Dâng Hoa Đức Mẹ: Giữ truyền thống hay chọn cách tân ?

Dâng hoa thể hiện sự tôn kính Đức Mẹ vẫn được nhiều nơi duy trì mỗi tháng 5 về. Tuy nhiên, theo thời gian, nghi thức dâng hoa đã có thêm những biến tấu so với cách thức truyền thống.

 

GIỮ PHẦN HỒN CỦA BUỔI DÂNG HOA

Linh mục Phêrô Lê Văn Khánh (Gx Cát Tiên, GP Đà Lạt): Nguyện cầu bằng văn hóa nghệ thuật thông qua hình thức dâng hoa có múa có ca là nét đặc biệt bao đời nay của tháng hoa. Ngày càng có nhiều ý kiến trái chiều nhau xoay quanh chuyện chọn cái mới hay giữ cái cũ trong các bài dâng hoa. Bản thân tôi từng mục vụ ở những xứ đạo có nhiều đồng bào dân tộc và cũng có sáng tác một số bài thánh ca theo nhạc dân tộc để giúp mọi người dễ cảm và cảm thấy gần gũi hơn khi hát lên tâm tình cảm mến. Những bài hát này đôi khi cũng được dùng trong những ngày dâng hoa. Do đó, điều tôi nghĩ cần chú trọng không phải là chọn truyền thống hay chọn cách tân mà là chú tâm vào đối tượng. Cái gì áp dụng đúng cũng tạo được hiệu ứng tốt và ngược lại. Chuyện sao chép nguyên mẫu, thiếu sáng tạo và thiếu cải biên thường dễ rơi vào đơn điệu, nhàm chán; nhưng cải biên quá mức hay cách tân triệt để, pha trộn quá nhiều sáng kiến thay thế không xứng tầm sẽ tạo nên những màn trình diễn thiếu hài hòa và chiều sâu. Phải thổi được cái hồn là đức tin, là cầu nguyện vào trong kịch bản, trong dàn dựng. Tôi mong muốn cấu trúc một buổi dâng hoa được gìn giữ như truyền thống và cũng mong bầu khí cầu nguyện vẫn được giữ bên cạnh yếu tố thu hút của sự cách tân. Trên hết là chú trọng phần hồn bên trong của một buổi dâng hoa, tâm tình cầu nguyện, dâng tiến phải xuất phát từ trong tâm. Tính cộng đoàn cần được nối kết cùng “dâng hoa” chứ không phải là cùng “xem dâng hoa”.

KẾ THỪA ĐỀ PHÁT TRIỂN

Ông Cao Ngọc Tôn (Gx Rạch Kiến, GP Phú Cường): Nhiều người cho rằng dâng hoa theo kiểu cách tân quá chú trọng đến lối diễn vũ nên thành ra nghi thức này lại có phần thiên về “trình diễn”. Nhưng bản thân tôi lại cảm thấy đây là một cách để phần nghi thức trở nên mềm hơn, đỡ khô cứng. Sự thu hút về mặt hình thức dễ mang tâm tình sùng kính Đức Mẹ của cộng đoàn. Những năm gần đây, dường như nhiều giáo xứ cũng thay đổi từ hình thức truyền thống sang cách tân để phù hợp hơn với thời đại, nhất là hướng về người trẻ. Ngay ở giáo xứ tôi, việc dâng hoa cũng đã mới lên rất nhiều: đầu tư hơn về trang phục, điệu múa… Văn hóa là sự kế thừa và phát triển dựa trên nền tảng cái cũ, cho nên cần được ủng hộ. Dầu vậy, cần tránh những trường hợp phô diễn thái quá làm mất đi vẻ tôn nghiêm, thành kính.

CÓ NHỮNG CÁCH TÂN CÓ THỂ ĐƯỢC CHẤP NHẬN

Anh Nguyễn Văn Hoàng (Gx Khiết Tâm, TGP.TPHCM): Một buổi dâng hoa kiểu mới tuy có không ít ý kiến trái chiều nhưng theo tôi vẫn thu hút được nhiều người. Tôi thấy chính nhờ các yếu tố cách tân về trang phục, vũ điệu… mà buổi dâng hoa trở nên sống động hẳn lên. Có người nói, dâng hoa kiểu cách tân làm mất đi vẻ tôn nghiêm vốn có. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là một cách để “hút” người trẻ quan tâm hơn đến nghi thức dâng hoa, nhưng phải thể hiện được tâm tình tôn kính Mẹ. Qua thời gian, có những cái mới có thể được cộng đồng chấp nhận và làm phong phú thêm truyền thống dâng hoa.

ĐỔI MỚI CŨNG LÀ NHU CẦU CHÍNH ĐÁNG

Bà Lê Trần Thu Thủy (Gx Thái Hòa, TGP.TPHCM): Dâng hoa theo kiểu cũ có tiết tấu chậm và đơn giản. Ngày nay các giáo xứ đã tận dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại từ khâu âm thanh, đạo cụ, đến trang phục và đầu tư về phần trình diễn. Vì thế những tiết mục dâng hoa luôn được đổi mới, tạo sự thu hút. Mỗi đội dâng hoa thường có một biên đạo múa chuyên hay không chuyên, thường là các nữ tu, tùy vào điều kiện của từng giáo xứ. Rồi các đội hoa, gồm các bà mẹ Công giáo và các em thiếu nhi, có thể cùng tham gia biểu diễn trong nhiều bài múa. Những điệu múa trong tháng hoa luôn được chăm chút, tập dượt cẩn thận trước cả tháng và còn kết hợp với những bài múa đương đại, sáng tạo hơn trên nền nhạc mới nhưng vẫn trong tâm tình yêu mến Đức Mẹ. Đổi mới trong nghi thức phụng tự cũng là một nhu cầu chính đáng, tuy nhiên mục đích chính vẫn phải đảm bảo bầu khí cầu nguyện cho chính người dâng hoa và cho cả cộng đoàn.

KHÔNG ẤN TƯỢNG LẮM VỚI KIỂU CÁCH HIỆN ĐẠI

Ông Đỗ Văn Lạc (Gx Nam Thái, TGP.TPHCM): Tôi vẫn thích tiến hoa theo kiểu truyền thống bao gồm các bài dâng nhang, nến và hoa. Theo thời gian, các nhà thờ đan xen thêm những bài múa lụa, quạt hay tràng hạt, mang lại sự mới lạ, cách tân. Nhưng có lẽ do tuổi tác cũng như việc quen với hình ảnh dâng hoa theo bài bản xưa nên tôi không ấn tượng lắm với những kiểu cách pha chút hiện đại. Tôi có cảm giác việc làm mới nếu không khéo léo đôi khi làm cho buổi dâng trở nên rườm rà, lạ lẫm, trong khi giáo dân không nắm bắt được hết ý nghĩa. Do đó, chi bằng cứ bám sát kịch bản xưa để mọi người dễ hòa tâm tình trong việc tiến hoa dâng Mẹ.

…Vào những thế kỷ đầu, hằng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa Đông dài của thiên nhiên bằng việc tổ chức gọi những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân. Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên khi tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú. Có nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh” bằng việc cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa Xuân, dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng : Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau Mùa Chay để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

Đức Giáo Hoàng Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, cho “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết: “Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu…” (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, tr. 236)

Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc