Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm C

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” ( Ga 13, 34)
Suy Niệm I
ANH EM HÃY YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG ANH EM
Ga 13, 31-35
——————————
 
Anh em hãy thương yêu nhau: đó là hiến chương, đó là tảng đá thử thách thực tế đức tin của người kitô và đặc biệt đó là dấu chỉ hữu hình để qua đó người ta nhận ra Chúa Kitô.
 
Thế giới hiện đại hôm nay dường như đang bị tục hoá: Thiên Chúa đã bị xếp vào một xó, nếu không muốn nói là bị từ chối. Tượng thánh giá không được treo trong các phòng học, phòng ngủ hoặc trong nhà của nhiều gia đình công giáo nữa. Người ta không còn biết Chúa Giêsu là ai hoặc biết quá ít về Ngài. Những bài giáo dục cho giới trẻ công giáo ít được vận dụng từ Kinh Thánh. Phải chăng biểu tượng thánh giá Chúa chịu đóng đinh không phù hợp nữa? Phải chăng người kitô chúng ta hôm nay cần đi tìm dấu hiệu khác phù hợp hơn để dễ rao giảng tin mừng cho người thời nay?
 
Để thế giới khỏi bị tục hoá, chúng ta cần phải lấy lại biểu tượng Thánh giá. Nhưng lấy lại biểu tượng Thánh giá, phải chăng là đeo Thánh giá vàng  trên cổ và cả trên đôi tai? Hoặc như các cầu thủ bóng đá khi ra trận phải làm dấu thánh giá? Tất cả những câu hỏi đặt ra như vậy, sẽ không tìm được lời đáp, nếu không đọc lại và suy ngẫm bài Phúc Âm hôm nay.
 
Bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta câu trả lời đích thực: anh em đừng tìm đâu xa, anh em đừng đi lệch hướng! Dấu chỉ đương nhiên, rõ ràng và cụ thể của kitô giáo, chính là tình yêu: anh em hãy yêu thương nhau. Đó là nét đặc thù của anh em! Đó là dấu chỉ sáng giá nhất chứng tỏ anh em là môn đệ của Thầy. Người ngoại giáo ở những thế kỷ đầu đã khen người Kitô hữu: hãy xem họ yêu thương nhau chừng nào!
 
– Anh em hãy yêu thương nhau ngay trong gia đình của anh em. Lúc đó gia đình anh em sẽ trở thành một giáo hội nhỏ bé chứng tỏ có Thiên Chúa hiện diện: đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời.
 
– Anh em hãy thương yêu nhau ngay trong cộng đoàn, họ đạo, giáo xứ của anh em. Mỗi khi anh em tham dự Thánh lễ, hãy thành thực và nhiệt tình trao ban cho nhau lời cầu chúc bình an, đó là dấu chỉ tình thân mật mà phụng vụ đòi hỏi trước khi anh em rước Mình Thanh Chúa.
 
– Anh em hãy yêu thương nhau ngay tại khu phố và làng xóm của anh em, không kéo bè kéo cánh, hãy thương những người nghèo, bệnh tật và đau khổ dù họ bất kỳ là hạng người nào, ngay cả khi họ còn ghét chúng ta. Đời người chỉ có tình yêu là giá trị hơn cả. Tình yêu còn giá trị hơn tất cả các phép lạ. Tình Yêu định nghĩa người kitô là thế nào.
 
Người kitô chính là người khám phá đầy đủ nhất tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Người kitô hãy tập sống tình yêu ấy đối với tất cả những ai chưa tin Thiên Chúa. Dấu chỉ Tình yêu như vậy có giá trị mạnh mẽ hơn nhiều. Nếu đeo thánh giá đẹp hoặc làm dấu thánh giá mà không yêu thương nhau, thì cũng chỉ là vô ích! Vậy yêu anh em là thế nào ? Có thứ tình yêu, nhưng lại được gọi là tình yêu giết chết, đó là : tình yêu chiếm hữu và vụ lợi, tình yêu nhân danh tôn giáo, nhân danh dân tộc, nhân danh chủ nghĩa để mà loại trừ lẫn nhau. Tình yêu mà Chúa đòi hỏi là chúng ta phải sống tình yêu giống như Ngài: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13, 34)..
 
