Giao ước tình yêu

GIAO ƯỚC TÌNH YÊU           

(THỨ NĂM TUẦN THÁNH – B)

 

Hội Thánh quy đình thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh là để bắt đầu Tam nhật Vượt Qua, đồng thời tưởng niệm bữa tối sau hết của Đức Giê-su và các môn đệ, trước khi Người chính thức bước vào cuộc khổ nạn thập giá. Trong bữa Tiệc Ly ấy, Người thiết lập Giao Ước Mới trong Mình và Máu Thánh Người dưới 2 hình thức bánh và rượu. Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 13, 1-15) trình thuật: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” – Ga 13, 1). Thánh sử Lu-ca nói rõ hơn: “Đã đến ngày lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế chiên Vượt Qua. Đức Giê-su sai ông Phê-rô với ông Gio-an đi và dặn: “Các anh hãy đi dọn cho chúng ta ăn lễ Vượt Qua.” (Lc 22, 7-8). Thử tìm hiểu xem lễ Bánh Không Men và Lễ Vượt Qua có ý nghĩa thế nào?

 

Lễ Bánh Không Men là lễ theo chỉ thị của Đức Chúa: “Trong bảy ngày, các ngươi phải ăn Bánh Không Men, …phải họp nhau thờ phượng Ta… Những ngày đó không được làm công việc nào cả, chỉ được dọn bữa cho ai nấy ăn mà thôi. Các ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Bánh Không Men, vì vào chính ngày đó, Ta đã đưa các đạo binh của các ngươi ra khỏi đất Ai-cập. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải giữ tục lệ mừng ngày lễ ấy: đó là điều luật vĩnh viễn.” (Xh 12, 15-17). Còn Lễ Vượt Qua trong Cựu Ước là ngày sát tế chiên Vượt Qua, “lấy máu bôi lên khung cửa. ĐỨC CHÚA sẽ rảo khắp Ai-cập để đánh phạt, và khi thấy máu trên khung cửa, ĐỨC CHÚA sẽ vượt qua trước cửa và không để cho Thần Tru Diệt vào nhà anh em mà đánh phạt. Anh em phải giữ điều đó như điều luật vĩnh viễn cho mình và cho con cháu… Đó là lễ tế Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Ít-ra-en tại Ai-cập, khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn.” – Xh 12, 22-27).

 

Trình thuật bữa ăn tối cuối cùng của Đức Giê-su với các môn đệ, thánh sử Gio-an chỉ nói đến sự kiện “Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ”, nhưng Tin Mừng nhất lãm và thánh Phao-lô còn trình thuật thêm việc “Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể” (Mt 26, 26-29; Mc 14, 22-25; Lc 22, 19-20; ICr 11, 23-25 ). Như vậy là Đức Giê-su đã không ăn lễ Vượt Qua theo nghi thức Do-thái, mà là muốn nhân dịp này, Người từ biệt các môn đệ để bước vào cuộc Vượt Qua của chính mình. Bữa tiệc lễ Vượt Qua đã trở thành bữa Tiệc Ly. Trong bữa Tiệc Ly ấy, Người đã làm 2 việc mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đó là Giao Ước Tình Yêu với các môn đệ, trước khi thực hành Giao Ước Mới cho toàn thể nhân loại:

 

1- Rửa chân cho các môn đệ: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13, 4-5). Sau đó, Người đã giải thích rõ ràng việc làm này: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 12, 12-17).

 

Trong cuộc sống, vấn đề rửa chân chỉ có thể xảy ra khi người chủ hoặc vua chúa quan quyền bắt nô lệ, tôi tớ phục vụ, hoặc những con cháu tỏ lòng hiếu thảo rửa chân cho cha mẹ, ông bà khi các ngài già yếu bệnh tật… Ở đây Đức Giê-su là Thầy là Chúa mà lại quỳ xuông rửa chân cho các môn đệ, không những chỉ dạy cho người thế hiểu được cách sống khiêm tốn phục vụ, mà còn có tác dụng giáo dục về đức Mến (trong ba nhân đức Tin, Cậy, Mến thì “cao trọng hơn cả là đức Mến” – 1Cr 13, 13). Anh yêu quý bản thân anh tất nhiên anh muốn thân thể anh phải sạch sẽ. Cả thân thể sạch sẽ mà để đôi chân dơ dáy thì có coi được không? Vì thế, anh sẽ rất siêng năng rửa chân cho bản thân mình. Thiên Chúa lại dạy anh “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi, ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22:37). Như vậy, để yêu được tha nhân như yêu chính mình (“ái nhân như ái thân”), thì “anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14) là điều đương nhiên rồi.

