Khổ vì cái xấu của sự tầm thường

Timothy Radcliffe: «Thời buổi của chúng ta khổ vì cái xấu của sự tầm thường», nhà thần học lớn Dòng Đa Minh trả lời phỏng vấn độc quyền cho báo «Le Point».

TimothyRadcliffe.jpgLe Point: Cha đã gặp Đức Phanxicô và nói chuyện riêng với ngài rất lâu. Cha thấy ngài như thế nào?

Timothy Radcliffe: Ngài là một người rất thoải mái. Tôi ấn tượng về tính luôn luôn sẵn sàng, luôn luôn ứng trực của ngài. Trong suốt buổi nói chuyện, ngài không bao giờ nhìn đồng hồ. Và ngài cũng không tìm cách để có ảnh hưởng (contrôle) trên tôi. Yếu tố này rất quan trọng để hiểu đường hướng tâm linh và hành động của ngài. Phương Tây, chính xác là nước Pháp và nước Anh từ bốn thế kỷ nay đã mang dấu ấn của một văn hóa tạo ảnh hưởng và Giáo hội cũng bị nhiễm theo loại văn hóa này. Và chính khi chiến đấu cho tự do, từ Constantine đến chế độ cộng sản, Vatican đã trở thành một chế độ quân chủ. Một chế độ quân chủ mà Đức Phanxicô muốn hạ, khi ngài giảm tối thiểu các cơ chế tạo ảnh hưởng trong nội bộ Vatican. Chính vì vậy mà ngài thành lập nhóm tám hồng y ở bên cạnh ngài để có một mức độ độc lập nào đó.

Dưới thời Đức Bênêđictô XVI, cha lấy làm tiếc cho «vấn đề quản trị ở cấp cao của Giáo hội» và kêu gọi «thay đổi cơ chế ở Vatican» (đọc ‘Le Point’ số 1939, 12-11-2009). Vậy bây giờ cha đã hài lòng?

Không có đứt đoạn bao nhiêu giữa Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô. Người đầu hoàn thành các bước thần học mà người thứ hai thiết lập trong thực tế. Nhưng Đức Phanxicô đã làm đúng chính xác như tôi từng mong muốn. Điều ngài mang đến, chúng ta đã chờ từ lâu ở Công đồng Vaticanô II! Ngài không còn muốn tình trạng giáo hoàng sống như cung vua, có triều đình bao quanh. Thêm nữa, ngài tự xem mình như giám mục của giáo phận Rôma. Ở mỗi cấp bậc trong Giáo hội, ngài mong muốn có nhiều hơn các thảo luận và chia sẻ trách nhiệm. Ngài làm việc để mang đến cho các hội đồng giám mục quốc gia có nhiều quyền hơn và làm thế nào để các hội nghị không chỉ còn là những nơi đăng ký nhưng là diễn đàn nơi mọi người thảo luận và có quyết định. Ngài muốn tạo một nơi chốn để Thần Khí thổi sức sống của mình. Giáo hội cần tinh thần khởi phát tự nhiên. Chúng ta phải ngưng tình trạng tê liệt của mình!

Đức Phanxicô có phải là người «cứu» Giáo hội không?

Không! Ngài sẽ hoảng sợ khi người ta nói như vậy. Ngài không tìm cách để áp đặt ý của ngài trên Giáo hội. Giới truyền thông luôn nghĩ các giáo hoàng giống như các chính trị gia, lên ngôi với chương trình như một đảng phái chính trị, để «cứu» quốc gia. Nhưng chúng tôi không có quy trình như vậy. Chúng tôi đáp trả ý Chúa mà chúng tôi nhận định trong lời cầu nguyện và trong các cuộc thảo luận. Ai cũng nói về Đức giáo hoàng, nhưng ngài, tôi bảo đảm với ông, ngài chỉ muốn một chuyện: quên mình. Ngài mong giáo hoàng có một địa vị ít quan trọng hơn. Đó là nghịch lý cho thực trạng của ngài.

Ngài đã tạo ra rất nhiều mong chờ và các cải cách có thể cần một thời gian lâu. Ngài có tạo rắc rối vì người ta có thể thất vọng khi kỳ vọng quá cao không?

Đức Phanxicô luôn luôn nói rằng một cải cách đích thực luôn luôn chậm. Chúng ta phải kiên nhẫn và để cho mọi sự sẽ đến. Nếu giáo hoàng tìm cách đẩy mạnh tiến trình thì sẽ tạo chia rẽ trong nội bộ Giáo hội. Chúng ta sống trong thế giới của giao tiếp tức thời, đòi hỏi các câu trả lời phải có ngay, nhưng lại dẫn đến sự việc… là không có gì được giải quyết. Chúng ta đi tới trong một đường hướng chưa biết, dễ hiểu là nó sẽ tạo ra các nỗi sợ. Nhưng tôi nghĩ, Đức Phanxicô nghĩ, không nên phải biết hết mọi sự trước, sẽ sai lầm nếu muốn kiểm soát quá và chúng ta phải cởi mở với Thần Khí.

Ngài có được tự do hành động để đụng đến các vấn đề nền tảng của giáo điều Công giáo không?

Nhưng các nền tảng của giáo điều này cho chúng ta nhiều tự do hơn là chúng ta nghĩ! Tôi không nghĩ giáo điều là một cái gì ngăn cản; theo tôi nghĩ, chính truyền không đóng lại các câu trả lời, ngược lại chính truyền mở ra một khoảng không gian lớn. Phải cẩn thận với thành kiến kiểu lý luận cố chấp chống lại với các giáo điều đang có hiện nay trong xã hội chúng ta.

Bây giờ, rất nhiều người công giáo chờ các tiến triển trong vấn đề các cặp đã ly dị lập gia đình lại, chẳng hạn?

Đây là một vấn đề khác. Đây không phải là vấn đề giáo điều, nhưng là kỷ luật. Khi tôi nói kỷ luật (discipline) không có nghĩa là hình phạt, đương nhiên rồi, nhưng là cách tổ chức đời sống của một môn đệ (disciple). Cần phải thay đổi kỷ luật này. Khi còn làm tổng giám mục Buenos Aires, Đức Jorge Bergoglio đã cho thấy ngài có rất nhiều uyển chuyển đối với những người đã ly dị muốn tái hôn; bây giờ làm giáo hoàng, tôi nghĩ ngài sẽ có thái độ cởi mở đối với điểm này. thực hiện. Có rất nhiều vấn đề không dính gì đến giáo điều, chẳng hạn như việc hôn nhân của các linh mục, chúng ta cần có những cuộc thảo luận cởi mở để nhận ra cái gì tốt nhất cho vấn đề này. Điều quan trọng đối với Đức Phanxicô không phải những gì ngài suy nghĩ nhưng những gì Giáo hội quyết định.

Thái độ khá mang tinh thần Dòng Tên….

Hay tinh thần Đa Minh. Ngài muốn cộng đoàn quyết định, và cách làm việc như thế này thì rất có nét Đa Minh: quyền tối cao của dòng chúng tôi là công hội. Ông có biết người ta nói gì về Đức Phanxicô không? Ngài là tu sĩ Dòng Tên mặc áo Dòng Đa Minh và mong mình là tu sĩ dòng Phan Sinh…

Rất nhiều quan sát viên để ý khi ngài nói, nhất là khi ở đảo Lampedusa, ngài như một lãnh tụ chính trị. Sự mất uy tín trong lãnh vực chính trị có làm mạnh lên ảnh hưởng của ngài không?

