Tin Thế Giới

Joaquin ‘El Chapo’ Guzman, ông trùm mạng lưới buôn lậu ma túy lâu đời và giàu có bậc nhất thế giới Sinaloa Cartel, hôm 12/7 lần thứ hai vượt ngục thành công khỏi nhà tù được canh phòng cẩn mật nhất Mexico. Hắn dùng đường hầm nối từ khu tắm trong buồng giam tới một căn nhà bỏ hoang cách đó khoảng 1,5 km để tẩu thoát…

Tin Thế Giới

Đế chế ma túy khét tiếng thế giới của ‘bố già’ Guzman

Sinaloa Cartel, dưới sự dẫn dắt của ông trùm Joaquin ‘El Chapo’ Guzman, trở thành tổ chức buôn lậu ma túy quyền lực nhất thế giới nhờ không ngại vung tiền mua chuộc giới quan chức và thẳng tay đàn áp những băng đảng cạnh tranh.
 
guzman-unknown.jpg
Joaquin ‘El Chapo’ Guzman (trái) ông trùm của mạng lưới buôn lậu ma túy Sinaloa Cartel. Ảnh: Reuters

Giới chuyên gia ước tính, để xây dựng hệ thống này, Guzman phải chi khoảng 5 triệu USD và nhận sự trợ giúp từ cả bên trong và bên ngoài nhà tù. Vụ việc một lần nữa cho thấy khả năng của ông trùm ma túy cũng như tổ chức Sinaloa Cartel.

Sinaloa Cartel vô cùng lớn mạnh, chúng có thể gây ảnh hưởng tới cả giới chính trị gia, doanh nhân và cảnh sát, theo BBC. Được đặt tên theo bang Sinaloa, nằm ở phía tây bắc Mexico, tổ chức ban đầu lập trụ sở ở Culiacan và hoạt động chủ yếu ở các bang lân cận như Sonora, Baja California, Chihuahua và Durango. Cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá Sinaloa Cartel là “tổ chức buôn lậu ma túy quyền lực nhất thế giới” với lợi nhuận hàng năm lên tới ba tỷ USD, chủ yếu nhờ rửa tiền và bán cocaine, cần sa, ma túy đá…

Khởi nguồn

Mexico trở thành tuyến đường chính vận chuyển cocaine Colombia vào Mỹ từ những năm 1980. Tại thời điểm đó, các đầu mối sản xuất ma túy Colombia gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tuồn hàng qua đường biển và đường hàng không bởi những động thái cứng rắn của chính quyền. Các ông trùm nảy ra ý định thuê băng đảng Guadalajara của Mexico thực hiện nhiệm vụ đưa ma túy vào Mỹ qua biên giới với thù lao là những gói cocaine.

Băng đảng Mexico này sau đó thành lập mạng lưới của riêng mình. Khi lãnh đạo Guadalajara bị bắt vào năm 1989, tổ chức chia rẽ làm ba nhóm nhỏ gồm: Sinaloa, Juarez và Tijuana. Những cuộc xung đột đẫm máu nhằm giành địa bàn liên tục nổ ra. Sau quãng thời gian dài tranh đấu, Sinaloa do Guzman dẫn dắt là tổ chức nắm thế áp đảo và đạt nhiều bước tiến mạnh mẽ hơn cả.

Dù bỏ học giữa chừng nhưng Guzman thực sự là một “thiên tài lãnh đạo”,Jack Riley, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Ma túy Mỹ (DEA), chi nhánh Chicago, nhận xét.

Hắn thường buôn lậu cocaine từ Colombia tới Mexico trên những máy bay tư nhân loại nhỏ, ngụy trang trong các vali hành lý hay dùng chính chiếc Boeing 747 của tổ chức để đưa hàng. Sinaloa Cartel thậm chí sử dụng hàng loạt tàu ngầm tự chế có giá trị lên tới một triệu USD mỗi chiếc để vận chuyển cocaine.

Bên cạnh đó, Sinaloa được biết đến là tổ chức tiên phong trong việc sử dụng những hệ thống đường hầm chằng chịt để phân phối ma túy và ẩn náu. Năm 2013, các nhà điều tra phát hiện một lối đi ngoằn ngoèo phía dưới lòng đất, nối từ San Diego, Mỹ, đến Tijuana, Mexico, do Sinaloa Cartel dựng lên. Người ta gọi tuyến đường này là một “siêu đường hầm” bởi độ phức tạp của nó.

Sinaloa còn giấu ma túy ở các khoang ẩn lắp đặt thêm trên ôtô, nhồi vào đồ ăn đóng hộp hay nhét trong xác cá mập đông lạnh để vượt qua các trạm kiểm soát nghiêm ngặt.

Băng đảng chết chóc

Sinaloa hiện vươn chân rết tới Bắc Mỹ, bám rễ tại châu Âu, Australia, Tây Phi và cả Philippines. Bằng hàng loạt phi vụ buôn lậu ma túy cùng nhiều hành vi tội ác khác, Sinaloa Cartel mang về cho ông trùm Guzman khối tài sản lên tới một tỷ USD.

Theo AP, Sinaloa vẫn nắm quyền và không ngừng khuếch trương thanh thế trên lãnh thổ Mexico ngay cả trong lúc Guzman bị giam giữ. Điều khiến nhiều người khiếp sợ tổ chức này nằm ở cách mà chúng gây dựng uy quyền và thâu tóm sức mạnh.

Theo The Week, Sinaloa cực kỳ hung bạo. Năm 2012, chúng chặt đầu 14 người sau đó để trong một thùng đông lạnh và đặt trước văn phòng thị trưởng thành phố Nuevo Laredo, phía bắc thủ đô Mexico City, để hăm dọa nhà chức trách. Tuy nhiên, nếu so với các ông trùm khác, Guzman vẫn được xem là một kẻ ít máu lạnh hơn. Hắn có phẩm chất của một con buôn khi chuộng “việc hối lộ hơn là vũ lực”. Guzman chọn việc chi hàng triệu USD để mua chuộc cảnh sát và quan chức chính phủ thay vì sử dụng các phương pháp bạo lực.

InSight Crime, nhóm nghiên cứu về tội phạm có tổ chức ở châu Mỹ Latin và vùng Caribbean, cho hay Sinaloa đang đẩy mạnh xây dựng liên minh với nhiều băng đảng buôn lậu ma túy có danh tiếng khác ở Mexico như Gulf, Familia Michoacana hay Tijuana. Hơn 10 năm qua, các băng nhóm này tham gia vào một chuỗi các cuộc đấu đá chết chóc nhằm tranh giành địa bàn ở Mexico, gây nên tình trạng hỗn loạn, dẫn tới cái chết của khoảng 100.000 người. Nhưng cuối cùng, Sinaloa đã vượt qua tất cả và giành ngôi thống trị.

Tung tiền mua chuộc

Theo một cuộc điều tra chuyên sâu của đài NPR, Mỹ, Sinaloa có được quyền lực và sức ảnh hưởng to lớn một phần nhờ vào mối quan hệ với giới chính trị gia Mexico. Sinaloa từng bị cáo buộc hối lộ nhiều quan chức để mở đường cho Guzman vượt ngục hồi năm 2001 và lẩn tránh sự truy bắt của cảnh sát trong suốt 13 năm.

Một cựu chỉ huy lực lượng an ninh ở Juarez cho biết từng có thời điểm tất cả các nhân viên trong văn phòng cảnh sát nơi ông làm việc đều móc nối với Sinaloa, giúp nhóm đàn áp các mạng lưới buôn lậu ma túy khác.

Tại một phiên tòa ở Mỹ, Manuel Fierro Mendez, cựu lãnh đạo cảnh sát ở Juarez, đã thừa nhận có hợp tác với Sinaloa. Theo ông, Sinaloa luôn tìm mọi cách lôi kéo cảnh sát gia nhập tổ chức để những người này “nhắm mắt làm ngơ” trước hành vi tội ác của chúng. Cách mà nhóm thường xuyên áp dụng là tung tiền mua chuộc. Những ai không khuất phục cuối cùng cũng phải miễn cưỡng phục tùng trước hành vi hăm dọa, quấy rối của Sinaloa.

Vũ Hoàng

 

Putin không ủng hộ lập tòa án quốc tế về MH17

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua từ chối lời kêu gọi thiết lập tòa án quốc tế để điều tra chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines rơi xuống miền đông Ukraine năm ngoái, làm 298 người chết.
 
22-6265-1437099171.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA Novosti.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, ông Putin “giải thích chi tiết lập trường của Nga về sáng kiến không đúng lúc và phản tác dụng từ một số quốc gia, trong đó có Hà Lan, đề nghị thiết lập tòa án quốc tế để điều tra hình sự các cá nhân chịu trách nhiệm” trong thảm họa MH17,New York Times dẫn thông báo từ điện Kremlin cho biết.

Ukraine, Hà Lan, Malaysia và Australia trước đó kêu gọi thiết lập tòa án Liên Hợp Quốc nhưng Nga không ủng hộ. Tổng thống Putin nói cần có kết luận từ cuộc điều tra quốc tế “toàn diện và khách quan, độc lập và hiệu quả” trước khi chuyến sang “cơ chế tư pháp”.

Ông Putin còn phàn nàn về việc các quan chức giấu tên tiết lộ với truyền thông rằng quân đội Nga là bên chịu trách nhiệm, gọi động thái này là “không thể chấp nhận”.

Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines được cho là bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không phóng từ phần lãnh thổ phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine ngày 17/7/2014. Toàn bộ 298 người trên khoang đều thiệt mạng.

Mỹ công khai đổ lỗi cho lực lượng này. Một số cuộc điều tra do báo chí thực hiện chỉ ra quân đội Nga là bên cung cấp hệ thống tên lửa dùng bắn hạ MH17. Trong khi đó, Nga đưa ra các giả thiết cáo buộc quân đội Ukraine gây ra thảm họa, cho rằng MH17 bị một chiến đấu cơ Ukraine tấn công.

Do phần lớn hành khách là người Hà Lan nên Amsterdam đang dẫn đầu trong quá trình xác định nguyên nhân và điều tra hình sự thảm họa MH17. Báo cáo điều tra chính thức dự kiến được công bố vào tháng 10 nhưng bản dự thảo ban đầu hiện đã được lan truyền giữa một số chính phủ.

Như Tâm

 

Người đàn ông học lặn để tìm vợ mất trong thảm họa sóng thần

Bị ám ảnh bởi tin nhắn của vợ “em muốn về nhà”, ông Yasuo Takamatsu quyết tâm học lặn để mong tìm thấy thi thể bạn đời và đưa bà về nhà, bốn năm sau thảm họa động đất gây sóng thần ở Nhật.
song-than-3.jpg
Ông Takamatsu chuẩn bị lặn xuống biển trước ngày kỷ niệm ba năm thảm họa kép ở Nhật Bản vào năm ngoái. Ảnh: AFP.

Một tháng hai lần, hai người đàn ông Nhật Bản mặc đồ lặn và xuống biển. Một người tìm vợ, còn người kia tìm con gái. Người thân của họ bị cuốn đi trong thảm họa sóng thần ở Nhật cách đây bốn năm. Họ biết vợ và con mình không còn sống nhưng vẫn hy vọng tìm thấy thứ gì đó, bất cứ thứ gì, mang lại cho hai người đàn ông này cảm giác hy vọng.

Dưới dòng nước lấp lánh của vịnh Onagawa, tỉnh Miyagi, những chiếc tủ lạnh, tivi, ôtô, xe tải, đồ câu nằm rải rác và bị một lớp bùn bao phủ. Dưới nước, mọi thứ hầu như vẫn nằm nguyên chỗ chúng ở như lúc bị con sóng hung dữ cuốn đến. Nhưng trên bờ, tất cả đã thay đổi. Những con thuyền đánh cá lại tiếp tục công việc ra khơi. Đống đổ nát của bến cảng một thời sầm uất đã được dọn sạch. Một góc ở đây giờ trở thành miếu nhỏ có cây thông Giáng sinh và hoa cúc nhựa màu vàng. Nơi này trước là nơi tọa lạc của chi nhánh ngân hàng Shichijushichi 77 ở thị trấn Onagawa.

Khi cảnh báo sóng thần phát đi lúc 14h50 ngày 11/3/2011, các nhân viên ngân hàng vẫn đang bận rộn thu dọn đống bừa bộn do trận động đất khiến tòa nhà rung chuyển vài phút trước đó gây ra.

Quản lý của họ đang ra ngoài gặp khách hàng. Lúc lái xe về dọc bờ biển, ông trông thấy đại dương trào dâng dữ dội, dấu hiệu sóng thần sắp xảy ra. Vừa vào tới phòng, ông bảo mọi người dừng việc và leo lên nóc ngôi nhà hai tầng càng nhanh càng tốt.

Vừa lên tới nơi, họ nghe còi báo động và cảnh báo của thành phố yêu cầu người dân sơ tán tới nơi cao hơn. Một nhân viên hỏi quản lý liệu có thể về nhà không vì cô lo cho bọn trẻ. Quản lý nói rằng ông không thể ngăn cô được. Cô chạy ra ôtô đỗ cách đó 300 m và lái xe về nhà.

