Chúng ta cùng đối chiếu hai khái niệm: Lòng thương xót và đức công bằng (công chính, công bình, ngay thẳng, công minh) để nhìn ra mối tương quan giữa chúng. Về nguyên tắc luân lý, chúng khác biệt về nội dung, nhưng lại tồn tại một mối liên hệ chặt chẽ. Công bằng thì trả lại cho người mình mắc nợ dựa theo luật, tức là phải tôn trọng lề luật. Công bằng tuyệt đối cần cho các mối tương quan con người, buộc phải trả lại cho tha nhân những quyền lợi của họ. Còn về tình yêu thương xót thì đi xa hơn và vượt trên sự tôn trọng quyền lợi của người khác. Khi nhìn nhận mọi người là anh chị em trong Đức Ki-tô, chủ thể phải có thái độ tốt và bạn hữu đối với người khác và giúp đỡ họ. Thánh Tôma Aquinô giải thích: “Công bằng thì coi tha nhân là một người khác, trong khi đó tình yêu nhìn người khác là chính mình. Sự công bằng tôn trọng quyền lợi tha nhân, tình yêu cho tha nhân hơn quyền lợi đó, vì yêu Chúa và vì tình yêu của con cái Chúa”[1]. Tha thứ là cách thể hiện tình yêu ở cấp cao nhất. Tha thứ thước đo, vượt qua món nợ phải trả.
Công bằng giới hạn những cái phải trả cho tha nhân ở mức tối thiểu và buộc phải thực hiện, ví dụ: nợ bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu và lời lãi nếu có. Điều cần thiết là “thi hành những đòi hỏi của đức công bằng, nhưng thi hành bác ái thì tùy thuộc”[2]. Lòng thương xót không bao giờ thay thế công bằng, không tước đoạt những đòi hỏi của công bằng.
Lòng thương xót không làm mờ nhạt những đòi hỏi căn bản của công bằng, không xóa bỏ, không loại trừ, nhưng thừa nhận và đòi buộc thi hành công bằng. Công bằng cốt yếu là chu toàn bổn phận đối với tha nhân, không chỉ do nhân luật mà do thiên luật. Trong Tin mừng Luca, Chúa Giê-su đã chỉ cho chúng ta không được bỏ những đòi buộc căn bản đối với tha nhân. Công bằng là hình thức chính và là thước đo tình yêu với tha nhân, nó cũng là điều kiện để thi hành lòng thương xót (x. Tông huấn LTX số 4). Trong tương quan con người, công bằng và tình yêu rất cần thiết. Cả hai đều không thể thiếu dù mỗi khái niệm mang một nghĩa khác. Công bằng không thể tồn tại nếu không có tình yêu và tình yêu không thể có, nếu không nhận ra những đòi buộc của công bằng.
Công bằng không thể đủ trong các tương quan, cần phải có chỗ cho tình yêu thương xót; cần phải cho hơn những đòi buộc của công bằng. Thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nói điều này ở số 12 đoạn 3 : “Kinh nghiệm quá khứ đã chỉ ra điều đó… không có tình yêu thì chỉ có trà đạp và phá đổ”.
Hai khái niệm trên không thể đối lập nhau vì nếu đối lập chúng sẽ làm méo mó nhau. Tách rời chúng cũng sẽ gây ra lối sống hình thức. Khi áp dụng hai khái niệm này, người nắm quyền phải xem xét hoàn cảnh, những khó khăn, những nhu cầu của tha nhân để tránh sự bất công, như cổ nhân đã nói: cực độ của lề luật là cực độ của bất công. Luật mà áp dụng theo mặt chữ sẽ gây ra bất công.
Tách rời chúng sẽ gây ra sự thô bạo. Công bằng tách khỏi lòng thương xót sẽ không còn là công bằng và sẽ tạo ra cách đối xử: mắt đền mắt, răng đền răng. Nhân danh công bằng mặt chữ hay hình thức, người ta có thể triệt hạ nhau, phủ nhận tha nhân và tước đi các quyền căn bản của người khác (x. Tông huấn LTX số 12). Công bằng và tình yêu phải đi đôi với nhau, vì tất cả sẽ không tuyệt đối chính xác nếu không có tình yêu (x. Kn 12, 19). Khi tình yêu vắng mặt, thù hận và bạo lực sẽ thế chỗ vào đó. Công bằng mà không có lòng thương xót có thể sinh ra bạo tàn.
Lòng thương xót mà không có công bằng sẽ mất đi quyền lực của nó, nó trở nên yếu ớt và dung thứ có sự xấu, trong khi đó lòng thương xót chống đỡ cho công bằng. Do đó, nó không tách rời và phá hủy những đòi buộc khách quan. Tha thứ là đỉnh cao của lòng thương xót và đồng thời là nơi gặp gỡ hai khái niệm này. Chu toàn các điều kiện của công bằng là không thể thiếu để tình yêu có thể tỏ ra khuôn mặt riêng của nó (x. Tông huấn LTX số 14).
