Có hay không vai trò “trợ tá tương xứng” của phụ nữ trong giáo hội ?

“Một thế giới mà phụ nữ bị gạt ra bên lề là một thế giới vô sinh”. Đức Thánh Cha Phanxico đã “ khẳng định tầm quan trọng của phụ nữ và sự cần thiết phải có sự hiện diện của họ trong cuộc sống, trong xã hội” sau buổi đọc kinh Truyền Tin của mình vào ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08 tháng 03 năm 2015.

 woman-church-Có hay không vai trò trợ tá tương xứng của phụ nữ trong giáo hội

 

Thật vậy, vai trò của người phụ nữ không chỉ trong gia đình mà còn được mở rộng ra xã hội, ảnh hưởng tốt trên nhiều lĩnh vực. Càng ngày càng có nhiều phụ nữ gặt hái nhiều thành công rực rỡ trong sự nghiệp. Họ đã phấn đấu rất nhiều để tự hoàn thiện mình, để được sự tôn trọng và bình đẳng trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Và như nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxico, họ là những người “hàng ngày cố gắng xây dựng một xã hội nhân bản và tiếp đón hơn”.

 

Phụ nữ hoàn toàn có khả năng làm điều đó. Bởi lẽ đây là đặc sủng mà Thiên Chúa đã dành cho phụ nữ. Khi tạo ra một Eva cho Adam, Thiên Chúa đã phán: “ Người đàn ông ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2, 18). Một “ Trợ Tá Tương Xứng” nghĩa là ngay từ thuở hồng hoang, Thiên Chúa đã khẳng định sự bình đẳng, tương đồng trong nhân phẩm và năng lực giữa người nam và người nữ. 

Công cuộc Cứu Độ loài người của Thiên Chúa được thực hiện bắt đầu từ tiếng “ Xin vâng” của một người phụ nữ. Nhờ tiếng “ Xin Vâng” này mà tương quan giữa Thiên Chúa và Con Người được lại thiết lập sau tội nguyên tổ. Thiên Chúa không chỉ chọn mà còn tôn trọng ý kiến của người phụ nữ tuyệt hảo ấy trước khi trao cho Bà sứ mạng cao cả đó. 

 

Trên Thánh giá, qua thánh Gioan, Chúa Giêsu cũng đã gởi gắm lại nhân gian trong vòng tay yêu thương của một người phụ nữ là Mẹ Maria. “ Này là con Mẹ” Ga9,26.

Kinh Thánh cũng ghi nhận lại nhiều vai trò quan trọng của người phụ nữ trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu: Người Tông Đồ đầu tiên nhận lãnh sứ mạng loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh đó là Maria Madalenna. Người truyền giáo đầu tiên của Kitô giáo cũng là một người phụ nữ đó là người phụ nữ xứ Samaritan, khi bà chạy vào làng loan báo cho mọi người rằng Đấng Mêsia đã đến, sau khi bà được trò chuyện cùng Chúa Giêsu bên giếng Gacóp theo tường thuật của thánh Gioan . Bởi thế mà Đức Thánh Cha Phanxico cũng khẳng định rằng : “Phụ nữ là những người tin đầu tiên” để nhấn mạnh “vai trò tiên phong, nền tảng” của phụ nữ trong sự thông hiểu và loan truyền về đức tin ngay từ thời sơ khai cho đến suốt quá trình lịch sử của giáo hội . 

 

Trong lá thư gửi phụ nữ, tháng 6 năm 1995 Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu về phụ nữ như sau: “Cám ơn người nữ, chỉ vì người là phụ nữ! Nhờ cách nhận thức đầy nữ tính mà người đã làm phong phú cho sự thông cảm của thế giới và góp phần vào sự chính trực của các tương quan giữa người và người”.

 

Như vậy, trong ý định của Thiên Chúa và trong đường hướng của Giáo Hội, người phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ Công Giáo có một vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội và giáo hội. Đồng thời, phong trào bình đẳng giới cũng mang lại nhiều thăng tiến cho phụ nữ trong các lĩnh vực họat động của Giáo Hội Kitô giáo. Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng nhau nhìn nhận lại một số thực tế khách quan đi ngược lại với ý muốn tốt đẹp của Thiên Chúa dành cho người phụ nữ còn đang tồn đọng trong giáo hội, cách riêng là giáo hội Việt Nam của chúng ta .