Trong số 13 nhân viên ngân hàng đứng trên nóc nhà hôm ấy có Yuko Takamatsu, 47 tuổi. Chồng bà, ông Yasuo Takamatsu, sáng hôm đó chở vợ đi dù họ chỉ sống cách chỗ làm vài phút lái xe. Suốt đoạn đường ngắn ngủi, họ bàn chuyện sẽ ăn gì vào bữa tối. 

“Anh đừng nói: gì cũng được đấy nhé”, bà Yuko nói với chồng.

song-than-2.jpg
Vợ chồng ông Takamatsu và con trai Yohei, hiện 25 tuổi, và con gái Rina, giờ 22 tuổi, trong bức ảnh gia đình cũ. Ảnh: BBC.

Đứng cùng bà Yuko trên mái nhà là đồng nghiệp Emi Narita, 26 tuổi, đến từ thị trấn Ishinomaki kế bên. Bố Emi, ông Masaaki Narita, điều hành một nhà máy chế biến cá. Cô gặp ông vào đêm trước đó.

Trong lúc đứng chờ trên nóc nhà, nhóm nhân viên vừa sợ hãi vừa bàn bạc xem liệu có đủ thời gian để chạy tới bệnh viện gần đấy, một tòa nhà cao hơn và chắc chắn hơn, không nhưng cuối cùng họ quyết định ở lại. Một vài người đi xuống lấy áo khoác vì trời lạnh.

Bà Yuko gửi tin nhắn cho chồng: “Anh an toàn chứ? Em muốn về nhà”.

Một lúc sau, sóng thần tràn vào Onagawa. Đoạn video do một người sống sót ghi được cho thấy dòng nước đen di chuyển nhanh chóng và hung dữ vào thị trấn, cuốn phăng mọi thứ trên đường đi của chúng. Những tòa nhà bị nuốt chửng. Ôtô, xe tải bị cuốn đi như đồ chơi và trôi dập dềnh. Trong vòng vài phút, nước biển nhấn chìm nhiều khu vực từng được xem là an toàn.

Tòa nhà của ngân hàng nhanh chóng bị ngập. Nước lấp đầy một nửa ngôi nhà chỉ trong 5 phút. Nhóm nhân viên quyết định leo lên căn phòng chứa thiết bị điện trên nóc ngôi nhà hai tầng. Khi trèo lên chiếc thang dựng đứng cao 3 m, một cơn gió mạnh suýt thổi bay họ.

Onagawa được xem là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thảm họa sóng thần nhất. Nhiều tòa nhà bị giật khỏi móng, một con tàu thậm chí còn bị đánh văng tới quả đồi cách xa bến.

Buổi sáng sau thảm họa, ông Takamatsu, tài xế xe buýt, tới bệnh viện thành phố để tìm vợ. Ông choáng váng khi biết bà không ở đó.

“Rất nhiều người đang trú ở đây. Họ bảo tôi rằng Yuko bị sóng thần cuốn đi. Tôi đã không thể đứng nổi và cảm thấy mất toàn bộ sức lực”, ông Takamatsu, 58 tuổi, nhớ lại.

Vài hôm sau, ông Masaaki Narita mới biết tin về số phận của con gái. Phần lớn những người sống sót ở trong khu nhà đặc biệt dành cho người đi sơ tán. Họ dành thời gian đi tìm người thân yêu, lục tung đống lộn xộn và đi bộ nhiều km ven bờ biển.

Ông Takamatsu cũng không phải ngoại lệ.

“Tôi tìm vợ khắp nơi mà chẳng thấy”, ông nói.

song-than.jpg
Nhóm nhân viên ngân hàng mắc kẹt trên nóc nhà khi con sóng dữ dội ập tới. Ảnh:BBC.

Thứ duy nhất của bà Yuko mà ông Takamatsu nhận được là chiếc điện thoại di động được tìm thấy ở bãi đỗ xe phía sau ngôi nhà ngân hàng. Lúc đầu, ông Takamatsu nghĩ điện thoại đã hỏng vì bị ngập dưới nước nhưng nhiều tháng sau, ông lôi nó ra và cố gắng khởi động. Ông bất ngờ khi thấy điện thoại “vẫn còn sống”.