Đức Phanxicô làm cho giáo dân xúc động không những qua những gì ngài nói mà còn qua hành động của ngài. Khi ngài rửa chân cho các tù nhân, trong đó có một người Hồi giáo, điều đó làm cho mọi người quan tâm. Khi ngài ôm một người bị một loại bệnh hiếm, gương mặt bị biến dạng, cả thế giới ngạc nhiên. Ở đảo Lampedusa, không hẳn chỉ nói lên sự dửng dưng của chúng ta đứng trước những người di dân. Ngài đã cử hành thánh lễ ở trong một con tàu nhỏ, gần nơi có nhiều người bị chết. Một cử chỉ như vậy mạnh hơn lời nói rất nhiều; ngài đã khơi dậy sự khao khát trong lòng chúng ta, khao khát một thế giới công chính và giàu lòng thương xót hơn.

Người của đức tin phản ứng trước sự bất tín nhiệm đối với tầng lớp chính trị và nói một cách tổng quát hơn, tầng lớp lãnh đạo như thế nào?

Ông Tony Benn, đảng viên Công Đảng Anh vừa mới chết đã có một câu nói nổi tiếng: «Tất cả mọi sự nghiệp chính trị đều chấm dứt trong thất bại. Sự nghiệp của tôi chấm dứt sớm hơn đa số.» Ngày nay, các chính trị gia nói năng như các kinh tế gia. Tất cả đều nhắm vào kinh tế và chúng ta đánh mất đi một tư duy mang tính nhân bản hơn. Mỗi chính trị gia đều tự xem mình như người ra tay cứu nhân độ thế, và như thế sứ mạng của họ là không thể nào thực hiện được. Đức Phanxicô có một lợi điểm hơn: đối với ngài, chỉ có Chúa Kitô mới là Đấng Cứu Độ! Đức Phanxicô và tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo mời gọi chúng ta xem mình như những cộng đoàn tín hữu nam cũng như nữ, giàu cũng như nghèo cùng hiệp nhau trong cùng một mục đích, đi tìm điều tốt đẹp chung. Các khao khát của chúng ta thì sâu đậm hơn là tiền bạc.

Cha là người đi khắp nơi rất nhiều, cha có thấy có cùng sự gạt bỏ về mặt chính trị này ở khắp thế giới không?

Tôi đi rất nhiều nhưng tôi chỉ ở một thời gian ngắn ở một nước hay một châu lục, như thế cảm nhận của tôi có thể hời hợt. Nhưng tôi nhận thấy – đặc biệt ở Phi châu, một phần ở Châu Mỹ La Tinh và các nước Á châu – các cơ quan Tây phương như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế thường làm áp lực trên các quốc gia để họ được nhìn nhận như một thiết chế kinh tế, làm như vậy họ áp đặt các giải pháp phá hoại lợi ích chung. Rất nhiều nền văn hóa còn giữ một ý nghĩa về lợi ích chung đang bị đập đổ bởi áp lực đến từ phương Tây này.

Cha tự nhận như «bạn của những người tội lỗi». Theo cha tội lớn nhất của thời buổi chúng ta là tội gì?

Tội tiêu biểu nhất của thời buổi chúng ta là tội hời hợt nông cạn, chỉ muốn có những thỏa mãn nho nhỏ. Một phần lớn nền văn hóa hiện đại của chúng ta làm cho các ước muốn của quả tim con người thành những ước muốn tục tĩu tầm thường. Trong căn phòng khách sạn ở Los Angeles mà tôi vừa trở về, tôi lướt cả trăm kênh truyền hình, tôi không thấy có một cái gì thích thú. Thật là quá đáng buồn! Nữ triết gia người Do Thái, bà Hannah Arendt đã viết về cái «tầm thường của sự dữ» (banalité du mal), và thời buổi chúng ta, tôi nghĩ, chúng ta khổ vì cái xấu của sự tầm thường (mal de la banalité). Tâm trí con người được tạo ra để nắm bắt được ý nghĩa của cuộc sống, để đáp ứng cho niềm khao khát thấu hiểu của chúng ta. Là Kitô hữu, tôi tin mục đích là tìm trong tình yêu vô tận thế nào là Thiên Chúa. Một xã hội làm mê hoặc tâm hồn với những thỏa mãn nho nhỏ và những giải trí tục tĩu sẽ sụp đổ trong chán nản buồn phiền.

(Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 10.05.2016)