 

1-Về việc đảm nhận trách nhiệm trong các công việc mục vụ.

 

Mặc dù hiện nay người phụ nữ Công Giáo được tham gia các công tác giảng dạy giáo lý, dự tòng nhưng có lẽ đối tượng học sinh chủ yếu là các em nhỏ. Và đóng góp chính yếu của phụ nữ Công Giáo tại các giáo xứ đó là việc tham gia tổ chức tiệc tùng, quyên tiền, làm việc bác ái v..vv… và rất ít người nữ giữ vai trò lãnh đạo trong các giáo xứ. Tưởng cũng nên nhắc lại, vào ngày 07-03-2009, tại giáo xứ Tân Định thuộc tổng giáo phận Sài Gòn, bà Teresa Đinh Thụy Miên được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ. Sự kiện này là một biến cố trong lịch sử giáo hội Việt Nam vì từ khi hạt giống đức tin đầu tiên được gieo trồng trên đất Việt cho đến nay, trãi qua 500 năm, chưa có người phụ nữ nào được đảm nhận chức vụ này. Do vậy đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng sự hiếm hoi và muộn màng của nó cũng đã nói lên sự dè dặt đến thái quá của chúng ta trong việc tin tưởng vào năng lực của người phụ nữ. Và hiện tại, phụ nữ Công Giáo đã có một bước tiến trong việc tạo cho mình một chỗ đứng trong hệ thống lãnh đạo của một giáo xứ, giáo phận nhưng phải thừa nhận đó là những bước tiến chậm, rất chậm. Trong tác phẩm Nhật Ký Truyền Giáo, Linh mục Ngô Phúc Hậu có kể rằng trong một cuộc họp HĐMV của giáo phận Hưng Hóa vào khoảng những năm 80, khi thấy 1000 người về tham dự chỉ toàn đàn ông, Ngài đã đặt câu hỏi : « Ủa ? 1000 thành viên Hội Đồng Giáo Xứ mà không có người phụ nữ nào sao ? Có bình thường không nhỉ?”

 

Trong một cuộc phỏng vấn do Báo La-Croix thực hiện, bà Lucette Scaraffia, giáo sư sử học Đại học La Sapienza, Rôma đã thẳng thắn trình bày nhận định của mình về vị trí của người phụ nữ trong lòng Giáo Hội như sau : “ Chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội không phải chỉ do sự thiếu quyền lực của họ trong Giáo hội. Sự thiếu quyền lực của họ còn sâu xa hơn: người ta không thấy họ, không nghe họ. Họ chỉ được xem như người giúp việc. Họ không được xem là người chị em cùng có trách nhiệm chung trong Giáo hội .”

 

Và quả thật, trong giáo xứ, thông qua công tác tông đồ của các hội đoàn, người phụ nữ rất dễ dàng tham gia các công việc lao động phổ thông như lau chùi cung thánh, quét dọn nhà thờ, rửa chén bát sau những buổi tiệc, thế nhưng, việc tham gia các cử hành phụng vụ Lời Chúa, xuất hiện trên cung thánh cũng như có tiếng nói trong các cuộc họp HĐMV của giáo xứ không phải là “ cánh cửa rộng mở” cho người phụ nữ. Ngay cả việc các em nhỏ nữ được giúp lễ cũng chỉ mới được thực hiện trong những thập niên gần đây.Trong các buổi họp HĐGX trong vai trò là một thư ký, phụ nữ khó có “vai diễn” nào đắt giá ngoài việc chăm chú ghi chép nội dung của buổi họp. Điều đó có nghĩa tiếng nói của phụ nữ chưa thực sự coi trọng và chưa được xem là điều cần thiết trong cơ cấu tổ chức và phát triển của một giáo xứ.

 

2-Có hay không sự “hỗ tương trong sự tương đương và khác nhau” giữa người nam và người nữ trong giáo hội?