Hai khái niệm này đúng là chỉ đồng hành với nhau. Trong Chúa, không thể có đối lập giữa chúng, trái lại chúng đồng tồn tại cách hài hòa. Lòng thương xót không khác, không đối lập với công bằng (x. Tông huấn LTX số 4). Thiên Chúa công bằng và thương xót như nhau. Do lòng thương xót, Ngài luôn là công chính; do sự công chính, Ngài luôn luôn thương xót. Trong Ngài, cả hai liên kết một cách dễ dàng. Chúng không tách rời, không loại trừ, thế nhưng con người lại nghĩ sai về tương quan đó và nghĩ rằng Thiên Chúa không thể vừa thương mà lại vừa xét xử. Người ta tự hỏi: Sự công bằng của Thiên Chúa ở đâu khi mà Ngài thương xót tội nhân ? Một số khác thì quên sự công bằng khi nói rằng: tôi phạm tội vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài sẽ tha hết cho tôi.
Cần thiết phải có cả hai: sợ hãi mà không tin tưởng thì sẽ thất vọng vì người ta chỉ nhìn Thiên Chúa là Đấng xét xử, trong khi đó nếu tin mà không sợ, thì niềm tin đó trở thành kiêu căng, tội chống lại Chúa Thánh Thần. Ngày nay, rất nhiều người muốn Thiên Chúa chỉ có thương mà không có xét xử, họ phạm tội mà không sợ Thiên Chúa, Ngài thương xót mà tha cho họ. Như thế là sai, là lạm dụng lòng thương xót. Ai yêu thì không lạm dụng Tình yêu của Ngài. Ai có thể chấp nhận làm điều xấu cho mình và cho người khác vì người mình yêu ?
Lòng thương xót và công bằng (sự ngay thẳng) đồng tồn tại nơi Thiên Chúa. Công bằng được thiết lập trên tình yêu, nó đến từ tình yêu và trở về tình yêu (x. Tông huấn LTX số 7). Lòng thương xót Chúa thật vô biên vì sự tha thứ của Ngài mau lẹ và mạnh mẽ luôn phát xuất từ giá trị hy tế của Chúa Con. Không tội lỗi nào hơn sức mạnh này và không tội lỗi nào ngăn cản nổi (x. Tông huấn LTX số 13). Cái chết của Người Con là để đền đáp đầy đủ công bằng cho Thiên Chúa, tức là nhân loại bị phạt vì tội, nhưng Người Con đã đền trả cân xứng (x. Tông huấn LTX số 8). Như vậy, sự công bằng (công chính, ngay thẳng) của Thiên Chúa không bị giới hạn ở trừng phạt hay thưởng công do việc làm, mà nó liên kết với lòng thương xót, sự công bằng là sự trung thành của Thiên Chúa như Ngài đã hứa từ ngàn xưa. Công bằng mà Thiên Chúa hứa trong Chúa Giê-su là sự Công bằng cứu chuộc, là sự trung thành với Lời hứa (x. Rm 2, 25).
Nếu Chúa Giê-su nói với thánh Faus-ti-na vào giờ chết trên thập giá : lòng thương xót đã thắng sự công bằng (Tiểu báo số 1572), điều đó không có nghĩa là phá bỏ những đòi buộc hay sự công bằng. Trái lại, Đức Ki-tô, lòng thương xót nhập thể, đã hoàn tất mạc khải sâu xa và khuôn mặt đích thực của lòng thương xót Chúa.
Trong Chúa, lòng thương xót và sự công bằng không thể tách rời và không đối lập. Vậy chúng ta phải làm gì để trong đời sống, trong tương quan với tha nhân, lòng thương xót và sự công bằng giữ tương quan cân xứng? Trước tiên, cần phải thi hành những đòi hỏi của công bằng trong tương quan này; cần tạo nên thái độ lòng thương xót. Sẽ không có lòng thương xót nếu không có công bằng và cần phải giữ những điều kiện của công bằng để lòng thương xót được nổi bật lên. Thờ ơ với những đòi buộc công bằng, đó là hiểu sai hay không hiểu lòng thương xót. Lòng thương xót mà không công bằng sẽ mất giá trị, mất quyền lực và trở nên biếm họa. Lòng thương xót cũng bị mất giá trị đích thực khi bị đón nhận cách e dè, thậm chí bị loại ra bên lề. Nếu có như thế là vì lỗi của người đã thực hành do thờ ơ với sự công bằng, sự ngay thẳng. Cần phải chu toàn các điều kiện của sự công bằng, ngay thẳng để lòng thương xót được tỏa sáng.
Dựa theo cuốn sách Vẻ đẹp và sự giàu có của Lòng thương xót của các nữ tu dòng Đức Mẹ Lòng thương xót Cracovie, nxb Misericordia 2008.
Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa