĩa là trọn đời đồng trinh (xem Vaticanô II, LG 52). Giáo lý ấy đã từng được công đồng Cônstan-tinốp II chuẩn nhận (năm 552: DS 427) và công đồng Latêranô (năm 649: DS 503) tuyên dạy. Anh chị emở Tân Ước nói tới đây, là anh chị em họ, như có thể thấy rõ trong trường hợp của Giacobê và Giuse (Mt 13,55) là hai người con của Maria khác (Mt 27,56); ngoài ra, nếu Đức Maria đã có những người con khác nữa, thì Đức Giêsu sẽ không thể làm một hành động bất hiếu như thế, tức là phó thác Mẹ mình cho Gioan là một người không phải anh em ruột thịt trong gia đình mình. Về điểm giáo lý này của Giáo hội, xin xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, các số 496-507. Đó là chưa nói tới sự việc trong Cựu Ước, Abraham đã nói với Lot, người cháu gọi ông bằng bác, là: Chúng ta là anh em mà! (St 13,8). Thực ra, đó không phải là một vấn nạn đối với người Châu Á hằng quan niệm rằng: Tứ hải giai huynh đệ.
Maria: Kẻ đã tin
Phúc Âm còn muốn cho chúng ta chú ý tới một đặc nét khác của Đức Maria: đó là lòng tin. Bà Êlidabét đã thán phục thốt lên: Em thật diễm phúc vì đã tin… (Lc 1,45). Hơn cả Abra-ham, tổ phụ của những kẻ có lòng tin, Maria là hiện thân của lòng tin hoàn hảo. Xem Ibid. số 148. Nếu không có đức tin, thì dù có làm Mẹ Thiên Chúa cũng chẳng được lợi ích gì. Khi một bà kia kêu lên: Phúc thay bà mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!, Đức Giêsu liền trả lời ngay rằng: Phải, nhưng phúc còn lớn hơn nữa cho những ai biết nghe và noi giữ lời của Thiên Chúa (Lc 11,27-28). Truyền thống thường nhắc lại lời sau đây của thánh Âugutinô: Khi tin nhận Đấng Kitô, thì Maria có phúc hơn là khi đón nhận xác thể của Đức Kitô. De sancta virginitate, 3.
Trân trọng chào mừng: Kính mừng, hỡi ai đầy ân sủng! (kekharitôménê) là thiên sứ Gabriel vén mở cho thấy kết quả của lòng tin nơi Đức Maria, của niềm tin tưởng đặt cả ở nơi Thiên Chúa. Động từ kharitóô (kekharitôménê là động tính từ quá khứ thụ động) có nghĩa là làm cho ai đáng được sủng ái (xem Ep 1,6); vì vậy, Đức Maria được chào kính như một người đã được Thiên Chúa thanh luyện, Thánh Sôphrôniô, Oratio II in Annuntiatione, 25, PG 87/3,3248. đã được thánh hóa nói theo lề lối diễn đạt của truyền thống nhờ ơn trinh khiết hầu sửa soạn cho Người trở nên Mẹ Đấng Thiên sai. Lời nói rằng: tôi không biết đến người nam, để lộ thực trạng hiện sinh của đời Đức Maria, thực trạng sống đồng trinh, và vì tin tưởng vào Thiên Chúa, nên Người ao ước được tiếp tục sống như vậy. Lòng trinh tiết ấy là biểu tượng của đức tin, của niềm xác tín tin rằng chẳng có gì mà Thiên Chúa không làm được (Lc 1,37 đối chiếu với Mc 9,22); còn đức tin nơi Maria là thành quả của chính ơn sủng Thiên Chúa ban, là phần hành động của tự do con người ứng đáp đối với ơn thánh, là phần con người hợp tác vào trong công trình hiện thực hóa mầu nhiệm nhập thể.
