Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha 28/07/2019

Suy niệm bài Tin Mừng của Thánh Luca, trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ “Kinh Lạy Cha”, ĐTC Phanxicô mời gọi mỗi người cầu nguyện không ngừng, thưa chuyện trực tiếp với Chúa Cha và có mối tương quan cá nhân với Ngài, như các em nhỏ làm với cha của các em.
Kết quả hình ảnh cho KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA 28/07/2019

Cầu nguyện như Chúa Giêsu

Trong đoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Lc 11, 1-13) Thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ “Kinh lạy Cha”. Các môn đệ đã biết cầu nguyện theo công thức truyền thống Do Thái, nhưng các ông ước ao có thể sống đời cầu nguyện có “chất lượng” như Chúa Giêsu. Các môn đệ nhận thấy cầu nguyện là một chiều kích thiết yếu trong đời sống của Thầy. Thực tế, mọi hành động quan trọng của Thầy đều được đưa vào trong những giờ cầu nguyện. Hơn nữa các ông còn bị lôi cuốn cách thức Chúa cầu nguyện. Họ thấy Chúa cầu nguyện không như các vị thầy khác, nhưng lời cầu nguyện của Ngài là sự liên kết mật thiết với Cha. Vì thế các ông muốn được tham dự vào những giây phút kết hợp với Thiên Chúa để được nếm hưởng trọn vẹn sự ngọt ngào của nó.

Tính mới của cầu nguyện Kitô giáo

Như thế, một ngày kia, ở một nơi thanh vắng các môn đệ đợi Chúa cầu nguyện xong liền tiến tới hỏi Chúa: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Trả lời câu hỏi của các ông, Chúa không đưa ra một định nghĩa trừu tượng về cầu nguyện, cũng không dạy kỹ thuật để cầu nguyện có hiệu quả và để “đạt được” một điều gì đó. Trái lại, Chúa mời gọi các ông trải nghiệm việc cầu nguyện, đặt mình liên lạc trực tiếp với Chúa Cha, khơi dậy trong họ một khát khao về mối tương quan cá nhân với Cha. Đây là tính mới của cầu nguyện Kitô giáo”! Cầu nguyện là cuộc đối thoại giữa hai người yêu nhau, cuộc đối thoại dựa trên sự tin tưởng, được nâng đỡ từ việc lắng nghe và mở lòng cho việc dấn thân.

Tình phụ tử trong cầu nguyện

Bởi thế, khi trao cho các môn đệ “Kinh Lạy Cha”, đó là trao ban một món quà quý giá mà Thầy Chí Thánh để lại cho chúng ta trong sứ vụ trần thế của Ngài. Sau khi mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Người Con và của anh chị em, với lời cầu nguyện này Chúa làm cho chúng ta tham dự thâm sâu vào tình phụ tử của Thiên Chúa và chỉ cho chúng ta cách thức để bước vào cuộc đối thoại cầu nguyện và trực tiếp với Cha, qua lòng tin tưởng của tình con thảo. Những gì chúng ta xin trong “Kinh Lạy Cha”, trong Người Con Duy Nhất tất cả đã được thực hiện và trao ban cho chúng ta: Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, lương thực hàng ngày, xin tha thứ và cứu khỏi sự dữ. Khi chúng ta cầu xin, chúng ta mở đôi tay đón nhận. Lời kinh mà Chúa dạy chúng ta là tổng hợp mọi lời cầu nguyện, và chúng ta luôn hướng đến Chúa Cha trong sự hiệp thông với anh chị em. Đôi khi trong cầu nguyện có sự lơ đãng nhưng thường chúng ta cảm thấy muốn dừng lại ở lời đầu tiên: “Cha” và cảm nhận được tình phụ tử đó trong tâm hồn.

Kiên nhẫn trong cầu nguyện

Rồi Chúa Giêsu kể dụ ngôn về người bạn quấy rầy. Chúng ta phải kiên trì khi cầu nguyện. Tôi nghĩ đến các em nhỏ ở độ tuổi lên ba, lứa tuổi mà các em bắt đầu hỏi những điều mà chính các em chưa hiểu. Ở quê hương tôi người ta gọi là “tuổi của tại sao”, tôi tin rằng ở đây cũng như vậy. Các em bắt đầu nhìn người cha và hỏi: “Ba ơi, tại sao?, ba ơi, tại sao?”. Các em xin giải thích. Nhưng chúng ta hãy cẩn thận: khi người cha bắt đầu giải thích thì em bé lại hỏi một câu hỏi khác, không lắng nghe người cha giải thích. Chuyện gì xảy ra? Xảy ra là các em không cảm thấy an toàn về những điều chúng bắt đầu hiểu nửa chừng. Và các em chỉ muốn nhìn chăm chú vào người cha và đó là lý do các em luôn hỏi: “Tại sao, tại sao, tại sao?”. Trong Kinh Lạy Cha, nếu chúng ta dừng lại ở lời đầu tiên, chúng ta sẽ làm giống như khi chúng ta còn nhỏ, thu hút ánh mắt của người cha trên chúng ta và nói: “Cha ơi, cha ơi” và rồi chúng ta cũng hỏi: “Tại sao?” và Cha sẽ nhìn chúng ta.

Chúng ta cùng cầu xin Đức Maria, người phụ nữ cầu nguyện, giúp chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu để sống Tin Mừng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
 

Ngọc Yến – Vatican