Sự Trưởng Thành Của Các Xứ Truyền Giáo

Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo – Chương 20: Sự Trưởng Thành Của Các Xứ Truyền Giáo

CUỘC LỮ HÀNH ÐỨC TIN

LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Chương 18: SỰ TRƯỞNG THÀNH CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO

(Thế kỷ XIX-XX)

 

 

PhatDiem-Sự Trưởng Thành Của Các Xứ Truyền Giáo         

 

I. VIỆC TRUYỀN GIÁO THẾ KỶ XIX

 

1,1. Vận hội mới

 

Bước vào thời Trùng Hưng (từ 1815), người Anh chấm dứt quyền bá chủ đại dương, nhưng họ tiếp tục cạnh tranh với người Pháp về thương mại, thuộc địa cũng như việc truyền giáo. Thành công của các nhóm Tin Lành Anh đầu thế kỷ XIX, cũng góp phần thúc đẩy các thừa sai Công giáo. Việc thuyền bè chạy bằng hơi nước và việc đào kênh Suez (1869) đã rút ngắn hành trình đi truyền giáo. Khát vọng trùng hưng tôn giáo với sự hỗ trợ của nền văn học trữ tình, đã thắp lên nơi người tín hữu ngọn lửa truyền giáo hăng say : khởi đầu là cuốn “Tinh hoa Kitô giáo” của Chateaubriand (1802), đến việc tái bản “Những bức thư xây dựng và lý thú”; đến “Annales” của hội Truyền bá Đức Tin (từ 1823, phát hành 178.000 bản năm 1846) và báo “Mission Catholiques” (từ 1868). Tính đến 1919 có khoảng 380 tạp chí góp phần cổ võ sứ vụ cao cả này.

 

Nói chung các thừa sai ra đi để lo “phần rỗi cho các dân còn ngồi trong bóng tối sự chết”. Họ hăng hái đến với “man dân” bằng cảm hứng của các Tông đồ thời Giáo hội sơ khai ; Có người mong lập những miền Kitô mới, không bị tục hóa như Âu Châu. Vì nghĩ rằng Âu Châu là trung tâm văn minh, nhiều người ra đi với tâm trạng đến khai hóa cho dân bản xứ, thương xót “con cháu họ Cam” bị bán làm nô lệ, họ nỗ lực để khai hóa, văn minh hóa, nhân bản hóa bằng trường học và các viện cứu tế … Đến khi có bách hại một số thừa sai ra đi để “tử đạo” nữa !

 

Ngoài ra, thế kỷ XIX cũng là giai đoạn bành trướng thuộc địa của các nước Âu Châu. Ngày nay ta không sợ “xì-căng-đan” khi thấy nhiều nhà truyền giáo vừa phục vụ tôn giáo vừa phục vụ tổ quốc mình. Đó là điều đáng tiếc nhưng cũng khó mà tránh khỏi giữa lúc phong trào quốc gia cực đoan ở Âu Châu đang lên, lúc mà chính nước Tòa Thánh cũng đang bị xâm chiếm. Dầu sao Thánh Bộ Truyền Giáo cũng khá độc lập trong việc đặt giám mục và phân phối thừa sai (như ở Việt nam các thừa sai Tây Ban Nha vẫn tiếp tục phụ trách địa phận Đông đàng ngoài). Một mình đức Gregorio XVI (1831-46) thành lập thêm 70 giáo phận mới. Trong không ít trường hợp, các thừa sai mạnh dạn tố cáo những lạm dụng của thực dân.

 

1,2. Nhân sự, phương pháp

 

Nét đặc biệt của việc truyền giáo từ thế kỷ này là sự tham gia của đông đảo quần chúng. Để tài trợ cho các thừa sai, chị Pauline Jaricot cổ động phong trào “mỗi tuần một xu cho truyền giáo”, tổ chức ân nhân thành từng nhóm 10, 100, 1000. Đó là nguồn gốc hội Truyền Bá Đức Tin ở Lyon(1822) sau được dời trụ sở về Roma (1922). Nếu năm 1822 hội mới chỉ thu được gần 23.000 francs thì 1846 hội thu được hơn 3,5 triệu từ 475 địa phận. Năm 1843, đức cha Forbin Janson lập hội Thánh Nhi (Sainte Enfance) nhằm giúp các trẻ em xứ truyền giáo. Sau này hai mẹ con bà Bigard cổ võ hội từ thiện giúp lập chủng viện (1893) được đức Pio XI dời trụ sở về Roma, hội mang tên hội “Thánh Phêrô”.

 

Nhân sự truyền giáo thời này cũng rất hùng hậu. Không kể những đoàn truyền giáo cũ như thừa sai Paris, Lagiarist, dòng Chúa Thánh Thần ; không kể những dòng lớn như Dòng Tên, Phanxicô, Đa Minh …, nhiều hội dòng bắt đầu tham gia việc truyền giáo. Điểm mới mẻ của thế kỷ này là có thêm những Dòng chuyên việc truyền giáo : 53 dòng nam, 200 dòng nữ. Phái nữ cũng không chịu thua phái nam trong sứ vụ. Họ thường chuyên trách việc giáo dục, bác ái và từ thiện. Những dòng đến Việt Nam, ta thấy có dòng Thánh Thể do thánh Phêrô Eymard (1856), Dòng Đức Bà truyền giáo do Mẹ Maria Thánh Tâm (1861), Dòng Phaolô Thiện Bản (1873), Dòng nữ Phanxicô Thừa sai Đức Mẹ do Mẹ Maria de la Passion (1877).

 

Về phương pháp : đa số các thừa sai xuất thân từ những vùng nông thôn (Pháp, Áo, Tây Ban Nha, Ba Lan) … nên các vị thích nghi với quần chúng địa phương khá dễ dàng. Thường các vị nhấn mạnh những lễ nghi trang trọng gây ấn tượng. Các thừa sai nỗ lực nghiên cứu ngôn ngữ địa phương. Các ngài dùng trường họclàm phương tiện đặc biệt để phổ biến văn minh Âu Châu và đức tin, kèm theo những nỗ lực phục vụ nhân đạodành cho mọi người. Nhờ nguồn tài trợ vật chất và y tế từ Âu Châu, các vị tổ chức những công cuộc từ thiện. Cuối thế kỷ, ta thấy một hình thức hiện diện mới của cha Charles de Foucauld (+1916) sống ẩn dật tại sa mạc Sahara, ngài rao giảng bằng chứng từ đời sống và chia sẻ với tha nhân đến mẩu bánh cuối cùng, đặt nền tinh thần cho các tu hội Tiểu Đệ và Tiểu Muội.

