“Men” gì trong “Hũ bột” đương đại?

Trong nền văn minh của thế giới hiện đại, con người chúng ta được bao bọc bởi muôn vàn những điều tốt lành. Đó là một cuộc sống thoải mái dựa vào điều kiện đầy đủ về vật chất, là sự phong phú và đa dạng về các dịch vụ giải trí hiện đại. Đó là sự bao bọc bởi một mạng lưới quan hệ xã hội đa phức, vừa thực vừa ảo. Đó là chưa kể những thú vui “quái dị” của những kẻ lắm tiền thừa của đã bị người đương thời lên án gay gắt. Trái ngược với những sự sung túc về điều kiện vật chất và tinh thần, con người ngày hôm nay dường như cũng đang sống trong sự thất vọng. Thất vọng về một thế giới không tương lai được dệt nên bởi biết bao nhiêu vấn đề mang tính toàn cầu như suy thoái môi trường, nạn phá thai, sức khỏe giảm sút, chiến tranh, khủng bố, thất nghiệp, tệ nạn xã hội, thiên tai,… vân vân và vân vân. Tất cả tạo nên một bộ mặt buồn chán của “thế giới phẳng”.

Trong thời điểm mang tính lịch sử này của thế giới, tôi, một người Kitô hữu, một chủng sinh, mang trong mình sứ mạng làm “men” trong “bột” là thế giới vừa ảo vừa thực này, cũng có một vài thao thức về căn tính và sứ mệnh làm “men” của mình. Tôi thường được nghe nói rất nhiều đến việc cắt nghĩa “dấu chỉ thời đại” trong thế giới mà mình đang sống, vậy bộ mặt của thế giới vừa được mô tả cách không đầy đủ trên “cắt nghĩa” với tôi điều gì? Hay nói cách khác, trong một xã hội hỗn tạp của thời hiện đại, Thiên Chúa muốn “mách nước” với tôi điều gì?

 

Xin được nêu lên ba điểm nổi bật mà cá nhân nghĩ là được biểu lộ rõ ràng trong xã hội ngày hôm nay. Trước hết, tôi đang sống trong một xã hội đầy dẫy bạo lực và tệ nạn. Thứ đến là một xã hội sung túc về vật chất. Cuối cùng,con người ngày hôm nay đang sống giữa một thế giới mà sự dửng dưng được hoàn cầu hóa. Qua ba “dấu chỉ” này, tôi muốn nói lên một vài suy tư, hay nói đúng hơn là về cơ hội làm “men” của người môn đệ Chúa ngày hôm nay.

 

1/ Men thánh thiện

Về “dấu chỉ” thứ nhất, con người ngày hôm nay thực sự đang tự giết chết mình với những cuộc chiến tranh mang bản chất của sự tham lam quyền lực trần thế, bản chất của chủ nghĩa cực đoan về quốc gia, dân tộc và tôn giáo. Đó là những nguyên nhân khiến ngày ngày chúng ta chứng kiến sự chết chóc, thương tật, sự hận thù xảy ra khắp nơi trên thế giới. Cùng với chiến tranh, xã hội ngày hôm nay cũng được dệt nên với bao tệ nạn khiến đạo đức con người suy thoái trầm trọng. Đó trước hết là nạn phá thai, mà bản chất của nó là việc không xem các thai nhi trong lòng mẹ là một nhân vị; đó là nạn giết người, cướp của; buôn bán phụ nữ và trẻ em phục vụ cho công nghiệp tình dục; buôn bán nội tạng người; bất bình đẳng xã hội; nạn ly dị, … và biết bao nhiêu tệ nạn khác. Trải qua thời sinh viên trong một xã hội ô hợp như ngày nay, ai mà không xót xa trước đời sống trụy lạc của nhiều bạn trẻ lầm đường lạc lối, những người trẻ nam và nữ, ngày ngày đang bán mình cho ma túy và tình dục, nơi những cuộc truy hoan vắng bóng đạo đức.Tất cả những vấn đề trên đang được con người ngày ngày tích góp để xây dựng một “tháp Baben mới”, một “cơ ngơi” tràn ngập tội lỗi và sự hiềm thù, thừa thãi gian ác và lừa lọc nhưng lại thiếu nhân tâm.

