Những thay đổi này “thúc đẩy chúng ta vui mừng đáp lại những dấu chỉ của thời đại Chúa gửi đến để Giáo hội trong thời đại ngày nay– như trong hai ngàn năm qua– có thể mang Chúa Giêsu Kitô đến cho nhân loại”. Đức Thánh Cha nhận định: “Sứ mạng này trước sau vẫn thế, nhưng ngôn ngữ được dùng để loan báo Tin Mừng đòi phải được đổi mới, với sự khôn ngoan mục vụ”. Vì thế, Đức Thánh Cha căn dặn: “Anh chị em cần nhận ra điều đó, để truyền thống Công giáo có thể đối thoại với các nền văn hoá trong thế giới ngày nay, giúp các nền văn hoá mở ra đón nhận hoa trái vững bền của sứ điệp Đức Kitô. Thời đại này có những thách đố lớn và chúng ta không được sợ đón nhận chúng như những thử thách của mình. Quả thật, chỉ như vậy, chúng ta mới có thể mang lại câu trả lời thích đáng cho những thách đố nhờ đã được Tin Mừng soi sáng. Điều mọi người mong đợi Giáo hội ngày nay là biết làm thế nào đồng hành với họ, đem đến cho họ chứng từ về đức Tin, tạo nên sự liên đới giữa tất cả chúng ta, nhất là với những ai đơn độc và chịu thiệt thòi nhất”.
Nhận thức này đã được gieo vào lòng mỗi Kitô hữu ngay từ ngày chịu phép Rửa tội “phải được lớn lên cùng với đời sống ân sủng… đến đây chúng ta thấy tầm quan trọng của giáo lý, là giúp cho các Kitô hữu được trưởng thành khi trải nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là một trải nghiệm cụ thể, qua đó chúng ta nhận ra sự yếu đuối của mình và sức mạnh từ trời cao ban xuống. Việc chúng ta nài xin Chúa giúp đỡ đã là bước khởi đầu lòng thương xót của Thiên Chúa đến với chúng ta… Chúa Thánh Thần, Đấng tác động công cuộc Phúc âm hoá… khai mở tâm trí các môn đệ của Chúa Kitô để họ nhận biết một cách sâu xa hơn sự đòi hỏi phải dấn thân, đồng thời cần có những cách thức giúp cho việc làm chứng được thuyết phục và đáng tin”.
Do đó giáo dục đức Tin như thế nào “không phải là cách nói hoa mỹ mà thực sự là một vấn đề. Câu trả lời đòi phải can đảm, sáng tạo và quyết đoán, cũng có khi phải bước vào những con đường chưa từng được khai phá. Dạy giáo lý, một bộ phận của tiến trình Phúc âm hoá, cần phải vượt ra ngoài khuôn khổ trường lớp thuần túy, để dạy cho các tín hữu, ngay từ khi còn nhỏ, biết gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng đang sống và hoạt động trong Hội Thánh của Người. Chính sự gặp gỡ này khơi niềm khát khao được biết Chúa hơn và bước đi theo Chúa để trở thành môn đệ của Người. Vì vậy thách đố của Tân Phúc âm hoá và dạy giáo lý xoay quanh điểm căn bản này: làm thế nào gặp gỡ Đức Kitô, và đâu là nơi thích hợp nhất để tìm kiếm Người và bước theo Người”.
(Nguồn: WHĐ)