Vòng quanh thế giới về nạn không bao dung về mặt tôn giáo

Không phải chỉ ở đất Hồi giáo mà các tín hữu Kitô giáo mới bị bách hại và họ cũng không phải là những người duy nhất bị. Từ Ấn Độ đến Việt Nam, một vòng chân trời các nước nơi các tín hữu bị bách hại vì đức tin của họ.

Hồi giáo bạo lực là nguyên do chính khiến các tín hữu Kitô giáo bị bách hại hôm nay. Nhưng họ không phải là những người duy nhất. Chế độ cộng sản vẫn là một trong những tác nhân bách hại quan trọng nhất. Dù cho có các tiến bộ ở Trung quốc và Việt Nam, nhưng sự đàn áp trong các nước cộng sản vẫn có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào cho các Giáo hội. Chế độ độc tài của Bắc Triều Tiên vẫn là chế độ bài Kitô hữu hung bạo nhất trong tất cả các chế độ. Mặt khác, tín hữu Kitô giáo là nạn nhân trong tất cả các loại chế độ bộ lạc và lạm dụng quyền lực như chủ nghĩa dân tộc của người Hinđu ở Ấn Độ.

Vòng quanh thế giới về nạn không bao dung về mặt tôn giáo
Một nhà thờ Ấn Độ bị thiêu rụi

 

Ấn Độ: Các cuộc trở lại đạo đi ngược với chỉ thị

 

Đại đa số dân Ấn Độ là người Hinđu (Ấn Độ giáo), tín hữu Kitô chỉ chiếm 2 % dân số, khoảng 24 triệu người. Đối với Đảng Dân tộc Ấn (BJP), đảng nắm chính quyền từ năm 2014 thì cốt tủy của quốc gia Ấn Độ phải là người hinđu hoàn toàn: và do đó, vì nguồn gốc nước ngoài của mình, tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo có nguy cơ đe dọa cho căn tính dân tộc này. Bảy trong 29 bang thuộc Liên bang Ấn Độ có luật cấm theo đạo, nhân danh ổn định chung, họ phạt các vụ theo đạo «vì bắt buộc» hay bằng các «phương cách gian lận». Nhưng ngược lại chiến dịch Ghar Wapsi («trở về nhà») lại được phát triển trong nước. Đây là các nghi thức hinđu cho phép những ai đã theo Kitô giáo và Hồi giáo trở lại đạo hinđu công khai và tập thể. Hàng ngàn người trong số họ trở lại đạo hinđu. Các cuộc trở lại này thường kèm theo các lời hứa: cho mở trường học, kết hợp vợ chồng. Năm nay tại New Dehli, trong vòng hai tháng đã có năm nhà thờ bị phá hoại và cuộc đi bộ chống các sự phá hoại này kết thúc với việc bắt giữ 200 tín hữu Kitô giáo.

 

Bắc Hàn: Tín hữu sống che giấu để được sống còn

 

Bắc Hàn là một trong những nước có chế độ độc tài khép kín nhất thế giới, nạn bách hại tín hữu Kitô giáo có từ triều đại họ Kim thống trị đất nước này sau Thế Chiến Thứ Nhì. Trước năm 1945, có 500 000 tín hữu ở Bắc Hàn, thủ đô Bình Nhưỡng lúc đó còn được gọi là «Giêrusalem của Đông phương» vì có rất nhiều nhà thờ ở đây. Nhưng chỉ trong vòng mười năm, mọi chứng tích của Kitô giáo đã bị xóa sạch. Ngày nay có khoảng từ 200 000 đến 400 000 tín hữu phải giữ đức tin của họ một cách thầm lặng để sống còn. Nếu họ bị khám phá, họ sẽ bị gởi đi trại cải tạo và thường là bị chết vì kiệt sức. Trong một nước mà mọi cử hành theo nghi thức tôn giáo mà không nhằm mục đích là thờ Kim Đại Trọng và các người kế vị ông là một chuyện nguy hiểm, Kitô giáo bị xem là chướng ngại đe dọa quốc gia vì các quan hệ có thể có của đạo này với Tây phương, sẽ làm hại cho sự phát triển của chế độ cộng sản cuối cùng theo Stalin này.

 

Sri Lanka: Các công dân hạng hai

 

Sau cuộc nội chiến giữa người Cingha và  Tamoul năm 2009, các nhóm cực đoan phật tử đã nổi dậy và bắt đầu lên án các tôn giáo khác, các tín hữu Kitô giáo, Hinđu giáo, Hồi giáo bị xem như công dân hạng hai. Tín hữu Kitô giáo chỉ chiếm 8 % dân số, nhưng là cộng đoàn tôn giáo giữ một vai trò then chốt vì đó là cộng đoàn duy nhất có các thành viên thuộc nhiều sắc dân thiểu số khác nhau. Gần đây tình trạng của họ hình như được cải thiện, chính quyền mới đã có những biện pháp tích cực để chống lại nạn bất dung thứ tôn giáo. Cuối tháng tư vừa qua, tổng thống Maithripala Sirisena đã chuẩn chi một dự luật nhằm phạt các vụ kỳ thị các sắc dân thiểu số và tôn giáo ở Sri Lanka. Qua quyết định này, chính quyền cũng đã cho phép các cơ quan pháp luật có biện pháp để chống lại các vụ tấn công các nơi thờ phượng của người Kitô giáo và Hồi giáo.

 

Miến Điện: Liên tục vi phạm tự do tôn giáo

 

Trong vòng gần 50 năm, nước Miến Diện bị cai quản bởi một loạt các chế độ độc tài quân sự. Chế độ này đã bách hại tín hữu Kitô giáo của dân tộc ở miền Tây Miến Điện. Dưới chế độ quân sự do đảo chánh, các binh linh Miến đã phá hủy các nơi thờ phượng, làng mạc, nhà cửa của các tín hữu. Năm 2011, chế độ quân đội đã chính thức nhường quyền lực cho chính phủ dân sự. Dù ngày nay tín hữu Kitô ít bị bách hại hơn nhưng họ vẫn là mục tiêu hàng đầu. Bản báo cáo của tổ chức nhân quyền CHRO (Chin Human Rights Organization) công bố năm 2014, tố cáo các vụ vi phạm tự do tôn giáo của các tín hữu người Chin, họ đòi hỏi chính quyền phải can thiệp. Hàng ngàn người Chin đã phải đi trốn qua Mã Lai hay Ấn Độ vì nạn kỳ thị và nghèo đói. Các cứu trợ nhân đạo không đến được ở một phần lớn Nhà nước Chin. Nạn đói, suy dinh dưỡng, bệnh tật là những đau khổ hàng ngày của người dân của quốc gia này, một quốc gia được xem là nghèo nhất Đông Nam Á. ngày nay, chế độ Miến Điện lại đi bách hại người Rohingya, một cộng đồng thiểu số Hồi giáo, nạn nhân của một vụ thanh trừng sắc tộc năm 2012.

 

 

 nhatho-1.jpg
Cần cẩu tháo dỡ thánh giá trên đỉnh nhà thờ ở Ôn Châu

 

Trung quốc: các bạn hãy giấu các cây thánh giá này đi.

 

 

Trong những năm 1960 và 1970, chế độ cộng sản đã có những biện pháp khắt khe đối với tín hữu Kitô chưa bao giờ từng thấy trong lịch sử của sự bách hại. Năm 1980 khi cuộc bách hại điên cuồng này được nới lỏng thì đã có hàng chục triệu dân trở lại Kitô giáo, hiệp hội những Cánh Cửa Mở cho đây là sự «thức tỉnh lớn nhất chưa bao giờ có trên thế giới». Ngày nay có khoảng từ 80 đến 100 triệu Kitô hữu trên 1.4 tỷ dân, đa số thuộc phái Phúc Âm. Thế mà sự bách hại, tuy ít nhưng không thể lường trước được lại có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên các cộng đoàn khác nhau. Ở bang Chiết Giang, nhà cầm quyền đã cấm dựng các cây thánh giá trên đỉnh nhà thờ và tháp chuông, hiện nay nhà cầm quyền đang hạ bỏ xuống! Mục đích là không để sự hiện diện khả thị của tín hữu Kitô ở một tỉnh mà con số tín hữu ngày càng gia tăng, đe dọa hiệu lực của Đảng cộng sản. Ở Chiết Giang vì có rất nhiều cuộc trở lại đạo, cho nên đơn giản và thuần túy, các nhà thờ phải bị triệt hạ. Tuy nhiên cùng một lúc, các nhóm Kitô hữu có thể có một cuộc sống bình dị. Theo hiệp hội Cánh Cửa Mở, các tín hữu có thể bị  bách hại khi Giáo hội của họ được xem là quá mạnh hoặc quá chính trị, nhất là khi các dịch vụ của họ bị cho là ganh đua với các dịch vụ của quốc gia. Còn về phần Giáo hội Công giáo, một Giáo hội có 20 triệu tín hữu thì nhà nước vẫn tìm cách áp đặt sự lựa chọn giám mục riêng của họ, điều mà Vatican không chấp nhận.

