Được kiệu trên một chiếc võng, Sứ thần Tòa thánh ở Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire) gây tranh luận

Cuối tuần lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, khi đến Fresco (miền Nam-Tây) ngày thứ bảy 14 tháng 5, Sứ thần Tòa thánh Joseph Spiteri được kiệu trên một chiếc võng, một loại ghế khiêng. Hình ảnh được so sánh ngay với hình ảnh quen thuộc của thời thuộc địa, đã nhanh chóng bị la ó phản đối.

suthantoathanh.jpg
Sứ thần Tòa thánh Joseph Spiteri thăm Fresco
ở miền Nam-Tây Bờ Biển ngày 14 tháng 5-2016.
CRÉDITS : DR

Cựu bộ trưởng thể thao và là thị trưởng thành phố Fresco, ông Alain Lobognon cố gắng biện minh: “Theo lời yêu cầu của giáo dân, Sứ thần Tòa thánh xuống xe để giáo dân khênh. Không phải là hành vi thực dân ở đây”; từ hai ngày nay, ông Lobognon cố gắng giải thích: “Tôi lặp lại, ở Fresco, chúng tôi khênh võng cho những ai chúng tôi kính trọng”.

 

Vô ích, cuộc tranh luận tiếp tục bùng lên trên mạng, bức hình đã được rút xuống trên tài khoản Facebook đăng đầu tiên.

 

“Chỉ thêm cái mũ kết trắng đội trên đầu Sứ thần là chúng tôi đi trở lại thời thuộc địa”, giáo sư Séraphin Blé dạy sử địa ở một trường ở Attécoubé (miền Trung Abidjan) châm biếm. “Một vị vua được khênh, đúng, đó là truyền thống của chúng tôi ở đây và chúng tôi hiểu điều này. Nhưng khênh một linh mục da trắng trên chiếc võng vào thời buổi này thì người ta nghĩ rằng, chúng tôi còn hoài niệm một quá khứ sỉ nhục”, ông nhấn mạnh. Cũng như các nhà quan sát, ông thấy chướng mắt.

 

“Chèo ngược dòng”

 

“Về phần tôi, không những tôi bị sốc, tôi còn kinh tởm. Tôi thấy việc này không xứng đáng”, linh mục Jean-Claude Djéréké người Bờ Biển Ngà đã từ nhiệm và hiện sống ở Canada, cha viết trên mục có tên “Nhục cho Sứ thần Spiteri và những người khênh!”. “Chúa Giêsu sinh ra và sống nghèo vì Ngài chống việc tôn thờ cá nhân, vì Ngài ghét việc thăng quan tiến chức, ngồi hàng đầu, có chức vụ hàng đầu, dành ưu tiên” linh mục nói theo các bài viết trong Thánh Kinh.  Linh mục Jean-Claude Déjéréké giận nhất là những người khênh: “Họ làm nhục cho Phi Châu, một châu lục đã chiến đấu để đứng dậy, để được xứng đáng. Nói cách khác, họ chèo ngược dòng ở một Phi Châu muốn chấm dứt với mặc cảm tự ti giả tạo.”

 

Ở thủ đô kinh tế của Bờ Biển Ngà, chiếc võng của Sứ thần Tòa thánh không đến nỗi xấu như thế. Đối với một số người dân, phải tương đối hóa. “Ở Phi Châu ai cũng biết, khi chúng tôi tiếp một nhân vật quan trọng, chúng tôi chứng tỏ mình hân hoan được tiếp họ. Sứ thần Tòa thánh cũng tương tự như Đức Giáo hoàng, khi các ngài đến thăm một cộng đoàn thì cộng đoàn muốn đánh dấu ngày này bằng một việc đáng ghi nhớ”, ông Honoré Kouamé ở Abidjan giải thích.

 

Bà Odette Yéo, một nữ giáo dân của nhà thờ Thánh Ambroise, ở Angré, thủ đô Abidjan nói: “Không có việc tôn thờ cá nhân cũng như tôn thờ người da trắng. Chỉ là một vinh dự mà anh em công giáo muốn đón tiếp nhân vật cao cấp của Tòa Thánh.

 

Tiếp xúc với báo Thế giới Phi Châu (Le Monde Afrique), chưởng ấn của Sứ thần Tòa thánh ở Abidjan muốn trao đổi với Sứ thần trước khi phản ứng  trước công chúng.

 

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 19.05.2016/
lemonde.fr/afrique, Alexis Adélé, Abidjan, 2016-05-17)