Nhờ Mẹ, Tôi dâng lên Chúa bông hoa “Nước mắt” – GB. Bùi Tuần

1.

Từ khi được Chúa sai vào lịch sử của Quê Hương Việt Nam yêu dấu, tôi vẫn thường cầu xin Đức Mẹ Maria thương dắt dìu tôi trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.

2.

Thực sự, Mẹ đã dắt dìu tôi bằng nhiều cách, như soi sáng cho tôi phải đi vào đường hẹp, như cảnh giác cho tôi phải xa tránh những lối sống dẫn vào mô hình đạo đức giả. Một lần nọ, trong lúc tôi đang quằn quại do những cơn đau đớn ập đến trong tâm hồn, thì chính lúc cô đơn khủng khiếp đó, Mẹ đã đến với tôi. Mẹ chỉ vào Trái Tim Mẹ, và nói với tôi: Trái Tim Mẹ đã rất đau đớn, như bị lưỡi đòng đâm thâu qua, đúng lời tiên tri Simêon đã báo trước (Lc 2,35). Mẹ đã làm chứng cho tình yêu Chúa bằng một trái tim như vậy. Mẹ mong con cũng hãy đi theo Mẹ.

3.

Tôi đã “xin vâng”. Chắc là xin vâng của tôi vẫn có nhiều giới hạn do những yếu đuối của tôi, nhưng tôi cũng xin chia sẻ đôi chút về vai trò của trái tim bị đâm trong ơn gọi làm chứng cho tình yêu Chúa tại Việt Nam hôm nay.

4.

Gọi là trái tim bị đâm, để nhắc đến lời tiên tri Simêon đã nói xưa về Đức Mẹ, chứ trên thực tế, theo ý của tiên tri Simêon cũng như theo cảm nghiệm của Mẹ và của các con cái Mẹ, thì trái tim bị đâm chính là những đau đớn xảy ra trong lòng mình.

5.

Theo kinh nghiệm nhỏ bé của riêng tôi, những đau đớn xảy ra trong lòng tôi, mà Mẹ đã báo cho tôi là có tính cách làm chứng cho tình yêu Chúa, sẽ không phải bất cứ đau đớn nào, nhưng phải là những đau đớn thực sự đạo đức.

Những đau đớn thực sự đạo đức nói đây là đau đớn vì mến Chúa yêu người, đau đớn trong hiền lành, khiêm nhường, tế nhị.

Để diễn tả những đau đớn đạo đức như thế, nhiều người đã chỉ biết khóc. Ở La Salette, Đức Mẹ cũng đã hiện ra dưới hình một phụ nữ ngồi ôm mặt khóc. Do vậy, tôi cũng xin dùng “nước mắt”, như một biểu tượng.

6.

Nước mắt, mà tôi coi như một bông hoa, tôi nhờ Mẹ dâng lên Chúa hôm nay, chính là những đau đớn mang âm vang những đau đớn của Mẹ:

Đau và khóc, vì thấy Chúa bị xúc phạm, bị từ chối, bị chống phá.

Đau và khóc, vì Hội Thánh Chúa, tuy được thánh hoá, nhưng vẫn có những sai phạm, cần phải sám hối và cần xin tha thứ, không phải chỉ đối với Chúa, mà cũng đối với nhiều đối tượng trên trần thế trong lịch sử xưa và nay. Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xin tha thứ như vậy một cách khiêm tốn và can đảm.

Đau và khóc, vì bao người trên Quê Hương tôi hằng ngày vẫn còn rất khổ, do thiếu đạo đức, thiếu tình yêu, thiếu cả đến những gì tối thiểu nhất để sống xứng đáng với nhân phẩm con người. Bao người bệnh tật, già yếu, khổ cực. Bao trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi và lạm dụng. Bao người lớn nhỏ sa vào đàng tội lỗi. Bao người hấp hối trong thất vọng, cô đơn.

Đau và khóc, vì rất có thể sẽ có những thảm hoạ xảy đến cho bao nhiêu đồng bào thân yêu. Tôi nhớ lời Chúa Giêsu đã nói với các phụ nữ khóc thương Người trên đường vác thập giá lên Núi Sọ: “Xin đừng khóc thương tôi. Hãy khóc thương cho chính mình và cho con cháu các bà” (Lc 23,28). Rồi Chúa báo trước cho các bà biết sẽ xảy ra những thảm hoạ ghê gớm gây nên những đau đớn chưa từng có (x. Lc 23,29-32).

