Cứu độ ngoài Hành tinh và trong các Tôn giáo (tt)

A. Một số nhận định

 

Nhận định 1: Dám mở rộng hết mức tầm nhìn

 

Lý thuyết, dù là lý thuyết thần học cũng phải biến đổi với thông tin, kinh nghiệm và văn hóa. Vào thời giáo phụ, biên giới địa cầu gần như bị đồng hóa với biên giới của đế quốc La mã, khiến cho, khi Tin mừng được loan khắp đế quốc, thì cao trào truyền giáo của ba thế kỷ trước cũng khựng lại, và ngưởi ta đi tìm Nước Trời ở nội tâm, nghĩa là đi tu.

 

Kịp đến thời Christophe Colomb, trước tin đồn về một “tân thế giới” được khám phá, nhiều Kytô-hữu đã hoảng, kêu là “tin nhảm”, bởi lẽ một thế giới khác, cùng với nó là một chủng người khác, sao có thể đi đôi với niềm tin về một tội nguyên tổ, về cứu độ do một Tân Ađam? Để rồi hôm nay, với ý nghĩ về “Người ngoài hành tinh” ngày càng tăng cường độ ám ảnh, thì mối lo xưa lại trở về cho đức tin nặng về phòng thủ của chúng ta.

 

Dĩ nhiên là suy tư thần học phải dựa vào mạc khải, nhưng nếu mạc khải là từ Thiên Chúa, thì mạc khải ấy cũng phản chiếu từ trí óc kẻ tiếp thu, do đó vào khuôn trong các phạm trù và tập quán chúng chi phối tri thức của trí óc ấy. Và thế là sự siêu giới hạn của Lời Thiên Chúa lại bị giới hạn bởi lời con người, khiền cho lời con người này luôn phải được vượt qua (cũng là vượt qua các lớp khung giáo dục của ngôn sứ, các tấm kính phản chiếu văn hóa của mỗi thời và mỗi vùng trời) để người ta có thể gặp đúng Lời Chúa –nói cho đúng hơn, tiến gần hơn về phía Lời Chúa –, và do đó ngày càng phát hiện các chiều kích mới, các khả nghĩa mới của Lời. Vâng, Chúa luôn nói với tôi trong lịch sử, nhưng Lời Chúa vẫn vượt lịch sử, nên siêu ngôn từ và siêu ý niệm.

 

Khiền cho, vào thời đại “thiên văn” hôm nay, viễn giới của suy tư thần học cũng phải siêu hành tinh luôn. Thậm chí siêu cả vũ trụ này nếu quả có nhiều vũ trụ, như một số nhà khoa học nghĩ. Thật ra, ngay vào thời đầu Hội thánh, Origène đã có cái nhìn siêu hành tinh như thế đấy. Và ngay trước Origène, viễn giới ấy cũng đã tiềm tàng trong tâm trí Phaolô:

 

–“ . . .nơi Ngài [Lời} muôn vật (ta panta) được tạo thành trên trời (en tois ouranois) dưới đất, hữu hình và vô hình, dẫu là Dũng lực thần thiêng hay Quyền lực thượng giới. . .Ngài cũng là đầu của thân thể, tức đầu của Hội thánh [đức Kytô]. . .để trong tất cả Ngài đứng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn nơi Ngài có tất cả sự viên mãn (plêrôma). . .Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã mang lại bình an cho mọi loài dưới đất (ta epi tês gês) cũng như mọi loài trên trời (ta en tois ouranois).” Col.1.16-20

 

Chẳng những tất cả được hưởng sự bình an từ đức Kytô, mà kế hoạch của Thiên Chúa còn là “thu hồi tất cả dưới quyền một thủ lãnh là đức Kytô, cả những gì trên trời lẫn dưới đất” (Eph.1.10).

