Tội phạm đến Chúa Thánh Thần

Trong Thánh Kinh, cả ba thánh sử Máccô, Mátthêu và Luca của Tin Mừng nhất lãm đều tường thuật về câu nói: “ ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha”. Nhân dip lễ Chúa Thánh Thần sắp đến, có người xin tôi giải thích “vậy tội phạm tới Chúa Thánh Thần là tội gì mà ghê gớm vậy?

 

Trước khi chúng ta tìm hiểu tới tội ghê gớm đó, chúng ta cần đọc lại chương ba trong Phúc Âm thánh Máccô.

 

Phúc Âm theo Thánh Máccô chương 3 tường thuật việc Chúa Giêsu trong khi chữa bệnh, bị người ta rình rập, tố oan và âm mưu giết chết. Trước sự ác độc chai lì nham hiểm của họ đối với các việc lành của mình, Chúa Giêsu phải “giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá” (câu 5).

 

Tuy thế, Chúa vẫn yêu thương con người. Phúc Âm tiếp tục với việc Chúa thành lập nhóm 12 để tiếp nối công trình yêu thương này, và cũng tiếp tục với việc Chúa chữa bệnh, trừ quỷ. Nhưng “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng” (Trịnh Công Sơn), lòng dạ nham hiểm của một số người vẫn không có điểm dừng. Khi thấy Chúa thực thi quyền trừ quỷ, các “kinh sư từ Giêrusalem xuống nói rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”  (câu 22). Chính trong ngữ cảnh này mà câu nói mà chúng ta đang tìm hiểu ra đời :

 

“Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời. Ðó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám” (câu 28,29,30).

 

Bối cảnh trên cho thấy khá rõ tội phạm Chúa Thánh Thần đây chính là:

 

coi ma quỷ cao hơn Chúa, như các kinh sư nói Chúa phải dùng tới phép của quỷ vương Beendêbun

xúc phạm nặng nề tới Thánh Danh bằng việc từ chối quyền năng và ơn cứu độ của Chúa, cụ thể từ chối các bí tích, xem thường Ơn Thánh

Chai lì ngoan cố chống đối Thiên Chúa trước các tác động của Chúa trong cuộc đời

Là con người, ai cũng yêu đuối tội lỗi, nhưng nếu chúng ta khiêm tốn chạy đến với Chúa, nài xin Ơn Thánh qua các bí tích và quyết tâm chừa cải, chắc chắn chúng ta được Chúa yêu thương tha thứ. Ngược lại, nếu cố tình chai lì trong sự thâm hiểm của mình, cho rằng không ai hơn được mình,  không nhìn nhận Chúa là Chủ tể cuộc đời, xem các quyền lực khác của thần dữ hơn cả Chúa, chúng ta rơi vào tội phạm tới Chúa Thánh Thần.

 

Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Thắng