Sống văn hóa Thánh Thể qua lời truyền phép

Thánh lễ Tiệc Ly- Thứ Năm Tuần Thánh

Trong bữa Tiệc ly, trước khi Chúa Giêsu ra đi chịu chết Chúa đã trăn trối cho chúng con ba báu vật vô cùng cao quý, làm nền tảng và làm nguồn sống cho đời sống kitô hữu. Đấy là giới luật mới yêu thương: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh emBí tích Thánh Thể và gắn liền Bí tích cực trọng ấy là Bí tích Truyền chức.

 

Trong Thánh lễ Tiệc ly trọng đại và thiêng thánh hôm nay, xin được phép chia sẻ đề tài: “sống văn hoá Thánh Thể qua lời Truyên phép’. Lời mà Giáo hội vẫn hiện tại hoá hàng ngày trong mỗi Thánh lễ; Lời như dấu chỉ hai môn đệ trên đường Emmau đang thất vọng trước cái chết phũ phàng của Thầy Giêsu đã nhận ra Đấng Phục sinh, rồi quyết tâm trở về với cộng đoàn Giáo hội, hiến trọn cả đời mình cho sứ vụ Rao giảng Tin Mừng (x.Lc 24, 30-32).    

 

“Người cầm lấy bánh (1), Dâng lời Tạ ơn (2), rồi Bẻ ra (3), Trao cho các ông (4) và nói: Đây là Mình Thày”

 

Lời Truyền phép tuyệt vời trên là cả một kho tàng sống văn hóa Thánh Thể- Văn hóa Giêsu sinh động. Bốn cử hành của lời Truyền phép gợi cho ta bốn chiều hướng sống Văn hoá Thánh Thể nên giống Thầy Giêsu.

 

1 “Cầm lấy bánh”- Xác định Bản ngã- nhân vị mình

 

Cầm lấy bánh”, hành động đầu tiên trong Hy tế Thánh Thể. Khi cầm lấy bánh, Chúa Giêsu, trong tâm trí Người đã minh xác: sẽ trở nên Thịt-Máu Người, nên Người mới nói: Đây là mình Thày… đâu là Máu Thầy. Điều này gợi cho ta, chiều hướng Sống Văn hoá Thánh Thể trước hết là phải xác định bản ngã mình: Tôi là ai?

 

Chúa Giêsu mẫu gương toàn hảo mọi đàng: khiêm nhường tột độ, vâng phục tuyệt đỉnh, tự hủy tận cùng nhưng đồng thời Người cũng luôn khẳng định rõ Ngôi Vị đích thực của mình: “Các người nghe người xưa… còn Ta, Ta bảo” “Người chăn chiên tốt, chính là Ta” (Ga 10,14 ).

 

Người môn đệ theo Chúa Giêsu không phải giết đi cái tôi, xóa đi bản ngã độc đáo mình có, mà chính là tìm ra được ‘cái tôi’- cái bản ngã- cái con người thật của chính mình.

 

Chính Chúa Giêsu đòi hỏi điều ấy. Trên đường lên Giêrusalem  chịu chết, Người hỏi các môn đệ: “Phần anh em, anh em nói Thày là ai?” (Mt 16,15). Từ “anh em” đặt các môn đệ ra khỏi đám đông, trực diện với chính mình để tự trả lời về căn tính Giêsu. Người muốn lời tuyên xưng Đức tin phát xuất từ chính cuộc sống mỗi người chứ không muốn chấp nhận thụ động từ một công thức.

 Ta cần xác tín: Thiên Chúa xem ta một “nhân vị”- một bản ngã có một không hai. Thiên Chúa không chỉ là “Cha chúng con” mà còn là “Cha tôi”, tình yêu của Ngài bao chùm tất cả mọi người, song cũng rất “riêng tư” đối với tôi. Cảm nghiệm được điều này, ta thấy đời sống Đức tin thật sống động, theo Chúa là Tin mừng chứ không phải tin buồn.

 

“ “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”, lời khẩn thiết của Thánh Giáo phụ Âugustino càng cho thấy rõ sự cần thiết của việc ‘biết Mình’. 

 

Dâng lời Tạ ơn– Hướng đến sống kết hiệp với Chúa trong tâm tình Tán tạ Hồng ân:

 

Được làm Con Người giống Hình ảnh Thiên Chúa đã là một Hồng ân khôn ví; được làm Con Chúa nhờ ơn Cứu độ của Chúa Giêsu khi nhận phép Thánh Tẩy đã làm cả đời ta, và cả đời đời tán tụng ân tình Chúa không đủ, thì việc ta gặp gian nan thử thách, đau khổ chỉ là chuyện nhỏ.

 

Hơn nữa, nhờ Chúa Giêsu Tử nạn – Phục sinh, chính trong đau khổ ấy lại là Hồng ân, là lúc ta đang nên giống Chúa Giêsu nhất, là lúc ta được vinh dự cộng tác vào công trình Cứu thế của Chúa.

