Ðức Mẹ Trà Kiệu

Trà Kiệu thuộc quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trước đây là thủ đô đầu tiên của nước Chiêm Thành.

 

 DucMeTraKieu

 

 

Trà Kiệu, linh địa của Chiêm Quốc, hiện nay là một trong những linh địa của Việt Nam.

 

 Từ năm 1870, Trà Kiệu đã có khoảng 4.000 giáo dân, những trái cây đầu mùa trên cánh đồng truyền giáo ở Miền Trung.

 

Năm 1885 hưởng ứng hịch Cần Vương, phong trào Văn Thân nổi dậy với khẩu hiệu “. . . sát tả”, tức là sát hại những người sống đạo Thiên Chúa mà Văn Thân cho là đạo tà. Năm này là năm bắt đạo nhiều nhất ở Việt Nam:

 

– 22 linh mục, 60 Thầy giảng, 300 nữ tu và 30.000 giáo dân bị sát hại.

 

– 250 nhà thờ và nhà nguyện, 2 chủng viện, 40 trường học, 17 viện mồi côi, 13 dòng và hầu hết nhà cửa của 55.000 giáo dân bị đốt phá.

 

– 200 xứ đạo từ Ðà Nẵng trở vào gần hoàn toàn tan rã.

 

Ngày 1.7.1885, đồng số phận, Trà Kiệu bị 4.000 quân Văn Thân bao vây thình lình.

 

Linh mục Nhơn, chánh xứ với 2.000 giáo hữu chỉ biết ẩn náu dưới cánh tay Mẹ Maria. Với một tinh thần quyết tử, để bảo vệ Ðức Tin, suốt 21 ngày họ tổ chức tự vệ với giáo mác.

 

Mỗi lần chống cự lại, nam nữ trẻ già sốt sắng lần hạt Mân Côi trước ảnh Ðức Mẹ.

 

Quân Văn Thân võ trang đầy đủ và đông gấp mấy lần quân phòng thủ. Họ đã chiếm các đồn Bửu Châu, phía đông và Kim Sơn, phía tây, và đặt súng hạng nặng bắn xả vào Trà Kiệu. Người ngoại quốc ngoài biển đếm độ 500 phát đại bác bắn phá làng Công Giáo này.

 

Quân tự vệ đã chống lại nhiều đợt tấn công và cố giải vây. Ngày 8.7.1885 trận chiến xẩy ra ác liệt, quân Cần Vương tổng tấn công và tiến sát vào lũy tre làng. Ðội nữ binh trừ bị võ trang dao rựa, quyết tử trước ảnh Ðức Mẹ, đã phá được vòng vây phía tây. Quân Cần Vương vừa chạy vừa la: “Ðạo quân xông ra đông quá, chạy thôi”.

 

Ba mặt kia nghe cũng cùng rùng kéo nhau tẩu tán, bỏ lại vô số súng đạn và gươm giáo.

 

Những ngày kế tiếp trọng pháo từ hai phía đông tây bắn tới tấp nhắm nhà thờ Trà Kiệu.

 

Một khẩu thần công lớn từ tỉnh kéo đến cách nhà thờ 100 mét do một pháo quan điều khiển đã nhả đạn liên hồi đến nhà thờ, nhưng chỉ trúng một phát nhẹ, còn lưu dấu tích đến ngày nay.

 

Ðến sau, sĩ quan đó tiết lộ:

 

– Cố ý bắn Người Ðàn Bà xinh đẹp, áo trắng tinh, đứng ngay trên nóc nhà thờ, mà cứ bị bắn quá cao, chỉ trúng có một phát, mà trúng nhà thờ thôi.

 

Quân Văn Thân đóng trên đồi Kim Sơn vẫn kêu rằng:

 

– Lạ thật, Người Ðàn Bà kia cứ đứng mãi trên nóc nhà thờ, dù ta cố nhắm thế nào cũng không bắn trúng.

Cha xứ và giáo dân nghe nói, nhìn lên không ai thấy, chỉ có bà Chính và bà Nhã thấy được Ðức Mẹ.

 

Ngoài ra quan lính tấn công còn thấy nhiều thiếu niên mặc âu phục trắng từ trên không xuống lũy tre xanh cầm gươm bạc sáng ngời đánh giúp quân Công Giáo.

 

Ngày 21.7.1885, thừa thắng xông lên, quân tự vệ trở lại thế công, bao vây đồn Bửu Sơn và kết thúc cuộc chiến đấu bảo vệ Giáo dân Trà Kiệu tử trận 40, bên kia trên 300 tử thi đều được an táng hết sức tốt đẹp.

Trong những năm khói lửa, Ðức Trinh Nữ Maria còn tái xuất ở chốn sông Thu núi Bửu để hỗ trợ con dân Việt Nam, như luôn luôn nói lên lòng ưu ái của Mẹ.

 

Và lần thứ ba, cũng tại nơi linh địa Quảng Ðà này Ngài lại viếng thăm.

 

Ông Lâm Hoài Nam cho biết lần đó là năm 1967, ngày Lễ Ðức Mẹ Thánh Linh hiện xuống.

 

“Trong lúc gần 300 trẻ em Hùng Tâm Dũng Chí đang sinh hoạt dưới chân núi Bửu Châu hồi 3 giờ chiều, thình lình một tiếng nổ vang lừng trên đỉnh núi, bầu trời trở nên vàng chói. Toàn thể các trẻ em và một số người bỡ ngỡ nhìn lên thấy Bà Ðẹp tay bồng Chúa Hài Ðồng xuất hiện trên không trung, cùng với 12 thánh Tông Ðồ và vô số Thiên Thần theo hầu. Các trẻ em liền quỳ gối hát kinh và cầu nguyện.


Hiện tượng kéo dài chừng 45 phút rồi tan dần. Các trẻ em và người lớn hiện diện tại đó quả quyết là đúng sự thực.”

 

Kinh ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU

 

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu / Mẹ đầy ơn phước và quyền năng.

 

Mẹ đã hiện ra cùng với các Thiên Thần / để cứu giúp tổ tiên chúng con trong cơn thử thách đức tin.

 

Mẹ là Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu / Mẹ luôn luôn cầm Phủ Việt mà Chúa Cha đã trao cho Mẹ / để bênh vực Chúa Giêsu Hài Đồng / đang sợ hãi nép mình vào Mẹ / trong cơn cuồng phong bách hại.

 

Chúng con xin Mẹ thương đến chúng con / cho mọi tín hữu biết can đảm tuyên xưng đức tin / biết cải thiện đời sống / để trở thành một cộng đoàn hiệp nhất, chia sẻ và yêu thương.

 

Chúng con xin Mẹ thương đến những người chưa biết Chúa / để họ nhận ra Chúa là Chúa Tể Càn Khôn / hầu chúng con cùng Mẹ hát bài ca chúc tụng Chúa Ba Ngôi trên Thiên Quốc.

 

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu / với hết lòng tin tưởng phó thác / chúng con sấp mình cầu xin Mẹ nhận lời chúng con. Amen.

 

Imprimatur

Đà Nẵng, ngày 28 tháng 5 năm 2002

Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh

Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng