Ngày xưa trong Công giáo, người ta nghĩ người ngoài có thể được cứu, nhưng bất chấp tôn giáo của họ. Ngày nay tiến bộ hơn, giáo quyền bắt đầu nhìn nhận, rằng họ được cứu trong (và bằng) tôn giáo ấy. Vâng, con người sống trong xã hội như cá trong nước, mà tôn giáo là môi trường xã hội cần thiết cho sống đạo, thậm chí cho tiến đức nói chung. Nên để cứu mọi người, Thánh Thần không thể không hoạt động trong các tôn giáo. Theo đức Yoan-Phaolô II, hoat động này bội tăng sức mạnh từ khi Lời nhập thể đã hoàn thành sứ mệnh cứu chuộc (EA).
Thế nhưng người ta sẽ nghĩ gì về những khiếm khuyết lớn nếu có trong một vài tôn giáo, đặc biệt trong những tín ngưỡng bán khai. Vâng, làm sao ThánhThần có thể có mặt ở những “hố đen” như thế? Mà quả thật, tín ngưỡng cổ thời hay bán khai luôn đi đôi với quá nhiều mê tín dị đoan, thậm chí tập tục hủ bại như thánh dâm và sát tế người. Không ai lại không biết rằng, cái xấu càng xấu bội tăng khi nó được thần thiêng hóa, như “thánh lễ đen” chả hạn[14]. Mà ở điều xấu,thì dù thuộc cá nhân hay xã hội, chỉ Satan là có mặt thôi.
Nhưng nếu ở đấy có Satan, thì bên cạnh Satan, chả lẽ thần lành không muốn hiện diện để xóa bỏ ảnh hưởng của nó? Thế rồi, bên cạnh những điểm đen nói trên, chả lẽ không có những điểm sáng trong các tín ngưỡng hay tôn giáo ấy. Mà ở điểm sáng, thì nhất định Thánh Thần phải có mặt để khiến nó ngày càng trong sáng hơn, đồng thời phát triển về phía Chúa Kytô, thậm chí theo hướng của Tin mừng.
Các tín ngưỡng thái cổ thường do đóng góp của nhiều người, của chung một xã hội mà thành. Để rồi nó sẽ tiến hóa, như con người vẫn tiến hóa. Và đây là tiến từ bộc phát về phía hợp lý, có hệ thống và tổ chức hơn. Nhất là từ đa thần về phía độc thần, từ tà mị về phía chân, thiện, mỹ, từ lễ nghi bên ngoài về phía huyền nghiệm bên trong. Và như thế cũng là từ tín ngưỡng thồ sơ về phía tôn giáo đúng nghĩa, ở cả chiều sâu và bề cao của nó.
Trong thời đại văn minh, tôn giáo thường do một người hay một nhóm người thiết lập. Người ấy có thể trải qua một kinh nghiệm sâu xa dị thường, nay muốn truyền lại con đường tiến tới đó cho đệ tử. Người ấy cũng có thể là kẻ lợi dụng sự cả tin của nhiều người để bằng một tân giáo phái chả hạn, kiến tạo cho mình một uy quyền, một danh vọng và nhiều tiền của.
Những tôn giáo dù có nguồn gốc chẳng mấy tốt đẹp kia, nếu tồn tại lâu và trở nên đông đúc, lại được hướng dẫn bởi hàng lãnh đạo mới khá tốt, thì vì lợi ích thiêng liêng của cộng đồng, Thánh Thần nhất định phải vào cuộc để cải hóa chúng thành môi trường cứu độ, trong đó nghi lễ có thể thành á huyền tích thông ban ân sủng, và phương pháp nhập định thành con đường dẫn tới gặp gỡ bán ý thức, không phải chỉ với Thiên Chúa duy nhất, mà với Thiên Chúa Ba ngôi trong Chúa Kytô. Dĩ nhiên là con đường thiếu bề nổi Kytô-giáo này sẽ gập ghềnh, hiểm trở đấy, lại không hoàn hảo bởi thiếu một chiều kích.
*
Thánh Thần hoạt động trong các tôn giáo với mục đích phổ cập cứu độ, nhưng theo phương hướng nào?
Theo tôi nghĩ, Thánh Thần muốn biến tôn giáo ấy thành một thứ Á Cựu ước, giống như Do thái giáo vậy. Nghĩa là để chuẩn bị họ cho Tin mừng, trong khi vẫn dành cho các cá nhân (chưa biết Chúa) trong đó một cứu độ như đã làm đối với các tổ phụ Isrặl.
