Đức Giêsu – một người không “để bụng”

psCứ mỗi khi có ai đó đối xử tệ bạc với ta, ta thường có xu hướng giữ “mối thù” ấy trong lòng rồi tìm cách trả đũa. Ta không thể quên được chuyện mình đã bị phản bội ra sao. Ta không thể chịu nổi khi nghĩ đến cảnh mình bị người ta coi thường, chế nhạo. Ta không thể bỏ qua được chuyện người ta đã hãm hại mình thế nào. Nếu ta không có khả năng phản ứng lại ngay lập tức, thì ta cũng cố nhịn, để chờ một dịp nào đó thuận lợi mà ra tay trả thù. Mối thù ta khư khư giữ mãi trong lòng hệt như một vết thương đêm ngày rỉ máu, không làm cho ta yên, không để ta được bình an. Nó cứ lâu lâu gợi lên trong tâm trí ta những thiệt thòi ta đã chịu, khiến ruột gan ta sôi sục những tức tối. Rồi cũng chính nó “chỉ vẽ” cho ta những thủ đoạn tinh vi và hiểm độc để trả đòn người kia. Ta tự tưởng tượng rằng mình sẽ hả hê khi người đối xử tệ bạc với ta cũng sẽ chịu một hậu quả hệt như người đó đã gây ra cho ta. Ta mong muốn người ấy phải chịu bất hạnh, gặp vận rủi và gánh chịu bao điều tai ác. Ta nghĩ rằng đến ngày nào người ấy chưa phải trả giá vì những gì họ đã gây ra cho ta thì ngày ấy ta chưa hạnh phúc.

Nhưng kỳ thực, ngay khi ta “cất giữ” mối hận thù trong người, ta đã vô tình tự mình phá vỡ hạnh phúc của chính ta. Hận thù hệt như quả bom nổ chậm, vốn chẳng mang lại lợi ích gì cho ta, ngoại trừ khiến ta phải phập phồng, lo sợ và khó chịu. Khi ta có một mối thù, tâm trí ta chỉ mãi nghĩ về mối thù đó mà thôi, chứ không còn khoảng không để tận hưởng cuộc sống. Trong khi người gây thiệt hại cho ta vẫn vui cười hạnh phúc, thì ta lại dày vò mình với một mớ những sóng gió trong tim. Hiển nhiên là ta sẽ cảm thấy khó chịu với ai đó khi người đó vô tình hay cố ý gây thiệt hại cho mình. Đó là một cảm xúc rất tự nhiên. Nhưng “giữ trong bụng” một mối thù, cũng giống như mang vào mình một vật nặng rồi cố gắng đưa lên cao. Nó chẳng giúp ích gì cho ta cả, ngoại trừ lấy đi của ta tất cả nguồn năng lượng, rồi làm ta mệt mỏi. Và đến một lúc nào đó, nó sẽ kéo ta quỵ xuống mà thôi. Ngoại cảnh hay người khác có thể khiến ta đau, nhưng người quyết định cho hạnh phúc của ta là chính ta chứ không phải bất cứ ai khác.

Thầy Giêsu đáng kính của chúng ta đã nêu gương cho chúng ta thấy điều đó. Ngài đích thực là một con người “không để bụng”. Trong suốt khoảng thời gian sống đời công khai, danh tiếng của Ngài vang dội khắp nơi. Nhưng không phải ở nơi đâu, Ngài cũng được đón tiếp. Ngài về quê loan báo Tin Mừng thì bị những người đồng hương thân cận tẩy chay. Ngài âm thầm bỏ đi, chứ không cự cãi hay nguyền rủa. Ngài vừa ra tay cứu một thanh niên bị quỷ ám thì “được” dân làng trịnh trọng mời đi nơi khác vì cho rằng tại vì Ngài mà họ bị thiệt hại cả một đàn heo. Ngài làm theo ý họ, chứ không giải thích hay thanh minh. Khi một làng ở Samari không đón tiếp Ngài cùng các môn đệ, hai ông Giacobe và Gioan nóng giận muốn khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt họ, nhưng Đức Giêsu ngăn họ lại rồi cùng họ tiến về Giêsusalem bằng hướng khác. Rồi biết bao lần khác nữa, khi Ngài bị dân chúng phản kháng, đòi xô Ngài xuống vực sâu, tất cả những gì Ngài làm là bỏ qua mọi chuyện rồi tiếp tục lộ trình của mình, chứ không giữ lấy mối hiềm thù ấy để trả đũa lại.

Ta càng cảm phục tấm lòng nhân hậu của Ngài hơn khi chiêm ngắm cách hành xử của Ngài trong cuộc thương khó cũng như sau khi Ngài đã phục sinh. Thử tưởng tượng lại những gì Ngài đã phải chịu đựng từ lúc bị bắt trong Vườn Dầu cho đến khi chịu chết trên thập giá, ta mới thấy Ngài thật phi thường làm sao. Từ những đòn roi và mũi đinh mà quân lính dành cho Ngài cho đến những lời sỉ nhục mà tất cả mọi tầng lớp trút lên Ngài, nỗi đau mà Ngài chịu đựng quả là không hề nhỏ. Ngay giữa tâm điểm của bao tủi nhục ấy, Ngài vẫn dành chút hơi còn sót lại để nói lên lời tha thứ, chứ không phải một lời chửi bới, nguyền rủa cho hả giận, cho vơi đi sự bực tức, như bao người vẫn làm. Ngài không làm thế, là bởi vì trong lòng Ngài không kề có giận hờn và bực tức, nhưng chỉ có một lòng yêu mến và một sự cảm thông mà thôi. Ngài không chấp tội họ và Ngài cũng xin Cha tha thứ cho họ, chỉ đơn giản là vì họ “không biết việc họ làm”.

Ta biết được rằng Giêsu không ôm mối hận trong lòng và những gì Ngài chịu trong cuộc thương khó không phải là “cố đấm ăn xôi” nhờ cách hành xử của Ngài sau khi Ngài đã phục sinh. Nếu Ngài là người “để bụng” tất cả những gì người ta đã gây ra cho mình, thì hẳn là sau khi Phục Sinh, Ngài sẽ tìm đến từng con người đã góp phần vào cuộc hành quyết Ngài để trả thù cho hả dạ. Nếu Ngài muốn trút cơn thịnh nộ trên Philatô và Hêrôđê, Ngài chỉ cần hiện ra với họ rồi làm vài ba dấu lạ, như thế thôi cũng đủ khiến cho họ kinh hoàng và thôi dở trò hống hách. Ngài cũng có thể làm như vậy với những tên lính, hay những luật sĩ, kinh sư, giới Pharisêu và đám dân vô ơn đã hô hào cổ võ chuyện đóng đinh Ngài. Hay thậm chí với Phêrô, Ngài có quyền chất vấn, hoạch họe, la mắng, làm bẽ mặt ông trước các môn đệ khác vì cái tội chối bỏ Thầy. Trái lại với tất cả những gì ta nghĩ là mình sẽ làm để trả lại cho người ta những gì người ta đã gây ra cho mình, Đức Giêsu dường như đã hành xử ngược lại. Chuyện gì đã qua, Ngài trả nó về cho quá khứ. Tâm của Ngài đã đầy ắp yêu thương, nên không còn chỗ cho những hận thù hay tà ý, thủ đoạn.

Giữ một mối thù trong lòng là “hân hoan” làm cho vết thương càng thêm nặng thay vì tìm cách chữa lành nó, là tự nhốt mình vào trong chiếc cũi ngục tù. Quên đi và tha thứ là cách tốt nhất để ta sống bình an. Sống giữa cuộc đời lắm sự trớ trêu này, tránh sao được những lần đụng chạm và gây tổn thương cho nhau. Lấy oán thù đối lại oán thù chỉ làm cho oán thù thêm nặng. Lấy tha thứ bù lại oán thù mới giúp làm tiêu tan oán khí. Đó là cách ta xây dựng hạnh phúc cho chính mình và cho người khác nữa. Chuyện trả lại cho người ta những gì họ đã gây ra cho ta không thuộc về năng quyền của ta. Nó thuộc về Thiên Chúa, Đấng Thẩm Phán Tối Cao. Chuyện đời có nhân có quả, định luật cuộc sống sẽ thay ta làm chuyện này. Vậy nên, vì chính mình, ta đừng nên “để bụng” những gì xa xưa, đừng nên trả thù làm gì. Còn nếu buộc phải trả thù, hãy trả thù bằng sự tha thứ. Đó là cách trả thù sẽ làm cho đối phương cảm thấy “đau nhói” nhất, vì nó sẽ đụng chạm đến tận sâu lương tâm và làm biến đổi người ấy. Chẳng phải Phêrô đã được biến đổi hoàn toàn nhờ cách hành xử này của Giêsu đó sao? Thay vì kết án Phêrô, Đức Giêsu đã đổ đầy vào cõi lòng đang mặc cảm của ông một tình thương vô bờ bến. Các bạn có giống Đức Giêsu không? Trong lòng các bạn đang chất chứa điều gì: hận thù hay tình thương mến?

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