 

Hiệp thông với những ưu tư của các thừa sai ở Châu Phi, đức Gregorio XVI kết án việc buôn nô lệ năm 1839. Năm 1845, ngài đưa ra những mệnh lệnh rất cụ thể về việc thiết lập Giáo hội địa phương : “Phải hủy bỏ tập tục chỉ chấp nhận một hàng giáo sĩ bản xứ phụ thuộc. Những người làm việc cho Tin Mừng, dù thuộc xứ nào, đều bình đẳng. Mong các nhà truyền giáo đừng pha mình vào việc chính trị và phàm trần”. Yêu cầu lập hàng giáo sĩ bản xứ của ngài được Công Đồng Vatican I tái khẳng định, thế nhưng lại chưa được tuân thủ. Người Âu Châu vốn tự hào mình trồi vượt về kinh tế lẫn trí thức nên phải sang thế kỷ sau mới có các giám mục địa phương.

 

1,3. Đến các Giáo hội trưởng thành

 

Để tách khỏi ảnh hưởng các cường quốc, Tòa Thánh thiết lập nhiều Tòa Khâm sứ với những đại diện trực tiếp của giáo hoàng, phụ trách vấn đề tôn giáo. Khởi đầu tại Ấn Độ (1884), rồi đến Hoa kỳ, Canada (1898), Trung Hoa (1922), Đông Dương (1925)… Đức Pio IX và đức Lêô XIII hỗ trợ tích cực các chủng viện địa phương. Thế nhưng, phải sau thế chiến thứ nhất Tòa Thánh mới thành công trong việc đặt giám mục bản quốc.

 

Sau thế chiến, nhiều hội dòng mất phương tiện hoạt động, nhiều thừa sai trẻ đã chết trong quân ngũ, các nguồn tài trợ suy giảm, sự chia rẽ giữa các nước Âu Châu đã tHồi lên lòng ái quốc đấu tranh cho độc lập của những nước thuộc địa. Đức Benedicto XV trong thông điệp Maximum Illud (1919) đã thẳng thắn phê phán các thừa sai “đã quên chức năng của mình, lo cho lợi ích quốc gia mình hơn là Nước Trời… Thái độ đó giống như bệnh dịch trong việc Tông đồ”. Ngài kêu gọi lương tâm trách nhiệm các thừa sai phải giới thiệu những giám mục “bản xứ”.

 

Đức Pio XI cương quyết hơn, ngài củng cố vai trò Bộ truyền giáo, tổ chức triển lãm các thành quả truyền giáo (1925), thiết lập ngày Khánh Nhật truyền giáo (chúa nhật thứ ba tháng 10) và đặt thánh Têrêxa Hài Đồng làm bỗn mạng các xứ truyền giáo. Thông điệp Rerum Ecclesiae 1926 nói rõ lập trường của Ngài : phải có hàng giáo sĩ địa phương để tự đảm trách Giáo hội mình. Ấn Độ có giám mục tiên khởi 1923. Ba năm sau, đức Pio XI đích thân tấn phong sáu giám mục Trung Hoa. Nhật Bản có giám mục tiên khởi 1927, Việt Nam 1933. Năm 1939, đức Pio XII tấn phong hai giám mục da đen người Ouganđa và Malgache. Thời điểm này, 48 địa phận đã được trao cho các giám mục bản quốc.

 

Vấn đề hội nhập văn hóa cũng được nhắc nhở nhiều nhưng vẫn chỉ mới có những bước dò dẫm tìm tòi. Nhà thờ Phát Diệm (1891) với kiến trúc Á Đông là trường hợp họa hiếm. Hầu hết ảnh tượng, kiến trúc ở xứ truyền giáo nặng ảnh hưởng Tây phương. Việc giữ lễ nghi dân tộc Nhật được cho phép năm 1936, Trung Hoa năm 1939, Ấn Độ 1940 đã giúp Tin Mừng đến với dân Á châu dễ dàng hơn.


II. GIÁO HỘI TRÊN CÁC ĐẠI LỤC

 

2,1. Châu Đại Dương

 

Những cuộc thám hiểm của Cook đã mở đường cho các nhà truyền giáo Tin Lành (1779). Người Công giáo đến Châu Đại Dương từ 1827 : các cha dòng Thánh Tâm (Picpus) phụ trách các đảo phía Đông, các cha dòng Marist ở phía Tây. Có một số xung đột với anh em Tin Lành như vụ Pritchard tại Tahiti 1830. Cha Damien dòng Picpus, đã hiến trọn đời phục vụ những người bệnh phong ở Molokai, Hawai và chết vì lây bệnh (+1889). Cha Chanel dòng Marist tử đạo tại Futuna (+1841).

 

Năm 1970, Châu Đại Dương có 3,9 triệu tín hữu trên 18 triệu dân, chiếm 21% với 2 hồng y, 63 giám mục. Riêng Giáo hội Úc, bắt đầu được rao giảng từ 1820, nhưng lại đón nhận các di dân da trắng, đông nhất là người Ái Nhĩ Lan, nên mới năm 1842, đã có ba giám mục, 2 triệu tín hữu. Năm 1970, riêng Úc có 2,8 triệu tín hữu (23%) với 1 Hồng y, 35 Giám mục.

 

2,2. Châu Phi

 

Thế kỷ XIX, việc truyền giáo tại châu Phi gần như phải khởi sự lại từ đầu. Pháp chiếm Algérie năm 1830. Các thừa sai Paris đến Lesotho từ 1833. Nhiều dòng tu mới hướng về Phi Châu : nữ tu dòng Thánh Giuse của Mẹ Javouhey (1818), Dòng Thánh Tâm đức Maria của cha Libermann (1841), Hội thừa sai Phi châu từ Lyon của đức cha Brésillac (1856)… Trên đường đi sâu vào nội địa, trên 400 thừa sai sau vài tháng hoạt động đã chết vì bệnh đặc biệt là bệnh sốt rét vàng da. Phi châu trở thành mổ chôn nhiều nhà truyền giáo.

 

Người có công nhất với Phi châu là Hồng y Lavigerie, người Pháp. Ngài sáng lập dòng các “Cha Trắng” (1868) và các “Sơ Trắng” (1869). Các cha Trắng đã đến vùng Đại Hổ năm 1878 lập các địa phận Ouganda, Congo Nam và Bắc. Hồng y Lavigerie chủ trương dùng người Phi cảm hóa người Phi, lập các làng Công giáo với các gia đình gổm các trẻ mổ côi được học đạo từ bé. Ngài chống lại việc Âu hóa người Phi, và kêu gọi các thừa sai theo gương thánh Phaolô trở nên Hy lạp với người Hy lạp. Ngài đi diễn thuyết nhiều nơi chống việc buôn bán người da đen, lập tại Pháp hội chống nô lệ, xây cất những làng riêng đón nhận dân nô lệ tìm tự do. Năm 1886, tại Ouganda có Lwanga và 150 tín hữu đã can đảm đỗ máu vì đức tin (thánh Lwanga và 22 bạn tử đạo được tôn phong năm 1964).

 

Năm 1970, Công giáo tại Phi châu có 31,8 /328 triệu dân, tức 9,8%.Giáo dân nhiều ở Trung Phi (27%) rồi đến Đông Phi (18,5%). Miền Bắc Phi nằm trong vùng Hồi Giáo như Negeria, Ethiopie, Ai Cập chỉ độ 1%. Ngược lại tại vài nước Nam Phi, nơi xảy ra chuyện phân biệt chủng tộc thì lại có tỷ lệ rất cao, từ 40 đến 50% (như Burundi, Gabon, Angola, Congo). Hiện Châu Phi có một giáo chủ ở Carthago, 7 hồng y, 310 giám mục.

 

2,3 Châu Mỹ

 

Cuộc di dân của người Ái Nhĩ Lan đến Canada đã làm cho Giáo hội gốc Pháp ở đây phát triển nhanh chóng. Từ 1852, dân Canada truyền giáo cho vùng Bắc cực, thế nhưng đến năm 1945 cũng mới chỉ có khoảng 2000 tín hữu Esquimo. Đầu thế kỷ XX, Canada có 2,2 triệu tín hữu. Đến 1970 con số tăng lên 8,6 trên 19,5 triệu dân, tức 46%với 3 hồng y, 81 giám mục. Canada có nhiều đại học Công giáo lớn như Québec (1852), Ottawa (1856), Montréal (1876) và Sherbrooke (1975).

 

Hoa Kỳ vốn là Hợp Chủng Quốc đã mở cửa đón những phái Baptistes, Méthodistes và nhiều hệ phái Tin Lành khác. Thời Hoa Kỳ độc lập (1776) người công giáo mới chỉ có 3%. Tòa Giám mục đầu tiên ở Baltimore được lập năm 1789. Đến 1850, Hoa Kỳ đã có 27 địa phận. Năm 1970 số tín hữa Hoa Kỳ là 48 / 204 triệu dân, chiếm23%với 10 hồng y, 275 giám mục. Các đại học Công giáo chính Georgetown (1791), Washington (1889), Niagara (1956) và Chicago (1957). Số Công giáo da đen Hoa Kỳ có khoảng 800.000 (1970) với 185 linh mục và khoảng 1.300 tu sĩ nam nữ.

 

Các quốc gia Châu Mỹ  La Tinh dành lại độc lập từ 1800-1824, nhưng một thiểu số dân da trắng thường nắm hết các quyền trong tay. Trong khoảng từ 1853-62, đức Pio IX ký các thỏa hiệp với những nước này nhận Công giáo là quốc giáo, thế nhưng hầu hết các thỏa ước bị vi phạm vì phong trào tục hóa (tách biệt đạo đời, tịch thu tài sản. Năm 1970, Châu Mỹ  LaTinh có trên 600 giáo phận, với trên 200 triệu tín hữu (90%)

 

2,4. Châu Á

 

Nước Nhật cấm đạo đã hơn hai thế kỷ. Năm 1854, khi các thừa sai bắt đầu trở lại mảnh đất Phù Tang, các ngài còn thấy gần 20.000 tín hữu ở Nagasaki. Tổ tiên cha ông họ đã rửa tội, dạy kinh và chỉ cho họ ba dấu hiệu để nhận ra các thừa sai : độc thân, hiệp nhất với giáo hoàng Roma và sùng kính Trinh Mẫu Maria. Năm 1868, khoảng 8.000 tín hữu Nhật phải lưu đày. Nhưng năm 1873, do áp lực các cường quốc Tây phương, họ lại được tự do. Tuy nhiên năm 1970, Nhật mới có 340 ngàn tín hữu trên 100 triệu dân (0,3%).

 

Nước Triều Tiên có Giám mục Đại diện Tông Tòa từ 1831, nhưng lại chịu bách hại liên tục đến 1885, khi đó Triều Tiên mới có 11.000 tín hữu. Năm 1936, dưới thời đô hộ của Nhật, số tín hữu tăng lên 128.000 chiếm 0,6% dân số. Sau khi Nhật thua trong đệ nhị thế chiến, Triều Tiên chia đôi. Tín hữu Bắc Hàn năm 1970 là 60.000 (0,6%) còn Nam Hàn 167.000 (2,5%) với 1 hồng y và 14 giám mục.

 

Tại bán đảo Ấn, trực thuộc Roma từ 1833-38, Tòa Thánh khá cương quyết giải tán bốn địa phận chính tòa lệ thuộc người Bồ Đào Nha, để đặt các Đại diện Tông Tòa. Tình trạng “ly giáo Goa” kéo dài đến 1929. Dầu làm việc trên mảnh đất của Ấn giáo và Hồi giáo (240+77 triệu), Giáo hội vẫn phát triển. Sau ngày dành độc lập 1947, bán đảo chia thành hai nước Ấn Độ và Hồi Quốc. Thống kê 1970 :

 

Tại Ấn : 7.800.000 tín hữu, 1,5%, 2 hồng y, 74 giám mục

Tại Hồi Quốc : 422.000, 0,3%, 8 giám mục

Tại Tích Lan : 829.000, 7% , 1 hồng y, 10 giám mục

 

Tại vùng Trung Đông, quê hương của Hồi Giáo, số tín hữu còn ít hơn. Các nước Ả-rập, Afganistan, Yemen hầu như không có ai; Iran, Thổ Nhĩ Kỳ 0,1%; Pakistan 0,4%; đảo Chypre 1%, Israel, Koweit 1,5%; nhiều hơn là ở Irak 3%; Jordanie và Syrie 4,3%; riêng Liban thuộc địa Pháp có đến 30% Công Giáo.

 

Trong vùng Đông Nam Á : đứng đầu là Phi Luật Tâncó 26,8 / 32 triệu dân, chiếm 83% (1970) với 2 hồng y, 61 giám mục. Thứ nhì là Việt Nam : 2,5 / 38 triệu dân, tỷ lệ 6,5% (1970).

 

Miến Điện             : 237.000

Thái Lan               : 139.000   : 0,4 %   : Đa số gốc Việt.

Cam-bốt                : 62.000     : 0,9      : Đa số gốc Việt.

Lào                       : 32.000     : 1,2

Hồng-Kông            : 230.000   : 6,0

Singapour              : 5.000       : 2,5

Malaysia               : 245.000    : 2,5

Macao                  : 36.000      :13,6

Indonesia              : 1.753.000 : 1,5

 

Trung Hoa thế kỷ XIX có ba giai đoạn : trước 1860 xảy ra việc bách hại, trục xuất các thừa sai trong bối cảnh chiến tranh với các cường quốc. Sau 1860 Giáo hội được quyền giảng đạo dưới sự “bảo trợ” của Pháp. Nhưng từ năm 1900 nhờ lòng ái quốc của tín hữu chống Nhật bản, nhờ việc thay thế giáo sĩ bản xứ, đạo mới thực sự tự do tiến tới việc thành lập hàng giáo phẩm năm 1946 (Hồng y Tôma Tien). Năm 1949 Trung Hoa có 3,3 triệu tín hữu mà một phần ba dưới quyền giám mục Trung Hoa.

 

Ngày 20-11-1950 Trung Quốc phát động phong trào TAM TỰ LẬP (về điều khiển, tài chánh và truyền bá). Năm 1952, Trung Quốc chỉ còn 537 thừa sai ngoại quốc (trước có 3.000); 7 Giám mục và khoảng 1.000 linh mục tu sĩ Trung Hoa bị trục xuất. Tiếp theo là phong trào tục hóa. Đức Pio XII năm 1954 ra một thông điệp cấm tham gia Tam Tự Lập. Năm 1957, Hội Công giáo Ái Quốc ra đời, tổ chức bầu giám mục và xin Roma phê chuẩn. Tháng 6-1958, đức Pio XII kết án đích danh hội Ái Quốc.

 

Thế nhưng ngay năm sau, đức Gioan XXIII đã tìm cách liên lạc lại với giáo hội Trung Hoa. Năm 1980, hồng y Etchegaray đã được mời đến thăm Bắc Kinh, sau đó là tổng giám mục Koening giáo phận Vienne. Con đường bình thường hóa quan hệ đang mở ra trong tương lai. Trong khi đó ở Đài Loan số tín hữu khoảng 304.000 (2,4%) năm 1970 với 2 hồng y, 10 giám mục.

 

Tổng số tín hữu Á châu năm 1970 là 43,8 triệu trên 1,9 tỉ dân, tức 2,4% với 7 Thượng phụ giáo chủ, 9 hồng y, 345 giám mục.


III. VIỆC TRUYỀN GIÁO NGÀY NAY

 

3,1. Quan điểm mới về truyền giáo

 

Do những biến chuyển thần học, việc truyền giáo ngày nay được diễn đạt bằng hai thành ngữ loan báo Tin Mừng và Phúc âm hóa. Tin Mừng của Thiên Chúa không chỉ là phần rỗi đời sau. Nước Trời bình an, hòa thuận và yêu thương do đức Kitô mang đến đã khởi sự từ trần gian. Mọi tín hữu đều có ơn gọi “ngôn sứ”, nghĩa là loan báo về Tin Mừng mình đã đón nhận và làm cho môi trường mình đang sống gần gũi hơn với Nước Trời của Đức Kitô. Do đó :

 

Việc truyền giáo không hạn chế trong những miền truyền giáo, mỗi tín hữu đều phải nỗ lực phúc âm hóa bản thân, xứ đạo, cộng đoàn mình đang sống.

 

Tham gia trong lãnh vực nghệ thuật, khoa học, triết học, kêu gọi tình người không chỉ là chuẩn bị mà đã là giai đoạn đầu của phúc âm hóa rồi (Tông Huấn Loan báo Tin Mừng, số 51).

 

Đấu tranh xây dựng một xã hội công bằng bác ái hơn, góp phần cho cha trị đến, cũng là một sứ mạng Tông đồ.

 

Tuy lương tâm con người bó buộc phải theo chân lý, thế nhưng lời nói và đời sống chúng ta có phải là chứng tá đích thực của chân lý Tin Mừng chưa ? Việc truyền giáo đích thực không chỉ dừng ở chỗ tăng số người rửa tội mà là có những con người tự do nguyện đáp lại lời Thiên Chúa mời gọi.

 

Giáo hội ngày nay, không tự coi mình như “chiếc tàu Noe” ai ở ngoài sẽ bị chết đuối, nhưng muốn trở thành một “Dấu Chỉ” cho thấy Thiên Chúa đã cứu độ con người. Tin Mừng đã có đó. Phải loan báo Tin Mừng, bằng cách giới thiệu về một Đấng tuy lạ mà lại quen, ngay trong cuộc sống. Dụ ngôn người Samaritano và cuộc phán xét trong Matthêu (chương 25) cho ta thấy “có người tưởng ở trong nhưng lại ở ngoài Giáo hội, và ngược lại, có người tưởng ở ngoài nhưng đã ở trong”. Tông huấn Đấng Cứu chuộc Loài người (1979, số 13), khẳng định “Mỗi người (cụ thể, lịch sử) đã bao hàm trong mầu nhiệm cứu chuộc. Đức Kitô đã kết hợp với từng người mãi mãi … Cũng như 4 tỉ con người đang sống trên hành tinh này, từng người một đã được tham dự vào Đức Kitô ngay giây phút thành thai bên trái tim mẹ mình”.

 

Đứng trước một nền văn hóa, một tôn giáo khác, nhà truyền giáo phải biết tìm kiếm lắng nghe, bởi vì Thiên Chúa “đã gieo cấy đây đó vô số hạt giống Lời Chúa” (LBTM, s.53). Ngay cả trong thế giới vô tín vô thần : “không thể phủ nhận có những cánh cửa mở rộng chờ đón Kitô giáo, có những giá trị Tin Mừng” (LBTM, số 55). Nhà truyền giáo không có quyền áp đặt một văn hóa xa lạ nhưng phải biết hội nhập vào bối cảnh văn hóa cụ thể. Hơn thế nữa, Giáo hội nói chung vẫn đang mong chờ sự đóng góp suy tư của các nhà thần học tại các lục địa Á Châu, Phi Châu, Úc Châu và Mỹ Châu … sử dụng văn hoá riêng góp phần cho thần học của thế giới.

 

3,2. Tình hình Giáo hội tại các Lục địa

 

Dựa vào bộ “Théo-Nouvelle Encyclopédie Catholique”, Fayard 1989, tr.168, ta có bản thống kê mức độ tăng giảm số tín hữu 1975-1985 so với dân số lục địa và số tín hữu như sau

 

a/ Số phần trăm dân số và tín hữu gia tăng

 

Lục địa Dân số Công giáo So sánh
Phi châu +38,47 +49,72 +11,25
Mỹ châu +20,00 +23,84 +03,84

Bắc Mỹ

+11,91 +13,01 +01,10

Nam Mỹ

+26,00 +26,01 +00,01
Á châu +24,87 +37,17 +12,30
Âu Châu +05,13 +06,15 +01,20
Úc châu +15,87 +23,28 +07,41
Tổng số +22,2 +20,06 – 02,14

 

Dân số thế giới 1975 đến 1985 tăng từ 3,942 tỉ đến 4,817 tỷ nên tăng 22,2%. Số tín hữu từ 710 đến 852 triệu, chỉ tăng 20%. Do đó tỉ lệ tín hữu với dân số thế giới từ 18% (1975) giảm còn 17,7 % (1985). Lý do vì lục địa đông dân nhất là Á châu (60%) chỉ có 2,5% là công giáo.

 

b/ Số liệu tín hữu, linh mục năm 1985

 

Lục địa

DÂN SỐ /ngàn

Tín Hữu /ngàn

% so với lục địa

% so với Giáo hội

Số 
linh mục


linh mục

Phi châu 555.236 72.658 13,1 8,5 18.058 4,5
Mỹ châu 667.045 442.663 63,4 49,6 118.898 29,5
Bắc Mỹ 264.766 64.475 24,35 7,6 68.942 17,1
CMLTinh 402.299 358.188 89,03 42 49.956 12,4
Á Châu 2.873.649 72.141 2,5 8,5 28.638 7,1
Âu Châu 697.168 278.047 39,9 32,6 232.372 57,6
Úc châu 24.442 6.444 26,4 0,7 5.514 1,3
TỔNG 4.817.560 851.953 17,7 % 100 % 403.480 100 %

 

Qua vài số liệu trên ta thấy : điểm nóng của Giáo hội hiện nay là Châu Mỹ La Tinh, chỉ vài thập niên nữa họ sẽ chiếm một nửa số tín hữu hoàn cầu đang khi số linh mục lại quá ít, một linh mục cho 7.170 tín hữu. Ngoài ra, Á châu chúng ta vẫn là khu vực truyền giáo quan trọng do tỉ lệ còn thấp, trong khi 2/3 tín hữu Á châu lại tập trung ở Phi Luật Tân. Thế nhưng mức độ gia tăng tín hữu nhanh tại Phi châu và Á châu hứa hẹn trong tương lai sẽ tăng tỉ lệ cân đối hơn. Dầu sao cũng cần phải lưu ý, số tín hữu là một chuyện, số Kitô hữu đích thực sống đạo thấp hơn nhiều.

NÊN BIẾT : THỐNG KÊ CÁC TÔN GIÁO LỚN – (NĂM 1985)

Théo-Nouvelle Encyclopédie Catholique, Fayard, tr.138

 

 

Tín đồ

% Thế giới

Công giáo

850 triệu

17,7 %

Chính Thống

150 triệu

3 %

GH. Ðông Phuong cũ

d? 30 triệu

0,6 %

Anh giáo

65 triệu

1,4 %

Tin Lành

350 triệu

7,3 %

Các phái Kitô khác

150 triệu(?)

3 %(?)

Kitô giáo

1.600.000.000

33 %

Do Thái

17 triệu

0,3 %

Hồi giáo

840 triệu

17,6 %

Ðộc Thần

2.450.000.000

51 %

Ấn Ðộ giáo

600 triệu

12,5 %

Phật giáo

300 triệu

6,3 %

Khổng giáo

300 triệu

6,3 %

Thiền đạo

70 triệu

1,5 %

Lão giáo

55 triệu

1,1 %

Các đạo khác

300 triệu(?)

6,3 %

 

Như vậy số Kitô hữu (các nhóm tuyên tín) khoảng 1,6 tỉ chiếm trên 30 %.

 

Số tín hữu độc thần chiếm một nửa dân số toàn cầu (51%).

 

Các tôn giáo không thờ độc thần khoảng 1,4 tỉ chiếm gần 30% .

 

Như vậy số người vô thần hiện vào khoảng gần 1 tỷ chiếm 22%.


TOÁT YẾU

 

Công cuộc truyền giáo thế kỷ XIX có những bước tiến nhảy vọt. Việc Giáo hội nghèo đi sau cuộc cách mạng Pháp đã tạo cơ hội cho tín hữu Âu Châu ý thức trách nhiệm với đại cuộc qua Hội Truyền bá Đức tin, hội “Thánh Nhi” và hội “Thánh Phêrô”. Nền văn học truyền giáo đã gây nên một phong trào, hàng ngàn thừa sai rời bỏ quê hương và tiện nghi đi loan báo Tin Mừng cứu độ.

Ngoài những đoàn thừa sai cũ, nay có thêm khoảng 250 hội dòng nam và nữ mới, chuyên việc đi truyền giáo. Về phương pháp : ở giai đoạn này, Giáo hội lưu tâm đặc biệt đến việc nâng cao đời sống văn hóa, y tế cho dân địa phương. Các thừa sai đã để lại những mẫu gương sáng chói về bác ái như cha Đa-miêng Tông đồ người phong cùi ở châu Đại Dương; đức cha Lavigerie chống việc buôn nô lệ ở Phi châu, hoặc chứng tá âm thầm của cha Foucauld ở sa mạcSahara.

 

Tuy nhiên cũng phải khá lâu các thừa sai mới thoát khỏi não trạng “khai hóa, dạy dỗ” để thực sự khích lệ những giáo hội địa phương trưởng thành. Trong đó ta phải ghi công đặc biệt đức Pio XI, ngài đưa ra những chỉ thị cụ thể và tấn phong nhiều giám mục tiên khởi cho Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam … Việc hội nhập văn hóa sẽ được đặt ra nghiêm túc hơn trong thế kỷ XX, thế nhưng con đường vẫn còn dài. Bốn, năm thế kỷ đón nhận Tin Mừng của Á-Phi và châu Mỹ  La Tinh tuy chẳng là bao so với những tôn giáo lâu đời ở đây, nhưng quả thật, đã đến lúc những Giáo hội này phải ý thức trách nhiệm đóng góp cho Giáo hội toàn cầu.

 

Vài số liệu đáng nhớ :

 

Lục địa

Phi Châu

Bắc Mỹ

Nam Mỹ

Á Châu

Âu Châu

Úc Châu

Số tín hữu (triệu)

72,6

64,4

358,2

72,1

278

6,4

% với lục địa

13,1

24,3

89,0

2,5

29,9

26,4

% với Giáo hội

8,5

7,6

42,0

8,5

32,6

0,7

 

BÀI ĐỌC THÊM

VĂN HỌC TRỮ TÌNH KITÔ GIÁO

 

… Những kẻ sùng bái thần tượng chưa có dịp biết đến niềm hăng say thôi thúc nhiệt tâm của các nhà tông đồ Tin Mừng. Ngay cả những hiền triết cổ thời, đâu có ai dám rời bỏ những con đường hàn lâm (Académus) đầy bóng mát và những khoái lạc say mê của thành Athènes, để lên đường theo tiếng gọi thôi thúc cao cả, ra đi giáo hóa người mọi rợ, dạy dỗ kẻ dốt nát, chữa trị cho bệnh nhân, cho người nghèo có áo mặc, gieo rắc tình thân và hòa bình giữa các quốc gia đang thù nghịch : đó là điều mà những tu sĩ Kitô giáo đã làm và hiện đang làm hằng ngày.

