Phi Luật Tân – Linh mục vùng ven cứu người nghèo khỏi đống rác

Ở Tondo, vùng phụ cận Manila, một trong những nơi chôn rác lớn nhất thế giới, linh mục Benigno Beltran, dòng Ngôi Lời đang nỗ lực đem lại phẩm giá cho những người cùng quẫn. Và cha đã xây dựng một nhà thờ hoàn toàn ‘xanh.’

Một vài người tin rằng địa ngục trần gian có thể trở thành thiên đàng, nhờ ơn Chúa Kitô. Và ‘Chúa nói qua người nghèo. Bạn đến giữa người nghèo không phải để cứu họ nhưng là để cứu chính mình.’  Cha Benigno Beltran, nhà truyền giáo Phi Luật Tân thuộc dòng Ngôi Lời, là một trong những linh mục xung kích, đã dành cả đời mình cho những người dân ngoài rìa xã hội, những người cùng quẫn, các nạn nhân thiên tai, những người cơ cực sống giữa đám rác. Năm 1987, cha Beltran lập cơ sở của mình tại Tondo, vùng phụ cận Manila, nơi hơn 1triệu người sống trong túp lều, các mái nhà bất hợp pháp, và các lán trại tạm bợ làm bằng bất kỳ thứ gì kiếm được. Trên hết, trung tâm xã hội và kinh tế của Tondo là ngọn núi Smokey, đống rác âm ỉ cháy càng mở rộng phủ kín Payatas, một trong những bãi rác lớn nhất thế giới.

Người dân Tondo đã học cách sống với rác thải và họ đã tồn tại. Với 25 ngàn tấn rác thải ở Payatas, một ‘nền kinh tế tái chế’ phồn thịnh đã xuất hiện, với đủ mọi người già trẻ đi nhặt các vật bằng nhựa, thủy tinh, và kim loại rồi bán lại. Một cuộc sống bị hạ giá sống bên cạnh những con mòng biển và chó hoang, cùng với mối nguy bị nhiễm độc từ khí gas độc hại, các bệnh truyền nhiễm, cũng như dễ sa vào đường tội phạm và mại dâm.

Do đó, giáo xứ Chúa Kitô Phục Sinh, ở Tondo, thuộc tổng giáo phận Manila, đã nỗ lực đem lại cho người nghèo và người cùng khốn một hi vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn, một thông điệp về phẩm giá của con cái Chúa. Cha xứ Benigno Beltran có niềm tin vững vàng rằng sự sống lại mà chúng ta tuyên xưng trên bàn thờ, có thể và phải, là một phần đời sống thường nhật của những người đàn ông, đàn bà, trẻ em này, nếu không họ sẽ chịu số phận sống đời ruồng rẫy, như thể một rác thải con người vứt đi vậy.

 

Cha đã khởi đầu một kế hoạch biến Núi Smokey thành Núi Silicon. Nhờ sự giúp sức và cộng tác của một trường đại học công, hàng trăm thanh niên nghèo từ Tondo được theo học các khóa đào tạo chuyên nghiệp, để có được kỹ năng máy vi tính và dự phần vào cơ cấu xã hội nghề nghiệp.

Nhờ những kỹ năng này, những người trẻ đã thiết lập các liên kết với một công ty ở Đức, và mở ra việc trích xuất kim loại nặng từ rác thải, thúc đẩy các công việc kinh doanh nhỏ, cũng như phát triển cho các đối tác dùng nguyên liệu tái chế và ngành phân bón.

Với sự chấp thuận và ủng hộ của tổng giáo phận Manila, dòng Ngôi Lời thúc đẩy một mạng lưới đoàn kết nối kết các hiệp đoàn nông nghiệp thuộc 7 giáo xứ trong giáo phận, có cả Tondo, để hỗ trợ lẫn nhau trong tinh thần hạn chế lãng phí thực phẩm. Tiểu tín dụng được áp dụng để cho các nông dân quy mô nhỏ có thể tiếp cận các khoản vay.

Tất cả mọi thành quả trên dựa vào các nỗ lực to lớn, thúc đẩy nhận thức trong cộng đoàn biết nâng đỡ cho giáo dục, tính tổ chức, và tăng sức cho mọi người. Bắt đầu từ việc đào tạo thiêng liêng và các giá trị của Tin mừng, cha Beltran giúp những người dân của giáo xứ ‘lấy lại sự tự tôn và hi vọng về một cuộc sống mới, xa khỏi những vực thẳm bị loại trừ ngoài rìa xã hội.’

Nhờ vào hành động mục vụ và xã hội mạnh mẽ, liên tục được cha Beltran thúc đẩy trong suốt 30 năm qua, Tondo đã trải qua sự hồi sinh và thay đổi bộ mặt. Nhờ cha Beltran, các chủ đề và hành động thực tế cho sự gồm tóm và phát triển cho tất cả mọi người – đồng tâm thức với giáo hoàng Phanxicô – đã được lan truyền nơi vùng ven Manila trong nhiều năm qua.

Bằng chứng cho việc này là dự án mới nhất của vị linh mục ‘xanh’ này: 15 năm về trước, cha Beltran mơ về một nhà thờ hoàn toàn tương hợp với môi trường, nên cha bắt đầu xây dựng một công trình mới, và dù bất chấp các khó khăn trong việc gây quỹ, công trình vẫn tiến triển nhanh chóng và sẽ được cung hiến trong vòng 1 năm nữa thôi.

Nhờ thờ mới được xây bằng rác tái chế và các chất liệu tương sinh, với các tấm pin mặt trời, hệ thống rãnh thoát nước mưa, cũng như các thiết bị biến rác thải hữu cơ thành phân bón. Máy khuếch tán được thiết kế đặc biệt để lưu thông không khí, và sử dụng các nguồn năng lượng hoàn toàn có thể tái hồi, để hoàn toàn gìn giữ môi trường.

Như lời trình bày với văn phòng Công lý và Hòa bình của dòng Ngôi Lời, các tiếp cận của cha Beltran là ‘nỗ lực biến đổi các cơ cấu bất công trong xã hội, thăng tiến phẩm giá con người và bảo vệ môi trường’ với niềm tin vững vàng rằng ‘con người đưa ra 5 chiếc bánh và 2 con cái, và Chúa Kitô làm phần còn lại.’
 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch