Những Phép lạ và xác Thánh còn nguyên vẹn

Những hiện tượng này đều đã được ghi nhận là có thật nhưng lời giải thích thỏa đáng từ khoa học thì vẫn chưa có

Phép lạ và những xác Thánh còn nguyên vẹn

Bình máu của Thánh Januarius

 

Nhà thờ Napoli (Ý) có cất giữ một lọ máu của Thánh Januarius được một người phụ nữ có tên Eusebia giữ lại sau khi ông qua đời.

Januarius (còn gọi là Gennaro) là một giám mục của giáo phận Benevento (một thị trấn nhỏ gần Naples của nước Ý) và được phong “Thánh bổn mạng của Naples”. Sau khi tử vì đạo cùng với phó tế Festus vào tháng 9 năm 305 tại Pozzuoli.
Người dân tin rằng Thánh Januarius được nhiều người tôn kính vì những nhân đức anh hùng của ngài nên Thiên Chúa đã tạo ra phép lạ làm cho máu ngài luôn tươi mới và có đủ mọi đặc tính như khi còn sống.

Tượng thánh Januarius ở Naples

Ngoài truyền thuyết cho rằng một giáo dân tên Eusebia đã giữ lại máu của ThánhJanuarius khi ngài bị hành hình thì không có tài liệu nào, ngay cả biên niên sử của Naples cũng không đề cập việc lọ máu ấy được tạo ra như thế nào.
Chiếc lọ được xem như một thánh tích nổi tiếng và đặt trang nghiêm trong nhà thờ Chánh tòa Naples. Bề ngoài trông lọ khoảng 60ml, chứa một khối vật chất đặc khô chiếm nửa bình.
Cứ đến các tháng 5, 9, 12, khi thực hiện nghi lễ truy tôn Thánh Januarius, chiếc lọ được đưa ra, xoay chuyển để “phép màu” xuất hiện: “Khối vật chất ấy hóa lỏng ra, có khi ngay lập tức, có khi từ từ, vài giờ đến vài ngày… sau đó đông lại như cũ”.

Bình máu Thánh Januarius

Không những thế, một số hiện tượng khác cũng được ghi nhận như: sôi, sủi bọt, đổi màu từ đỏ thẫm sang đỏ hồng, thậm chí khi cân thấy tăng khối lượng. Có lúc khối ấy không hóa lỏng hết mà nổi thành viên nhỏ trên lớp chất lỏng.
Về việc khối vật chất ấy có thật sự là máu không, các nhà khoa học đã dùng máy đo quang phổ chiếu vào lọ vào các năm 1902 và 1989. Cả 2 lần đều xác nhận dấu vết của hemoglobin bên trong và có đầy đủ tính chất của máu người. Đặt biệt là máu chỉ xảy ra “phép màu” vào ba tháng nhất định trong năm và… trước công chúng.

Bình máu thánh Januarius đã hóa lỏng

Các nhà khoa học từng đưa ra một số những nhận định về hiện tượng kỳ lạ trên nhưng chưa thực sự thuyết phục. Và dù là giải thích gì cũng không làm lay chuyển lòng tin mạnh mẽ của những tín hữu Công giáo vào “phép màu trăm năm” này.
Các giáo dân tin tưởng, hằng năm, nếu máu hóa lỏng là báo hiệu một năm an lành, còn nếu máu không lần nào hóa lỏng là điềm gở của thiên tai.

Điển hình là năm 1527, máu đông không hóa lỏng và 10.000 người tử vong trong một trận dịch quái ác. Đến năm 1980, một lần nữa “phép màu” không xảy ra và 3,000 người đã thiệt mạng trong một trận động đất thuộc miền Nam nước Ý.
Những thi hài không thối nát

Các tài liệu tôn giáo ghi nhận nhiều trường hợp các vị thánh “nhục thân bất toại”. Điển hình là Thánh Bernadette (Lourder, Pháp). Bà qua đời ở tuổi 35 và 30 năm sau đó (1909), vì một nghi lễ tôn giáo, nhà thờ đã khai quật mộ. Đại diện nhà thờ, bác sĩ phẫu thuật và những người chứng kiến đã vô cùng kinh ngạc khi thấy thi thể của bà vẫn nguyên vẹn, dường như đang trong một giấc ngủ dài.

Di hài của Thánh Bernadette được đặt trong nhà thờ Lourder

Năm 1925, Đức Giáo hoàng Piô XI phong Thánh cho Bernadette, lần thứ ba mộ bà được mở ra nhưng di hài thánh nhân vẫn nguyên vẹn và được đưa vào một quan tài bằng pha lê cho mọi người chiêm ngưỡng. Hiện Thánh nữ được quàn tại nhà nguyện ở nhà thờ Lourder.
Bên cạnh đó, thi hài của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII (Đấng triệu tập Công Đồng Vatican II năm 1962) cũng tương tự. Ngài qua đời ngày 03.6.1963 khi Công Đồng vẫn đang diễn ra, và sau đó Đức Hồng y Montini lên ngôi với hiệu triều Phaolô VI tiếp tục Thánh Công Đồng.
38 năm, sau ngày ngài băng hà, Tòa Thánh tiến hành các thủ tục tôn phong Chân Phước cho ngài, khi mở quan tài để kiểm tra thì phát hiện xác của ngài không hề thối rữa. Thời gian sau, ngài được tôn phong Chân Phước

Thi hài của ĐGH Gioan XXIII được đặt phía bên dưới bàn thờ chính của Đền thờ Thánh Phêrô

Hiện nay, thi hài của ĐGH Gioan XXIII đã được đưa lên đặt trong một quan tài bằng pha lê bên dưới bàn thờ chính của Đền thờ Thánh Phêrô để dân chúng có thể kính viếng và chiêm ngắm. Nét mặt ngài vẫn giữ nguyên sức sống và cơ thể không hề bị tẩm ướp bằng bất cứ loại hóa chất nào. Hầm mộ cũ trước đây nơi đặt quan tài của ngài bây giờ đã được thế chỗ bằng quan tài của ĐGH Phaolô II
Thánh Johannes Bosco (Don Bosco) tên thật là Giovanni Bosco, sinh ngày 16.8.1815 tại Becchi ở Piemont (Norditalien), thụ phong linh mục năm 1841. Lúc sinh tiền ngài đã thành lập nhà dòng Salêsiêng năm 1859, chuyên chăm sóc các thanh thiếu niên bụi đời, huấn nghệ và học hỏi Lời Chúa. Ngài có ơn tiên tri và được coi như thánh sống lúc sinh thời.

Thánh quan Don Bosco

Hơn 100 năm sau ngày mất, xác ngài vẫn vẹn nguyên. Hiện nay xác ngài được bỏ vào lồng kính để mọi người có thể thăm viếng cầu nguyện.
Thánh Francis Xavier (1506-1552) được chôn cất tại một đảo ở Trung Quốc trong quan tài bằng gỗ. Khoảng hai tháng rưỡi sau, người ta khai quật mộ ngài để di chuyển, thấy thánh thể vẫn như lúc sống. Hiện nay di hài 400 năm tuổi của ngài vẫn còn nguyên và được lưu giữ tại Goa, Ấn Độ

Thánh Francis Xavier

Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các hiện tượng này, nhưng theo một hướng khác tuy nhiên vẫn chưa có lời giải.
Một giả thiết được đưa ra là trong những điều kiện môi trường, vật chất khá đặc biệt (như nhiệt độ, độ ẩm, yếm khí), vi khuẩn bị tiêu diệt làm quá trình phân rã theo tự nhiên không thể thực hiện.
Gia Bảo tổng hợp

Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc