Nguồn gốc của nó bắt nguồn từ tự nguyện sống khiết tịnh, đó là một điều kiện rất quan trọng. Nó liên quan đến nhất là các phụ nữ, nhưng cũng là các nam giới. Không chỉ có các trinh nữ ở tại gia đình họ mà còn có các cộng đoàn những người khiết tịnh hoặc nam hoặc nữ. Vào thế kỷ thứ tư và thứ năm, các bản văn đặc biệt do các thánh Athanase, Ambrôsiô, Giêrônimô viết để giúp những người đó có qui luật để sống. Các nhóm này thường sống ở thành thị, và đôi khi họ gắn liền cách trực tiếp với các giám mục địa phương.
1. Các đan sĩ đầu tiên
Nhưng có một số lại muốn hơn nữa. Cuối thế kỷ thứ ba, tại Ai cập, xung quanh thánh Antôn, tổ phụ các đan sĩ (+356) và thánh Phaolô Thèbes (+340) diễn ra một phong trào các tâm hồn sốt sắng đi vào sa mạc: người ta ước muốn cắt đứt hoàn toàn với đời sống thế giới để hoàn toàn dành cho Chúa trong cầu nguyện và chiêm niệm. Thánh Antôn, sinh năm 251, là con trai của một gia đình nông dân khá giả ở Quaman, gần Memphis, Ai cập. Một hôm, năm 271, ngài nghe Lời Chúa tại nhà thờ: “Nếu con muốn nên hoàn hảo, đi, bán hết tài sản, cho người nghèo, rồi đến theo tôi.” Ngài đã đón nhận lời này cho mình và thực hành, trước tiên, ngài đã sống gần nhà mình, dưới sự hướng dẫn của nhiều ẩn tu, rồi, hai mươi năm sau, ngài vào sâu trong sa mạc, gần lâu đài cũ kỹ ở Pispir. Sau cuộc chiến dữ dội chống ma quỉ, được thanh tẩy, ngài có khả năng nhận các đệ tử. Antôn sống rất nhiệm nhặt, nhưng ngài không sợ, sa mạc Pispir bắt đầu tăng thêm số ẩn tu. Antôn không phải là nhà tổ chức và không muốn lập ra một qui luật nào. Mỗi người tổ chức cuộc sống mình như mình nghe được, sống trong hang, trong phòng hay trong ngôi mộ cũ: người ta gọi đó là đời sống ẩn tu. Đấy như là sự bùng nổ. Các đan sĩ tăng lên. Thung lũng Nitrie (cách đông nam Alexandrie 60 km), sa mạc của những Căn phòng (cách Nitrie 20 km), thung lũng Scété (cách nam tây nam Nitrie 70 km) đếm được hàng trăm đan sĩ như sa mạc Pispir, có lẽ lên tới 5000 cả ở Nitrie. Một số như thánh Macaire Alexandrie (+394), Evagre le Pontigue (+399), đã để lại danh tiếng. Thánh Athanase đã gợi hứng nhiệt thành khi ngài đến thăm các căn phòng “đầy tiếng vang của ca đoàn trên trời đang ca ngợi thiên quốc”.
Nhưng đời sống ẩn tu rất nặng nề, vì cô đơn, và tất cả mọi người không thể chịu nổi. Một thiên tài là thánh Pacôme (+348) tổ chức lối sống chung. Ngài sinh trong một gia đình ngoại giáo, trở lại công giáo năm 307 vì thấy các ki-tô hữu động viên ngài trong lúc ở quân ngũ. Được tự do sau nghĩa vụ quân sự, ngài đi sống ẩn tu và sống như vậy trong bảy năm. Một hôm, có tiếng nói trong tâm mách bảo: “Ý Chúa là phục vụ mọi sự để giúp họ nên thánh dâng cho Chúa”. Thế nên, ngài đã nhận một đoàn sủng làm cha thiêng liêng và đến Tabbennesi năm 320, trong vùng Thébaide, ở Ai cập thượng, lập một nhà nhỏ ở đó sống chung. Ngài phải mất nhiều năm để tìm được những thành viên đầu tiên ổn định, rồi kinh nghiệm mở rộng nhanh chóng. Em của ngài là Maria đã tổ chức cạnh ngài những đan viện nữ. Cũng ở đó, có sự bùng nổ đan tu. Thébaide có những đan viện làm thành các làng hoặc các thành phố nhỏ, với nhiều nhà, nhiều nhà thờ và các phần giống nhau. Nổi tiếng nhất là tu viện trắng ở Atrêpé, Thébaide, ở đó, cha thánh Schnoudi (339-451) sống lâu năm. Một số tu viện có cả 100 thành viên, và có khi lên tới 1000. Về phần mình, thành phố Alexandrie được bao quanh bởi các đan viện có thể đếm được 2000 đan sĩ.