“Sóng thần thật khủng khiếp” là tin nhắn cuối cùng trong máy của bà Yuko mà ông Takamatsu không bao giờ nhận được. Có lẽ, bà nhắn cho chồng trước lúc thiên nhiên nổi giận và chưa kịp gửi đi.

Trong số 13 nhân viên trú trên nóc ngôi nhà có một người sống sót. Người đàn ông này bám vào được một mảnh vỡ trôi nổi và bị cuốn ra biển. Anh gần như bất tỉnh dưới làn nước lạnh giá trước khi được một tàu đánh cá cứu sống nhiều giờ sau. Thi thể của bốn nhân viên ngân hàng cũng được tìm thấy, trong khi tám người khác vẫn mất tích. Emi và bà Yuko là hai trong số ấy. Người phụ nữ rời khỏi tòa nhà bằng ôtô may mắn còn sống.

Mặc dù hiện giờ thị trấn đã bắt đầu hồi sinh nhưng với những gia đình có người thân thiệt mạng, thật khó để bước tiếp.

“Chúng tôi vẫn nguyên nỗi đau năm 2011”, ông Narita chia sẻ.

Ông Takamatsu vẫn ám ảnh với tin nhắn của vợ. 

“Tôi có cảm giác bà ấy muốn về nhà”, ông tâm sự.

Cách đây hai năm khi trông thấy thợ lặn từ lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản tìm kiếm thi thể người mất tích, ông Takamatsu đã nảy ra ý định: học lặn và đưa vợ về.

“Tôi học lặn vì cảm thấy giống như một này nào đó có thể gặp vợ”, ông Takamatsu cho biết.

Ông Narita sau đó cũng quyết định tham gia cùng ông Takamatsu. Học lặn là một thử thách với hai người, bởi họ đều đã lớn tuổi. Ông Takamatsu lo bình oxy trục trặc và sợ khi xuống độ sâu 20 m, còn ông Narita có vấn đề khác. 

“Tôi không sợ nhưng tôi không thể kiểm soát được cơ thể dưới nước”, ông Narita cho hay.

song-than-1.jpg
Ông Takamatsu (ngoài cùng bên trái), vợ chồng ông Narita (giữa) cùng các gia đình có người thân thiệt mạng trong thảm họa chụp ảnh tập thể trước tấm chân dung của Emi. Ảnh: Narita Family.

Sau nhiều tháng huấn luyện, cả hai được cấp phép năm ngoái. Lúc đầu, ông Takamatsu chỉ muốn tìm vợ nhưng giờ ông hy vọng có thể thấy những người khác. Công việc tìm kiếm của họ gặp nhiều khó khăn do vịnh rất sâu và phần lớn các đồ vật bị vùi dưới lớp bùn dày. Do đó khi khoắng lên, họ không nhìn thấy gì. Tuy nhiên, cả hai cũng có những ngày gặp may. Có lần, hai người tìm thấy hộp bút có đề tên của một cậu bé và album ảnh cưới. Bất cứ thứ gì có tên đều được trả lại cho chủ nhân của nó. Ví, sổ sách và con tem được nộp lại cho cảnh sát. 

Nhiều người trong thị trấn rời khỏi nơi này để trốn chạy những ký ức về thảm họa và tìm việc làm. Mặc dù mọi thứ dường như đã hết hy vọng nhưng ông Takamatsu và ông Narita vẫn không có ý định bỏ cuộc.

“Tôi vẫn mong chúng tôi tìm thấy gì đó, có thể là thi thể, dù cho đấy có phải con gái tôi hay không”, ông Narita nói.

Vật kỷ niệm duy nhất của người cha này về con gái Emi là bức vẽ ông đặt mua sau cái chết của con gái. Bức tranh được treo ở nơi trang trọng trong phòng khách. 

“Miễn là sức khỏe cho phép, tôi vẫn muốn tìm con. Từ bỏ nghĩa là tôi sẽ chẳng còn cơ hội nào cả”, ông Narita lý giải.

Ông Takamatsu cũng cảm thấy thế. 

“Tôi muốn tiếp tục tìm kiếm, miễn là còn sức khỏe và dù cho cơ hội tìm thấy vợ là mong manh. Tôi biết Yuko đã ra đi nhưng tôi không muốn vợ nằm lại một mình dưới đáy biển. Thực lòng, tôi vẫn muốn tìm thấy bà ấy và đưa về nhà”.

Bình Minh (theo BBC)

Theo Vnexpress