 

Biển cả, bảo táp, giá rét miền bắc cực, nắng cháy vùng nhiệt đới, không có gì cản được bước chân họ : các vị chung sống với người Es-ki-mô trong túp lều da hải mã của họ; nuôi mình bằng dầu cá mập với người ở Băng đảo ; rong ruỗi trong những vùng hoang quạnh với thỗ dân Tartare hay Iroquois ; cỡi lạc đà một bướu với người Ai Cập; theo chân người Châu Phi (le Cafre) vào những sa mạc khô cằn. Người Trung Hoa, người Nhật, người Ấn Độ đã trở thành những tân tòng ; không còn một hoang đảo hay rẻo đất nào trên đại dương mà chưa có bước chân hăng say của các vị đặt đến; và nếu như xưa kia, nhiều vương quốc bị khuất phục do bạo lực của Alexandre (Đại đế), thì nay địa cầu này được các ngài khuất phục bằng lòng bác ái.

(CHATEAUBRIAND, Tinh hoa Kitô giáo 1802, Phần IV, Tập 4, ch.1. 
JC, Để đọc LSGH, II,tr.148)

VIỆC TRUYỀN GIÁO THEO ĐỨC GREGORIO XVI

 

… Thực vậy, chư huynh phải làm hết sức, đây là một trong những trọng trách quan trọng nhất, để các kitô hữu địa phương được gia nhập hàng giáo sĩ và lãnh chức linh mục (…). Phải khẩn cấp mở ngay những chủng viện để tất cả những thanh niên nào có ơn gọi linh mục, được huấn luyện nghiêm túc trong thời gian cần thiết, học hỏi các Thánh khoa… Có thế người ta hiểu được ước muốn của Tòa Thánh lâu nay là muốn có những linh mục xứng đáng chu toàn được các nhiệm vụ của giáo sĩ (…) và cũng để chuẩn bị cho chức giám mục (…). Ta bác bỏ và chớ gì người ta hủy bỏ thói quen coi giáo sĩ bản xứ vào loại giáo sĩ phụ. Những người thợ làm việc cho Tin Mừng, dù là người Âu Châu hay xứ nào đi nữa, cũng đều bình đẳng (…)

 

Mong sao các nhà truyền giáo chung sống giữa những người có tư tưởng chính trị khác nhau, đừng pha mình vào việc chính trị phàm trần. Mong sao họ đừng gắn bó với bất cứ đảng phái nào và đừng trở thành nhân tố gây chia rẽ trong nước …

 

Mong rằng người ta quan tâm thật sự đến những nỗ lực của các nhà truyền giáo trong việc tìm hiểu hiểu đời sống xã hội của những dân tộc này. Khi rao giảng giáo thuyết của Tin Mừng, các ngài đừng phủ nhận giá trị riêng những công trình lao động và nghệ thuật của các dân tộc này.

(Collectanea S.C Của Bộ Truyền Giáo, Tập I, trang 541-545).


PHÒNG THƯƠNG MẠI HAVRE

 

… Xét rằng những nhà truyền giáo đồng thời cũng thật sự là những nhà truyền bá cho tư tưởng Pháp ở các miền đất này. Họ mang lại sự trợ giúp quý báu cho những nhân viên thương mại và ngoại giao của chúng ta : nên không thể nào chối cãi được rằng đây là những đại diện của nền văn minh chúng ta qua nhiều thế kỷ, đã làm cho nước Pháp được biết đến và được yêu mến.

 

Xét rằng hiện nay, chính những nam nữ tu sĩ người Pháp đang đào tạo tầng lớp thượng lưu ở Nhật Bản, Trung Hoa và Thái Lan, ở những nơi đó, họ gần như là những đại diện duy nhất cho ngôn ngữ của chúng ta; đang khi nền giáo dục theo Anh ngữ ngự trị và cuối cùng sẽ thay thế hoàn toàn Pháp ngữ (…).

 

Xét rằng, một số các thừa sai Pháp này, hiện đã sống tại những khu vực đó từ 40 năm nay, không bao giờ trở về Pháp quốc nữa, bởi vì họ không còn nhà mẹ; vì Hội dòng của họ đã bị giải tán, người ta có thể quả quyết rằng, cùng với những nhà truyền giáo cuối cùng của Hội Dòng này, yếu tố ảnh hưởng của nước Pháp trong những nước đó cũng vì thế mà biến mất.

 

Xét rằng, nếu như luật lệ liên quan đến những Hội dòng này không thể thay đổi được trong lãnh thỗ của mẫu quốc, thì ít nhất nên cổ võ việc thành lập thêm trong những xứ thuộc địa những tu viện, nghĩa là cho phép việc huấn luyện tại nước Pháp những tập sinh của những Hội dòng đủ loại và đủ tôn giáo, miễn là những Hội Dòng này theo đuổi mục đích truyền đạt tư tưởng Pháp tại các xứ thuộc địa, hoặc tại hải ngoại, ở những nơi đó hoạt động đạo đức của họ cộng tác với hoạt động khai hóa của chính quyền (…).

Nay thỉnh nguyện : Xin chính phủ cho phép những Hội dòng các loại và thuộc các tôn giáo, được phép chiêu mộ tại tập sinh Pháp, nhằm trở thành những người truyền bá trên thế giới tư duy người Pháp và cổ võ cho ảnh hưởng đạo đức cũng như thương mại của Pháp.

 

Văn bản sau những đạo luật cấm các Hội dòng (1904-14)


HUYỀN THOẠI CHIẾC TÀU HÀNG TẠI TÂN GUINÉE

 

Từ khởi thủy, Anut (Chúa) đã tạo dựng trời và đất. Trên trái đất, Ngài ban sự sống cho các loài cây cối thảo mộc và động vật, rồi Ngài ban sự sống cho Adam và Evà. Ngài ban cho hai ông bà có quyền trên tất cả mọi vật trên trái đất và thiết lập vườn địa đàng cho hai ông bà sinh sống. Ngài còn bổ túc thêm cho công trình này bằng việc tạo nên và ban cho hai ông bà một chiếc tàu chở hàng : trong đó có chứa nào thịt, nào những vật dụng bằng thép, những bao gạo, hộp thuốc lá, hộp quẹt … nhưng chưa có loại quần áo bằng vải cô-tông. Trong một thời gian lâu, họ bằng lòng với những thứ ấy, nhưng sau cùng họ lại chống Thiên Chúa bằng cách có những tương quan tình dục với nhau. Thiên Chúa tức giận, đuổi họ ra khỏi vườn địa đàng và kết án họ phải lang thang trong rừng rậm. Ngài thu lại chiếc tàu hàng và bắt họ phải sống quãng đời còn lại với sự trợ giúp tối thiểu (…).