 

Qua việc điểm mặt một số tội lỗi và sự gian ác của con người trong thế giới ngày hôm nay, tôi muốn tái khám phá lại vẻ đẹp nguyên sơ của thế giới, vẻ đẹp của sự thánh thiện mà tạo hóa đã ban cho con người khi Ngài dựng nên chúng ta. Thực vậy, xã hội càng văn minh, con người càng ít sự thánh thiện hơn, ít nụ cười chân thành hơn, ít niềm vui hơn, ít hạnh phúc hơn. Nếu ai trong chúng ta thỉnh thoảng có xem chương trình trên kênh Discovery hay có xem bộ phim “Đến thượng đế cũng phải cười” của đạo diễn người Nam Phi  Jamie Uys thì thấy các bộ lạc xưa và nay tuy “ăn lông ở lỗ” mà vẫn đơn sơ ca hát, nhảy múa với tràn đầy sự thánh thiện. Còn khi trở lại với hiện thực của về thế giới tôi đang sống thì… ôi thôi! Thế giới ngày hôm nay đang dần thiếu vắng sự thánh thiện uyên nguyên.Và đó cũng là lời thức tỉnh đối với tôi,một người Kitô hữu, một chủng sinh ngày ngày đang kiếm tìm sự thánh thiện,rằng tôi phải trở nên người thánh thiện. Và không có ơn gọi nào khác cho tôi trong thế giới này ngoài thánh thiện, thánh thiện để trao ban sự thánh thiện và niềm vui của Thiên Chúa cho con người ngày hôm nay. Vâng, tội lỗi “mách” cho tôi sự thánh thiện.

 

Nhưng sự thánh thiện của Kitô hữu ngày hôm nay là gì và thực sự là gì? Trong khi xã hội phát triển, văn minh như thế, hẳn tôi cũng phù hợp hóa sự thánh thiện của mình cho hợp với tâm thức thời đại? Thực sự, đó là một cám dỗ, cám dỗ rằng mình nên “nới lỏng” một chút, một chút thôi, cho khó nghèo, cho khiết tịnh, cho vâng phục và cho những Giáo huấn của Giáo Hội và đặc biệt là cho đời sống thiêng liêng. Đó chắc chắn là “thần khí xấu”, bởi như Thư Do thái nói: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Vâng, sự thánh thiện của người môn đệ Chúa không có gì khác biệt ở mọi thời đại, và nhiệm vụ của tôi là không để cho những ảo ảnh của thế giới này lừa gạt. Điều này giúp tôi một lần nữa minh định rằng thời nào cũng vậy thôi, việc nên thánh hệ tại ở việc nên giống Chúa Giêsu, tôi càng nên giống Người bao nhiêu thì càng thánh thiện bấy nhiêu. Và sự thánh thiện không gì khác hơn là “men”, là “muối” thực sự cho “hũ bột không tâm hồn” của thế giới ngày hôm nay. Không có sự thánh thiện, thế giới không có vẻ đẹp.

 

2/ Men khó nghèo

Về dấu chỉ thứ hai, tôi đang sống một cuộc sống thật sung túc về cả vật chất lẫn tinh thần. Nhìn lại bản thân mình, dường như tôi không thiếu bất cứ một phương tiện hiện đại nào mà một cá nhân trong thế hiện đại sở hữu, tôi gần như đã có cho mình mọi thứ cần thiết một cách dư thừa. Không những là phương tiện vật chất, tôi có đủ mọi sự thư giãn về tinh thần và có quyền, có thời gian để hưởng nếm cuộc sống dư giả của mình. Thời đại ngày hôm nay không ai trong thế hệ này nói rằng một linh mục hay chủng sinh nào đó quá thiếu thốn về vật chất, tinh thần, về cơm ăn áo mặc và các phương tiện sống hằng ngày. Tôi là một minh chứng.

 

Nhưng những người thân cận của tôi thì dường như không được may mắn như tôi. Vẫn còn đó những con người không cửa không nhà, vẫn còn đó những con người nghèo “rớt mồng tơi”, nghèo đến mức không có được một cuộc sống xứng với sự sống con người, vẫn còn đó những người bị gạt ra bên lề của xã hội hiện đại, họ là người nghèo. Họ không ở đâu xa quá ở các nước nghèo khổ ở Phi châu hay cảÁ châu này, họ ở ngay trên chínhquê hương Việt Nam thân thương, nơi tôi đang sống đây. Và chỉ khi cúi mình xuống để nhìn xem dưới đáy xã hội có gì, tôi mới thực sự ý thức được sự giàu sang của bản thân.