Bấy giờ Maria mới có thể thưa Xin vâng. Lời này thâu tóm toàn bộ kinh nghiệm đức tin của Cựu Ước. Tinh túy của đức tin Ítraen là thái độ đón nhận giao ước: Sau khi lắng nghe Môsê trình bày về các điều khoản trong khế ước giáo kết với Giavê, toàn dân đồng thanh đáp thưa: Tất cả những gì Giavê đã phán bảo, chúng tôi xin làm theo (Xh 19,8; 24,3.7). Đó chính là lời fiat/xin vâng của Ítraen, là lời đã làm cho dân Ítraen trở nên hiền thê đính ước của Giavê (xem Ed 16,8); và Thiên Chúa chỉ muốn có một điều duy nhất ở nơi họ, là họ trung thành giữ lời thề hứa ấy (Đnl 5,28-29). Như Giavê đã dùng Môsê làm trung gian mà trao đổi giao dịch với Ítraen, thì Ngài cũng dùng sứ thần Gabriel làm trung gian để hỏi ý Đức Maria. Như xưa kia dân Ítraen đã ứng đáp: Chúng tôi xin vâng giữ lời Ngài đã truyền, Gs 24,24; xem những công thức biểu đạt tương tự như nhau trong Xh 19,8; 24,3.7; Er 10,12; Nkm 5,12v và 1Mcb 13,9. thì bây giờ, người Thiếu Nữ Sion là Maria, hiện thân của Ítraen trung tín, cũng thưa lên: Tôi xin vâng như lời sứ thần truyền, và như thế là giao ước mới khởi đầu.
Tự bản chất, đức tin thì tối tăm và hằng đặt tâm trí vào trong tình trạng tự hủy (kenosis). Sau những ngày Bêlem tràn ngập ánh sáng, Maria bế Con vào Đền Thờ để chu tất Lề Luật (Xh 13,2.11-16): là nữ tì của Chúa thì phải giữ Luật, không ỷ vào các đặc quyền mà thoái thác; ở đấy, Người phải nghe sấm ngôn u ẩn cụ già Symêon nói: Này! Con bà… sẽ làm dấu gợi lên chống đối, và hồn bà, mũi gươm sẽ đâm thâu… (Lc 2,34-35). Lời kia, lời tiên báo mà Đức Gioan Phaolô II gọi là lời truyền tin thứ hai cho Đức Maria, Redemptoris Mater, số 16. áp dụng cho Đức Mẹ sấm ngôn của Êdêkien nói với Ítraen, Tiên tri lên tiếng chống lại Ítraen tội lỗi: Nếu tôi đem gươm đến phạt xứ ấy và bảo: Gươm hãy rảo khắp xứ… 14,17. và để lộ cho thấy hai mặt của đức tin: bộ mặt rực rỡ (tin vào Thiên Chúa toàn năng), và bộ mặt ưu sầu (cảm nghiệm về sức năng tác hại của tội lỗi). Lời tiên báo kia không những ám chỉ tới các nỗi thống khổ cá nhân của Mẹ vì Con mình phải chịu khổ nạn hoặc là vì dân Chúa chối từ Đấng Thiên sai, mà còn và nhất là ám chỉ đến việc Đức Maria sẽ thông phần vào trong kinh nghiệm chia rẽ đau thương của dân mình: gươm tức là phân cắt, chia tách giữa đức tin (Lc 1,45) và thái độ bỡ ngỡ (2,33.47) không hiểu (2,49t); tuy nhiên, trong khi vì đó mà Ítraen sa vào cảnh nghi ngờ bất trung, thì Maria lại vẫn kiên vững trung tín. Trong đời sống hằng ngày, Maria đã phải chịu cảnh không thấy được các lời hứa sẽ ứng nghiệm như thế nào, không hiểu thấu được Con mình: lúc ở nhà Nadarét thì Đức Giêsu xem ra chẳng làm gì to tát; khi ra cuộc đời công khai, thì cũng không có gì lừng lẫy, lại còn có vẻ tệ hơn, bởi có lúc làm như người mất trí (Mc 3,21).
Khi không hiểu, thì Maria suy niệm. Sau kinh nghiệm Bêlem (Lc 2,19), sau cơn lo Giêrusalem (2,51), Maria không hiểu, nhưng Người ghi chặt mọi kỷ niệm ấy trong lòng. Lời này cho thấy Đức Maria luôn âm thầm tiến bước một cách kỳ diệu theo linh đạo của Ítraen. Trong Cựu Ước, Giavê thường nhắc nhở rằng: Hãy giữ mình hết sức kẻo lãng quên đi các điều chính mắt ngươi đã thấy, kẻo các điều ấy luột khỏi lòng ngươi… (Đnl 4,9.23.32). Người Do thái sùng đạo phải mãi mãi nhớ lại những kỷ niệm Thiên Chúa đã làm cho dân họ. Đó là khôn ngoan thật, như Bên Sirah (Hc 44,1t), như Giuđitha (8,26.29), như ký lục đạo đức (Hc 39,1-6) đã khẳng định và nêu gương. Suy gẫm về kỳ công của Chúa sẽ giúp cho thấu biết Ngài hơn: hồi tưởng lại sự việc Giavê sửa phạt lỗi tội mình trong sa mạc, Ítraen sẽ ý thức rằng Ngài đã hành động như một người cha dạy dỗ con mình (Đnl 8,2.5); hồi niệm lại những điều Thiên Chúa đã làm cho mình, là biết mình cần phải làm gì cho kẻ khác (Đnl 5,14-15). Như Philô thành Alexanđria (ữ năm 45) đã viết: Lòng tin ở tương lai phát sinh từ các biến cố đã xảy ra trong quá khứ. De vita Moysis II,288. Trong lúc gian truân thử thách, Ítraen vẫn vững lòng cậy trông vì biết nhớ đến lịch sử cứu độ trong thời tổ tiên. Xem Tv 22,5-6; 44,2; 77,6.12; 143,5; Is 63,11; Hc 2,10; 51,8; 1Mcb 2,61, chẳng hạn Đức Maria tiến bước theo quá trình ấy và thừa hưởng linh đạo của dân mình. Đức tin của Người cũng phải đi qua những bước tiến phát để lớn lên đến mức trưởng thành; vì nếu Đức Kitô đã phải tiến bộ qua những đợt thử thách (xem Dt 5,8), thì Mẹ Ngài đâu có thể đi theo một con đường nào khác. Cử chỉ thái độ của Con mình lúc gặp lại trong Đền Thờ xem ra khác thường, không hiểu nổi (Lc 2,49), nhưng Maria thì cứ tiếp tục ngẫm xét và hằng suy đi nghĩ lại mãi trong lòng symbállousa: đối chiếu cách tích cực, như Luca đã viết nghĩa là lòng tin cứ tưởng niệm luôn mãi để trở thành ngày càng phong phú, sâu sắc và hiệu lực hơn; đó là cách Đức Trinh Nữ tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin (LG 58). Giữa lúc đen tối nhất, khi Con mình bị treo trên thập giá, khi các môn đệ đều bỏ chạy trốn thoát, khi ánh sáng lời hứa có vẻ như tắt ngấm, và… làm như Thiên Chúa đang bỏ rơi Đấng Thiên sai, thì Đức Maria vẫn đứng vững bên cạnh Con mình, dưới chân thánh giá, suy niệm và tin yêu…
Đức Maria và chúng ta
Giáo hội xác tín rằng Đức Maria giữ một vai trò vô song trong kế hoạch cứu độ, nghĩa là Người có nhiệm vụ chỉ nam đặc thù trong công cuộc dẫn dắt con người đến cùng Đức Kitô, đến cùng Thiên Chúa. Người là phần tử hoàn hảo độc nhất vô nhị của Hội Thánh (LG 53). Vì thế, Người nên mẫu gươngg cho các phần tử khác, Xem R. Cantalamessa, Maria, uno specchio per la Chiesa, Milano, Àncora 1989. Người cũng là Mẹ của Giáo hội, tức là Mẹ của toàn thể dân Chúa, Phaolô IV, Diễn văn ngày 21-11-1964 (đây là lần đầu tiên danh tước Mẹ của Giáo hội được dùng để chỉ về Đức Mẹ); xem thêm Kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa, số 15, (30-6-1968), AAS 60 (1968)438-9. và nhờ đó, Người có sức ảnh hưởng hữu hiệu đời sống của các tín hữu. Vai trò của Đức Maria là vai trò trung gian; Huấn quyền đã giải nghĩa cẩn thận về vai trò này:
Công đồng Vaticanô II đã ra sức nghiệm xét để hiểu cho rõ hơn về những khía cạnh khác nhau của vấn đề làm trung gian nói trên. Xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, chương VIII, iii. Nguyên tắc căn bản đã được đặt ra trong 1Tm 2,5-6: Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người chỉ có một, đó là con người Đức Giêsu Kitô; Ngài là Đấng Trung gian hữu thể. Tuy nhiên, xét vì bản chất nhập thể và lịch sử của nó, vai trò làm trung gian này không mang tính chất đơn độc, chuyên nhất, trái lại, có khuynh hướng làm nẩy sinh nên nhiều mối trung gian khác. Dù là Lời thần linh, thì cũng phải và chỉ được nghe biết qua trung gian lời nói của một người khác (Lc 10,16; trong Cựu Ước, trung gian mạc khải là Môsê hoặc là các tiên tri, v.v.; trong Tân Ước, đã có các tông đồ, các giảng viên, v.v.); và dù là Vị Cứu Tinh quyền năng, thì cũng chỉ hoạt động qua trung gian của lịch sử (Cv 9,6; 10,4-6; trong Cựu Ước, đã thấy có các thầy tư tế phục vụ Đền thờ; trong Tân Ước, thì có các bí tích, các cơ chế Giáo hội, các thừa tác viên, vv); đó là một điểm hiển nhiên trong giáo lý thần học công giáo.
Thế thì Giáo hội quan niệm như thế nào về vai trò trung gian của Đức Maria? Giáo hội xác định rằng: đó là một vai trò trung gian phụ thuộc vào Đấng Trung gian duy nhất là Đức Kitô, và đâm rễ sâu vào nơi mẫu tính của Đức Maria. Trước hết, Người là trung gian của Chúa Cha trong mầu nhiệm Nhập Thể: Chúa Cha tiền định Người làm mẹ Con của mình (phần của phía thần linh), và yêu cầu Người chấp nhận phương án ấy (lời xin vâng tự do là phần của phía Đức Maria). Đó là việc phục vụ thứ nhất của Người: tôi là nữ tỳ của Chúa; Người là trung gian trong việc cấu thành Đấng Trung gian duy nhất. Trong lịch sử, Đức Maria là trung gian đào luyện Ngôi Lời trong sự nghiệp làm người (thời gian Nadarét); trong thời gian công khai rao giảng Tin Mừng, Người làm trung gian cầu giúp cho người khác, chẳng hạn như vụ can thiệp tại tiệc cưới Cana, làm cho Đức Kitô dời giờ của mình lên sớm hơn. Trong thời gian cuộc sống Giáo hội, Đức Mẹ là trung gian của Con mình để chăm lo cho các môn đồ: Thưa bà, đây là con bà (Ga 19,26): Maria chăm lo cho các môn đệ như đã từng săn sóc cho chính Con mình và như chính Đức Giêsu đã chăm lo cho họ. Trước khi về với Cha, Đức Giêsu đã hứa với các môn đồ: Thầy sẽ không để anh em mồ côi (Ga 14,18); lời hứa này đã thực sự ứng nghiệm qua sứ mệnh của Chúa Thánh Thần (phần phía thần linh) và qua trung gian gương mẫu đạo đức của Đức Maria: Mẹ làm trung gian trong việc cấu thành Nhiệm thể; đã là Mẹ của Thầy, thì cũng là Mẹ của trò, của các môn đồ; đã là Mẹ của Đầu, thì cũng là Mẹ của các chi thể, của các em Con mình. Di huấn của Mẹ ẫ lời cuối cùng Mẹ để lại trong Phúc Âm nhắn nhủ là: Người có bảo gì, thì cứ làm theo, (Ga 2,5) làm cho liên tưởng đến những lời Ítraen đoan hứa sẽ giữ trọn Giao ước kết lập với Giavê (xem Xh 19,8; 24,3.7; Đnl 5,27). Đức Maria khuyến khích các tôi tớ Chúa (để diễn đạt ý niệm tôi tớ, Ga 2,5 dùng từ diákonoi: người hầu, chứ không phải từ doũloi: nô lệ) gia nhập làm thành viên Giao ước mới của Con Mẹ, để phục vụ mà hợp tác với Đấng Cứu Độ trần gian.