 

Chưa nói chi đến những vấn đề cao xa, chỉ cần quan sát cách sắp xếp chỗ ngồi bàn tiệc trong một giáo xứ, giáo phận, chúng ta lại thấy sự phân hóa rất rõ nét trong cách đối xử giữa người nam và người nữ và các tu sĩ cũng không là trường hợp ngoại lệ. Như một quy định bất thành văn, các linh mục hay các chức sắc giáo dân nam thường được xếp chung một bàn tại các vị trí quan trọng, tốt và thoải mái nhất trong một buổi tiệc. Các chị em nữ tu hoặc các nữ giáo dân được xếp ngồi bàn khác và ở những vị trí thứ yếu hơn. Vì thế, tuy ở cương vị là bề trên của một dòng nữ nhưng đôi khi xuất hiện trước công chúng, vị trí của các vị ấy lại không “bề thế” bằng một vị linh mục trẻ. “Trưởng Nữ” vẫn không bằng “ Út Nam” là thế!

 

Trong xã hội, người phụ nữ đã được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, trong các buổi nói chuyện, phát biểu, các cuộc phỏng vấn và ý kiến của họ được đánh giá cao, được ghi nhận thì hãy nhìn xem, trong giáo hội Việt Nam chúng ta, có bao nhiêu nữ tu hay phụ nữ Công Giáo tham gia vào diễn đàn của công luận ? Thật quá hiếm hoi nếu không muốn nói là không thấy có một nữ tu chứ chưa nói đến người phụ nữ giáo dân nào được mời phát biểu trong các kỳ đại hội hay các cuộc lễ hội lớn nhỏ tại các giáo xứ, giáo phận ? Trong các dịp lễ hội, các dòng tu nữ thường được phân công phụ trách các tiết mục văn nghệ như múa hát, diễn nguyện. Giáo dân nữ lo việc ẩm thực, tạp vụ. Chấm hết. Khả năng của họ chỉ có thế, hay chúng ta chưa thực sự tạo điều kiện và khuyến khích họ thể hiện mình ?

 

Dĩ nhiên, do ảnh hưởng lâu đời của các nền đạo đức phong kiến, ngườiViệt Nam chúng ta nói chung vẫn chưa thực sự thoát khỏi não trạng “ trọng nam khinh nữ” cũng như bản thân người phụ nữ cũng chưa ý thức đủ quyền lợi và giá trị bản thân của mình. Đồng thời như nhận định của bà Marie-Claire Mantion việc người phụ nữ “ phải thức cùi chõ mới có một chỗ đứng trong giáo hội” vẫn là một thực trạng trong giáo hội toàn cầu khiến việc có sự bình đẳng trong các giáo xứ, giáo phận tại Việt Nam càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, phong trào bình đẳng giới đã khiến xã hội đã có những cái nhìn mới về vai trò và quyền lợi của người phụ nữ. Đã qua rồi cái thời hoàng kim của quan niệm “ nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” và người đàn ông có “ lương tri của thời đại mới” phải là những người nam biết tôn trọng và thừa nhận người phụ nữ như một “ trợ tá tương xứng” của mình như ý định tốt đẹp ban đầu của Thiên Chúa.

 

Được biết, vào ngày 07 tháng 02 năm 2015, trong bài diễn văn nhân dịp Hội Đồng Giáo hoàng về Văn Hóa họp khoáng đại, Đức Thánh Cha Phanxico đã đặt vấn đề về “cái nhìn của phụ nữ” và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Ngài cũng có “ năm câu nói rất đáng nhớ về phụ nữ” với những nhận định rất trân trọng dành cho phụ nữ. Trong đó Ngài khẳng định: “Tôi đoan chắc, điều cấp thiết là phải để cho phụ nữ có chỗ đứng trong Giáo hội”. Như vậy chúng ta có quyền hy vọng rằng Ngài sẽ có một quyết định và hành động cụ thể cho phụ nữ để “ họ được nhận biết qua tài năng phong phú trong vai trò của họ, để tiếng nói của họ được nghe”. Bởi lẽ “một thế giới mà phụ nữ bị gạt ra bên lề là một thế giới vô sinh”.

 

Điền Phương Thảo