 

Thiên Chúa chỉ cho Noê cách đóng một chiếc tàu – đó là chiếc tàu chạy bằng hơi nước – như những chiếc tàu chúng ta đang thấy tại cảng Mađang. Ngài cho ông một cái nón, một sơ mi trắng, những quần “soọc”, giày và vớ nữa (…). Sau cơn hồng thủy, Thiên Chúa trả lại cho Noe và gia đình ông chiếc tàu hàng, như bằng chứng lòng nhân lành của Ngài với nhân loại (…). Sem và Japhet tiếp tục tôn kính Thiên Chúa và Noe, nên hưởng được những nguồn sung túc của chiếc tàu hàng. Họ đã trở nên tổ tiên giống dân da trắng, là những người đã biết sử dụng sự hiểu biết ngay thật. Nhưng “Cam” thì đần độn : nó khám phá sự trần truồng của cha nó (…). Thiên Chúa rút lại chiếc tàu của nó và gởi nó đến tận miền Tân Guinée, nó trở thành tổ tiên dân bản xứ tại đây.

 

Thiên Chúa đã phán với các nhà truyền giáo : “Anh em của chúng con ở Tân Guinée đang còn sống trong bóng đêm dầy đặc. Họ không có chiếc tàu hàng vì sự ngu dốt của “Cam”. Nhưng nay Ta thương xót và muốn giúp đỡ họ. Chính vì thế, các con, những nhà truyền giáo, các con hãy đến Tân Guinée giúp sửa lại lỗi lầm của Cham. Các con hãy đem con cháu của y về lại chính lộ. Khi nào chúng trở về với Ta, Ta sẽ gởi cho chúng chiếc tàu hàng, cũng một cách như hiện nay, Ta vẫn gởi cho chúng qua những người da trắng (…)”.

(Trích Peter LAWRENCE, (Le Culte du Cargo) – Fayard, 1974, trang 85 tt.)

KITÔ HỮU NHẬT NĂM 1865

 

Thứ sáu, 17-3 khoảng 12 giờ rưỡi trưa, độ 15 người có 3 phụ nữ, đứng trước cửa nhà thờ, tay đặt trên ngực, khẽ nói với tôi : – Lòng của chúng tôi đây, tất cả, không khác gì lòng của các ông đâu.

Một phụ nữ hỏi : “Ảnh Đức Thánh Maria đâu ? ” (…). Nhìn thấy tượng Đức Bà ẵm Chúa Hài Nhi Giêsu, họ nói tôi làm họ nhớ lại lễ Giáng Sinh mà họ vẫn cử hành vào tháng 11(…).

 

Có rất ít người biết công thức rửa tội (…) Họ thánh hóa ngày Chúa Nhật và những ngày lễ. Giai đoạn này họ đang giữ chay (…).Một người làm phép rửa (baptiseur) tên Phêrô, cho chúng tôi biết những chỉ dẫn quý báu nhất. Trước tiên, chúng tôi phải nói rằng, công thức ông ta làm phép rửa xem ra “thành sự” (…). Ông ta còn nói cho chúng tôi về chuỗi Mân Côi mà họ vẫn quen đọc như chúng ta vậy (…).

 

Sau cùng ông hỏi chúng tôi về vị lãnh đạo tối cao của nước Roma mà ông ta muốn biết tên. Khi chúng tôi cho ông biết vị đại diện chính thức của Chúa Giêsu Kitô, đức Piô IX, sẽ rất hạnh phúc khi được biết những tin vui mà ông và những kitô hữu đồng hương của ông đã cho chúng tôi biết, thì ông Phêrô để lộ ra niềm vui thật lớn lao. Dầu vậy, trước khi rời chúng tôi, Phêrô còn muốn được bảo đảm xem thật sự chúng tôi có phải là những người kế tục thực sự của những người truyền giáo xưa kia chăng. Ông rụt rè hỏi chúng tôi : – Các ngài có con cái gì không ?

 

– Chính ông và các anh em kitô hữu cũng như lương dân Nhật bản là con cái mà Chúa Nhân Lành đã ban cho chúng tôi. Còn về những người con khác, chúng tôi không có. Linh mục phải như những người truyền giáo trước đây giữ luật độc thân.

 

Sau khi nghe câu trả lời này, Phêrô và người bạn đi theo ông cúi sâu, trán sát đất hô lớn lên rằng : “Họ sống đồng trinh. Cám ơn ! Cám ơn !”

 

Hầu như tất cả mọi Kitô hữu đều theo một tổ chức như nhau. Trong đa số các làng, họ có hai vị lãnh đạo chính : vị thứ nhất gọi chủ sự việc kinh nguyện (…), vị thứ hai chuyên làm phép rửa tội (…).

(Trích F.MARNAS, La Religion de Jésus Ressuscités au Japon 
1896 Tập I, trang 487 tt.)

GIÁO HUẤN CỦA HỒNG Y LAVIGERIE

 

(…) Khi một linh mục tình nguyện đến vùng Phi Châu xích đạo, trước hết vị đó phải chấp nhận gánh vác những vất vả không thể tách rời khỏi việc truyền giáo, và không được viết thêm những lời than vãn của tiên tri Giêrêmia vào trong những lá thơ của mình. Để thành công trong việc biến đổi bộ mặt của Phi Châu (…) điều kiện trước tiên là phải đào luyện người Phi châu được tuyển chọn, đào luyện trong môi trường sao cho họ vẫn là người Phi. Nói chung, cho tới nay, người ta chưa thực hiện được điều này, và tôi phải nói điều đó, chúng ta đã sa lầy tại Alger (…).

 

Cần phải giúp cho những thanh niên Da Đen này, cả những người chúng ta muốn đào tạo làm giáo viên và giảng viên, sống tương đối đầy đủ theo hoàn cảnh Phi Châu, và nếu có thể được, một mức sống xứng đáng, giúp họ có ảnh hưởng tốt, được mọi người chấp nhận mà không chê trách, ngõ hầu họ có thể trợ giúp các nhà truyền giáo cách hữu hiệu, thay vì trở nên gánh nặng cho các ngài.

 

(Hồng y LAVIGERIE Ecrits d’Afrique
A. Humman sưu tập, Grasset, 1966, trang 177 tt.)


CẦN GẤP HÀNG GIÁO SĨ ĐỊA PHƯƠNG

(Maximum illud, 30-11-1919) Đức Bênêdictô XV

 

(…) Còn một điểm mà tất cả những vị lãnh đạo việc truyền giáo có bổn phận phải để tâm chú ý đặc biệt. Đó là việc tuyển mộ và huấn luyện hàng giáo sĩ bản xứ (…). Các giáo hoàng nài nỉ điều này để tránh xảy ra tình trạng đáng trách. Có những nơi, đạo Công giáo đã du nhập từ nhiều thế kỷ, thế mà tại đó, vẫn chỉ có hàng giáo sĩ bản xứ hoàn toàn phụ thuộc.

 

Cũng có nhiều dân tộc đã sớm được ánh sáng Tin Mừng soi chiếu, đã thoát khỏi đời sống man rợ để vươn lên đời sống văn minh, đã sản sinh ra những nhaân vật nổi tiếng, trong các lãnh vực nghệ thuật và khoa học, thế mà vẫn chưa thành công (sau nhiều thế kỷ hoạt động bác ái từ thiện của Phúc Âm và Giáo hội), để làm phát sinh những giám mục và linh mục có uy tín đối với những người đồng hương. Người ta phải nhận ra rằng, có cái gì thiếu sót hay sai lầm trong việc huấn luyện hàng giáo sĩ hoạt động truyền giáo (…).

 

Nỗi buồn của ta thật to lớn khi thấy trong những năm gần đây, ngành báo chí có những chủ biên tỏ ra ít hăng say với Nước Chúa so với những quyền lợi riêng cho nước họ. Điều làm cho ta ngạc nhiên, đó là họ không còn chút bận tâm để thấy rằng, thái độ như thế có thể làm cho tâm hồn lương dân xa lìa tôn giáo.

 

(…) Một vị thừa sai Công Giáo, không phải là một thừa sai của nước mình, mà phải là vị thừa sai của Chúa Kitô, các vị phải cư xử cách nào, để những ai đến gặp các vị lần đầu tiên, luôn thấy rõ ràng các vị là thừa tác viên của một tôn giáo không xa lạ đối với bất cứ đất nước nào. Bởi vì, tôn giáo này ôm ấp tất cả những ai “thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý ” và bởi vì trong tôn giáo này, “không còn phân biệt Hy lạp hay Do thái, cắt bì hay không cắt bì, dân mọi rợ hay dân Xythar, nô lệ hay tự do nữa, song chỉ có Chúa Kitô là tất cả và ở trong mọi người ” (Col 3,11).

(Trích Le Siège apostolique et les Missions, I trang 34 tt.)

LÒNG ÁI QUỐC TẠI TRUNG HOA

Thư gửi đức cha Reynauld, Ningpo, 18-9-1917.

 

(…) Những người Kitô hữu Trung hoa có quyền, mà hơn thế nữa, có bổn phận yêu nước cùng một cách như những kitô hữu Âu Châu và Mỹ Châu (…). Ấn tượng đã lưu lại trong con, một ấn tượng rõ rệt, sau 17 năm sứ vụ, đó là : trở ngại căn bản -con không nói là duy nhất – cản Nước Chúa hiển trị cho quần chúng tại đây, chính là vấn đề của quốc gia ; vì rằng, nói theo suy tư con người, trừ khi có phép lạ, hàng rào cản trở Giáo hội đó quả không thể vượt qua, mà chỉ có chúng ta mới xóa bỏ được thôi. Thế nên, nếu lòng ái quốc chân chính đáng khen ngợi, đã được ca tụng tại những Giáo hội Âu châu, thì cũng cần phải cổ võ lòng ái quốc như thế trong Giáo hội tại Trung hoa này, đó là một trong những điều kiện nhân bản không thể thiếu để đạo Công giáo đâm rễ trong lòng dân và lôi kéo được đại chúng về với mình.

Thưa đức cha, con quì gối và cúi đầu sát đất để nói điều này : trong 33 năm giám mục, đức cha đã huấn luyện được nhiều linh mục tốt và như người ta cho con biết, có cả những linh mục uyên bác và một vài vị xuất sắc nữa. Đức cha có bao giờ nghĩ đến rằng những người xuất sắc nhất, linh mục Soun chẳng hạn, không thể so sánh được với đức cha Favreau hoặc linh mục Lepers sao ? hoặc như linh mục Zi cũng có thể làm quản hạt lắm chứ ?

 

Nếu đức cha sợ những cộng sự viên người Âu không thể chấp nhận tuân phục một bề trên thuộc một dân khác chủng tộc, và như thế là coi thường họ sao ? Than ơi, chúng ta là linh mục, phải chăng, chúng ta không thể vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô, thực hiện điều những người Âu châu dân sự đã thực hiện, trên những tuyến đường sắt, khu vực hải quan, hay trong trường học chỉ vì lý do kinh tế ? Và như thế, việc chúng ta huấn luyện linh mục bản xứ, mãi mãi cũng chỉ nhằm chuẩn bị một hàng giáo sĩ phụ thuộc thôi sao (…).

Thơ của Cha Lebbe, Casterman, 1960, trang 136 tt.

GIÁO HỘI DUY NHẤT VÀ ĐA DẠNG

 

Suốt 12 năm lưu trú tại Ấn độ, những cuộc tiếp xúc với bạn bè thuộc Ấn giáo, càng củng cố cho tôi lối nhìn “Ơn Cứu độ toàn thể” của Chúa Kitô, ơn cứu độ ấy vừa phổ quát vừa duy nhất (…)

 

Có những kitô hữu đồng hóa ít nhiều vận mệnh thế giới với vận mạng của Kitô giáo, như trong 10 hoặc 15 thế kỷ đầu lịch sử Giáo hội. Họ không hề thấy rằng những dân tộc mới gia nhập Công giáo đã giúp Giáo hội gia tăng về số lượng và gia tăng ảnh hưởng rộng lớn hơn về mặt không gian : Sau thánh Tôma, Giáo hội vẫn chẳng học hỏi thêm sao, và sau công đồng Trento, các cơ chế không phải sửa đổi nữa sao ? Giáo hội phải đạt đến tầm vóc trưởng thành và ai bước vào Giáo hội, cũng là bước vào một đền thờ nơi đó không có một viên đá nào là dư thừa lệch lạc (…).

 

Trên bình diện mạc khải, ngay từ đầu Giáo hội đã có tất cả, nhưng trên bình diện phát triển, Giáo hội theo bình diện nhân loại, hay đúng hơn, đảm nhận và biến đổi nhân loại, thì chẳng có thế hệ nào là kết thúc cả (…) Giáo hội sẽ không chỉ nói như ở thời thánh Augustino rằng : “Ngôn ngữ của tôi là La Tinh,là Hi lạp, nhưng tiếng Syriaque cũng là của tôi”. Giáo hội sẽ thêm vào đó tiếng Phạn, tiếng Tamoul, tiếng Hoa… cùng với tất cả những gì mà các ngôn ngữ này mang lại, về tư tưởng cũng như tình cảm, mà đến nay chưa hề du nhập vào thế giới Địa trung Hải, Nhật Nhĩ Man và Slave (…)

 

Các nền linh đạo vẫn không ngừng triển nở, các cách thức để chiêm niệm, những công thức mới của mầu nhiệm, các dạng tôn kính và đời tận hiến, vẫn còn chờ đợi, và chắc chắn sẽ chờ đợi nhiều thế kỷ, cuộc đăng quang của những nền văn hóa như văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, giữa lòng một Giáo hội duy nhất và đa dạng. Kitô giáo hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời vẫn là (Nước trời) “đang đến”. Thánh Linh vĩnh cửu sẽ luôn là Đấng hoàn tất công cuộc sáng tạo này.

(JULES MONCHANIN, 1951, Théologie et Spiritualité Missionaires, 
Beuchesne, 1985, tr 196-197)

 

Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Hiệu đính tháng 9/2006