Thành Á Cựu ước, phải chăng các tôn giáo rồi sẽ tự chuyển thành Tân ước? Chỉ biết rằng dân Do thái cũng như ngoại dân, ai muốn bước vào Tân ước, hồi xưa đều phải được rửa nhân danh Chúa Kytô, và như thế, giữa Cựu ước và Tân ước vẫn có một bất liên tục. Vào Tân ước không phải là từ bỏ Cựu ước, nhưng từ đó qua đây vẫn còn một con đò, đò ngang (nên hai bên gần gũi), chứ không phải đò dọc. Và Kytô-giáo cần làm thế với các tôn giáo bạn. Như chúng ta vẫn sử dụng kinh thánh CƯ để chuẩn bị cho Tin mừng, thì bây giờ cũng nên làm thế đối với kinh thư Ấn, Phật, Khổng[15]. . . Và đưa một số nghi thức hay nghi lễ của họ vào phụng vụ để những khát mong Á CƯ thể hiện trong đó đạt tới đích nhắm của chúng nơi Chúa Kytô. Nhất là mang những kinh nghiệm và kỹ thuật tu luyện của Ấn, Phật giáo vô tìm gặp đấng “interior intimo meo” (sâu hơn là chỗ tuyệt sâu của tôi).
Có điều, như chúng ta thấy, nếu Do thái giáo trên nguyên tắc phải là đường dẫn tới Kytô-giáo, thì trong thực hành, phần lớn Dân cũ đã từ chối Chúa Yêsu. Phải, tôn giáo do cơ chế và biết bao yếu tố phàm trần dính theo, có thể là những lực cản khó vượt qua được.
Hoành Sơn, S.J.
[1] Công thức “Không có cứu độ ngoài Giáo hội” gặp thấy lần đầu nơi Origène và Cyprien, nhưng chỉ đạt tới ý nghĩa loại trừ cứng rắn của nó với Fulgence de Ruspe vào thế kỷ thứ V. (Waldenfels, Manuel de théologie fondamentale, Paris, 1990, tr. 634).
[2] Dựa theo Theological studies, th. ba 1999, vol.6, số 1.
[3] Dù sao, Origène cũng chấp nhận đa nhập thể (của Lời) là điều khả dĩ.
[4] Đây cũng là quan điểm của những triết gia lớn Cổ Hy lạp, như Socrate. Theo ông này, thì chỉ có một Kosmos (vũ trụ) trong đótất cả đều vận hành trong trật tự, khi mà tất cả được điều khiển bởi duy một Trí tuệ tổ chức, cũng là Thần tuyệt đối duy nhất.
[5] S. theol.,III,q.7, a.3 và 7.
[6] Xx. Dictionnaire de théologie, Cerf. Paris, 1988,tr.526; Ngô Minh, Kytô-học III (HTTH.s.29-30), tr. 484,481; Hoành sơn, Tín lý tinh yếu, tr.319-323. Cũng nên đọc H. Haag, Is original sin in scripture; X Thévenot, Les péchés, que peut-on en dire, v.v.
Thật ra, thì như Teilhard de Chardin nhận định, tổ đầu tiên của giống người cách đây gần triệu năm, sống không khác gì trẻ nít hay bầy vượn thì làm sao đủ hiểu biết để có thể phạm một “tội chết”. Lại nữa vào thới u tối ấy, nào ai biết gì để ghi nhớ và kể lại . Ngày nay, câu chuyện Ađam-Evà thường được coi như một huyền thoại rất hay của truyền thống Yaveh giản dị và đại chúng, nhằm giải thích tình trạng tội lỗi quá ư phổ biến của giống người.
[7] Ecrits théologiques 3, tr.94 (Xx. Hoành sơn, Tín lý tinh yếu, tr. 294-295).
[8] Chính do tính Hết mình (bản vị) của nhập thể do Lời, mà có tính Hết tính (hay bản tính toàn mãn: pan to plêrôma tês theotêtos sômatikôs) cũng của nhập thể do thiên tính (Col.2.9).
[9] Theo Mt.1.16 ,thì Yuse nằm trong gia phả nối trực hệvới Đavit, nhưng Chúa Yêsu đâu phải con đẻ của Yuse!
[10] Xx. Redemptoris missio, s.6 và 10.
[11] Chính đức tin này, khi phát triển cao, thì ngay ở cõi đời , đã rất gần với nghiệm tri thiên quốc. Chả thế mà Yoan Thánh giá, khi chia huyền nghiệm thành 10 cấp, đã lấy cấp 10 làm tri nghiệm vinh phúc (trên Trời), còn cấp 9 chắc chắn là hôn nhân thiêng liêng mà huyền nghiệm thế trần vướn tới như đỉnh cao nhất của nó. (Xx. Hoành sơn, Thần học thiêng liêng 2, tái bản, tr. 781)
[12] Có điều phải tế nhị hết sức trong loan Tin mừng hôm nay, do nguyên tắc “tự do lương tâm” và lòng kính trọng đối với các tôn giáo bạn.
[13] Xx. Hoành sơn, Vấn đề Đối thoại tôn giáo, 1972, tr.65-90.
[14] Làm chuyện dâm bôn ngay trên chính bàn thờ quen dùng để cử hành thánh lễ.
[15] Vì đây là Á CƯ, chứ không phải CƯ, nên về mặt chân lý, không có bảo đảm mọi mặt và toàn bộ. Do đó phải chọn đọc những đoạn phù hợp thôi.