– Yêu như Chúa Kitô yêu, nghĩa là Chúa Kitô đã yêu chúng ta trước. Thánh Gioan Tông Đồ nói: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội chúng ta”. Chúa Kitô đã yêu chúng ta trước khi chúng ta yêu Ngài. Ngài yêu chúng ta khi chúng ta chưa ý thức gì về bản thân và sự hiện diện của chúng ta trên trái đất này. Vì vậy trong tình yêu lứa đôi hoặc tình yêu gia đình và cộng đoàn, người nào có tình yêu thì phải là người yêu trước, nói tình yêu của mình trước và nếu có sự hờn dỗi, thì phải trở về với tình yêu trước, nhường nhịn trước và nói lời vui vẻ trước để tình yêu trỗi dậy. Trong một cộng đoàn, người nào có tình yêu thực sự, phải là người khi thấy có một ai đó tuyệt vọng, thì phải là người tìm cách giải quyết trước.
 
– Yêu như Chúa Kitô, nghĩa là Chúa Kitô đã yêu chúng ta bằng một tình yêu biếu không. Thiên Chúa yêu chúng ta, không phải vì chúng ta đáng yêu. Ngài yêu chúng ta dù chúng ta xấu xí, nghèo khó và tội lỗi. Thiên Chúa yêu chúng ta vì Người là tình Yêu. Đó là tất cả! Nếu như Thiên Chúa chỉ yêu chúng ta vì chúng ta có đức tính tốt, thì một ngày nào đó chúng ta sẽ có nguy cơ không còn là chúng ta nữa nếu chúng ta đánh mất những đức tính tốt. Cũng vậy, chúng ta hãy học yêu bằng một tình yêu vô tư và không tính toán.
 
– Yêu như Chúa Kitô, nghĩa là Chúa Kitô yêu chúng ta trong tinh thần phục vụ. Chúng ta đừng bao giờ quên cử chỉ của Chúa Kitô bưng chậu nước đi rửa chân cho các môn đệ của Ngài. Các môn đệ rất ngỡ ngàng vì chưa bao giờ các ông rửa chân cho Ngài trước. Yêu tức là ra khỏi chính mình hướng về người khác, chuyển đến cho người khác niềm vui của chính mình. Vì thế, ai nói rằng mình yêu anh em thì phải trở nên người phục vụ anh em. Khi phục vụ thì đừng mong người khác phục vụ mình.
 
– Yêu như Chúa Kitô, nghĩa là Chúa Kitô yêu chúng ta bằng một tình yêu trung thành, chắc chắn và đảm bảo. Ngài tiếp tục yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta bất trung. Ngài không bao giờ ly dị chúng ta. Vì thế ai nói rằng mình yêu thì phải là người có thể yêu bất chấp những bất trung và phản bội.
 
– Chúa Kitô yêu chúng ta bằng một tình yêu tha thứ. Tình yêu là kiến tạo. Chúa Kitô đã gặp người phụ nữ phạm tội ngoại tình, kẻ ăn trộm, nhưng không bao giờ Ngài khinh họ vì Ngài vẫn nhìn thấy vẻ đẹp ở trong họ. Mỗi người chúng ta đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh đó có thể bị thương tổn và biến dạng vì tội lỗi, chúng ta cần phải kiến tạo lại. Yêu thương, trước hết là nhìn thấy vẻ đẹp của người khác.
 
– Yêu như Chúa Kitô, nghĩa là Chúa Kitô yêu chúng ta đến cùng và điên rồ. Chúa Kitô yêu chúng ta bằng mọi giá đến nỗi Ngài ban mạng sống của Ngài cho chúng ta. Ngài yêu chúng ta đến hơi thở và giọt máu cuối cùng, trao ban tất cả và tuyệt đối.
 
Khi Chúa Kitô nói: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người”, chính là lúc Tình yêu của Ngài được biểu thị cao độ nhất trên Thập giá. Tình Yêu Thập giá là tình yêu chiếu sáng cho thế giơi qua mọi thời đại và nhất là thời đại chúng ta hôm nay đang bị tục hoá. Để thế giới được kiến tạo lại, người kitô chúng ta hãy thực hiện mệnh lệnh của Chúa truyền dạy, là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 13, 34).
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy Niệm II
YÊU NHƯ CHÚA YÊU
Ga 13, 31-35
 
Chúa nhật thứ V Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta đọc và gẫm suy về những lời chăng chối của Chúa Giêsu Kitô ban truyền trước khi Người đi về Trời. Quả thật, nếu chúng ta muốn về Trời với Chúa, chúng ta phải thực hành điều Chúa truyền dạy trong đời sống: “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).
Chúa dạy : “Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Chúng ta tự hỏi, phải chăng chúng ta dùng những tình cảm tự nhiên để yêu thương như bạn bè yêu nhau, cha mẹ yêu thương con cái, con cái yêu thương cha mẹ, đồng lớp đồng niên yêu nhau, nam nữ yêu nhau là khác với tình yêu Đức Kitô đã yêu chúng ta sao mà Đức Giêsu còn dạy chúng ta phải : Yêu như Thầy đã yêu anh em ?
Vậy, “yêu như Thầy đã yêu” là yêu như thế nào, có gì mới mẻ chăng ? Xem ra chữ “như” có chất chứa hy sinh khi yêu, có nét mới mẻ và đáng sợ, vì chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo. Thánh Augustinô viết : khi nói “Yêu như Thầy đã yêu anh em” là Đức Giêsu nói đến tình yêu của mình đối với các môn đệ với hy sinh và tha thiết : “Không có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,9). Chết vì bạn hữu là hành vi lớn nhất của tình yêu. Đức Giêsu đã yêu các môn đệ nói riêng, và con người nói chung bằng tình yêu hiến mạng. Nay Người đòi buộc các môn đệ, cụ thể là chúng ta phải yêu nhau đến mức đó. Tình yêu mà Chúa Giêsu yêu chúng ta phát xuất từ Chúa Cha : “Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy” (Ga 15,9). Như vậy là có một nguồn suối tình yêu chảy tràn từ Chúa Cha đến Đức Giêsu, và tiếp tục chảy tràn xuống các môn đệ, dòng suối ấy không ngững chảy trên chúng ta, nếu chúng ta giữ lại, tình yêu đó sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp, nên chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta, yêu mến Thiên Chúa hết lòng để đáp lại tình yêu Chúa. Sermons sur l’évangile de Jean, n°65 (trad. cf bréviaire 4e jeu. de Pâques). “Thầy ban cho các con một điều răn mới” là thế đấy.
Thánh Augustinô nói tiếp : “Yêu như Thầy đã yêu anh em”, khác với lòng mến tự nhiêu thuần túy. Bởi : “Các bộ phận vì ích chung mà đùm bọc lấy nhau. Cho nên một bộ phận phải đau, thì hết các bộ phận đau chung; một bộ phận được vinh, thì hết các bộ phận vinh chung!” (1Cr 12,25-26). Thật vậy, ai nghe điều răn này, hay đúng hơn là ai tuân giữ lời này, họ sẽ được biến đổi trở nên đồng thừa tự với Chúa Giêsu. Họ yêu thương nhau không đơn giản với bản tính tự nhiêu, nhưng vì họ là “thần” (Jn 10,35) nên tất cả họ yêu nhau và “họ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35). Họ yêu thương nhau là vì họ được Đức Kitô yêu thương. (Trích bài giảng Tin Mừng Gioan, số 65). Tình yêu vì Chúa.
Chúng ta thấy, cuộc sống cần tình yêu, nhân loại cần tình yêu, mỗi người sống trong cuộc đời này đều cần tình yêu và rất cần tình yêu. Có thể nói, tình yêu là lẽ sống, là niềm hạnh phúc, là sự bình an của tất cả mọi người không trừ ai. Nên có bao nhiêu tiểu thuyết là có bấy nhiêu chuyện tình. Có bao nhiều phim truyện, tiểu phẩm, bài hát là bấy nhiêu cách diễn tả tình yêu. Người ta khai thác tình yêu trên mọi lĩnh vực : thơ ca, hò vè, quảng cáo.v.v…
Sống ở trên đời có trăm bảy loại tình yêu, tôi xin tạm liệt kê. Chúng ta tự hỏi, tại sao cha mẹ lại yêu con cái và con cái lại yêu cha mẹ. Thưa là vì ông bà ấy là người sinh ra chúng, chúng là con của ông bà đó. Đây là tình yêu huyết tộc. Ngày nay phú quí sinh lễ nghĩa, đây đó chúng ta gặp những buổi hội ngộ đồng niên, đồng lớp, đồng ngũ, đó là thứ tình đồng niên, bạn bè cùng lớp cùng tuổi mến thương nhau. Một loại tình yêu lấn át mọi thứ tình yêu, khi nói đến người ta nghĩ ngay đến nó, nhất là những người trẻ, đó là tình yêu nam nữ. Đây là tình yêu đơn phương, vì con người yêu nhau. Tình yêu đôi lứa, tình yêu bạn bè, tình yêu đồng đội, tình yêu của anh chị em một nhà… tình yêu của cha mẹ với con cái. Tất cả những tình yêu đó đều cao đẹp, đều phù hợp ý Chúa.
Một thứ tình yêu cao thượng mà Chúa dạy chúng ta là tình yêu vì Chúa. Kinh Kính Mến chúng ta vẫn đọc : “…vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy”. Như thế, tình yêu của chúng ta không còn giới hạn bởi huyết tộc, bạn bè quen biết, mà mở rộng tới hết mọi người, tôi yêu họ vì Chúa yêu tôi và truyền dạy tôi .
Yêu thương là điều Chúa dạy, hơn nữa đó là lệnh truyền của Chúa: “Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau” (Ga 13,34). Vì thế không ai có quyền từ chối yêu thương, càng không có quyền thù nghịch anh chị em mình. Có yêu nhau thật lòng, người ta mới có thể sống cho nhau, chết vì nhau. Thử tưởng tượng, một thế giới không có tình yêu, không ai yêu ai, thì thế giới sẽ kinh khủng biết chừng nào. Bởi đi tới đâu, ta cũng chỉ thấy thù hận, bạo động, diệt chủng… Hãy yêu thương, hãy trao tặng cho nhau tình yêu thật lòng để cuộc đời đáng yêu và đáng sống. Tình yêu sẽ làm cho cả người đang yêu lẫn người được yêu bình an và hạnh phúc. Hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
=================
Suy Niệm III
HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Cv 14, 20b-26; Kh 21, 1-5a; Ga 13, 31-33a. 34-35

