GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B
Lời Chúa: Ga 15, 9-17
Đây là lời tâm sự của một người sắp hiến dâng mạng sống. Đây cũng là những lời yêu thương cuối cùng của một người mà suốt đời chỉ biết yêu thương.
Tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta bắt nguồn từ tình yêu của Chúa Cha là tình yêu bản thể: “Chúa Cha đã yêu thương Thầy thế nào thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Chúng ta thật diễm phúc! Tình yêu của Chúa không bao giờ vơi cạn, không bao giờ thay đổi như tình yêu của con người, vì Ngài là nguồn suối tình yêu.
Chúng ta là gì mà được yêu thương như vậy? Phải chi chúng ta tốt, phải chi chúng ta đáng yêu! Nhưng người yêu càng bất xứng thì tình yêu càng cao thượng. Đối với Chúa, tình yêu của Ngài không kể người xứng đáng hay bất xứng. Ngài yêu thương mọi người không trừ ai. Ngài không biết chọn lựa. Vì Ngài là Tình Yêu.
Ngài vẫn yêu thương chúng ta mặc dù chúng ta bất xứng, nhưng chúng ta có chấp nhận tình yêu của Ngài không? “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Làm như Ngài phải nài nĩ chúng ta. Một tác giả đã nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Ngài khiêm tốn. Tình yêu thành thật bao giờ cũng khiêm tốn. Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài mới thực sự khiêm tốn”. Đứng trước sự khiêm tốn lạ lùng của Chúa, chúng ta nghĩ sao? Chúng ta vẫn không để ý gì?
Chúa vẫn tha thiết yêu thương chúng ta, nhưng tình yêu của Ngài không ủy mị, mềm yếu. Ngài mong ước chúng ta đáp trả không phải bằng một thứ tình yêu dựa trên tình cảm mà dựa trên việc làm, tức là dựa trên ý chí: “Nếu anh em giữ những điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”. Chính Ngài đã yêu Chúa Cha bằng thứ tình yêu mạnh mẽ đó: “Như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và Thầy ở lại trong tình thương của Người”. Thầy chính là gương mẫu duy nhất của tình yêu. Những người chấp nhận tình yêu của Chúa Giêsu phải theo một gương mẫu đó thôi.
“Thầy đã giữ những điều răn của Cha Thầy”. Những điều răn đó đã đưa Ngài đến cái chết ô nhục trên thập giá, với tất cả những khổ hình đau đớn kèm theo. Chúng ta sẽ giữ những điều răn của Ngài như thế nào? Đến mức độ nào?
Điều răn của Thầy không có gì khác là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là vô điều kiện, và nếu có điều kiện thì chỉ có một: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Chính Chúa đã làm điều đó. Cái chết của Ngài là bằng chứng tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha, đồng thời là bằng chứng tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Tình yêu đích thực bao giờ cũng vô điều kiện, và đến tận cùng. Chúa Giêsu là gương mẫu không thể sánh được.
Chúng ta đã thực hiện những gì Chúa dạy chưa? Thực ra ở đời, cũng có những mối tình tương tự, dám hy sinh tất cả cho người yêu. Không mấy người trong chúng ta dám yêu đến như thế. Yêu một người thì dễ, nhưng yêu thương mọi người mới khó. Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu thương hết mọi người, và “như Ngài đã yêu”, nghĩa là dám thí mạng sống mình cho bạn hữu. Thí mạng sống giống như Chúa thì chỉ có một vài người làm được, nhưng chúng ta có thể thí mạng sống từng ngày, hao mòn cho mọi người, chết dần chết mòn trong phục vụ mỗi ngày. Chúng ta có thể làm được. Mẹ Têrêxa Calcutta là hình ảnh sống động và gần gũi với chúng ta nhất. Mẹ đã hao mòn cho những người bé mọn.
Chúng ta đang sống trong một thế giới không có tình yêu: chiến tranh, khủng bố, tù đày,vô cảm… Nhưng trong thế giới đó cũng có rất nhiều tâm hồn quảng đại, xả thân cho những người khốn khổ. Nơi đâu tình yêu được phát triển, nơi đó Thiên Chúa được tỏ hiện.
Chúng ta dễ mơ mộng, chúng ta cứ tưởng mình đã biết yêu thương nhiều rồi. Thực ra, chúng ta cũng đã có làm cái gì đó cho người nầy hay người kia, và chúng ta bằng lòng với những việc làm nho nhỏ đó. Chúng ta không làm gì hơn nữa. Như thế không phải là yêu, vì tình yêu không bao giờ dừng lại mà luôn là hơn nữa. Phải đi đến mức tận cùng, phải cho đi đến mức độ không còn gì để cho, như Chúa chúng ta. Làm sao chúng ta có thể đạt đến mức độ như thế ? Chỉ khi nào chúng ta dám nói như thánh Phaolô: “Sống đối với tôi là Chúa Giêsu Kitô”. Vì chúng ta chỉ là nhánh, chúng ta phải gắn liền với cây: “Tôi sống nhưng không còn là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Tất cả do Thầy mà thôi, vì không có Thầy anh em chẳng làm được gì.
Thầy chọn anh em chứ anh em không chọn Thầy, Thầy cắt đặt anh em ra đi, sinh được nhiều trái. Lúc đó, niềm vui của anh em mới trọn vẹn. Chỉ có Thầy mới là niềm vui thật.
Tại sao những người như Mẹ Têrêxa Calcutta, chỉ một mình với bàn tay trắng đã tạo nên một làn sóng bác ái trên khắp thế giới? Tại sao Thánh Piô, trong tu viện đã làm cho bao nhiêu người trở về với Chúa? Tại sao thánh Gioan-Maria Vianney, một cha xứ nhỏ bé, đã đem bao nhiêu linh hồn về với Chúa? Chỉ vì họ đã gắn chặt vào cây nho thật, vì họ đã ở lại trong tình thương của Thầy, đã yêu thương thực sự như Thầy đã yêu thương, họ đã sinh nhiều hoa trái.
Chúng ta không làm được gì, không phải vì chúng ta bất tài, cũng không phải chúng ta không có phương tiện hay môi trường thuận lợi, mà vì chúng ta là những nhánh nho không trái, cằn cỗi hay tệ hơn, chúng ta đã không dính liền với cây nho. Gắn chặt vào Chúa Kitô, chúng ta mới biết cho đi, biết phải làm gì. Phải ở lại trong tình thương của Thầy, chúng ta mới trở thành tình thương như Chúa Giêsu ở lại trong tình thương của Chúa Cha.
Hãy kiểm soát lại mối liên hệ của chúng ta với Chúa. Chúa gọi chúng ta là bạn hữu, chúng ta có liên kết với Ngài trong tình thân như Ngài đã liên đới với chúng ta không ?
Chúa Giêsu là người yêu duy nhất đã liều mạng cho bạn hữu, đã lấy thịt máu mình nuôi bạn hữu mình. Nhờ đó, Ngài nên một với chúng ta. Chúng ta hãy ăn lấy Chúa, như Chúa mong ước, nhưng ăn lấy Ngài là sống trong Ngài, với Ngài, thành một với Ngài, chúng ta mới có can đảm yêu thương anh em như Ngài đã ước mong. Như thế, tình yêu của Ngài sẽ được lan rộng quanh chúng ta, chúng ta sẽ là những nhành nho sai trái.
Lm Trầm Phúc