Lễ Lá: Đức Giêsu, Tôi Trung của Thiên Chúa

Is 50, 4-11; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15,39

Anh chị em,

Có ai sinh ra trên đời này lại không yêu quí bản thân, hay có ai lại muốn từ bỏ mạng sống mình khi đang ở độ tuổi xuân xanh và tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng? Vậy mà thoáng nhìn, chúng ta có cảm tưởng Đức Giêsu dường như chẳng trọng mạng sống mình bao nhiêu, sẵn sàng hy sinh nó cho người khác, không ngại nhận lấy khổ đau của loài gười và bình thản đón nhận cái chết nhục nhã trên thập giá. Thật khó hiểu với những ai không có đức tin và thậm chí cũng không dễ hiểu với người kitô hữu. Có phải Đức Giêsu không yêu quí bản thân, hay không mơ ước một tương lai tốt đẹp cho cuộc đời? Không, như bao nhiêu người, Đức Giêsu cũng rất yêu mạng sống mình, luôn hy vọng một tương lai tốt đẹp cho cuộc đời. Thế nhưng, Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người khác, chẳng ngại đón lấy khổ đau và cái chết nhục nhã là vì  Ngài muốn trở nên một tôi trung Thiên Chúa.

Nếu như bài đọc thứ nhất trích sách tiên tri Isaia giới thiệu cho ta về hình ảnh một người tôi tớ trung thành của Giavê là người biết lựa lời nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức, biết lắng lắng nghe như một người môn đệ, sẵn sàng để Đức Chúa mở tai, không cưỡng lại, không tháo lui, chấp nhận bị đánh đòn, giơ má cho kẻ giật râu, không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, thì Đức Giêsu hoàn toàn xứng đáng là người tôi trung tuyệt vời ấy. Trong cuộc đời, Ngài luôn dùng lời an ủi để chữa lành những tâm hồn đau khổ, dùng lời khích lệ nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức. Lương thực của Ngài không chỉ là cơm bánh mà còn là thánh ý Chúa Cha. Ngay cả những lúc đau khổ khốn cùng nhất, Ngài vẫn lấy thánh ý Cha làm trọng và thực thi cho đến cùng. Trong vườn cây Dầu, tâm hồn Ngài xao xuyến đau khổ, đã ba lần Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Ápba! Cha ơi! Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).

Nếu theo tiên tri Isaia, người tôi trung là người không cưỡng lại, không tháo lui, chấp nhận bị đánh đòn, bị giật râu, bị phỉ nhổ thì Đức Giêsu hoàn toàn xứng đáng là tôi trung. Ta thấy rõ điều này qua cuộc thương khó như Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Cuộc thương khó của Ngài là một vụ án thật bất công và bản án không phù hợp với những chứng cứ khách quan. Thẩm phán, hay quan tòa là một Philatô nhu nhược, ham quyền cố vị, sợ dư luận, sợ quần chúng… Ông biết rõ Đức Giêsu vô tội, nhưng không dám trả tự do, phóng thích cho Ngài mà trái lại ông đã trao Ngài cho người Do thái đem đi xử tử. Ông đã làm theo yêu cầu của người Do thái chứ không theo sự thật khách quan của vụ án. Vậy mà Đức Giêsu không một lời phân trần đòi công bằng. Ngài chỉ có một câu trả lời duy nhất cho Philatô khi thừa nhận là vua dân Do thái: “Đúng như Ngài nói đó”.

Bên công tố gồm các thượng tế, kinh sư, kỳ mục, binh lính và dân chúng, là một lũ người gian ác. Họ không vì quyền lợi chung chính đáng, không vì tính công bằng của luật pháp, nhưng vì ganh ghét và vì lợi ích cá nhân. Họ đã cáo gian Đức Giêsu nhiều tội ngay cả tội được xem là mang tính quyết định đến án tử của Ngài là tội hãy phá đền thờ Giêrusalem nội trong ba ngày Ngài sẽ xây lại và tội tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Động lực thúc đẩy họ hành động chẳng có gì là trong sáng mà chỉ vì muốn tiêu diệt Đức Giêsu, một người dám nói sự thật, rao giảng sự thật và làm chứng cho sự thật mà sự thật ấy đòi họ phải nhìn lại bản thân, sự thật làm họ có thể mất ảnh hưởng, mất địa vị và quyền lợi bất chính, sự thật đưa họ trở về với đường ngay nẻo chính. Vì thế mà khi Philatô hỏi “Người này đã làm chi nên tội”, họ chỉ biết la lên “Đóng đinh nó vào thập giá”. Dân chúng thì không có lập trường, không suy nghĩ chín chắn, chỉ biết hùa theo sự sắp xếp của giới thượng tế, chỉ biết cất tiếng hô to “Đóng đinh nó vào thập giá”.

Còn về phía Đức Giêsu, một mình đơn độc, lẻ loi, không luật sư bào chữa, không một người biện hộ, không mấy ai đứng về phía mình…. Ngài đau khổ đến tột độ, cô đơn đến khủng khiếp, đến nỗi đã phải thốt lên cùng Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Người bỏ rơi con.” Đau khổ và cô đơn đến tột cùng, vậy mà Ngài vẫn im lặng, khiêm tốn, hiền lành, và vững vàng chịu đựng. Dường như Ngài đã thất bại trước cái ác: bị buộc tội, không một lời thanh minh, không một lời biện bạch và nếu có biện bạch thì cũng chẳng có ai nghe. Thế nhưng sự dường như ấy lại đem đến cho Ngài một chiến thắng lớn lao nhất: chiến thắng sự ác, chiến thắng kiêu căng, chiến thắng sự ồn ào khích động bằng khiêm nhường, hiền lành, chịu đựng và nhẫn nhục. Ngài quả thật xứng đáng với lời tiên tri Isaia báo trước về người tôi trung của Giavê Thiên Chúa, người hoàn toàn trút bỏ vinh quang, vâng lời trọn vẹn cho đến chết và chết trên thập giá, xứng đáng được Thiên Chúa siêu tôn và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu, là Chúa và là vua của toàn thể vũ trụ.

Anh chị em thân mến,

Lời Chúa trong ngày lễ Lá hôm nay cho chúng ta hiểu rõ tại sao Đức Giêsu đã chấp nhận hy sinh mạng sống mình, chịu đựng những thiệt thòi, lời xúc phạm mỉa mai, sự kết án bất công… mà không một lời than trách, chẳng một lời biện bạch, không một đòi hỏi nơi Chúa Cha cũng như nơi những người đã được chữa lành. Ngài làm tất cả chỉ vì muốn hoàn thành kế hoạch của Chúa Cha, làm người tôi tớ tuyệt đối trung thành của Thiên Chúa, người chiến thắng ác thần, tội lỗi và sự chết, đồng thời đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, mỗi chúng ta được mời gọi nên giống Chúa trong vai tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, lấy thánh ý Chúa làm lý tưởng sống, khiêm tốn vác lấy đau khổ thập giá bởi. Nguyện xin Chúa thêm sức mạnh cho chúng ta, để chúng ta dám can đảm bước theo Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường cuộc đời, dám chấp nhận khó khăn thử thách, khổ đau thập giá, để trở thành người tôi trung như Chúa. Một khi trở thành tôi trung, chúng ta sẽ xứng đáng được nâng lên, cùng chia sẻ vinh quang với Chúa Gisu. Amen. 

 

 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh