Chứng nhân lòng thương xót (CN II PS, Năm C)

CHỨNG NHÂN LÒNG THƯƠNG XÓT
(Chúa nhật II Phục sinh Năm C,
Cv 5,12-16; Kh 1,9-11a.12-13.17-19; Ga 20,19-31)

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm 

Cảm nhận lòng Chúa thương xót và trở nên tông đồ của lòng thương xót, đó là dòng chảy rất đỗi tự nhiên nơi các thánh Tông đồ cũng như thánh Gioan Phaolô II, vị Giáo hoàng đã thiết lập Chúa nhật II Phục sinh là Chúa nhật Lòng Chúa thương xót. Lời mời gọi ấy cũng được gửi đến tất cả các Kitô hữu trong ngày lễ này.

  1. 1. Kể chuyện Chúa Kitô Phục sinh hiện đến với các Tông đồ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, thánh Gioan ghi lại một chi tiết quan trọng: “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn” (20,20). Xem tay và cạnh sườn là xem những thương tích trong cuộc thương khó của Chúa. Đấng Phục sinh mang những thương tích ấy trên thân mình Ngài không chỉ là bằng chứng Ngài chính là Đức Giêsu đã bị đóng đinh vào thập giá và bị lưỡi đòng đâm thâu, đã chết và được mai táng trong mồ, nhưng nay Ngài đã sống lại! Những thương tích trên thân mình Đấng Phục sinh còn mang ý nghĩa lớn lao hơn nhiều: “Chúa Giêsu mang những thương tích của Ngài vào cõi vĩnh hằng. Ngài là vị Thiên Chúa mang thương tích; Ngài chấp nhận bị thương tích vì tình yêu dành cho chúng ta. Những thương tích của Ngài là dấu chỉ cho chúng ta thấy Ngài hiểu và để cho mình bị thương tích chỉ vì yêu thương chúng ta” (Đức Bênêđitô XVI, Bài giảng Chúa nhật Lòng Chúa thương xót, 15/4/2007). Vị Thiên Chúa ấy muốn nói với từng người chúng ta khi ta phải chịu đau khổ, thể xác cũng như tinh thần: Ta hiểu thấu nỗi đau của con, Ta ở bên con, và Ta muốn chữa lành cho con!

Khi các môn đệ nhìn thấy những thương tích trên thân mình Chúa, chắc chắn các ông cũng nhớ lại những tội lỗi đưa đến cuộc thương khó ấy, trong đó có cả tội lỗi của các ông: bán Thầy, chối Thầy, bỏ Thầy trong cơn hoạn nạn. Với suy nghĩ đó, có lẽ các Tông đồ rất sợ hãi, thế nhưng cùng với việc cho xem tay và cạnh sườn, Đấng Phục sinh nói với các Tông đồ: “Bình an cho các con”. Mọi sợ hãi tan biến và niềm vui tràn ngập. Lại chẳng phải là quà tặng vĩ đại của lòng thương xót sao?

Quà tặng ấy không chỉ dành riêng cho các Tông đồ nhưng còn cho tất cả mọi người chúng ta, vì ngay sau đó, Chúa sai các ông đi loan báo ơn tha thứ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em… Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (20,23). Và các Tông đồ đã thực sự trở thành tông đồ của lòng Chúa thương xót như sách Công Vụ kể lại trong bài đọc 1: “Nhiều người từ các thành chung quanh Giêrusalem lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành” (Cv 5,16).

  1. Từ Năm thánh 2000, Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập Chúa nhật II Phục Sinh là Chúa nhật tôn vinh Lòng Chúa thương xót. Quyết định ấy phản ánh kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa của ngài về lòng thương xót của Chúa như Đức Bênêđitô XVI nói: “Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã muốn Chúa nhật này được cử hành như Lễ Lòng Chúa thương xót: bằng từ “thương xót”, ngài tóm tắt và giải thích lại cho thời đại chúng ta toàn bộ mầu nhiệm cứu độ. Ngài đã sống dưới hai chế độ độc tài và có kinh nghiệm sâu xa về thế lực của sự tối tăm đang đe dọa thế giới trong thời đại chúng ta. Nhưng ngài cũng có kinh nghiệm mạnh mẽ về sự hiện diện của Đấng Thiên Chúa chống lại mọi thế lực sự dữ bằng quyền năng thần linh và hoàn toàn khác, đó là quyền năng của lòng thương xót. Chính lòng thương xót sẽ chế ngự sự dữ. Chính nơi lòng thương xót, Thiên Chúa bày tỏ bản tính đặc biệt của Ngài, sự thánh thiện của Ngài, quyền năng của chân lý và tình yêu” (Ibid).

Thánh Gioan Phaolô II đã được Chúa gọi về với Chúa vào ngày áp lễ Chúa nhật Lòng Chúa thương xót, 2/4/2005, như dấu chỉ xác nhận vị Giáo hoàng này thực sự là Tông đồ của lòng Chúa thương xót.

  1. Theo gương các thánh Tông đồ và thánh Gioan Phaolô II, chúng ta cũng được mời gọi cảm nhận lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời mình, và trở nên chứng nhân của lòng thương xót. Hai điều này hòa quyện chặt chẽ với nhau: chính cảm nhận về lòng thương xót sẽ khơi nguồn cho lối sống của tình yêu và lòng thương xót; ngược lại, chính lối sống thương xót lại là bản trắc nghiệm cụ thể cho cảm nhận đức tin chân chính về lòng Chúa thương xót chứ không chỉ là tình cảm bồng bột và mau qua như thánh Gioan dạy: “Nếu ai nói ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Hãy cùng nhau lặp lại và sống theo lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Đã đón nhận lòng thương xót, hãy trở thành những con người biết xót thương”.

Nguồn: giaophanmytho.net