7.

Đau và khóc của tôi, nếu phải hiền lành, khiêm nhường và tế nhị, theo gương Mẹ, sẽ phải rất cần ơn Chúa. Để biết đón nhận ơn Chúa, tôi phải tỉnh thức và cầu nguyện rất nhiều. Nhờ vậy, mà đau và khóc của tôi mới có sức trở thành một của lễ đền tội có khả năng làm chứng cho tình yêu Chúa giữa Quê Hương Việt Nam của tôi hôm nay.

8.

Trên Quê Hương Việt Nam của tôi hôm nay, rất nhiều đồng bào có một cái tâm nhạy bén. Họ dễ nhận ra những ai là người thực sự thương họ. Người thương họ thực sự là những người như Đức Mẹ, biết đau và khóc vì chia sẻ và lo lắng cho họ. Loại người vô tâm, vô cảm, không biết đau không biết khóc cho họ, sớm muộn sẽ bị loại trừ.

Biết đau và khóc vì mến Chúa yêu người, sẽ là những bông hoa thơm đẹp, vì nó sẽ đưa tới niềm vui phục sinh, như lời Chúa đã hứa: “Các con sẽ đau buồn, nhưng nỗi đau buồn của các con sẽ trở thành niềm vui” (Ga 20).

 

9.

Tới đây, tôi được Mẹ đưa trí khôn tôi nhìn vào một thực tế đau lòng đang xảy ra ở một vài nơi tại Việt Nam hôm nay: Đang khi nhiều người đau khổ khát mong đợi chờ những tấm lòng từ thiện, biết đau cái đau của họ, biết khóc với tiếng khóc của họ, thì những người mang danh nghĩa là con cái Chúa đã tìm cách tránh né, trái lại, có những người gọi là ngoại đạo lại dừng lại để chăm sóc họ. Hiện tượng đó là một cảnh báo, mà Chúa Giêsu đã nói xưa trong “dụ ngôn người Samari tốt lành” (Lc 10,29-37). Cảnh báo đó vẫn là rất thời sự cho Hội Thánh tại Việt Nam hôm nay.

10.

Chính bản thân tôi cũng rất nhiều lần muốn tìm cách tránh trực diện với những người khổ đau, hoặc tìm cách tránh mọi trách nhiệm đối với thực tế đau khổ của những người mình đang sống với, sống gần. Kinh nghiệm đó dạy tôi là phải tỉnh thức thường xuyên sống mật thiết với Chúa, để chính Chúa trong tôi sẽ giúp tôi nhìn người khổ đau bằng chính Trái Tim Chúa.

11.

Mới rồi, ngày 13.5.2015, kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, tôi đã ở bên Mẹ rất lâu. Tôi xin Mẹ một ơn, đó là “Trái Tim Mẹ bị lưỡi gươm đâu thâu hãy là trường đào tạo cho tôi, đặc biệt là trong thời điểm lịch sử hiện nay”. Tự nhiên, tôi cảm thấy những cơn đau khác thường trào lên trong hồn tôi. Tôi sung sướng nhận thấy mình được gắn kết với Mẹ một cách sống động hơn. Và từ đó, tôi được cùng với Mẹ, dâng lên Chúa những đau đớn của tôi, như những bông hoa “nước mắt”, góp phần vào chương trình cứu độ của Chúa. Có những nước mắt đang chảy ra. Có những nước mắt đã khô. Có những nước mắt chảy ngược vào hồn.

12.

Đến đây, tôi nghĩ đến việc đào tạo tu đức tại Việt Nam hôm nay. Tôi nghĩ đào tạo cái trí là điều cần, nhưng đào tạo cái tâm là điều cần hơn. Nếu cái tâm của ta được đào tạo theo mô hình trái tim Đức Mẹ Maria, thì đó sẽ là lựa chọn bảo đảm nhất.

Cái tâm xơ cúng, cái tâm mù, cái tâm điếc, cái tâm không có lửa mến, đó là điều đang làm cho Đức Mẹ đau và khóc, khi Mẹ nhìn vào đám đông hiện nay.

Xin Trái Tim Mẹ thương cứu chúng con. Chúng con tin ở Mẹ.

Long Xuyên, ngày 15.5.2015