Người được chọn để nói và làm cho Chúa

Chúa Nhật XV TN B: Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13
Anh chị em thân mến,Amốt làm nghề chăn nuôi và trồng tỉa tại Tê-cô-a, cách Bết-lê-hem 10 km về phía nam, ở ven sa mạc xứ Giuđa. Ông được Chúa gọi thi hành sứ mạng ngôn sứ ở nước Israel. Vì ý thức mình được Chúa gọi và sai đi nên ông chỉ nói và làm những gì Chúa yêu cầu. Ông không nghe bất kỳ ai dù đó là vua hay tư tế hợp pháp. Điều này chúng ta thấy khá rõ qua cuộc đối thoại của ông với tư tế đền thờ Bết-ên là A-mát-da. Vị tư tế này yêu cầu Amốt hãy trở về Giuđa kiếm sống và tuyên sấm, không được nói tiên tri tại Israel vì “đây là thánh điện của quân vương, là đền thờ của vương triều”. Amốt đã trả lời rằng “ông không phải là ngôn sứ, không phải là người thuộc nhóm ngôn sứ, ông chỉ là một người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chúa đã bắt lấy ông, truyền cho ông phải tuyên sấm cho Israel, nên ông phải tuyên sấm”. Ông phải nghe lời Chúa và làm công việc của Thiên Chúa chứ không thể nghe lời người phàm và làm công việc của con người.Không phải chỉ các ngôn sứ trong thời Cựu ước mới được Chúa chọn gọi và yêu cầu làm công việc của Chúa mà các tông đồ trong thời Chúa Giêsu cũng được Chúa chọn gọi và sai đi làm công việc của Chúa. Mười hai tông đồ được Chúa Giêsu gọi chọn đích danh, huấn luyện và sai đi từng hai người một. Họ được sai đi từng hai người một vì lời chứng của hai người bao giờ cũng có tính thuyết phục hơn. Công việc của họ là rao giảng Tin Mừng, kêu gọi sám hối, chữa lành tâm hồn và thể xác. Sứ mạng này rất khó khăn nên vừa cần nhiều ơn Chúa vừa đòi hỏi họ gắng thật nhiều. Khó khăn vì họ chỉ được phép rao truyền sứ điệp của Chúa cho dân chúng. Họ không tạo ra sứ điệp, nhưng nhận sứ điệp từ Chúa và chỉ được phép công bố sứ điệp ấy mà thôi. Họ không được nói ý kiến của riêng mình, nhưng chỉ được nói lời chân lý của Chúa cho người khác. Sứ điệp của Chúa không phải lúc nào cũng dễ nghe và dễ đón nhận, thậm chí nhiều lúc sứ điệp ấy ngược lại với khuynh hướng tự nhiên muốn được thỏa mãn bản năng thấp hèn của con người.

Sứ mạng ấy nặng nề vì là sứ điệp kêu gọi lòng sám hối. Có ai thấy hối cải mà dễ dàng vì hối cải có nghĩa là thay đổi ý nghĩ, và thay đổi hành động cho phù hợp với ý nghĩ. Hối cải không thể tránh khỏi thương tổn vì phải tự nhận con đường mình đang đi là sai lầm, lệch lạc hay ít ra là không hoàn toàn đúng. Hối cải cũng bao gồm sự xáo trộn vì nó đòi hỏi phải thay đổi hoặc đảo lộn nếp sống, từ bỏ và hy sinh, thậm chí hy sinh cả thói quen, não trạng và lối sống quen thuộc. Trong tác phẩm Quo Vadis, có một đoạn nói về chàng thanh niên Roma tên là Vinicius yêu một cô gái kitô hữu. Vì Vinicius không phải là kitô hữu nên cô gái không muốn liên hệ với anh. Anh âm thầm theo cô đến những buổi họp ban đêm của người kitô hữu và nghe Phêrô giảng dạy. Lúc đang nghe, có một việc xảy đến cho anh: “Vinicius cảm thấy rằng nếu muốn theo lời dạy ấy, anh phải đặt lên đống lửa hồng tất cả mọi ý nghĩ, thói quen, tính tình, cả bản chất của mình cho đến khoảnh khắc nào đó và thiêu đốt tất cả nó ra tro, rồi tiếp nhận vào người sự sống khác hẳn, một linh hồn hoàn toàn mới mẻ.”

Hối cải là thế và sự hối cải không nhất thiết phải là sự bắt đầu lại từ chỗ trộm cắp, sát nhân, dâm loạn, gian dối, cùng các tội tỏ tường khác. Sự thay đổi có thể xảy ra ngay trong một đời sống ích kỷ, tham lam, chẳng coi ai ra gì, thay đổi từ chỗ lấy cái tôi làm trung tâm…. Việc thay đổi như vậy ắt sẽ gây ra nhiều tổn thương. Trong tác phẩm Những Người Khốn Khổ, tác giả Victor Hugo ghi lại lời của một vị giám mục như sau “Tôi luôn gây rối cho một người trong đám họ, vì qua tôi, một luồng không khí từ bên ngoài đã thổi tới họ, sự có mặt của tôi khiến họ cảm thấy như có một khung cửa được mở toang và họ đang ở trong vùng gió lùa.” Và hối cải cũng không chỉ là sự hối tiếc tình cảm về một điều xấu đã làm, nhưng là một cuộc cách mạng từ nội tâm cho tới những hành động bên ngoài.

Sứ mạng ấy nặng nề song cũng rất cao cả vì nó đưa đến cho con người lòng thương xót của Thiên Chúa, sự trợ giúp và chữa lành cả tâm hồn lẫn thể xác. Trước khi sai các ông từng hai người một ra đi, Chúa Giêsu ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, tức là quyền trừ quỉ, quyền chữa lành tâm hồn, trả lại sự bình an thanh thản cho con người, và các ông đã dùng quyền ấy mà trừ quỷ. Chúa Giêsu còn căn dặn các ông nhớ phải xức dầu ban thêm sức mạnh, đặt tay chữa lành bệnh nhân, xoa dịu nỗi đau thân xác, trả lại sức khỏe cho con người, đem lại sự thanh thản tâm hồn qua việc “tháo cởi hay cột buộc”.

Anh chị em thân mến,

Vì tông đồ nhận sứ mạng từ Chúa và chỉ làm công việc của Chúa theo ý Chúa nên nếu muốn sứ mạng ấy được thực hiện cách có hiệu quả thì các ông phải theo chỉ thị của Chúa Giêsu “đi hai người, không mang gì đi đường, trừ cây gậy, không mang lương thực, bao bị, tiêng giắt lưng, không mặc hai áo, được đi dép.” Đi trong tình trạng tay không chỉ cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, chứ không cậy dựa vào sức riêng mình cũng như những phương tiện vật chất. Đi đến đâu, vào nhà nào làng nào được tiếp đón thì ở lại, nếu không thì hãy ra khỏi đó giũ bụi chân dưới đất để tỏ ý cảnh báo để họ biết Tin Mừng đã được loan báo, ơn cứu độ đã được trao ban, sự cứu rỗi đã đến gần, nhưng họ không đón nhận là do lỗi của họ. Chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi tín hữu chúng ta hiểu và ý thức sứ mạng nói và sống Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh sống để niềm vui, bình an và hạnh phúc của ơn cứu độ thực sự đến với chúng ta và qua chúng ta đến với người khác.
 

 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toan