Gợi ý suy niệm Lời Chúa: Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm B

ỢI Ý SUY NIỆM LỜI HÚA

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm B

Lời Chúa: Ga 20,19-23

 

Chúa Thánh Thần ai cũng biết và thường được nhắc đến, có lúc gần như mỗi ngày, nhưng hình như chúng ta không thân mật với Ngài bao nhiêu, vì Ngài thiêng liêng. Chúng ta thân mật với Chúa Giêsu nhiều hơn vì Ngài đã mặc lấy xác phàm, đã sống giữa trần thế. Chúng ta còn giữ những vết tích của Ngài. Chúng ta ăn lấy Ngài gần như hằng ngày, nhưng Chúa Thánh Thần, chúng ta chỉ cầu xin lúc nào đó. Nhưng chính Ngài mới là Đấng đang sống và hoạt động mãnh liệt trong Giáo hội, trong các tâm hồn và trong vũ trụ. Ngài mới là sức sống mãnh liệt, là nguồn bình an là tất cả mà chúng ta không mấy ý thức.

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp để chúng ta ý thức hơn và kết hiệp với Ngài sâu xa hơn. Con người xác thịt chúng ta thường dễ bị chi phối và chỉ chú ý đến những gì chúng ta cảm nghiệm được. Chúng ta cần được nhắc nhớ đến những gì cần thiết.

Chúa Thánh Thần là Đấng vô hình. Chúng ta chỉ biết đến Ngài dưới hình thức những biểu tượng như ngọn gió, ngọn lửa hay chim bồ câu. Bao nhiêu đó không đủ để gây sự chú ý cho chúng ta. Nhưng Ngài là tất cả. Chúng ta hãy chú tâm nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rõ hơn mối liên hệ với Ngài và nhờ đó chúng ta sẽ được Ngài trợ lực để niềm vui chúng ta nên trọn, như Chúa Giêsu đã nói.

Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Thánh Thần mà Ngài gọi là Đấng Bàu Chữa hay Đấng An Ủi, không phải để ngồi nhìn mà để chiếm hữu. Đó là một quà tặng vô giá mà chúng ta không mấy người biết hưởng nhờ.

Theo thánh Gioan, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần ngay khi Ngài trút hơi thở cuối cùng trên thập giá: “Ngài gục đầu xuống và trao ban Thần Khí”. Và Ngài lại trao ban Thánh Thần một lần nữa là khi Ngài hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại: Ngài thổi hơi trên các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, người ấy được tha, anh em cầm tội ai, người ấy bị cầm”. Và lần này chúng ta thấy Ngài trao ban Thánh Thần cùng với quyền tha tội. Như thế Thánh Thần chính là Thánh Thần của ơn tha thứ.

Thánh Luca, trong sách Tông Đồ Công Vụ lại cho rằng, Chúa Thánh Thần được trao ban trong ngày lễ Ngũ Tuần, là ngày lễ đầu mùa của dân Do Thái. Như thế, chúng ta cũng có thể xem Thánh Thần như ơn đầu mùa được ban cho Giáo hội.

Nhưng đó chỉ là những chi tiết lịch sử, nhưng ân ban Thánh Thần chính là ân ban không thể thay thế của Chúa Giêsu, là nguồn sống cho Giáo hội và cho mỗi người chúng ta.

Có thể nói, Chúa Thánh Thần hoạt động ngay từ khi tạo dựng vũ trụ. Kinh Thánh nói:“Thánh Thần Chúa bay là trên mặt nước” lúc trời đất chưa được tạo thành. Ngài có mặt suốt trong lịch sử nhân loại. Ngài là hơi thở được thổi vào Ađam để Ađam được sống. Ngài hoạt động nơi các tiên tri. Ngài hoạt động trong suốt lịch sử để chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến trong trần gian. Ngài dùng mọi biến cố, mọi hình ảnh, để hướng dẫn nhân loại đón nhận Chúa Kitô.

Khi mọi sự đã được chuẩn bị, Ngài đưa Chúa Giêsu vào trần gian. Chính Ngài đã tạo nên Chúa Giêsu trong lòng trinh nữ Maria: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”. Chính Mẹ Maria cũng được đầy tràn Thánh Thần khi thiên thần truyền tin. Như thế, Chúa Giêsu xuống thế làm người là do Thánh Thần và trong suốt cuộc đời Chúa Giêsu, Thánh Thần vẫn hoạt động trong Ngài, rõ rệt nhất khi Ngài tuyên bố trong Hội đường Nadaret: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo… Hôm nay ứng nghiệm lời các ngươi vừa nghe đọc”.

Chúa Giêsu lại trao ban Thánh Thần cho Giáo hội tức là cho chúng ta. Chúng ta đã lãnh nhận Ngài trong Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Thánh Thần đó sẽ hoạt động trong mỗi người chúng ta như đã hoạt động nơi Chúa Giêsu. Chúng ta không thể thấy Ngài, nhưng không có gì tốt nơi chúng ta mà không do Ngài. Những lời Chúa Giêsu nói với chúng ta minh chứng điều đó: “Không có Thầy, anh em sẽ không làm được việc gì”. Thầy không còn hiện diện hữu hình nữa, nhưng Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế bằng Thánh Thần.

Thánh Thần được ban tràn đầy cho các Tông Đồ ngày lễ Ngũ Tuần, đã mở toang cánh cửa sợ hãi và tung các ngài vào thế giới. Đọc sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hoạt động một cách mãnh liệt nơi các ngài, giúp các ngài can đảm bước ra rao giảng Tin Mừng, bất chấp mọi trở lực. Các thánh thường nói là sách Tông Đồ Công Vụ là sách Tin Mừng của Chúa Thánh Thần. Tất cả mọi hoạt động đều do Thánh Thần hướng dẫn.

Thánh Phaolô, người đã được Thánh Thần dành riêng để làm công việc Ngài muốn đã không ngừng nói đến Thánh Thần: “Thần Khí Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và có quyền kêu lên: “Abba! cha ơi”. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa… Thần Khí cầu nguyện cho chúng ta bằng những tiếng rên khôn tả”.

Chúng ta có cảm thấy vui và hạnh phúc  khi làm con Thiên Chúa không?

Ai trong chúng ta không biết mình là con Thiên Chúa? Nhưng mấy người hiểu được điều đó và cảm thấy hạnh phúc? Chỉ có Thánh Thần mới cho chúng ta hiểu được điều đó và cảm nghiệm được hạnh phúc đó. Và một khi chúng ta biết được điều đó, chúng ta sẽ thấy mọi sự ở trần gian này không có giá trị gì, và nếu có giá trị thì chỉ là phương tiện để chúng ta yêu mến Chúa thôi. Chúng ta hiểu tại sao các thánh xem mọi sự như rơm rác, như thánh Phaolô đã nói. Các ngài chỉ biết sử dụng trần gian để làm sáng danh Chúa thôi.

Thánh Thần là Tình Yêu, Ngài luôn ở với chúng ta, hoạt động mãnh liệt trong chúng ta. Ngài giúp chúng ta yêu mến Chúa và sống yêu thương. Không có Ngài, chúng ta không thể nào biết yêu thương đúng nghĩa. Tất cả những gì là yêu thương, tha thứ, tận tụy đều xuất phát từ nguồn gốc duy nhất là Thánh Thần mà thôi. Đôi thanh niên nam nữ yêu nhau trong sáng, một người vợ săn sóc cho chồng đang cơn hấp hối với tất cả tình yêu, cha mẹ tận tụy lo cho đám con, những bác sĩ tận tụy lo cho bệnh nhân… đều là dấu hiệu của Chúa Thánh Thần.

Tại sao trong thế giới hôm nay người ta giết nhau, bóc lột, khai thác lẫn nhau, làm khổ cho nhau? Tại sao người ta không biết yêu thương nhau, giúp nhau sống hạnh phúc? Chỉ vì Chúa Thánh Thần vắng mặt trong tâm hồn họ. Thánh Phaolô cũng căn dặn chúng ta:“Đừng dập tắt Chúa Thánh Thần”.

Hạnh phúc cho chúng ta biết bao khi chúng ta được đầy tràn Thánh Thần! Chỉ khi nào chúng ta được tràn đầy Thánh Thần, chúng ta mới có thể thực hiện điều Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Điều đó chỉ còn là một lý tưởng xa vời. Chúng ta không bi quan, nhưng hãy nhìn vào sự thật, chúng ta chưa yêu thương nhau. Không có mấy người đã yêu thương nhau thật. Chúng ta mơ mộng nhiều hơn là sống. Chúa Giêsu đã yêu thực sự, là mẫu gương không thể thay thế vì Ngài đầy tràn Thánh Thần. Thánh Phaolô đã yêu thương như Thầy và ngài luôn kêu gọi giáo dân yêu thương nhau. Thánh Gioan, trong các thư của ngài cũng nói đến bao nhiêu đó. Các Kitô hữu đầu tiên đã dám yêu thương thực sự, dám hi sinh tất cả, kể cả tài sản cho nhau. Hôm nay, trong Giáo hội, các tu hội, các phong trào giáo dân mới đã cố đi theo con đường đó, nhưng chỉ là những nhóm nhỏ.

Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần thổi ngọn gió yêu thương của Ngài vào tâm hồn chúng ta, để chúng ta không chỉ nói mà thực hiện những gì Chúa Giêsu đã dạy, để tình yêu Chúa lan rộng trên khắp nẻo đường thế giới, để con người hôm nay bớt khổ và tìm được niềm vui đích thực chứ không giả dối.

Thánh Thần vẫn hoạt động, ngọn lửa tình yêu của Ngài vẫn bùng cháy trong Giáo hội, ngọn gió tình yêu của Ngài vẫn thổi, nhưng chúng ta có căng buồm lên để Ngài thúc đẩy chúng ta đi vào đời với một quả tim quảng đại hơn, nhiệt thành hơn không?

Trong hiến tế hôm nay, Chúa Thánh Thần sẽ biến tấm bánh và chén rượu nho thành Mình Thánh Chúa Giêsu, làm của ăn nuôi tình yêu chúng ta. Hãy cầu xin Thánh Thần cho chúng ta niềm tin vững mạnh để thấy một cách rõ ràng, không mập mờ tình yêu Chúa trong tấm bánh Tình Yêu đó, để khi chúng ta ăn lấy, chúng ta được biến đổi thành tấm bánh như Chúa Giêsu, đem tất cả cuộc đời hiến dâng phục vụ để mọi người nhìn thấy chúng ta là con Thiên Chúa, là môn đệ của Thiên Chúa Tình Yêu.

Lm Trầm Phúc