Sao không cất khỏi thế gian?

Nhật và Mai lấy nhau được gần mười lăm năm, sinh được một con gái và hai con trai. Một trong những vấn đề làm hai vợ chồng trằn trọc nhiều đêm khó ngủ là sự biểu hiện nghiện trò chơi điện tử (video game) của hai cậu ấm. Thời nay, trẻ con và thanh thiếu niên dễ bị mắc ‘bệnh’ này. Khi đã nghiện thì tâm trí lúc nào cũng nghĩ đến máy tính. Nghiện trò chơi gây nhức đầu cho Nhật và Mai vì họ đã chứng kiến những hậu quả tiêu cực của nó, chẳng hạn thị lực sẽ bị hại, khả năng giao tiếp xã hội trở nên khó khăn vì thế giới bên ngoài không phải là thế giới ảo của trò chơi, thiếu vận động làm cơ thể uể oải, học hành bị thiếu tập trung, óc tự kỉ tăng dần, đặc biệt là khuynh hướng bạo lực từ các trò chơi. Để giảm tình trạng này, họ quyết định đặt máy vi tính ở phòng chung và quy định mỗi con chỉ được chơi trò chơi một tiếng một ngày. Mặc dù thương con lắm, muốn chiều con cho chúng được thoải mái, nhưng để tốt hơn cho chúng về lâu về dài, họ quyết định áp dụng giải pháp sống có kỷ luật này.

Một hôm, trong lúc đang tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, con trai thứ hai tên là Tiến hỏi Nhật:

“Tại sao một Chúa lại có đến ba Ngôi vị hả bố?”

Nhật bất ngờ, nhìn vợ. Một câu hỏi căn bản nhất của niềm tin nhưng trả lời sao đây? Bố mẹ bối rối.

Nhưng nhờ câu hỏi của con mà Mai nhận ra một phương pháp giáo dục mới. Mai nói với chồng:

“Mình nè, tụi trẻ hay hỏi ‘tại sao’ vì chúng thích khám phá. Vậy tại sao mình lại không giúp chúng bằng cách tạo ra một trò chơi thánh thiện bắt đầu bằng chữ ‘tại sao’ nhỉ?”

“Trò chơi thánh thiện?” Đó là lần đầu tiên Nhật nghe từ này. Thú vị! Anh nói với vợ: “Cưng thử cho anh ví dụ xem nào.”

Mai đáp: “Chẳng hạn mình có thể tìm các câu hỏi tại sao về niềm tin và đố con mình. Đứa nào tìm được câu trả lời đúng nhất thì sẽ được thưởng.”

“Ý kiến rất hay.” Nhật tán thành vợ.

Kể từ đó, mỗi lần trước khi đi Lễ, hai vợ chồng dành ít phút xem các bài đọc và đặt một câu hỏi bắt đầu bằng chữ ‘tại sao’ để các con chú ý tìm câu trả lời khi tham dự Thánh Lễ. Vào một Chúa Nhật trong mùa Phục Sinh, lúc cả nhà đang đứng đón xe bus để đến nhà thờ, Mai nói với các con:

“Hôm nay, trong bài đọc hai, thánh Gioan nói về tình yêu bao la của Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng lại cầu nguyện xin Chúa Cha không cất các môn đệ ra khỏi thế gian. Thế gian trong trường hợp này là nơi có nhiều đau khổ, bắt bớ, nguy hiểm đối với các môn đệ. Tại sao Chúa rất yêu thương họ mà lại không muốn cất họ ra khỏi nơi ấy?”

Cả nhà lên xe bus. Các con háo hức suy nghĩ để được phần thưởng, người lớn cũng háo hức không kém để xem con mình sẽ trả lời thế nào vì đây là câu hỏi không dễ.

Các bé tham dự Thánh Lễ 10 giờ sáng hôm ấy rất chú tâm, nhất là phần cha giảng để xem có gì liên quan đến câu hỏi ấy không. Tuy nhiên, hôm đó cha chỉ giảng về ước mong tất cả mọi người hiệp nhất yêu thương nhau của Chúa Giêsu. Nhưng các bé chưa vội nản vì thường đến bữa tối cả nhà mới cùng nhau trao đổi về trò chơi thánh thiện. Vẫn còn thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu.

