Tại sao cần phụng vụ? phụng vụ có ý nghĩa gì?

(Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1066-1070)

Chuyên mục về thần học Phụng vụ của Cha Mauro Gagliardi

Juan José Silvestre

 

Trong Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (SGL), sau phần tuyên xưng đức tin được triển khai trong phần thứ nhất, tiếp đến là phần giải thích đời sống bí tích, trong đó Đức Kitô hiện diện, hiện thực hoá và tiếp tục xây dựng Giáo Hội của Người. Thật vậy, trong phụng vụ nếu không làm nổi bật hình ảnh Đức Kitô, Đấng là nguyên lý của phụng vụ và thực sự hiện diện để làm cho nó có hiệu lực, thì chúng ta sẽ không có phụng vụ Kitô giáo nữa, một phụng vụ hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa và được sự hiện diện của Ngài nâng đỡ. 

Do đó, giữa đức tin và phụng vụ có một tương quan khắn khít, cả hai được hợp nhất cách chặt chẽ. Thật vậy, không có phụng vụ và các bí tích, sự tuyên xưng đức tin không thể có hiệu quả bởi thiếu ân sủng để nâng đỡ chứng từ của các Kitô hữu. Và “mặt khác, không quan tâm đến mầu nhiệm đức tin thì hành động phụng vụ cũng không thể có được cái nhìn bao quát. Đức tin của chúng ta và phụng vụ Thánh Thể, cả hai đều bắt nguồn từ một biến cố: đó là Đức Kitô tự hiến chính mình trong mầu nhiệm Vượt qua” (Bênêđictô XVI, Bí tích Tình yêu –Sacramentum Caritatis, 34). 

Nếu mở phần hai Sách Giáo lý, chúng ta sẽ thấy từ “phụng vụ” theo gốc chữ có nghĩa là “việc phục vụ nhân danh dân và cho dân”. Trong truyền thống Kitô giáo điều đó muốn nói rằng Dân Thiên Chúa tham dự vào “công trình của Thiên Chúa” (SGL, 1069). 

Công trình của Thiên Chúa mà chúng ta tham dự cốt ở trong điều gì? Sách Giáo lý trả lời rất rõ ràng và cho phép chúng ta khám phá tương quan khắn khít giữa đức tin và phụng vụ: “Trong Tín biểu, Hội Thánh tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và ‘thiên ý nhiệm mầu là kế hoạch yêu thương’ (Ep 1,9) của Ngài đối với tất cả các thụ tạo: Chúa Cha hoàn tất ‘thiên ý nhiệm mầu’ của Ngài khi ban Con yêu dấu và Thánh Thần Ngài để cứu độ trần gian và để tôn vinh danh Ngài” (SGL, 1066). 

Thật vậy, “Công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách trọn hảo này, đã được tiên báo trong Cựu Ước qua những công trình vĩ đại của Chúa, nay được Đức Kitô thực hiện, đặc biệt bằng mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa là bằng cuộc khổ nạn hồng phúc, sự sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển của Người” (SGL, 1067). Đây chính là mầu nhiệm Đức Kitô mà Hội Thánh “loan báo và cử hành trong phụng vụ của mình, để các tín hữu được sống nhờ mầu nhiệm đó và làm chứng cho mầu nhiệm đó trên trần gian” (SGL, 1068). 

Nhờ phụng vụ “công trình cứu độ chúng ta được thực hiện” (Vaticanô II, Hiến chế Phụng vụ thánh, 2). Do đó, như Chúa Cha đã sai Người, Đức Kitô đã sai các Tông Đồ đi rao giảng ơn cứu độ và để “thực thi công việc cứu chuộc mà các ngài đã loan báo, nhờ Hiến tế và các Bí tích, trung tâm điểm của toàn thể đời sống phụng vụ” (Hiến chế Phụng vụ thánh, 6). 