 

Nhìn vào họ, nhìn vào tôi, đó dường như lại là một dấu chỉ lớn của thời đại này: dấu chỉ của lời mời gọi nghèo khó. Và không ai khác, chính Đức Kitô Giêsu mời gọi và chỉ cho tôi thấy Người. Chính Người đã nêu gương trước cho tôi. Thực vậy, chiêm ngắm mầu nhiệm tự hủy của Con Thiên Chúa xuyên suốt cuộc sống trần thế của Ngài đã đem tôi đến với cảm thức về sự khó nghèo mà chính Người đã ban tặng.

 

Nhưng bản chất thực sự của sự khó nghèo của ngày hôm nay là gì? Hay lại là một sự hợp thời nữa? Đôi lúc bản thân tôi tự nhủ, trong một xã hội sung túc này, sống khó nghèo thực là quá khó khăn, việc thực hành những nếp sống khó nghèo đã khó, lại còn phải khó nghèo trong cả ước muốn, tư tưởng nữa. Bởi vì con người tôi mang trong mình dấu vết của sự tham lam mà tổ tông để lại, bởi những yếu đuối và ảo tưởng về mình, tôi xem “sự nghèo thực sự khó”. Nhưng tôi có thể nghe Chúa nói với mình như đã nói với thánh Phaolô xưa: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cor12,9).

 

Thực chất của nếp sống khó nghèo trong đời sống hiện nay của tôi là gì nếu không phải là một cuộc sống đơn sơ thực sự trong việc sở hữu và sử dụng của cải?Là gì nếu không phải là luôn coi mọi sự là đủ, như Nguyễn Công Trứ đã nói trong “Chữ Nhàn”: “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc”, “biết đủ thì đủ và đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ”.Vàkhó nghèo thực sự, là việc sống và thể hiện một cuộc sống giản dị noi gương Đức Giêsu thành Nazareth.

 

Việc thực hành đời sống khó nghèo sẽ đặt tôi ở một thái độ khiêm tốn mà chân nhận rằng mình không là gì và không có gì, rằng tôi chỉ sống tạm thôi.Khi thực hành nếp sống khó nghèo, thực sự cố gắng để trở nên giống Chúa Giêsu, “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” ( 2Cor 8,9).Sống khó nghèo là tôi đang biểu dương một cách mạnh mẽ cho thế giới này thấy một giá trị vĩnh cửu của Tin Mừng. Giá trị mà Đức Giêsu đã đặt lên trên mọi giá trị khi trao cho chúng ta Tám Mối Phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” ( Mt 5,3).

 

3/ Men đức ái

Về dấu chỉ thứ ba, tôi được gợi hứng từ những Giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi nhận thấy nơi nhiều thông điệp của Ngài thuật ngữ “hoàn cầu hóa sự dửng dưng” như trong: Sứ điệp để Cử hành Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 47, số 1, năm 2013; Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 54, năm 2014;Sứ điệp Mùa Chay năm 2015.Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2015, Đức Giào Hoàng nói: “Thái độ ích kỷ, dửng dưng này ngày nay có một chiều kích toàn cầu, đến độ chúng ta có thể nói đó là một thứ hoàn cầu hóa sự dửng dưng. Đó là một bất hạnh chúng ta cần đương đầu trong tư cách là Kitô hữu”.

 

Tôi muốn tạm rời những Giáo huấn hay văn kiện của Đức Giáo Hoàng và tiến vào thực tế của xã hội mình đang sống để “quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi”. Ngày hôm nay tôi thường nghe và nhìn thấy hay vẫn thực sự sống một cuộc sống dửng dưng với người anh em của mình. Đó là sự vô tâm của mình hay của một ai đó khi không nhận thấy nhu cầu của người bên cạnh; sự thờ ơ trước một ai đó đang gặp hoạn nạn; trước một thông tin về cái chết, cái đói khổ của một ai đó do thiếu tình thương. Đó là sự dửng dưng của con người trước những đau khổ, hoạn nạn của đồng loại, nó nhiều đến nỗi không thể liệt kê. Nhưng tôi lại thường không cho đó là vấn đề của mình, đó thực sự là điều đáng nói. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng đã nhắc nhở: “Không thể tin được rằng một cụ già buộc phải sống ngoài đường phố, chết cóng, lại không phải là một tin tức, trong khi chứng khoán bị hạ xuống thấp hai điểm lại là một tin tức. Đó là loại trừ”.Nhìn về cuộc sống của mình, có quá nhiều lúc tôi đã dửng dưng, đã loại trừ.Bời vì tôi được bao bọc bởi vô số những “tin tức” hữu dụng cho mình.Và dường như mọi khổ đau, bất hạnh của người khác không có liên hệ gì tới tôi.

