Lễ Chúa Ba Ngôi năm B
Phúc Âm Mt 28, 16-20
“làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, ”
Tin vào Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông, chia sẻ và yêu thương:” Ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4, 16). Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là nguồn suối phát sinh mọi mầu nhiệm, trong đó con người được tham dự vào cuộc sống thần linh của Người. Chúa Cha là Đấng sáng tạo đã dựng nên vũ trụ cho con người có nơi ăn, chốn ở, có phương tiện để sinh sống. Chúa Giêsu là Ngôi Hai giáng thế đã cứu chuộc con người, trả lại cho con người sự sống thần linh mà nguyên tổ loài người đã đánh mất. Chúa Thánh Thần, ngôi ba Thiên Chúa tiếp tục tăng cường sức sống thần linh nơi mọi người theo Chúa. Do đó, Chúa Ba Ngôi có liên hệ trực tiếp tới đời sống của từng con người. Thiên Chúa Ba Ngôi luôn ở với con người, gắn bó với con người. Chính vì thế, mỗi lần chúng ta vì dấu thánh giá: ”Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” hoặc đọc kinh sáng danh: ”Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần” là ta tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi. Khi đọc kinh Tin Kính, chúng ta đã tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa với tất cả đức tin sâu thẳm của mình. Trong lời chào đầu lễ, các linh mục luôn đọc: ”Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”. Lời chào đó là lời chào của Giáo Hội nhân danh Chúa Ba Ngôi. Nên, Ba Ngôi quả có mối giây liên kết rất mật thiết với mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta phải hết lòng biết ơn Chúa Ba Ngôi, tỏ lòng tôn kính, mến yêu Chúa Ba Ngôi đang ngự trong lòng mỗi con người.
Lạy Chúa Ba Ngôi xin đến với chúng con, xin ở lại trong tâm hồn chúng con vì tâm hồn của chúng con là Đền thờ cho Chúa Ba Ngôi ngự trị.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
Thánh Kinh bằng tiếng Việt
Thánh Kinh bằng tiếng Anh