Như thế chúng ta thấy rằng Sách Giáo lý tóm gọn công trình của Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua, đó là trung tâm chính của nó. Và mối liên hệ với phụng vụ là hiển nhiên, bởi vì “qua phụng vụ, Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc và Thượng Tế của chúng ta, tiếp tục công trình cứu chuộc chúng ta trong Hội Thánh, với Hội Thánh và nhờ Hội Thánh” (SGL, 1069). Do vậy, “công trình cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô”, để vinh danh Thiên Chúa cách trọn hảo và để thánh hoá con người, là nội dung thật sự của phụng vụ. 

Đây là một điểm quan trọng bởi vì nó đã không luôn luôn được như thế, mặt dù cách diễn tả và nội dung thần học phụng vụ của Mầu nhiệm Vượt Qua phải gợi hứng cho việc nghiên cứu thần học và cử hành phụng vụ. Thật vậy, “phần lớn các vấn đề nảy sinh trong khi áp dụng cụ thể việc canh tân phụng vụ có liên hệ cách nào đó với sự kiện này là tầm quan trọng mà Công đồng Vaticanô II đặt vào mầu nhiệm Vượt Qua không được cân nhắc cách đầy đủ […]. Vượt Qua có nghĩa là Thập giá và Phục sinh không tách rời nhau […]. Thập giá ở tại trung tâm của phụng vụ Kitô giáo, với tất cả sự nghiêm túc: một chủ nghĩa lạc quan sáo rỗng muốn phủ nhận đau khổ và bất công trên thế giới và làm cho người Kitô hữu bị hạ xuống thành những người tốt lành, thì không có bất cứ một liên hệ nào với phụng vụ thập giá. Đối với Thiên Chúa ơn cứu độ được trả giá bằng đau khổ của Con Ngài, cái chết của Người, và việc “thực hiện” ơn cứu chuộc, vốn là phụng vụ theo bản văn của Công đồng, không thể diễn ra mà không có sự thanh tẩy và tăng trưởng nhờ đàng thánh giá” (J. Ratzinger / Benedetto XVI,Teologia della liturgia, LEV, Cittàdel Vaticano 2010, tr. 775-776). 

Những lời này xung đột với não trạng không thể chấp nhận khả năng Thiên Chúa thật sự can thiệp vào thế giới này để giúp đỡ con người. Do đó, “sự tuyên xưng Thiên Chúa cứu độ can thiệp để thay đổi tình trạng chia rẽ và tội lỗi là quan điểm thần luận được coi là chính thống, và chính quan niệm này được nhìn trong sự liên hệ với một dấu chỉ bí tích làm cho hiến tế cứu độ hiện diện. Theo họ, việc cử hành một dấu chỉ đáp ứng một tâm tình mơ hồ của cộng đoàn có lẽ dễ được chấp nhận hơn. Tuy nhiên phụng tự không thể sinh ra từ trí tưởng tượng của chúng ta; có thể là một tiếng kêu gào trong bóng tối hoặc là một việc tự khẳng định cách đơn sơ. Phụng vụ chân thật giả thiết rằng Thiên Chúa trả lời và tỏ ra cho chúng ta biết cách chúng ta có thể thờ phượng Ngài. ‘Hội Thánh có thể cử hành và thờ phượng mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể chính vì Đức Kitô đã tự hiến trước cho Hội Thánh trong hy tế Thập giá’ (Bênêđictô XVI, Bí tích Tình yêu, 14). Hội Thánh sống nhờ vào sự hiện diện này và có lý do để hiện hữu và tồn tại để truyền bá sự hện diện như thế trên toàn thế giới” (Bênêđictô XVI, bài giảng ngày 15.04.2010) 

Đây là điểm tuyệt vời của phụng vụ mà, như Sách Giáo lý nhắc tới, đó chính là phụng tự thánh, việc loan báo Tin Mừng và thực thi bác ái (x. SGL, 1070). Chính Thiên Chúa hành động và hành động này của Ngài lôi cuốn chúng ta, để chúng ta được biến đổi trong Ngài.

 

Biên dịch: Lm. Phêrô Lê Tấn Bảo