Đức Maria thông phần vào trong sứ mạng trung gian của Đức Kitô. Do từ nguồn sung mãn của Ngài mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận được hết ơn này đến ơn khác (Ga 1,16). Trong công tác làm trung gian này, cần phải lãnh nhận trước đã, rồi sau đó mới có để mà chia sẻ. Đức Kitô đã lãnh nhận ơn thủ sự (gratia capitis là chính thực kiện Ngôi Hiệp, unio hypo-statica) là nguồn suối của mọi ân sủng trong kế hoạch cứu độ. Đức Maria là con người đầu tiên thụ hưởng được ơn của Đấng Kitô nguồn ân sủng ấy: trước hết là vì Người được cứu chuộc theo cách thức tiên phòng (redemptio praeventiva), mà kết quả là ơn vô nhiễm nguyên tội; thứ hai là vì Người được cứu chuộc một cách hoàn bị: kết quả là Người được đưa lên trời cả hồn lẫn xác (thông phần trọn vẹn vào trong mầu nhiệm Phục Sinh). Đức Maria có được gì, thì đều là nhờ và do Đức Kitô mà có. Có lẽ chẳng ai diễn tả đặc điểm kia của Đức Maria cho ý vị và chính xác cho bằng thi hào Đantê khi đặt vào miệng thánh Bênarđô lời ca khen này: Bà là Ái nữ của Con Bà. Dante Alighieri, Figlia del tuo Figlio, Divina Comedia, Paraiso XXXIII,1. Nhiệm vụ làm trung gian là một thành phần trong sứ mệnh cứu độ. Các vị trung gian phụ thuộc (như các thánh, chẳng hạn) có được vai trò làm trung gian, chính là vì họ thông phần vào trong sứ mệnh cứu độ của Đức Kitô: Như Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21); đời sống siêu nhiên trong Giáo hội là thành quả của sứ mệnh liên tục nối tiếp như vậy. Lúc phái gửi Con Một mình vào trong thế gian, Thiên Chúa Cha làm như nói với Con mình rằng: Đây là Mẹ Con, Con hãy chấp nhận và trở thành một con người trong loài người; và khi sai môn đệ mình đi vào giữa thế gian, đi vào trong tương lai của lịch sử, Chúa Con cũng bảo: Đây là Mẹ con và Gioan đã nhận Maria vào trong sứ mệnh của mình. Sứ mệnh vẫn là một, và trong đó Đức Maria vẫn giữ cùng một vai trò đã được ủy thác và nhận lãnh.
Truyền thống thường ưa so sánh Đức Maria với bà Evà. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 411; chủ đề này cũng được nhắc lại nhiều lần ở các đoạn khác; Mulieris Dignitatem dành hết cả chương IV để bàn về chủ đề này. Như Đức Kitô được gọi là Ađam mới (1Cr 15,45), Đức Maria cũng được coi như là người thay thế Evà trong phương án công cuộc tái tạo của Thiên Chúa, theo tư thế trinh nữ và hiền mẫu. Thánh Irênêô đã diễn giải như thế này: Vì trinh nữ Evà không vâng lời, nên con người đã bị trọng thương, gục ngã và chết; thì cũng vậy, vì trinh nữ Maria đã biết vâng lời Thiên Chúa, nên con người đã được hồi sinh và, qua Sự Sống [là Đức Kitô], đã lãnh nhận được sự sống…; vả lại, cần phải nhờ Trinh nữ [Maria] phục hồi nguyên trạng cho trinh nữ Evà, ngõ hầu một trinh nữ bảo trợ cho trinh nữ kia, và lòng vâng phục của một trinh nữ tiêu hủy và xóa sạch thái độ bất tuân của trinh nữ kia. Démonstration de la prédication apostolique, 33, Sources Chrétiennes 62, 83-86: xem A.H. V, 19,1. Nói cách khác: như Evà đã làm trung gian cho sinh linh trong chế độ cũ, thì Đức Maria cũng đóng cùng một vai trò ấy trong kế hoạch mới của Thiên Chúa, tức là kế hoạch cứu chuộc; Xem LG 56, với chú cước 8 và 9. Evà là mẹ kẻ sống (St 3,20), thì Maria là Mẹ của Đấng hằng sống (x. Kh 1,18; Dt 7,25).
Là Evà mới, Đức Maria tiêu biểu cho lý tưởng của phụ nữ. Xem U. Casale, Benedetta fra le donne. Saggio Teologico sulla Mario-logia e la Questione Femminile, Leumann, Elli Ci Di 1989. Evà được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng tội lỗi đã làm cho hình ảnh ấy nhơ nhuốc đi; nơi Maria vô tội, hình ảnh ấy lại sáng rực lên. Có lẽ vì thế mà trong Kitô giáo, Đức Maria đã làm nguồn linh hứng cho các nghệ sĩ đi tìm thiện mỹ: tất thảy mọi viện bảo tàng nghệ thuật trong khắp thế giới đều nhất trí làm chứng về điều đó. Vì tội lỗi mà phụ nữ bị chồng thống trị (St 3,16); Đức Maria vô nhiễm và không biết đến người nam (Lc 1,34) là kim chỉ nam, là sao mai dẫn lối đưa đến con đường giải phóng: Đức Trinh Nữ vô tội là lý tưởng của tự do đích thực trong thế giới mới. Trong lịch sử giao chiến giữa dòng giống con rắn và miêu duệ người phụ nữ, Đức Maria là trung gian chiến thắng nhờ Con của mình; cuộc giao chiến này sẽ kéo dài cho đến giây phút kết cục lịch sử loài người (Kh 12); trực giác của truyền thống đã cảm nhận ra vai trò then chốt mà Đức Maria đóng giữ trong cảnh thảm kịch này. Xem Sách Giáo Lý…số 2853. Và xưa nay, dân mới của Thiên Chúa hằng kêu lên cùng Đức Mẹ: Cầu cho chúng con là kẻ có tội, vì ý thức rằng vai trò trung gian của Mẹ là chuyển cầu bầu cử cho con người trước nhan Con của mình.