 

Muôn loài muôn vật trên trời dưới đất được tạo thành, cố nhiên do Lời; mà nay được hòa bình do máu, cố nhiên máu của đức Kytô. Lại cũng được thu hồi trong đức Kytô nữa. Mà muôn loài muôn vật trên trời ấy chẳng những là thiên thần, mà còn là Dũng lực và Quyền lực, tức các tinh đẩu trong vũ trụ, vốn cũng được Hy lạp thời ấy coi là có trí tuệ. Vậy TRỜI nói trên không chỉ là thiên đường, mà còn là vũ trụ (phía trên) luôn. Cứu độ học Phaolô như thế cũng có tầm mở hoàn vũ (cosmic) như Origène sau đó. Vâng, vai trò của đức Kytô là đối với toàn thụ tạo giới, cả trong sáng tạo lẫn trong cứu chuộc. và điều ấy nổi hiện rất rõ trong Phaolô ở hai đoạn văn trên cũng như trong Yoan ở Tiền ngôn Phúc âm (1.1-18). Với độ mở lớn đến thế, thì lo gì “cánh tay bồ tát” của đức Kytô không vươn tới người ngoài hành tinh được!

 

Nhận định 2 : Đa thế giới và đa chủng người

 

Với tầm nhìn xa hơn của kính thiên văn và qua tính toán, người ta ước lượng có hằng tỷ thiên hà, và trong mỗi thiên hà hằng tỷ ngôi sao. Nhiều sao đến vậy thì hỏi thiếu gì hệ mặt trời, để rồi trong những hệ này thiếu gì hành tinh đủ điều kiện cho sự sống phát triển, giống như trái đất. Và cũng như trên trái đất, nếu sự sống tồn tại tới ba bốn tỷ năm và thời tiết thuận lợi, thì hẳn có giống người xuất hiện.

 

Thêm vào đấy, nếu có những Bigbang và Bigcrunch nối tiếp nhau, thì cũng nối tiếp nhau những vũ trụ được sinh ra từ đó, và trong những vũ trụ ấy, những giống người.

 

Các nhà vật lý thiên văn còn hình dung những vũ trụ song hành, có thể rất khác nhau về cấu trúc, không phải chỉ bốn chiều không gian-thời gian, mà nhiều gấp mấy nữa. Mà như thế thì giống người ở đó sẽ vô cùng khác lạ, lại cũng không liên lạc gì được với chúng ta, trừ phi có cách chuyển đổi từ hệ liên khối (continuum) bốn chiều sang muời chiều chả hạn, và ngược lại.

 

Thật ra, nếu nói đến chủng người, thì đâu cứ phải ra ngoài trái đất mới gặp người khác chủng.

 

Ngay trên mặt đất, ít nhất để bắt đầu phải có hai thủy tổ nam và nữ cho đủ một cặp chứ. Nếu không thì phải nghĩ đến chuyện người nữ thứ nhất phồi hợp với một tinh tinh để sinh ra những con người tiếp theo, nếu có thể.

 

Vào thời Kha luân bố, người ta còn phát hiện những tộc người ở cách xa Á-Âu-Phi-Úc châu chúng ta bằng những đại dương quá rộng, gần nửa vòng địa cầu, khiền cho chỉ vào thời của tàu biển (và la bàn nữa), người ta mới có khả năng tiếp cận thôi. Phải chăng sự tách rời các lục địa đã phân ly cùng một giống người? Xin nhớ, các lục địa chỉ di chuyển với vận tốc mấy phân mét mỗi năm, nên khi bắt đầu có giống người (cách đây nhiều lắm là I triệu năm), thì châu Mỹ với lục địa cũ chỉ gần nhau hơn bây giờ khoảng 100km là cùng. Hay dân Tân thế giới là người Bắc Á châu đã bằng đường bộ từ cựu lục địa di cư sang vào thời băng hà phủ kín Bắc cực, cách đây 20.000 – 30.000 năm? Bắt đầu, người ta đoán là người Mông cổ, nhưng sau thấy không phải.

 

Thật ra, dù người da đỏ có là giống người khác chúng ta cũng chẳng sao. Vì theo thuyết tiến hóa của De Vries, thì mỗi giống có nhiều tổ. Vâng, theo Hugo de Vries (1848-1935), trong tiến hóa vĩ mô, khoảng 1/1000 cá thể mỗi chủng loại, vào cùng một thời kỳ nào đó dù từ nhiều vùng khác nhau, sẽ làm một cú nhảy vọt ngoạn mục để chuyển đổi hẳn sang một giống loại mới (trong khi 999/1000 cá thể kia ở lại vĩnh viễn trong giống loại cũ), và sự chuyển hóa này là bền vững, chứ không như trong tiến hóa vi mô của Mendel. Thế nghĩa là không chỉ một con tinh tinh biến thành người, mà nhiều con cơ.

 

Thật ra, dù có nhiều chủng người trên mặt đất, thì tất cả cũng chỉ làm nên MỘT LOÀI NGƯỜI trong con mắt của đấng là Thiên Chúa và Cha, cái Loài người vốn là đích nhắm duy nhất trong yêu thương của Ngài khi tạo thế; cũng như Thế giới nói chung, dù do nhiều vũ trụ làm thành, vẫn chỉ làm nên Một tác phẩm dưới bàn tay của bậc Siêu nghệ sỹ là Ngài.

 

Nhận định 3 : Tội và cứu độ xuyên chủng

 

Nếu có nhiều chủng người, dù trên mặt đất hay trong không gian, thì phải hiểu thế nào về Tội tổ tông đây?

 

Từ lâu nay, để giải quyết vấn đề, có thần học gia phân nguyên tội thành hai thứ tội: (a)Tội nguyên xưa (péché des origines) nói về nguồn gốc đầu tiên của tội, và Nguyên tội (péché originel) được coi như hậu quả , cũng là trạng thái tội lỗi phổ biến và cái mầm xấu mà mọi người đều mang khi sinh ra. Xem ra thần học hôm nay chỉ chú ý đến mặt thứ hai này của nguyên tội, một thứ tội chung, Tội viết hoa số ít hay Hamartia dưới ngòi bút thánh Phaolô, tội mà mọi người góp phần làm nên, nhen nhúm ngay từ thuở ban đầu, tội như thái độ căn bản là phủ nhận Thiên Chúa, nó được biểu hiện cụ thể ở mỗi tội mỗi người trong cuộc sống. Chính đây mới là cái mà Cựu ước thực sự muốn nói đến, ngay cả Phaolô trong Tân ước cũng vậy khi ngài gọi nó là “mầu nhiệm của sự bất chính (anomia)” (2 Thess.2.7)[6].

 

Nếu hiểu nguyên tội như tình trạng tội lỗi phổ biến và thái độ căn bản chung là phủ nhận Thiên chúa, thì mọi chủng người, dù trong hay ngoài hành tinh đều có thể mắc như nhau. Chính vì bản chất vừa tự do (do tinh thần) nên có trách nhiệm, vừa biến đổi (do vật chất) và dễ hay đổi nên khó lường trước, mà con người không thể tự mình ở mãi trong tình trạng lương chính, nhất là cho mọi cá thể. Vâng, về ứng xử của con người, cá nhân và nhất là tập thể, người ta chỉ có thể đo lường trước bằng tính xác xuất, nghĩa là có tốt thì cũng có xấu, phân biệt chỉ là ở tỷ lệ tốt nhiều hơn xấu, hay xấu nhiều hơn tốt thôi, không nhất định trăm phần trăm được.

 

Thế có nghĩa là, rồi người ta cũng phạm tội. Và nếu hướng đi của người ngoài hành tinh nghiêng về thiện hơn, thì ít hay nhiều họ vẫn cần đến ơn tha thứ và sự cứu vớt. Chúng ta cứ xem người da đỏ Mỹ châu thế kỷ XVI thì rõ. Họ cũng ích kỷ và tàn bạo không thua gì những người da trắng đến đàn áp họ. Và đây chính là điều mà tác giả thánh vịnh than thở khi kêu lên: ”Tôi đã sinh ra trong tội lỗi!” (c.7). Cả Phaolô cũng thấy thế khi trình bày sự cứu độ phổ cập do một Ađam mới (Rom.5.12tt.).

