4. Đức Giêsu biến hình trên núi
Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu
Sáu ngày sau, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo bên mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và kìa các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, hay quá! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái”. Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: “Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Ðức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Ðức Giêsu mà thôi. (Mt 17,1-9)
Suy niệm:
Qua những lời giảng có sức cuốn hút và biến đổi lòng người, cùng những phép lạ có một không hai, danh tiếng của Đức Giêsu trở nên vang dội khắp cõi xa gần. Tuy vậy, đời sống của Ngài vẫn rất bình dị và đơn sơ, chứ chẳng có gì khác biệt hay nổi trội hơn trước. Ngài vẫn đi lang thang đây đó, khi chỗ này, lúc chỗ nọ để dạy dỗ người ta chứ không tọa lạc tại một chốn huy hoàng nào. Ngài vẫn xuất hiện trước người khác với một dáng vẻ bình dị và đậm chất thôn quê, chứ không phải với nét rực rỡ, lấp lánh của một vị cao tiên, chân tu đắc đạo. Thế nhưng, cũng có lần, Ngài gọi ba môn đệ thân tín nhất của mình đi đến một ngọn núi cao. Rồi trên đỉnh núi ấy, Ngài đã khiến các ông phải kinh hoàng sợ hãi khi đột ngột biến hình và trở nên sáng láng đến mức không sao tả nổi. Vinh quang của Ngài bao trùm cả một cõi. Lại còn có sự xuất hiện của Môsê và Êlia, và cả tiếng nói vọng xuống từ đám mây, như muốn nhắn nhủ đến các ông: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Các ông bàng hoàng đến độ ngã sấp xuống đất và chẳng hiểu chuyện chi cho đến khi Giêsu đến bên và gọi các ông dậy.
Có vẻ đây là lần đầu tiên các ông chiêm ngưỡng được vinh quang của Thầy, một vinh quang không bị ẩn giấu đằng sau nhân tính, dù vinh quang ấy chưa phải là đỉnh điểm và thể hiện hết trọn vẹn sự vô hạn vô biên của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là một người thích phô trương nên chẳng bao giờ Ngài tỏ lộ vinh quang chói lòa của mình nếu không cần thiết. Thậm chí, trong những lần tỏ lộ như vậy, Ngài vẫn chỉ cho người ta thấy một phần rất ít ỏi sự uy nghi rực rỡ của mình, bởi lẽ, uy phong của Ngài cả vũ trụ bao la này còn không chứa nổi, huống gì những con người cỏn con, yếu đuối. Chính vì biết con người không đủ sức để chịu đựng vinh quang của mình, nên Thiên Chúa đã phải ẩn mình đi, che giấu đi tất cả sự trỗi vượt của mình, chỉ để lộ ra bên ngoài những gì là giản dị và bình thường nhất để người ta có thể tiếp cận và gần gũi.
Đức Giêsu là một nhân vật có một không hai trong lịch sử. Trước Ngài và sau Ngài, chắc chắn không tồn tại một ai như Ngài nữa. Trên trời, dưới đất, trong mọi loài hữu hình và vô hình, cũng không hề có một loài nào như Ngài. Ngài vừa là Thiên Chúa vô hạn, vừa là con người hữu hạn; vừa là Thiên Chúa tối cao, vừa là con người thấp hèn; vừa là Đấng siêu vượt không gian và thời gian, vừa là Đấng chịu sự chi phối của chúng. Đằng sau dáng vẻ một người đàn ông chân chất, tên là Giêsu, có tài ăn nói, làm được những dấu lạ, luôn hòa nhã và gần gũi với mọi người, có tấm lòng cảm thương … là cả một huyền nhiệm mà mãi muôn đời ta chẳng sao hiểu được hết. Nhưng đó lại là một huyền nhiệm làm rung động lòng người, làm biến đổi tâm can, có sức đưa ta vào cõi vĩnh phúc. Chính cái đó mới làm cho Giêsu trở nên đặc biệt và độc nhất vô nhị. Nếu không, Ngài cũng chỉ là một con người có tài, như bao vĩ nhân khác của nhân loại mà thôi. Vì là lần đầu tiên chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Giêsu, các môn đệ đã hoảng hồn đến nỗi chẳng thể giữ được bình tĩnh. Hẳn là sau biến cố này, các ông sẽ ý thức hơn nữa về Thầy mình, về sự huyền nhiệm khôn tả đang ẩn giấu nơi con người của Thầy. Dù có khi các ông chẳng hiểu gì, nhưng nó cũng có thể giúp các ông vững tin hơn, yêu mến hơn và xác tín hơn vào con đường mà mình đang dấn bước.
Người tu sĩ, nhìn dưới một khía cạnh nào đó, cũng phải là một con người biết “lên núi” với Giêsu, ở lại đó, và ngỡ ngàng chiêm ngắm hết huyền nhiệm này đến huyền nhiệm khác của Ngài. Núi là nơi “hẹn hò” của họ với Thầy Giêsu. Đó là nơi họ và Đấng mà họ yêu gặp nhau để trao đổi tâm tình, để chia sẻ buồn vui, để nhận nguồn an ủi. Giữa cuộc sống bộn bề với biết bao công việc, người tu sĩ phải cố gắng sắp xếp để dành một khoảng riêng với Chúa. Khoảng riêng này chính là “núi thánh” trong đời tu của họ. Nơi khoảng riêng ấy, tình cảm mặn nồng giữa hai người được củng cố và thắt chặt hơn. Cũng tại khoảng riêng này mà người tu sĩ mặc sức chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu nơi vị Thầy chí thánh của mình. Những điều kỳ diệu ấy có đôi khi vượt tầm hiểu biết của trí khôn người tu sĩ, nhưng lại giúp đong đầy khoảng trống trong trái tim họ và càng khiến họ mỗi ngày thêm yêu, thêm phục, thêm kính tôn Thầy hơn. Nói một cách nôm na, đó chính là những giây phút cầu nguyện trong thinh lặng của tâm hồn. Người tu sĩ nào không biết cầu nguyện, không bỏ giờ để cầu nguyện và không thấy giá trị của cầu nguyện trong đời sống của mình, họ sẽ dần dần mất đi lý tưởng dấn thân, không còn tha thiết chuyện hy sinh phục vụ vì họ đã không còn tìm thấy một khuôn mẫu để họ chiêm ngắm và noi theo.
Chiêm ngắm biến cố Đức Giêsu biến hình trên núi, ta được mời gọi để chất vấn bản thân. Tôi có dành riêng cho Giêsu một khoảng thời gian nào trong ngày sống không? Hay tôi luôn lấy cớ là phải làm việc tông đồ này nọ mà bỏ bê việc thiêng liêng? Giữa tôi và Giêsu có một nơi nào riêng tư để gặp gỡ, chuyện trò không? “Ngọn núi”, nơi mà tôi được Giêsu đưa lên cùng với Ngài, là cái gì, nằm ở đâu? Mỗi khi tôi ở lại với Giêsu, tôi có chiêm ngưỡng được nét vinh quang và huyền nhiệm của Ngài không, hay tôi chỉ thực thi điều ấy như một bổn phận cực chẳng đã, làm để khỏi áy náy lương tâm? Kỳ thực, hơn ai hết, việc ở lại và chiêm ngắm Giêsu, vừa là một đặc ân nhưng cũng là một nhu cầu của người tu sĩ. Ai không nhận thấy việc cầu nguyện để gặp gỡ Chúa là một điều mình không thể không làm, người ấy vẫn còn kiêu ngạo và còn ở xa Chúa lắm.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