 

Đối với trần gian đau khổ hay Thập giá là điêu bất hạnh, kém may mắn, chẳng ai muốn và ai cũng đều lần tránh, thoái thác. Trái lại đối với người Môn đệ Chúa Giêsu đau khổ được kết hợp với Giá Máu cứu độ, vác Thập giá theo Chúa Giêsu thì đau khổ có giá trị Tin Mừng, Thập giá biến thành Thánh giá. Chính vì thế, ta thêm hiểu các thánh luôn khao khát được đau khổ, thêm đau khổ vì Chúa Giêsu và vì phần rỗi các Linh hồn.

 

Trong lăng kính Đức tin ấy, vâng, chỉ đời riêng thôi đã là cả chuỗi Hồng ân Chúa tặng ban- có thể nói, cuộc đời của chúng ta – những Môn đệ theo Chúa Giêsu đi trên thảm Hồng ân.

 

Sống tâm tình Tạ ơn, chính là sống Tin Mừng. Giữa cuộc đời được coi là “bể thảm” mà ta vẫn vui sống, tràn đầy hy vọng sẽ là một câu hỏi lớn trước một thế giới mà nền văn minh sự chết bao trùm. Người ta thắc mắc rồi nhờ ơn Chúa họ sẽ khám phá và tin nhận Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.

 

“Bẻ ra”- Hướng đi Đường hẹp, bỏ mình vác Thập giá:

 

Bẻ ra”, khi lập Phép Thánh Thể Chúa Giêsu đã hướng đến Hy tế đồi Canvê. “Đây là mình Thày, hiến thân vì anh em; Đây là Máu Thày, máu Giao ước mới đổ ra vì muôn dân” (Lc 22,19.21). Rõ ràng toàn tâm trí Chúa đang hướng đến Hy tế Thập giá, đầy ý thức và chủ động.

 

Bẻ ra” là chấp nhận mất mát, hy sinh, không ngại gian khổ, không quản khó khăn; là bỏ mình vác thập giá, đi vào đường hẹp- đường đưa ta đến Sự sống (Mt 16,24b; 7,14).

 

Nói cách khác ‘bẻ ra’ là sống tinh thần trách nhiệm, ngay cả những chuyện nhỏ. “Khi chút ít mà trung tín thì nhiều mới trung tín; khi chút ít mà bất lương thì nhiều cũng bất lương” (Lc 16,10). Biết làm chủ chính mình, không sống phóng túng, không bê tha rượi chè, cờ bạc…  không làm nô lệ cho của cải danh vọng…; chấp nhận khép mình vào khuôn khổ,  cũng là cách “bẻ ra”.

 

Không có đổ Máu thì không có Giao Ước mới, không có ơn Cứu độ (x.Dt 9,1-14). Vinh dự của tôi là Thập giá Đức Kito. Theo Chúa không có hy sinh, không chịu cố gắng đời Kitô hữu sẽ nhạt nhẽo, vô vị, bế tắc và không cần phải đợi đến đời sau, ta đã thấy hoả ngục ngay tại đời này.

 

Đương kim Giáo hoàng, Đức Phanxicô trong huấn từ đầu tiên đã nói “Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian”

 

“Trao cho các ông”- Sống tương quan phục vụ trong khiêm tốn, yêu thương

 

Bẻ ra- hy sinh chỉ có giá trị khi hướng đến phục vụ tha nhân, sống tương quan hiệp thông bác ái. Giáo hội dạy: “Thiên Chúa đã muốn tất cả mọi người phải làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ” (GH 31).

 

Trong hiệp nhất Giáo hội, Chúa Giêsu được coi là Đầu, Giáo hội là Thân Thể Người, và mỗi chúng ta là những chi thể sống động trong gia đình Giáo hội.  Nét độc đáo nơi Chúa Giêsu là Đầu cũng chính là tôi tớ, đến để phục vụ, hiến mạng sống mình cho người khác (x.Mc 10,45).

 

Trong bữa Tiệc ly hôm nay, Chúa Giêsu làm công việc của người đầy tớ- quỳ xuống rửa chân cho các Tông đồ, để cho chúng ta mẫu gương sống yêu thương phục vụ, cách thế để trở nên Môn đệ đích thực của Người.

 

Đang lưu ý, điểm nổi bật nhất của Văn hoá Thánh Thể- Lối sống Chúa Giêsu: hướng đến Hy tế Thập giá, cách thức Chúa Giêsu thể hiện Tình yêu cho đến cùng (Ga 13,1). Noi gương Chúa Giêsu, mỗi người Kitô hữu biết sống khiêm tốn, Phục vụ  trong yêu thương, biết đón nhận Thập giá cuộc sống để nhờ ơn Chúa Thập giá ấy trở thành Thánh giá cứu độ. 

 

 Lạy Chúa Giêsu, Năm Thánh Giáo phận Xuân Lộc mừng Kim khánh thành lập Giáo phận- Năm Gia đình và giáo xứ sống Bí tích Thánh Thể, xin giúp chúng con ghi khắc Lời Truyền phép để mỗi người biết sống Văn hoá Thánh Thể- văn hoá Giêsu nhờ đó mỗi chúng con cùng với gia đình và giáo xứ tích cực sống và Loan báo Tin Mừng. Amen. 

 

Lm. Đaminh Hương Quất