Tình yêu đức ái

“Ai có đức ái cao cả, cũng có tâm hồn cao cả; ai có đức ái nhỏ nhoi cũng có tâm hồn nhỏ nhoi; 
ai không có đức ái, người đó là con số không” 
(Thánh Bênađô)

“Ðời sống thánh hiến phản ánh vẻ rực rỡ của tình yêu Đức Kitô”
(TH, số 24)

Dòng máu Đức Ái luôn tuôn trào trong huyết quản Giáo hội, vì thực ra, Giáo hội được phát sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô, nơi dòng bửu huyết của Tình Yêu thần linh vô lượng tuôn đổ ra. Đời thánh hiến cũng được xuất phát như một sự đáp trả trước tình yêu đó và làm cho tình yêu đó được lan toả, được đón nhận và phát sinh ơn cứu độ chan hoà. Tuy nhiên, có lẽ chưa có lúc nào chiều kích đức ái lại được nhấn mạnh như đã được trình bày trong các văn kiện từ Công đồng Vaticanô II cho đến nay. Dường như càng ngày người ta càng “ngộ” ra rằng thiếu vắng Đức Ái thì đời sống thánh hiến cũng chỉ là cái xác không hồn và một khi khuất bóng tình yêu thì đời sống thánh hiến cũng nhạt nhẽo vô vị, thiếu hẳn sinh khí và mất dần đi sức sống vươn mình, thậm chí tệ hơn chỉ còn là một “thứ Pharisiêu” sính hình vụ luật[1].

Vì thế, các văn kiện Công đồng Vaticanô II và các văn kiện Hậu Công đồng xem ra luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Đức Ái và nền tảng tình yêu của đời thánh hiến.

Trong bài chia sẻ này, chúng ta cùng rà soát lại đời sống thánh hiến dưới một lăng kính mới, khi “nhúng” thực tại này trong “dung dịch” đức ái; mổ xẻ nó trong tương quan với các yếu tố cốt lõi của đời thánh hiến; soi rọi và hướng tới một dấn thân mới trong một tầm nhìn mới.

Tầm quan trọng

Đức ái mở ra một hướng nhìn tích cực về đời sống thánh hiến. Thánh hiến là một sự đáp trả trước mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, một giao ước tình yêu, một cuộc dấn thân theo tiếng gọi và sự thúc đẩy của tình yêu Chúa Kitô. Đức ái của người thánh hiến vì thế cần kín múc từ nguồn mạch Ba Ngôi, cần nên một với thánh ý cứu độ của Chúa Cha, cần được hiệp nhất cách khắng khít với ân sủng Chúa Giêsu Kitô và ngoan nguỳ với tác động của Chúa Thánh Thần. Đó là một đức ái được thanh tẩy mỗi ngày qua việc kiên trì cải hoá những hoàn cảnh không có tình yêu đang làm cho các mối liên hệ trở nên cứng cỏi, cằn cỗi, như xung đột, bất hoà, dửng dưng, cá nhân chủ nghĩa, thực dụng…

Đức ái không cho phép người thánh hiến dừng lại ở cái tầm thường, ở mức tối thiểu, chỉ giới hạn ở việc không xúc phạm đến Chúa, chỉ lo không lỗi luật, an phận thủ thường mà thôi, nhưng thúc đẩy họ tiến lên điều lý tưởng, điều cao quý, thực tại tuyệt đối. Đức ái thúc bách người thánh hiến biết luôn sẵn sàng thông hiệp và cộng tác với Đấng họ yêu mến, để cho ơn cứu độ chan hoà khắp mọi tâm hồn, cho tới khi tất cả được thành toàn trong Ngài. Trong viễn cảnh đó, tội lỗi cũng chỉ là biểu lộ của tình trạng thiếu khả năng yêu mến, cản trở yêu mến hoặc ù lì trong yêu mến[2]. Theo thánh Tôma tiến sĩ, đức ái có những cấp độ khác nhau: xa tránh tội lỗi nghịch đức ái (cấp độ I), nỗ lực thực thi điều thiện và tiến lên trên đường nhân đức (cấp độ II), tha thiết gắn kết và vui hưởng nhan Chúa, vượt ra khỏi mình để ở kề bên Chúa Kitô (cấp độ III)[3]. Nói khác đi, đức ái trưởng thành giúp chúng ta không chỉ dừng lại ở mức độ hạn hẹp của tối thiểu, tương đối mà luôn biết hướng tới chân trời bao la của tối đa, tuyệt đối.

Lăng kính tình yêu

Trước đây, khi nói đến đời sống tu trì, người ta thường dùng những từ ngữ nhấn mạnh đến lý tưởng hoàn hảo mà các tu sĩ cần vươn tới, như “bậc tận hiến/toàn hiến” (religiosus), “bậc trọn lành” (status perfectionis, institutum perfectionis)… Cách gọi đó nói lên quan niệm thường có của thời trước Vaticanô II về đời thánh hiến, một quan niệm rất hay chú trọng đến việc nên trọn lành với ý nghĩa là gìn giữ tỉ mỉ, nghiêm túc và chỉn chu các điều luật, nhất là ba lời khuyên Phúc Âm, đời sống chung và việc khổ chế, hy sinh. Người tu sĩ lý tưởng là người sống khắc khổ, thanh bạch, đạo hạnh, xa lánh thế gian, coi thường vật chất, dửng dưng với vinh hoa phú quý, vui thú danh vọng… Quan niệm này đôi khi đẩy tới mức nhị nguyên: coi khinh thể xác, miệt thị hôn nhân… Từ đó có thể dẫn đến những não trạng quá khích là “vụ luật” (legalismus), “vụ hình thức” (formalismus) và “khắc kỷ” (ascetismus)[4].

Từ Công đồng Vaticanô II, thần học đời tu đã đánh dấu một tiến trình tăng tiến và trưởng thành. Lối nhìn truyền thống về đời tu như một tình trạng trọn lành đã nhường chỗ cho một nền Giáo hội Học mới, trong đó đời tu được lồng trong lăng kính của tình yêu, một tình yêu xây dựng trong mối hiệp thông và liên đới sâu xa của toàn dân Thiên Chúa[5]. Ơn gọi nên thánh của đời tu trì được đặt để trong tương quan với ơn gọi nên thánh chung của các tín hữu. Nếu như “sự thánh thiện được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới đức ái trọn hảo trong bậc sống mình trong khi xây dựng kẻ khác” (GH 39), thì sự thánh hiến “tu trì” là một sự thánh hiến “đặc biệt hơn”, được “tỏ lộ trong việc thực hành ba lời khuyên Phúc Âm” (GH 39). Đó là một sự đáp trả mãnh liệt hơn trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa, một sự đáp trả đòi hỏi một đức ái nồng nàn, quảng đại hơn.

Liên quan đến điều này, Công đồng Vaticanô II trong hiến chế Giáo hội (Lumen Gentium) đã không ngần ngại khẳng định “ơn huệ thứ nhất và cần thiết nhất là đức ái”, bởi vì chính đức ái làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương anh em vì Chúa. Chính đức ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật. Chính đức ái chi phối mọi phương tiện nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích (GH 42a). Hơn nữa, đức ái đối với Chúa và tha nhân còn là dấu chỉ cho biết người môn đệ chân chính của Chúa Kitô. Chính khi sống khiết tịnh, vâng phục, khó nghèo và chịu thiệt thòi, người thánh hiến làm chứng cách hùng hồn và sống động cho Tình Yêu tuyệt đối của Thiên Chúa và toả lan tình Chúa đến cho nhân loại (x. GH 42 b,c,d). Nhờ việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm trong Giáo hội, những người thánh hiến muốn thoát ly khỏi mọi cản trở có thể trì hoãn đức ái hoàn hảo dành cho Thiên Chúa và tha nhân (GH 44).

Đức Ái hoàn hảo

Đức ái tuyệt hảo và đời sống thánh hiến quả là cặp từ tóm lược đề xuất của Giáo hội hiện thời về thực tại phong phú đa dạng nơi những người thánh hiến[6]. Sự trọn lành của đức ái (Perfectae caritatis) còn là tựa đề của sắc lệnh Công đồng về canh tân đời sống tu trì và điều này được pháp lý hoá nơi Bộ Giáo Luật 1983 (quyển II, Phần III, điều khoản 573-746).

Nếu như Vaticanô II là Công đồng đầu tiên đề cập đến bậc sống dựa trên các lời khuyên phúc âm đặt trong bối cảnh của mầu nhiệm Giáo hội như là toàn thể, thì theo Bộ Giáo Luật lại cho thấy “lối sống bền vững” này giúp các tín hữu “theo đuổi đức ái hoàn hảo” để phục vụ nước Chúa và trở thành dấu chỉ rạng ngời, báo trước vinh quang thiên quốc (GL 573 §1). Chính đức ái có được do các lời khuyên Phúc Âm giúp các tu sĩ kết hợp với Giáo hội cách đặc biệt (GL 573 §2).

Đức Ái thần thiêng và nhân bản

Đức ái nói đây không phải là một khái niệm mà là chính động thái của những con người đã cảm nghiệm thấy một ơn gọi đặc biệt trong Dân Thiên Chúa, một ơn gọi đòi hỏi đi đến một sự thánh hiến đặc biệt. Nhờ việc sống ba lời khuyên Phúc Âm qua một đặc sủng và lối sống riêng biệt của đặc sủng đó, họ gắn bó với Thiên Chúa là Đấng vô cùng đáng yêu mến. Chính yếu tố sau cùng này chỉ huy, định hướng và quy kết tất cả các yếu tố khác[7].

Đời sống thánh hiến không phải là một thực tại tách rời và biệt lập, cũng không phải là viễn tượng trên mây trên gió. Thuộc về Giáo hội và ở trong Giáo hội, đời sống thánh hiến diễn tả điều mà Giáo hội biểu thị qua các giai đoạn khác nhau của dòng lịch sử nơi chính các đặc sủng làm nên Giáo hội. Nơi Công đồng Vaticanô II, Giáo hội được diễn tả như là mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Những đặc tính này định vị hoạt động của tất cả mọi thành phần trong Giáo hội, cách riêng là đời sống thánh hiến. Đức ái là tình yêu. Người yêu mến là người biết định hướng cuộc đời hoà hợp với bối cảnh riêng biệt mà họ sống, để nắm lấy trách nhiệm và để trở nên chính họ[8].

Yêu mến là sống tình yêu hỗ tương, đặt nền trên việc trao hiến và hoà hợp với những người cùng chí hướng trong cùng một ơn gọi. Khát vọng vươn tới đức ái trọn hảo không phải là đặc quyền của những người thánh hiến, nhưng mang một diện mạo riêng biệt khi được vun trồng qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, hướng tới cùng đích là “Thiên Chúa là Đấng vô cùng đáng yêu mến” (GH 44). Đức ái nồng nàn kết hiệp với Chúa Kitô qua việc dâng mình trọn vẹn cho Thiên Chúa càng lớn lao bao nhiêu, thì người thánh hiến càng làm cho đời sống Giáo hội phong phú hơn và càng làm cho việc tông đồ của Giáo hội dồi dào mãnh liệt hơn bấy nhiêu (DT 1)[9].

Nơi đời sống thánh hiến, đức ái là lối sống bước theo Chúa Kitô “khiết trinh và khó nghèo”, Đấng đã “cứu chuộc và thánh hoá nhân loại bằng việc vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá” (DT 1), với đức khiết tịnh đem đến sự hiệp nhất với Giáo hội (DT 12), với một đức khó nghèo thanh thoát và tự nguyện (DT 14), với lòng vâng phục luôn phục tùng thánh ý cứu độ của Chúa Cha (DT 14), với đời sống chung tràn đầy bác ái huynh đệ, thấm nhuần sự hiện của Chúa giữa cộng đoàn (DT 15).

Tính chính thống của đức ái thánh hiến được định giá trên nền tảng của việc tháp nhập vào đời sống Giáo hội, nơi họ được thanh tẩy và tăng tiến trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Sống và phát triển tính chính thống là một cách diễn tả sống động đặc sủng, vốn chỉ được đánh giá khi sống bén rễ trong khung cảnh năng động nguyên thuỷ. Cảm thông, buồn sầu, mừng vui, hoạt động cùng và trong Giáo hội, qua các chiều kích đa dạng như đã được mô tả trong Hiến chế về Giáo hội, chính là hoa trái đích thật của việc gắn kết với Chúa Kitô và sự ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần, và là con đường để hoán cải suốt đời. Ai yêu mến thì được sinh ra bởi Thiên Chúa, Đấng hằng yêu mến chúng ta không phải do công phúc chúng ta có được mà do điều chúng ta đang thủ đắc nhờ ân ban của Ngài[10].

Đi ra ngoài lằn ranh này, đức ái thánh hiến sẽ phát triển ù lì, trở nên còi cọc, cằn cỗi, kéo lê một cách thiếu sinh khí. Chỉ trong Chúa, người thánh hiến cử hành mầu nhiệm, lớn lên trong tình hiệp thông, vươn mình trong sứ vụ, phó thác cuộc sống tương lai, làm chứng niềm tin phục sinh với lòng thương xót và trong sự liên đới cả với những ai chưa sẵn sàng hoặc từ chối ơn cứu độ. Những người thánh hiến noi gương Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc tội nhân, chứ không kết án. Qua việc thi hành điều đó, họ làm chứng cho luận lý của tin mừng cứu độ. Đức ái đầy lòng thương xót không tìm moi móc quá khứ mà dẫn về tương lai là thực tại viên mãn của thời cánh chung, vén tỏ tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo hội (x. Ep 1, 23).

 Đức Ái chứng tá

Lịch sử của đức ái thánh hiến là một chương sáng giá trong lịch sử Giáo hội, không phải vì được tiến triển trong một môi trường không có tội, mà là trong sự nhận biết ơn tha thứ, nhằm tuyên xưng và làm cho ơn tha thứ đó trở thành đáng tin qua việc lướt thắng sự cùng khốn phàm hèn nhờ năng lực của lòng thương xót và mở ra chân trời an vui hành phúc khi chỉ có “một trái tim và một linh hồn” (Cv 4, 32)[11].

Đức ái là hoa trái của sáng kiến của Thiên Chúa đầy lòng xót thương và khoan dung muốn hiệp nhất với dân của Ngài, là sự tham phần vào tình yêu Thiên Chúa. Chính tình yêu đức ái đó giúp người thánh hiến vượt ra khỏi cơn cám dỗ của cá nhân chủ nghĩa, lạm dụng cộng đoàn hay sứ vụ như cơ hội để thực hiện kế hoạch đời mình. Trái lại với những toan tính “tiến thân” là những cam kết “dấn thân”, họ hoà mình vào mầu nhiệm và sứ vụ cộng đoàn, đi vào mầu nhiệm “tự huỷ” của Chúa Kitô, để cho kế hoạch cứu rỗi, một kế hoạch do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, được thực hiện[12].

“Đời thánh hiến dùng ngôn ngữ của việc làm để nói rằng lòng mến Thiên Chúa là nền tảng và là thuốc kích thích một tình yêu nhưng không và ân cần” (TH 75). Họ cần ý thức ơn gọi của mình là “biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho thế giới”, đặc biệt là với những người nghèo hèn túng quẫn nhất, những nạn nhân của những “hình thức nghèo đói mới” như thất vọng vì cuộc sống vô nghĩa, nghiện ngập, già cả cô đơn, “nghèo” văn hoá, “nghèo” nhân phẩm, “nghèo” tri thức… (XPL 35-36). Huấn thị đã tô đậm gam nền đức ái khi xem việc xuất phát lại từ Đức Kitô cũng chính là cuộc xuất hành của tình yêu:

“Xuất phát lại từ Đức Kitô có nghĩa tìm lại một lần nữa tình yêu ban đầu của ta, tia sáng lôi cuốn làm ta đứng lên đi theo Người. Bước đầu là tình yêu của Thiên Chúa. Bước tiếp mới là sự đáp trả đầy lòng yêu mến đối với tình yêu Thiên Chúa. Nếu “chúng ta yêu mến” đó là “Người đã yêu chúng ta trước” (1 Ga 4,10.19). Điều đó có nghĩa là nhìn nhận Người yêu ta với cái ý thức sâu đậm đã làm cho thánh Phao-lô thốt lên: “Đức Kitô đã yêu tôi và đã hiến mạng sống cho tôi” (Gl 2,20). 

Chỉ khi ý thức mình được yêu thương vô cùng mới có thể giúp chúng ta vượt thắng mọi khó khăn riêng tư hay do cơ cấu. Người thánh hiến không thể có tính sáng tạo, có khả năng canh tân tu hội và mở ra những con đường mục vụ mới nếu họ không cảm thấy được yêu mến với tình yêu ấy. Chính tình yêu ấy làm cho họ trở nên mạnh mẽ, có thể dám làm mọi sự”[13].

Tóm lại, việc sống đời sống thánh hiến dưới lăng kính tình yêu là rất quan trọng, vì ơn gọi chúng ta xuất phát do sáng kiến yêu thương của Chúa và chúng ta cũng đáp trả ơn gọi đó vì yêu mến, sống ơn gọi đó vì yêu mến… Nói khác đi, ơn gọi tựu trung lại cũng là một giáo ước tình yêu, một hành trình tình yêu, một dấn thân cho tình yêu. Và vì thế, cần có một tình yêu dâng hiến quảng đại…

Gợi ý: Đâu là động lực thúc đẩy chúng ta hằng ngày… Chúng ta có quý trọng tình nghĩa với Chúa, nuôi dưỡng lòng yêu mến Chúa và để cho tình yêu Chúa thúc đẩy chúng ta trong đời sống và sứ vụ không? Cần làm gì để cho tình yêu Chúa ngày càng sâu đậm nơi chúng ta?

NẾU KHÔNG CÓ TÌNH YÊU…
(Sưu tầm)

Không có tình yêu,
Bổn phận khiến người ta dễ nóng giận
Không có tình yêu,
Trách nhiệm đẩy người ta tới chỗ bất nhã
Không có tình yêu,
Công bằng làm cho người ta đâm ra tàn nhẫn
Không có tình yêu,
Sự thật biến người ta thành kẻ ưa xoi mói
Không có tình yêu,
Sự khôn ngoan dẫn dắt bạn tới chỗ láu cá
Không có tình yêu,
Sự đon đả biến người ta thành kẻ giả dối
Không có tình yêu,
Sự am hiểu đẩy bạn trở thành kẻ cố chấp
Không có tình yêu,
Quyền lực khiến người ta trở thành kẻ áp bức
Không có tình yêu,
Danh tiếng làm bạn trở thành kẻ kiêu ngạo
Không có tình yêu,
Của cải làm con người ta trở nên tham lam
Không có tình yêu,
Lòng tin biến thành kẻ cuồng tín
Không có tình yêu,
Trên đời này bạn không là gì cả.

Trích TRẦN NGỌC ĐĂNG, Thắp sáng đời dâng hiến, Tủ sách Ra Khơi 2015, tr. 27-37.


[1] X. Elio Gambari, “Vita Religiosa oggi” secondo il Concilio e il Nuovo Diritto Canonico [Đời tu dưới ánh sáng Công đồng và Giáo luật], quyển 1, Mathias M. Ngọc Đính chuyển ngữ, Năm Thánh 2000, tr. 116.
[2] X. Ibidem, tr. 193-194.
[3] Tôma Aquinô, Suma Theologia IIa-IIae, q. 24, a. 9, c, 2m, 3m.
[4] X. Phan Tấn Thành, Dân Thiên Chúa. Giải thích Giáo Luật quyển 2. Tập 3: Các Hội Dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, Rôma 1993, tr. 391; José Crisiorey Garcia Paredes, Teologia de la Vida  Religiosa [Thần học về Đời Tu], bản dịch tiếng Anh “Theology of Religious Life: From the Origins To Our Days” được Giuse Đỗ Ngọc Bảo chuyển ngữ sang tiếng Việt, “Đời tu xưa và nay”, 2007, tr. 122-124.
[5] X. J. C. G. Paredes, Sđd, bản dịch Việt ngữ, tr. 162.
[6] X. Dalmazio Mongillo, “Carità” [Đức Ái], trong Rodriguez a. A. – Casas J.M.C. (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata,  Ancora, Milano 1994, tr. 184.
[7] X. Ibidem, tr. 184-185.
[8] X. Ibidem, tr. 186-187.
[9] X. Ibidem, tr.186.
[10] X. Công Đồng Orange II, can. 12, Denz 382.
[11] Ibidem, tr.186.
[12] Ibidem, tr. 184-205.
[13] Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Hiệp Hội Các Tông ĐồHuấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 22.