 

Ở nơi tôi đang sống, mỗi lúc ai đó không nhớ tới anh em mình trong một điều gì đó, câu hỏi xưa Chúa đã hỏi Cain: “Em ngươi đâu?” (St 4,9) lại được đưa ra chất vấn. Và đã quá nhiều lần, cách này hay cách khác trong chính cuộc sống của mình, tôi đã trả lời với Chúa như Cain xưa: “Con không biết” (St 4,9). Sự dửng dưng mang tính hoàn cầu là thực sự. Xã hội dửng dưng trông như một hũ bột đã hết khả năng gắn kết với nhau để tạo nên những tấm bánh. Điều này là “dấu” cho tôi biết tôi phải“là” gì?Và loại “men” tiếp theo có thể làm “dậy lên” sự gắn kết trong một “hũ bột dửng dưng” của thế giới đương đại là gì?Thứ men đó, phải chăng, không gì khác là đức ái, đức ái của “người Kitô”.Đó là thứ men mà nếu không có nó thì tất cả mọi sự tôi làm sẽ như “thanh la phèng phèng”(1Cor 13,1). Đó là thứ men yêu thương, sự ra đi đến với người thân cận ngay cả việc chấp nhận sự bầm dập của bản thân.

 

Nói đến đây, không thể không nhắc đến Lòng Thương Xót của Chúa, điều có thể nói là căn tính của Người. Không phải ngẫu nhiên mà Lòng Thương Xót lại là kim chỉ nam cho mọi Giáo huấn và hoạt động của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thời đại ngày hôm nay. Để cho Lòng Thương Xót của Chúa thể hiện trong cuộc sống của tôi, đó là men đức ái. Men đức ái dạy tôi không dửng dưng trước nỗi thống khổ của người đồng loại, nỗi thống khổ thể chất và tinh thần của họ, nhưng là việc thực hành: cho kẻ đói ăn; cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc; viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; cho khách đỗ nhà, chuộng kẻ làm tôi;chôn xác kẻ chết. Đó là: lấy lời lành mà khuyên người; mở dạy kẻ mê muội; yên ủi kẻ âu lo; răn bảo kẻ có tội; tha kẻ dễ ta; nhịn kẻ mất lòng ta; cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

 

Trong một thế giới mang tính chất toàn cầu, hàng ngày tôi được gặp gỡ với biết bao con người bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đặc biệt ngày hôm nay, giao thông đi lại dễ dàng, các phương tiện truyền thông phát triển chóng mặt, những người trẻ như tôi không xa lạ với mạng xã hội hay các phương tiện kỹ thuật kết nối thế giới, cơ hội để con người gặp gỡ, tiếp xúc với nhau trở nên dễ dàng hơn. Đây cũng là cơ hội thế kỷ cho tôi hướng tình yêu của mình tới hết mọi người trong tầm mức có thể. Cơ hội để tôi chiến đấu với thế giới của sự dửng dưng là có và có nhiều, điều quan trọng là nỗ lực của mình như thế nào?

 

Một hướng đi!

Không thể phủ nhận việc nhiều hoa trái tốt đẹp đang ngày ngày được sinh ra bởi tình thương yêu và những nỗ lực của nhiều người, nhiều tổ chức, nhiều quốc gia trên địa cầu này.Tất cả những cố gắng của mọi người thiện chí đang làm thế giới trở nên có sức sống và đáng yêu, đáng sống hơn. Tuy nhiên, thế giới ngày hôm nay đangbị xô bồ bởi biết bao đợt sóng, những đợt sóng của dửng dưng, phung phí, tội lỗi và nhiều hành động thiếu nhân tâm, đã và đang biến chuyển nó một cách sâu sắc từ bộ mặt đến tận căn. Qua việc nhìn nhận những đợt sóng này như dấu chỉ của thời đại, tôi muốn xây dựng cho mình một con đường để biến mình trở thành một loại “men” cần thiết, ngỏ hầu trở nên hữu dụng giữa “hũ bột của thế giới đương đại”, một hũ bột đang thiếu đi sức sống, vẻ đẹp và sự gắn kết. Thiết nghĩ đối với một ứng sinh linh mục, loại “men” đó không gì khác là sự thánh thiện, nếp sống nghèo khó và giàu tình yêu.

JB. Đặng