 

Êrythê: Canh chừng và bách hại

 

Từ khi độc lập với quốc gia Êtiôpia năm 1993, sự bách hại đè nặng trên tín hữu Kitô ngày càng gia tăng. Trong số các nhánh tín hữu Kitô, chỉ có các Giáo hội Chính thống, Luther và Công giáo là được công nhận, nhưng họ cũng bị canh chừng rất kỹ và tất cả mọi quyết định của họ đều phải được nhà cầm quyền duyệt. Các Giáo hội khác như Giáo hội Phúc Âm, Hiện Xuống, Chứng nhân Giêhôva đều bị cấm từ năm 2002. Các tín đồ của các nhóm này bị vây bủa và bị thám thính thường xuyên. Họ trở nên mục tiêu của những cuộc bắt bớ và giam giữ trong những điều kiện vô nhân đạo, bị tra tấn, bị ngược đãi vì đã giữ đạo mà không được phép, bị xem như làm mất an ninh quốc gia. Có đến 3 000 người bị tù vì lý do tôn giáo ở Êrythê. Các tín hữu đa số là người trẻ tiếp tục bỏ xứ đi hàng loạt.

 

Lào: Đuổi các nhân viên ngoại quốc

 

Xứ cộng sản nhỏ bé này đa số là phật tử Đại Thừa. Tín hữu Kitô rất thiểu số (2,5, khoảng 160 000 người) và bị áp lực của Đảng cộng sản cầm quyền. Theo Cánh Cửa Mở họ là nạn nhân bị các phật tử xách nhiễu nhất. Các tín hữu một nửa là Công giáo một nửa là Tin lành thường bị xem là những người «ngoại bang» chống cộng sản. Nếu họ thuốc nhóm dân tộc thiểu số Katin hoặc Hmong thì họ còn bị bách hại gấp đôi. Một vài Giáo hội được nhà cầm quyền chấp nhận và họ có quyền hội họp. Đó là trường hợp của những người Công giáo, Giáo hội Phúc Âm và Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm. Rất nhiều tín hữu của những Giáo hội khác không được công nhân như giáo phái Mêthôđista, các Giáo hội độc lập thường là mục tiêu của những vụ bắt bớ tùy tiện.

 

Việt Nam: Lịch sử của một Giáo hội mang dấu tích của bách hại

 

Năm 1988, Đức Gioan-Phaolô II đã phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam: lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam mang dấu ấn của những vụ bách hại. Trong đất nước cộng sản này, việc giữ đạo của nhóm thiểu số vẫn còn bị nhà cầm quyền theo dõi và nghi ngờ. Đặc biệt trường hợp của tín hữu Kitô giáo bị xem như theo ngoại quốc và phương Tây. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 bảo đảm quyền tự do tôn giáo nhưng hàng năm các Giáo hội phải trình một chương trình sinh hoạt chi tiết cho hội đồng nhân dân. Luật ấn định không được lợi dụng tự do tín ngưỡng để chống đối quốc gia. Một dự án luật mới được trình ngày 22 tháng 4 vừa qua còn kiểm soát gắt gao hơn, dự án luật này đã tạo ra nhiều phản ứng rất mạnh trong hàng giáo phẩm Việt Nam. Nếu các tín hữu ở thành phố vẫn còn lo lắng cho các tổ chức sinh hoạt không khai báo của họ thì ở miền Cao nguyên, các tín hữu thuộc các bộ lạc miền núi như Hmong vẫn còn là mục tiêu cho các cuộc bách hại có tính cách chính trị.

nhatho-2.jpg 

(Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 23.05.2015/
lavie.fr, Pierre-Yves Mazari, Sixtine Dechancé, Henrik Lindell, 20-5-2015)