 
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thủa ban đầu, chúng ta thấy cha ông mình đã sống hết lòng yêu thương và đoàn kết với nhau. Vì thế, những người ngoài Công Giáo thời đó không biết tiền nhân của chúng ta theo đạo gì mà lại sống những giá trị cao đẹp như vậy, nên họ nói với nhau: những người này họ sống “Đạo Yêu Nhau”.
Tại sao các tín hữu lại có lối sống như thế? Lối sống đó bắt nguồn từ đâu? Thưa! Các ngài đã lấy Chúa làm trung tâm, làm điểm tựa cho mọi hoạt động. Lấy tinh thần bác ái, yêu thương làm nên bản chất của mình. Mọi giá trị và ưu phẩm đó khởi đi từ một Đấng đã sống và dạy cho con người bài học “yêu thương”, Đấng đó chính là Đức Giêsu.
1. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu
Khởi đi và bắt nguồn từ lòng dạ thương xót của Thiên Chúa Cha, vì thế, người: “Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Đến lượt Đức Giêsu, Ngài cũng sống triệt để sứ mạng đó khi yêu và yêu đến cùng. Ở điểm này, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã diễn tả hành vi thương xót của Đức Giêsu như sau: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-8). 
Thế nên, cả cuộc đời của Đức Giêsu chỉ có một nỗi thao thức, đó là “chạnh lòng thương” đến những người bất hạnh. Luôn cảm thông với người tội lỗi, nâng đỡ kẻ yếu đuối, vỗ về người thất vọng. Xót thương đến đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, nên đã nuôi sống họ bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều. Ngài không đành lòng khi nhìn thấy những người ốm đau bênh tật, nên sẵn lòng ra tay chữa lành. Ngài còn cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; làm ơn cho kẻ hại mình; yêu luôn cả kẻ thù và sẵn sàng tha thứ cho họ. Không những thế, Đức Giêsu còn trao ban chính mình Ngài cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể và ở lại mọi ngày với loài người cho đến tận thế. Đỉnh cao của mầu nhiệm thương xót này chính là cái chết trên thập giá để hiến mạng vì người mình yêu: “Không có mối tình nào lớn lao cho bằng mối tình của kẻ chết vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Đồng thời, do lòng xót thương thúc đẩy, Đức Giêsu không ngừng lên tiếng phản đối những kẻ không chút thương xót và gây nên những hậu quả bi đát cho những người thấp cổ bé họng, khiến họ phải lao tâm khổ tứ, quằn quại trong khổ nhục đắng cay…
Như vậy, cả cuộc đời của Đức Giêsu đã sống và chết vì yêu. Qua đó, Ngài cũng dạy cho các môn đệ bài học về tình yêu: “Đây là Điều Răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Lệnh truyền: “Hãy yêu thương nhau” là di chúc của Đức Giêsu dành cho các môn đệ khi sắp lên đường chịu chết. Còn yêu “như Thầy đã yêu” là căn cốt của tình yêu, là một lối yêu mới, khác với lối yêu cũ của thời Cựu Ước.2. Điểm mới của giới luật yêu thương
Khi khuyên bảo các môn đệ: “Hãy yêu thương nhau”, Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở khái niệm trừu tượng, chung chung, mà Ngài nói tiếp: “Yêu như Thầy đã yêu”. “Yêu Như Thầy”, chính là điều khác biệt với những kiểu yêu trước đó, và “Yêu như Thầy” đã làm nên điểm mới của giới luật yêu thương nơi người môn đệ Đức Giêsu.
Nếu thời Cựu Ước, người ta yêu nhau theo lẽ công bằng, tức là được phép trả thù khi có người làm hại mình:“Mắt đền mắt, răng đền răng”, hay đi xa hơn một chút thì cũng chỉ là yêu mọi người như yêu chính mình.
Nhưng với lời mời gọi: “Yêu như Thầy”, Đức Giêsu muốn đột phá và đi đến tận căn của tình yêu.
Chữ “như” ở đây không phải là liên từ để so sánh hai vế, mà nó có một ý nghĩa rất đặc biệt, đó là mở ra nguồn gốc của tình yêu. “Yêu như Thầy”, tức là lấy khuôn mẫu tình yêu giữa Đức Giêsu với Chúa Cha và giữa Ngài với các môn đệ, để các ông cũng yêu nhau và yêu mọi người như chính mình đã chứng kiến và được yêu.
Vậy “yêu như Thầy đã yêu” là gì?
Thưa, đó là hạ mình như một người tôi tớ. Tự hủy mình ra không và từ bỏ cái tôi ích kỷ. Yêu với một tình yêu phát xuất từ lòng dạ xót thương chứ không phải một thứ tình yêu vụ lợi, thực dụng, chụp giật. Yêu với một thái độ cảm thông, phục vụ chứ không phải bố thí, ban phát, thương hại. “Yêu như Thầy” là không chấp nhất, coi người làm hại mình là bạn và sẵn lòng tha thứ tất cả. Đỉnh cao của tình yêu này chính là chết thay cho người khác, đây chính là một tình yêu cao cả.
Với tất cả những nét đặc thù trên đã làm nên điểm mới của luật yêu thương mà Đức Giêsu mời gọi các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.