Lối sống đan sĩ không còn giới hạn ở Ai cập, nhưng ngay lập tức nó đi qua tất cả Đông phương. Hilarion (291-371), môn đệ của thánh Antôn, chuyển đến Palestina, và Epiphane Eleuthéropolis mang lối sống này của thánh Pacôme đến đó. Các đan viện Palestina, được gọi là các laure (tu viện), đã sinh ra nhiều thánh lớn như thánh Euthyme (377-473) hay thánh Sabas (439-532). Ở Giêrusalem, ở Bêlem, trong tất cả các nơi thánh, cả nơi thành thị, các cộng đoàn được thành lập. Núi Sinai được các đan sĩ đến ở. Syrie đã biết đến các hình thức đan tu khắc khổ lạ thường[1]. Hy lạp, Constantinople nhanh chóng bị chinh phục. Đan viện đầu tiên được thành lập ở thành phố này vào năm 382. Nó có 23 nhà năm 448 và 80 nhà giữa thế kỷ thứ 6.
Ở Tây phương, đời sống đan sĩ được biết đến đặc biệt bởi thánh Athanase, thượng phụ Alexandrie, người bạn lớn của các đan sĩ, bị lưu đày nhiều lần đến vùng xa tít của Đế chế La mã, tại Rôma và Trèves, vì ngài đã bảo vệ đức tin chống lại các hoàng đế. Ở đó, ngài đã nói về đời sống của Antôn, Pacôme và Macaire. Thánh Hilaire de Poitiers đã gặp Athanase, đã cho biết ở Gaule (Pháp) có lối sống đan tu và biết đời sống thánh Antôn. Vào năm 340-345, lòng nhiệt thành sống đan tu đã bắt đầu hình thành tại các nhà của các gia đình quí tộc la mã. Ý, Bắc Phi, Tây Ban Nha, Gaule lập tức tiến tới. Ở Gaule, có hơn 40 đan viện vào cuối thế kỷ thứ 5. Thánh Martin (+397) đã lập một nhà nổi tiếng ở Ligugé, gần Poitiers, năm 363, trước khi lập nhà Marmoutiers, gần Tours, năm 371. Nhà Lénins do thánh Honorat (+429 hay 430) lập, nơi sinh ra nhiều giám mục. Ở Marseille, thánh Cassien (+435) đã lập nhà Saint-Victor, là trung tâm quan trọng. Chắc chắn có 240 đan viện ở nông thôn và thành thị, ở xứ Gaule cuối thế kỷ thứ 6, nhưng có thể còn hơn nhiều. Anh, Ai len cũng có các đan viện. Các nhà Tây phương đi lập ở Đông phương, hoặc lâu dài, như thánh Giêrônimô (345-420) ở Bêlem, hoặc tạm thời, như Cassien đã thăm Palestina và Ai cập. Như vậy, các thế kỷ 4, 5, 6 là thời kỳ xâm chiếm hòa bình thực sự của các đan sĩ.
Sự bành trướng lối sống đan sĩ đưa đến việc biên tập văn chương tu đức rất phong phú. Trước tiên, văn chương này kể về đời sống của các đan sĩ quan trọng: như thế, chúng ta có thể có đời sống thánh Antôn do chính thánh Athanase viết, hay đời sống các Giáo phụ. Văn chương này cũng có nhiều tập sách gương phúc, các châm ngôn, lời giảng dạy. Qua đó mà Tây phương biết được nhiều đan sĩ Đông phương. Như vậy, Cassien đã soạn các qui luật đan sĩ cho các bạn xứ Gaule sử dụng. Bản qui chế nói về việc tổ chức các đan viện và đời sống thiêng liêng, các tập sách về những nguyên tắc khắc khổ của Ai cập. Ảnh hưởng của họ rất lớn. Thánh Tôma Aquinô đã trích dẫn của Cassien tới cả trăm lần. Các đan sĩ cũng có các tài liệu về đời sống thiêng liêng như các bài giảng về Chúa Thánh Thần được cho là của thánh Macaire, Ai cập, các châm ngôn hay các lời cầu nguyện của Evagre le Pontique, bãi cỏ thiêng của Jean Moschus, sách của đan sĩ Isaie và các tác phẩm của thánh Nil. Tất cả các tác phẩm này phục vụ làm nền tảng cho văn chương tu đức sau này.
Là đan sĩ không phải là trốn thế gian để thích có bình an. Trái lại, dấn thân vào thử thách, theo nghĩa thử luyện thể thao trong cuộc chiến. Sa mạc không phải là nơi yên lặng, nhưng như Kinh Thánh, là nơi đối diện với mình và với ma quỉ, từ đó, người ta đi ra mà được biến đổi. Đan sĩ là người muốn trở nên hoàn hảo mà đòi hỏi cố gắng. Vì thế, phải chiến đấu mọi nết xấu và có được các nhân đức, hết nhân đức này lại đến nhân đức khác. Các sách khổ tu nêu rất chi tiết các nết xấu và cách loại trừ nó. Thật vậy, nếu người ta muốn chiến đấu, phải biết kẻ thù. Các cám dỗ thường xuyên nhất mà các đan sĩ cũng như những người khác phải chiến đấu là mê ăn uống, xa hoa, hà tiện, giận dữ, buồn chán đời sống thiêng liêng, vinh danh hão và kiêu căng. Những ghi nhận tâm lý cũng đáng lưu tâm và những giai đoạn chiến đấu với những thành công và thất bại là việc của những người được trải thử nghiệm. Các đan sĩ biết rất rõ những giai đoạn của đời sống cầu nguyện, họ tính được các cấp độ. Càng ngày càng đi từ sợ hãi đến tình yêu, từ cầu xin cho mình đến cầu xin cho người khác và tạ ơn. Qua Chúa Thánh Thần, họ liên kết với Chúa diễn tả qua việc xuất thần, niềm vui, ơn nước mắt, bình an chắc chắn và sâu xa. Điều được hướng dẫn do các đan sĩ cao niên hơn, đôi khi là đoàn sủng thật sự của cha thiêng liêng. Chúng ta cũng hãy nói thêm rằng những nét hài hước không hiếm trong văn chương này mà thường là việc của những nhân vật rất khôn ngoan.
2. Lối sống đan tu và văn hóa
Người ta có thể nói về “lối sống đan tu thông thái” của ba nhà văn lớn vùng Cappadoce: Basiliô Xêdarê (329-379), Grêgôriô Nadian (329-389/390) và Grêgôriô Nysse (335-394). Ba nhân vật này rất gắn bó với nhau (Grêgôriô Nysse là anh em ruột của Basiliô và Grêgôriô Nadian là bạn của Grêgôriô Nysse), nhưng họ rất khác nhau cho dù họ có những nguồn gốc chung. Theo tân Platon, họ đã đặc biệt giữ được sự coi thường xác thịt. Basiliô được coi là, có lẽ nói hơi quá, nhà lập pháp của lối sống đan tu. Ngài viết một thứ luật nghiêm túc cho đời sống tập thể và cũng nghiêm ngặt cho đời sống ẩn tu. Tư tưởng của ngài rất có tính cộng đồng và đồng thời hài hòa hơn với đời sống ẩn tu Ai cập. Thánh Grêgôriô Nadian cho ra đời các trang về sự khiết tịnh. Nhưng ngài cũng nói cách kỳ diệu về ơn gọi của con người được thần linh hóa bởi Đức Ki-tô: nếu Thiên Chúa làm người, là vì để con người trở nên Thiên Chúa. Cố gắng khắc khổ là có ích. Nhưng căn bản là công trình của Chúa Thánh Thần tạo nên Đức Ki-tô trong chúng ta. Grêgôriô Nysse được tái khám phá vào thế kỷ 20, là một trong những tác giả sâu xa nhất của thời đại ngài. Thật sự, ngài có ảnh hưởng sâu rộng nếu không nhận ra nguồn gốc của ngài. Tư tưởng của ngài được diễn tả đặc biệt trong Diễn từ giáo lý, tài liệu về Sự sáng tạo con người và về sự ra đời của Ki-tô giáo nói trong khung cảnh kinh thánh và phụng vụ, mà ngài đã sử dụng rất khôn khéo những khái niệm gốc của Platon. Ngài cũng nhấn mạnh nhiều về khiết tịnh, mà cần phải hiểu theo nghĩa rộng. Dần dần các giác quan thân xác mất đi tầm quan trọng của nó, các giác quan thiêng liêng sáng lên, và càng ngày càng có “tình cảm của sự hiện diện” thần linh, theo cách diễn đạt rất quí của ngài. Thiên Chúa hiện diện vừa là ánh sáng vừa là bóng tối. Ngài nhấn mạnh nhiều về chiều kích sau cùng này. Sự hiện diện nhất là vượt quá, tiến triển vĩnh viễn. Kết thúc chặng đường, sự hợp nhất của con người với chính mình và nhất là với Thiên Chúa trong tình yêu sẽ thấy, sự thông giao bản thể Thiên Chúa với linh hồn. Ở đây có một sự thần bí của hợp nhất của sức mạnh phi thường.
Minh Sáng chuyển ngữ
Nguồn: Bernard Peyrous, Histoire de la spiritualité chrétienne, Editions de l’Emmanuel 2010