Buổi chiều hôm ấy, ba bé rủ nhau qua thăm cụ Nhân hàng xóm. Vợ của cụ qua đời cách đây bốn tháng. Cụ sống một mình, chắc buồn lắm. Thấy ba em nhỏ sang thăm, cụ vui vô cùng. Trong lúc thăm cụ, bé gái lớn tên là Nga hỏi cụ nghĩ sao về câu hỏi của mẹ đưa ra vào buổi sáng, nhưng bé không đề cập đến việc sẽ được thưởng. Ông cụ giảng giải cho các bé. Mặt chúng bỗng hớn hở lạ thường.

Bữa tối đến rồi. Cả nhà ngồi quây quần bên nhau. Hôm nay đến phiên bé út tên là Anh bắt kinh cầu nguyện trước bữa ăn. Bé vừa dứt lời cầu nguyện thì nói liền:

“Mẹ ơi, con biết câu trả lời rồi.”

Nhật-Mai nhìn nhau, vừa vui vừa buồn cười vừa tự hào về sự nhiệt tình của con. Mai xoa đầu con:

“Con mẹ giỏi lắm. Ăn chút cơm rồi nói bố mẹ nghe xem nào.”

“Dạ.” Bé xúc hẳn một thìa cơm lớn đút vào miệng,nhồm nhoàm, muốn nói liền nhưng nhớ lời bố mẹ dạy phải ăn xong thức ăn trong miệng rồi mới nói. Nuốt xong miếng cơm đó, bé nói tiếp:

“Chúa Giêsu không cầu nguyện xin Chúa Cha cất các môn đệ ra khỏi thế gian là vì Chúa có lý do chính đáng khi làm như thế.”

“Lý do gì nào?” Nhật hỏi con.

Bé Anh nháy mắt cho anh trai là Tiến. Tiến nói liền:

“Lý do đó là Chúa Giêsu muốn họ ở lại trần gian để tiếp tục sứ mạng của Người.”

Hai bố mẹ lại nhìn nhau. Ngạc nhiên và vui mừng. Tiến liếc nhìn chị Nga, có ý bảo chị tiếp lời. Nga nói:

“Sứ mạng đó chính là rao giảng về Chúa bằng cuộc sống yêu thương nhau. Khi người khác thấy các môn đệ yêu thương nhau, họ sẽ nhận ra Chúa và tin Chúa. Như thế, thế giới sẽ được biến đổi và đón nhận ơn cứu độ.”

Hai bố mẹ tròn xoe mắt. Các bé thì giơ tay ra hi-five với nhau. Rõ ràng đây là một thành công của cả nhóm. Bố mẹ thấy sáng kiến trò chơi thánh thiện của mình thành công thì cũng giơ tay hi-five với nhau và với các con luôn. Thành công của cả nhà!

Sau khi cùng rửa chén và dọn dẹp xong là lúc công bố kết quả và phát thưởng. Mai hắng giọng, tuyên bố:

“Hôm nay, các con đã rất xuất sắc tìm được câu trả lời. Tuyệt hơn nữa là các con biết cùng nhau làm việc. Bố mẹ rất hạnh phúc. Cảm ơn các con. Bố mẹ quyết định thưởng cho cả ba con món kem Ý và mỗi con sẽ được chơi trò chơi thêm một tiếng trong tuần này.”

Ba chị em cùng hô “Oh yeah” và nhảy tung tăng vui vẻ. Bỗng bé út dừng lại, quay sang nói với mẹ:

“Mẹ ơi, mẹ thưởng cho cụ Nhân luôn nha mẹ. Cụ giải thích cho chúng con chiều nay đó mẹ.”

“Ồ, tất nhiên rồi con trai yêu.” Mai xoa xoa đầu con.

Bé Tiến tham gia tiếp: “À mẹ ơi, cụ còn nói một điều nữa là: tất cả chúng ta là môn đệ của Chúa.”

Đến lượt chị Nga kết thúc: “Cho nên, nếu Chúa chưa cất chúng ta khỏi trần gian này là vì Chúa còn đang cần chúng ta làm một sứ mạng nào đó.”

Nhật – Mai nhìn nhau. Hạnh phúc đơn sơ vậy đấy! Nhật nói cả nhà:

“Nào, chúng ta cùng sang thăm cụ Nhân và thưởng cho cụ nhé các con.”

 

Joseph Việt, O.Carm.

[140A+V515]