 

2- Lập Bí tích Thánh Thể: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1Cr 11, 23-25). Trước đây, trên núi Si-nai, Thiên Chúa đã lập Giao Ước và ban bia đá 10 Điều Răn (Mến Chúa yêu người) cho Dân Người thông qua ngôn sứ Mô-sê (Xh 24, 12-18), thì giờ đây, Đức Giê-su Thiên Chúa lại lập một Giao Ước Mới ban chính Thịt Máu mình làm hy tế Thập giá cứu độ nhân trần, đồng thời làm của dưỡng nuôi linh hồn đàn chiên tín hữu đến muôn đời muôn kiếp. Rõ ràng Thiên Chúa, thông qua Con Một Người, lại một lần nữa lập Giao Ước Tinh Yêu với toàn thể nhân loại (nói chung) và cách riêng với những người tin (Ki-tô hữu).

 

Xét cho cùng, cả 2 việc Đức Ki-tô thực hiện trong đêm bị nộp đều nói lên Tình Yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, Người luôn luôn mong mỏi con cái của Người sống trọn vẹn trong Tình Yêu cao vời khôn ví đó. Mà nếu con cái của Người biết vâng nghe Lời Người thực hành đúng những điều Người truyền dạy, thì đó chẳng phải là sống quây quần đùm bọc lấy nhau, yêu thương gắn kết với nhau nên một, đó sao? Hoá cho nên chính trong bữa ăn chia tay (“Tiệc Ly”), Chúa Giê-su lại muốn các môn đệ, tín hữu đoàn tụ (hiệp thông trong bí tích Thánh Thể) – tất cả đoàn tụ yêu thương nhau, như các chi thể hiệp nhất nên một thân thể duy nhất ở dưới thế, để rồi sẽ được đoàn tụ với nhau trong Nước Trời mai sau. Lời Đức Giê-su cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này (các Tông đồ), nhưng còn cho những ai (các tín hữu) nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21) đã minh họa cụ thể Tình Yêu vô lượng đó: Tất cả trở nên một Nhiệm Thể Ki-tô duy nhất vậy.

 

Như vậy là đã rõ, thông qua bữa ăn cuối cùng để từ biệt các Tông đồ, Đức Giê-su Ki-tô lại muốn các môn đệ thực sự đoàn tụ, sống hiệp thông như các chi thể liên kết với nhau nên một thân thể duy nhất mà đầu là chính Đấng Cứu Độ. Thánh Phao-lô đã quả quyết ”Các chi thể chăm sóc lẫn nhau” (1Cr 12, 25); “Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau.” (Rm 14,19). Sở dĩ vậy, bởi cuộc sống của chúng ta có liên hệ tới cuộc sống của người khác, trong điều thiện cũng như trong điều ác; tội lỗi cũng như những việc lành bác ái. Nên chi “Tôi muốn xin tất cả mọi người hãy sống mùa Chay này như một hành trình huấn luyện tâm hồn, như Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã nói (Thông điệp “Deus caritas est”, số 31). Có một con tim từ bi không có nghĩa là có một tâm hồn yếu đuối. Ai muốn từ bi thì cần một con tim mạnh mẽ, kiên vững, khép kín đối với kẻ cám dỗ, nhưng cởi mở đối với Thiên Chúa. Một con tim để cho Thánh Thần thấu nhập và dẫn đi trên những con đường tình thương đưa tới các anh chị em. Xét cho cùng, đó là một con tim nghèo, nghĩa là nhận biết sự nghèo hèn của mình và xả thân cho tha nhân.” (Sứ điệp Mùa Chay 2015, số 3).

 

Mong rằng mọi sự sẽ được hoàn hảo khi chúng ta không những rửa chân mình mà còn sẵn sàng rửa chân cho nhau (giúp nhau thanh tẩy tội lỗi) để được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể, ngõ hầu cùng nhau đoàn tụ trên Thiên Quốc. Chỉ có như vậy mới thực sự là môn đệ của Người Thầy đã thiết lập Giao Ước Mới – Giao Ước Tình Yêu – để cứu độ nhân loại. Và “Vì thế, anh chị em thân mến, tôi muốn cùng với anh chị em cầu xin Chúa Ki-tô trong mùa Chay này: Fac cor nostrum secundum cor tuum”,xin làm cho trái tim chúng con được nên giống Trái Tim Chúa” (Lời cầu trong Kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giê-su). Như thế chúng ta sẽ có một con tim mạnh mẽ và từ bi, tỉnh thức và quảng đại, không để nó khép kín vào mình, không rơi vào vực thẳm của nạn hoàn cầu hóa sự dửng dưng.” (Sứ điệp Mùa Chay 2015, số 3). Ước được như vậy.

 

Ôi! “Lạy Chúa, trong bữa tiệc ly trọng đại, trước ngày tự hiến thân chịu khổ hình, Ðức Giêsu đã trối cho Hội Thánh một hy lễ mới muôn đời tồn tại làm bằng chứng tình thương của Người. Chiều nay, chúng con đến tham dự yến tiệc cực thánh, như lời Người truyền dạy, xin Chúa cho tất cả chúng con được tràn đầy tình yêu và sức sống viên mãn của Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển tri cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Thứ Năm Tuần Thánh).

 

JM. Lam Thy ĐVD.