 

Vả nữa, dù người ngoài hành tinh không phạm tội, thì dưới cái nhìn sâu xa của những người như Teilhard de Chardin, họ vẫn cần điểm Omêga của thụ tạo giới là Con Thiên Chúa thành người, để nơi Ngài là Ân sủng viết hoa,mọi người trở thành con Thiên Chúa hết.

 

Nhận định 4 : Chỉ có một nhập thể do Lời, tức một Kytô

 

Loài người dù đa chủng hay bị chia cách bởi không gian (với nhiều hành tinh,nhiều vũ trụ song song) hoặc thời gian (với những vũ trụ nối tiếp), thì trong con mắt Thiên Chúa, họ cũng chỉ làm nên Một loài người trong Một tổng thế giới. Và do đó cũng chỉ có một kế hoạch và lịch sử cứu độ. Mà giả như có một chủng người nào không phạm tội nên không cần cứu vớt, thì họ vẫn cần ân sủng của Con Thiên Chúa thành người để nên con Thiên Chúa cùng với chúng ta.

 

Thế nhưng thử hỏi có cần mỗi Tân Ađam cho mỗi chủng người, nghĩa là nhiều nhập thể? Và để nhập thể thì bản (ngôi) vị nào trong ba cũng được?

 

Augustin, rồi Tôma theo ông, cho rằng Ngôi Lời mà nhập thể thì chỉ là điều thích hợp thôi, chứ không nhất thiết phải thế. Còn Rahner lại coi chỉ Lời mới nhập thể được:

 

“Trong hành vi tạo thế của mình, Thiên Chúa đã tư tưởng thụ tạo thành một thứ văn phạm mà qua đó Ngài có thể diễn đạt chính mình. . .Nhìn từ góc độ ấy, ta mới hiểu ra phải là Lời Thiên Chúa mới thành người được, và chỉ Ngài mới có thể thành người thôi.”[7]

 

Ừ thì một mình Ngôi Con, nhưng nhập thể mấy lần? Thánh Tôma và Rahner sau ông cho rằng một nhập thể không thể vét cạn quyền năng của một vị Thiên Chúa; nghĩa là nhập thể rồi, Lời vẫn còn khả năng nhập thể tiếp.

 

Nhưng giả thiết đã có nhiều nhập thể như vậy xảy ra rồi, thì thử hình dung xem, nếu các đấng Kytô ấy họp lại với nhau, dù dưới trần thế hay trên Trời sau khi đã phục sinh, thì “họ” (các Kytô) sẽ xưng hô với nhau thế nào đây? Chả lẽ Kytô A xưng Tôi và gọi “người đối diện” là Các anh hay sao? Và do đó nào có gì khác giữa các ngài với các avatâra (những hình thức giáng trần của thượng thần Vishnu trong Ấn giáo), avatâra mà chúng ta vẫn coi như chiếc áo khoác của Vishnu, ngài đã thành khỉ, rùa, thành ông hoàng Râma, thành chàng chăn bò Krishna,v.v. . .?

 

Quả là, nếu nhìn từ góc độ sức mạnh (pháp lực thần thông), thì một nhập thể không thể vét cạn năng lực của một toàn năng Thiên Chúa. Nhưng vấn đề đâu chỉ là năng lực thiên tính, mà còn là tính Bản vị (hypostatic) hay Chính mình của nhập thể. Vâng, Lời đã nhập thể theo chủ vị (sujet, personne), kata hupostasin, nghĩa là đưa chính mình và hết mình vào con người Yêsu Nazareth, để con người ấy, và chỉ riêng con người ấy, thành Con Cha, “lẫn lộn” với Lời. Nghĩa là trước đây thì Lời xưng Con với Cha, còn từ đây thì nơi con người Yêsu Ngài xưng Con hết mình với Cha, xưng Tôi hết mình với mọi thụ tạo[8]. Vâng, chính nơi con người Yêsu, và chỉ nơi con người Yêsu đó, một cách duy nhất (unique) và vĩnh viễn! Nghĩa là không thể còn tiếng Tôi nào của Ngài xướng lên nơi một Kytô thứ hai, Tôi đấy mà cũng Anh, tức Không-Tôi luôn. Vâng, không phải như Quan Thánh xưng Tôi để “thánh phán” nơi những người lên đồng, ngài chỉ dùng miệng họ như những chiếc loa, những công cụ không hồn, thế thôi.

 

Thế nhưng, đức Yêsu của trái đất nhỏ xíu này mà làm Đầu cho mọi loài người của mọi vũ trụ bao la kia được ư? Quả là “cóc ngồi đáy giếng” như Hội thánh thời Galilê đã coi hành tinh lớn đến nỗi không thể không là trung tâm thế giới?

 

Quả hành tinh chúng ta không phải trung tâm của thế giới vật chất thật, nhưng Thiên Chúa đã chọn nó để sinh ra, khiến dù bé thế mà nó vẫn thành trung tâm thiêng liêng của hoàn vũ cũng như điểm tập trung của lịch sử cứu độ. Vâng, cũng như Thiên Chúa đã không chọn một nước lớn như Nga, một dân đông như Tàu để gửi gấm Lời hứa và chuẩn bị cứu thế, mà lại chọn Israel!

 

Quả thật Thiên Chúa đã ưu đãi hành tinh chúng ta và ưu đãi một số nhỏ người của hành tinh này, những người sinh sau đức Kytô và có may mắn được gọi vào Vương quốc Chúa:

 

“Giữa những kẻ sinh ra từ người phụ nữ [sinh tự nhiên], thì không ai lớn hơn Yoan [Tiền hô], nhưng kẻ nhỏ nhứt trong Nước Trời lại lớn hơn ông ta.” (Mt.11.11)

 

Bởi chỉ kẻ sinh sau Yoan mới có khả năng tiếp nhận Tin mừng, hay mạc khải do Con từ lòng Cha mang tới (Yo.1.18; Mt.11.27), mạc khải mà tự nhiên không ai hiểu nổi, nên càng không ai có thể tưởng tượng ra. Mà phải hiểu Tin mừng hay mạc khải ấy thì mới sống theo được, nhờ đó nên thánh cao. Ấy là chưa nói đến những huyền tích Kytô-giáo chúng tác động mạnh và không sai chạy, giúp người ta có sức để bay cao, bởi ngày càng dấn sâu vào mầu nhiệm Chúa Kytô, nhờ đó kết hợp mật thiết với Ba ngôi Thiên Chúa!

 

Vâng, nào phải chỉ người ngoài hành tinh mới thiệt thòi như vậy, mà ngay trên trái đất này, hằng tỷ tỷ người cũng may mắn không hơn. Và đây là những người sống trước Kytô kỷ nguyên, cùng với những người tuy sinh ra sau đó nhưng chưa có dịp tiếp cận Tin mừng hay chưa được thách đố bằng một thúc động (motion) Thánh Thần để ý thức và chọn lựa. Vâng, với thiện chí mà sống theo lương tri trong những điều kiện sử tính của mình, ai nấy đều có thể được cứu trong chúa Kytô, nhưng sự cứu độ ấy vẫn thiếu một cái gì đó để người ta đạt (đủ) khổ người của công dân Nước Chúa (Mt.11.11).

 

Nhận định 5 : Mạc khải và cứu độ xuyên hành tinh, xuyên tôn giáo

 

Dù biết bao thế giới, thì giữa những thế giới ấy, Thiên Chúa cũng chỉ nhìn thấy con người; và dù biết bao chủng người, nơi các chủng người ấy Thiên Chúa là Cha cũng chỉ nhìn thấy một Loài người, một Bầy con, mà vì yêu thương Ngài muốn tập hợp dưới cùng một Đầu là Con Ngài thành người. Và do đó, chỉ cần một đức Kytô Con trưởng, trung tâm của một kế hoạch cứu độ duy nhứt.

 

Vâng, không thể có nhiều nhập thể, mà cũng không cần mỗi nhập thể cho mỗi chủng người, mỗi hành tinh. Trước kia, Phaolô đã liên kết loài người với cùng một tổ Ađam, để có thể gọi Chúa Yêsu là Tân Ađam cho cùng một loài người và chủng người ấy. Nhưng cái liên hệ huyết thống kia không còn cần thiết khi mà loài người khá rõ là không cùng một tổ. Vâng, Thiên Chúa đâu có trọng huyết thống đến nỗi nối buộc Lời hứa với dòng máu Abraham, khi mà với mấy cục đá, Ngài có thể làm thành những con cháu Abraham (Mt.3.9). Mà quả thật trong chuyến Vượt Ai cập, nhiều dân khác đã gia nhập khiến Israel đâu còn thuần chủng. Để rồi sau đó, Chúa Yêsu cũng gạt bỏ công nhân cũ của vườn nho mà đưa người tứ xứ vô (Mt.12.9). Chính Chúa Yêsu cũng đâu thuộc huyết thống Đavit để có thể kéo dài vĩnh viễn triều đại Đavit theo lời sấm Nathan (2 Sam.7.16; Tđcv.13.23)[9]. Nước Ngài là siêu nhiên, nên không bị trói buộc bởi tự nhiên, và không thuộc thế gian này!

 

Thế nghĩa là sự cứu độ do Chúa Kytô không bị ràng buộc bởi huyết thống tự nhiên, mà nối buộc với loài người nói chung, dù họ thuộc bất cứ chủng nào. Sự cứu độ ấy cũng có tính hoàn vũ, nghĩa là mở rộng cho mọi người thuộc mọi thời, mọi thế giới. Chính nhờ thần học các tôn giáo, qua hướng mở của Vatican II, mà chúng ta có được tầm nhìn rộng đó, để thấy rằng, dù với nguyên tắc “Không có cứu độ ngoài đức Kytô” và hệ luận của nó “ Không có cứu độ ngoài Hội thánh”, sự cứu độ ấy vẫn không bị hạn chế, mà trái lại xuyên qua được vỏ cứng của hình thức để đạt tới những độ sâu huyền nhiệm.

 

Vâng, nếu nguời ngoài tôn giáo được cứu, và được cứu trong chính tôn giáo của họ, dù tôn giáo ấy hướng về đức Phật hay Krishna thay vì Chúa Kytô[10], thì sao người ngoài địa cầu lại không thể được cứu bởi đức Kytô, cứu trong tôn giáo và những điều kiện hiểu biết của riêng họ? Vâng,dù ở những thế giới mà chúng ta chưa biết đến ấy, người ngoài hành tinh chưa thể nghe nói đến đức Kytô, nhưng họ vẫn được cuốn hút ngầm bởi điểm Omêga (trong ngôn ngữ Teilhard) là Chúa Yêsu nơi định mệnh siêu nhiên, bản năng hướng thiện, hướng thiêng và hướng chân mà họ có chung với chúng ta, để như loài người mọi nơi, họ vẫn có những tin tưởng, những hệ đạo lý và tôn giáo, và biết đâu, những mạc khải siêu nhiên kiểu chuẩn bị như của con cháu Abraham xưa.

 

Và như thế, giải đáp cho cứu độ của họ cũng cùng loại với giải đáp cho các tôn giáo nói chung. Và bổn phận loan tin mừng cho họ, đối với chúng ta cũng thế. Vâng, khi mà chúng ta bắt đầu nhận được tín hiệu từ họ!

 

Hoành Sơn, S.J.

 

[7] Ecrits théologiques 3, tr.94 (Xx. Hoành sơn, Tín lý tinh yếu, tr. 294-295).

 

[8] Chính do tính Hết mình (bản vị) của nhập thể do Lời, mà có tính Hết tính (hay bản tính toàn mãn: pan to plêrôma tês theotêtos sômatikôs) cũng của nhập thể do thiên tính (Col.2.9).

 

[9] Theo Mt.1.16 ,thì Yuse nằm trong gia phả nối trực hệvới Đavit, nhưng Chúa Yêsu đâu phải con đẻ của Yuse!

 

 

[10] Xx. Redemptoris missio, s.6 và 10.