Tắt một lời, Đức Maria là đấng làm trung gian giữa chúng ta và Con của Người, để dẫn chúng ta về với Đức Kitô; vai trò của Người là phục vụ. Nếu thử so sánh, thì sẽ thấy vai trò trung gian của Đức Mẹ khác với sứ mạng làm trung gian của Đức Kitô theo giống loại, và khác với vai trò trung gian của các Thánh theo mức độ. Hành động của Đức Kitô có giá trị vô cùng và tuyệt đối; còn hành động của Đức Maria thì xét theo giống loại cũng giống như của tất cả chúng ta, nghĩa là cũng chỉ có giá trị giới hạn và tương đối. Hành động làm trung gian thì cũng thế.
Vì các lý do trên đây, Giáo hộội tôn kính Đức Maria một cách đặc thù, tức là theo cách thức biệt tôn; như thế là ứng nghiệm lời tiên tri Người đã nói: Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc (Lc 1,48). Từ chối không tôn kính Đức Mẹ là xúc phạm đến Mạc khải. Giáo hội đã sống mạnh và biểu dương lòng tôn kính ấy ngay từ những buổi sơ khai, như thấy được qua những bức tranh nề trong các hang toại đạo ở Roma. Cả Tây lẫn Đông phương đều lập ra những ngày lễ kính mừng Đức Maria và xây nên những thánh đường cung hiến lên Đức Nữ Trinh. Lòng biệt tôn dành cho Đức Mẹ thì cao cấp hơn cách thức tôn kính các thánh; tuy nhiên tự bản chất, cách sùng kính biệt tôn này vẫn khác biệt hẳn với việc thờ phượng đối với Ngôi Lời Nhập Thể, đối với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (LG66); bởi vì ngoài Thiên Chúa, không một ai đáng được tôn thờ cả: Ngươi phải bái lạy Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và chỉ thờ phượng một mình Người (Mt 4,10; Lc 4,8; Đnl 6,13).
Kết Luận
Như đã thấy, Đức Maria có những quan hệ liên đới chặt chẽ với từng giai đoạn trong phương án cứu độ của Thiên Chúa, và tích cực tham gia hợp tác vào trong sứ mạng cùng đời sống của Giáo hội, không phải từ bên ngoài như là một tác nhân gián tiếp hoặc ở cấp trên nhìn xuống, nhưng là từ bên trong như là một phần tử sống động: phần tử sống động xuất sắc đến độ đã trở thành hiện thân của chính lý tưởng Giáo hội. Mẫu tính của Giáo hội phản ảnh mẫu tính của Đức Maria. Sự hiện diện của Đức Maria trong Giáo hội làm nổi bật nữ tính và sắc diện nữ giới của Hội Thánh. Đức Maria nhắc nhở cho nhớ rằng để đời sống kitô có được quân bình cần thiết, thì không phải chỉ biết nhấn mạnh đến các chân lý mà thôi, nhưng còn cần phải biết gìn giữ các giá trị Thiện và Mỹ sao cho cân xứng với các Chân lý nữa. Xin được kết thúc với lời sách bổn sau đây của cha Đắc Lộ:
“Sau hết ta cũng phải lạy rất thánh đồng thân, mà cúi đầu xuống đất một lần nữa: vì chưng dẫu ta đã biết thật đức Chúa Bà đồng thân chẳng phải đức Chúa trời, song le, vì là đức Mẹ đức Chúa trời, thì có phép cả cầu cùng đức Con, thật là đức Chúa trời, mà ta cậy đức Chúa Bà cầu cho ta khỏi hết mọi tội.”
Fr. Alexandre de Rhodes,
Felipe Gómez Ngô Minh, SJ