3. Sống và thi hành giới luật yêu thương
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học mới về tình yêu; đồng thời cũng chỉ ra cho chúng ta thấy điểm khởi nguồn và phát xuất tình yêu, đó là lòng thương xót.
Lời mời gọi: “Hãy yêu như Thầy” mà Đức Giêsu trăng trối cho các môn đệ thì cũng là tâm tư mà Ngài muốn gửi đến cho mỗi người chúng ta.
Vì vậy, hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và tập sống tinh thần yêu thương ấy ngang qua một nghĩa cử xót thương cụ thể với những người mà chúng ta hay gọi là kẻ thù của mình. Bởi vì yêu được kẻ thù, ấy là chúng ta đang thực thi cốt lõi của tình yêu, là phản ảnh lòng dạ thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em của mình cách rõ nét nhất.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều đó, trước tiên, chúng ta phải thay đổi quan điểm và tên gọi cho phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Khi dùng từ kẻ thù, ấy là lối nói có tính tiêu cực, và vô hình chung, ta coi đối phương là kẻ mà chắc chắn phải tiêu diệt! Vì thế, muốn yêu kẻ thù, chúng ta nhất định phải thay đổi cách gọi, quan điểm và lối nhìn.
Thứ đến, khi người anh chị em chúng ta xúc phạm đến ta, hãy coi nhẹ lỗi của họ, đừng thổi phồng như bong bóng. Nhiều khi cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của người anh em để dễ thông cảm cho hành vi của họ hơn. Nhìn thấy lỗi của anh em gây ra cho mình, ngay lập tức, cẩn trọng và hồi tâm suy nghĩ: có bao giờ cũng cùng lỗi đó, mình đã gây ra cho người khác không? Đôi khi lỗi của mình nặng hơn chăng? Hay điều mà người anh em đang gây ra cho mình có lẽ đúng! Nếu đúng, tại sao không biết cám ơn, nếu sai, sao phải hận thù cho khổ tâm!
Tiếp theo, noi gương Đức Giêsu trên thập giá, không ngớt cầu xin Chúa Cha tha cho kẻ hại mình. Vì thế, khi gặp phải những người hại ta, hãy cầu nguyện cho họ. Xin cho họ và ta được bình an. Hành vi này thật cao quý, vì hơn bao giờ hết, trong tận cùng của khổ đau, chúng ta lại thật hạnh phúc vì đang được diễm phúc tham dự vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa cách cụ thể.
Cuối cùng, khi bị hiểu lầm, vu khống, phân biệt, thậm chí bách hại bằng tư tưởng, miệng lưỡi hay đòn vọt và chết chóc, ta hãy vui mừng, bởi lẽ, đó là lúc ta được tôn vinh vì đang được hiệp thông với Đức Giêsu chịu đóng đinh.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót, xin Chúa ban cho chúng con được ở lại trong tình yêu của Chúa và luôn biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu và thương xót chúng con. Amen.

Jos.Vinc. Ngọc Biển
 
================
Suy Niệm IV
ANH EM HÃY THƯƠNG YÊU NHAU
Ga 13, 31-35  
 
Để đứng về phía chân lý , thánh Gioan nhắc nhở: “ Chúng ta phải yêu thương nhau, không phải bằng lời nói, nhưng bằng việc làm và trong sự thật.” Chỉ có điều không tưởng của đức ái mới có thể thay đổi thế giới, mới biến đổi hận thù thành tình yêu, chiến tranh thành hòa bình.
Chỉ khi thực hiện điều “Anh em hãy thương yêu nhau, như Người đã thương yêu chúng ta” (Ga 13, 34) mới có thể tạo nên một mẫu con người và một mẫu xã hội được đánh giá là biết thực thi tình huynh đệ.
Đức ái không được định nghĩa bằng nhưng từ ngữ tình cảm. Ngôn ngữ của đức ái “không phải là ngôn ngữ của sự yếu đuối, nhưng là của sự làm chủ và của sức mạnh.
Tình yêu – đức ái là vấn đề đức tin, cũng là dấu hiệu rõ ràng, tất yếu và cần thiết của sự thuộc về Đức Kitô Phục sinh, là bài diễn văn truyền giáo thứ nhất, là sự hiện diện đầu tiên có thể cảm nhận được về Đức Kitô
“Sự khai hóa tình yêu là cái mầm trồng trong đất Giáo Hội, “điểm đầu cầu của Vương quốc,” với điều kiện là các Kitô hữu phải học tập ở đó, và kinh nghiệm về đức ái trước hết với nhau, rồi với hết mọi người”(Fabien Deleclos)
Pr. Nguyễn Mai