Tôma thời đại

TÔ-MA THỜI ĐẠI                

  (CN II/PS-B “Lòng thương xót của Thiên Chúa”)

 

Nói đến thánh Tô-ma tông đồ là nói đến thái độ hoài nghi, “cứng lòng tin” của con người và cũng vì thế nên mới có danh xưng “Tô-ma thời đại” mà hậu thế thường dành cho những người đa nghi (kiểu như trước đây ở Việt Nam có danh xưng “đa nghi như Tào Tháo”). Bài Tin Mừng hôm nay (CN II/PS-B – Ga 20, 19-31) trình thuật rõ về tính cách đó của Tông đồ Tô-ma: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa, nhưng khi kể lại cho Tô-ma (vì ông không có mặt khi Đức Ki-tô hiện ra) thì ông nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20, 25).

 

Cũng không thể trách Tô-ma, vì trước đó chính các môn đệ khi được nghe bà Maria Mac-đa-la và 2 môn đệ trên đường Em-mau thuật lại cũng chẳng chịu tin (“Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.” – Lc 24, 11; “các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.” – Mc 16, 14); ngay cả khi Thầy hiện ra vẫn còn hoài nghi (“Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.” – Mt 28, 17); thậm chí còn tưởng Thầy là ma (“Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.” – Lc 24, 37). Mãi tới “Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Tới lúc đó, Tô-ma mới thực sự tin và thảng thốt kêu lên tiếng nói tự tâm can: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Cũng vì thế, nên Đức Giê-su mới bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20, 26-29).

 

Tâm lý chung của con người chuyện gì cũng đòi phải được chứng kiến tận mắt (“thực mục sở thị”) hoặc phải có chứng cớ xác thực, mới chịu tin. Các Tông đồ cũng không ngoại lệ, các ông mới chỉ “nghe” thì chưa tin mà còn phải được “thấy”, được “đụng vào” vật chứng mới tin. Không những thế, mà nhiều khi được trông thấy nhãn tiền cũng vẫn còn có kẻ “không tin vào mắt mình”, mà lại đi tin vào những truyền thuyết hoang đường, những ma mị quỷ quái. Và cũng chính cái tâm lý chỉ tin khi được “thực mục sở thị” đã đẻ ra tâm trạng hoài nghi. Thật thế, chỉ vì được trông thấy nhãn tiền Thầy mình đã chết khổ nhục trên thập giá, đã được chính tay mình liệm xác Thầy và táng trong hang đá, thì làm sao tin được Thầy mình đã sống lại? Và vì vậy nên khi thấy Thầy hiện ra thì “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 37). Ấy là chưa kể lúc Thầy còn sống và ở liền bên không rời một bước, vậy mà khi thấy Thầy đi trên mặt biển đã vội hô hoán lên là “ma đấy!” (Mt 14, 26; Mc 6, 49).

 

Nói về niềm tin của con người thì rất đa dạng: Có những người dễ tin thì cũng có những người khó tin, có những người tin một cách sáng suốt thì cũng không ít những kẻ tin một cách mù quáng, có những người trông thấy nhãn tiền mà vẫn “không tin vào mắt mình” thì cũng có những kẻ chằng cần biết ất giáp gì cũng cứ “nhắm mắt mà tin”. Dễ tin thì cũng dễ mất lòng tin (dễ tin trong trường hợp này thì cũng dễ tin trong trường hợp khác, thậm chí có những lúc các trường hợp đó trái ngược nhau cũng vẫn OK tuốt luốt, nên lúc gặp thử thách rất dễ bị chao đảo, đánh mất niềm tin). Ấy là chưa nói đến những trường hợp tin theo thói quen, theo truyền thống, tin hùa theo đám đông (a dua, a tòng), tin theo mê tín dị đoan. Những kẻ khó tin thì thường đòi hỏi đầy đủ chứng cớ mời tin và khi có đầy đủ chứng cớ rồi thì niềm tin trở nên kiên định (kiểu như Tông đồ Tô-ma thủa xưa). Tuy nhiên cũng không thiếu những kè khó tin, mà vì quá cực đoan nên rất dễ sa vào chủ thuyết hoài nghi (chẳng tin vào bất cứ chuyện gì cho dù đó có là sự thực hiển nhiên). Chính vì thế, Đức Tin là một yếu tố quan trọng hàng đầu đối với mọi tôn giáo. Riêng đối với Ki-tô Giáo thì đức tin là cơ sở vững chắc tuỵêt đối để đạt được cứu cánh Nước Trời. Cũng bởi vì “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Dt 11, 1).

 

Tuy nhiên, nếu chỉ tin trên môi miệng mà trong lòng thì rỗng tuếch, cũng chưa thể kể được là tin, mà phải là “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ” (Rm 10, 9-10). Thánh Gia-cô-bê Tông đồ còn xác quyết mạnh hơn: “Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi… Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2, 24.26). Vì thế, hai khía cạnh đó (tin thật trong lòng + xưng ra ngoài miệng) phải được xem là “tuy hai mà một”, bởi “lòng có đầy miệng mới nói ra” (Mt 12, 35). Thật vậy, lòng còn hoài nghi mà miệng leo lẻo nói tin tưởng, hoặc giả trong lòng tuy có tin, nhưng bề ngoài thì sợ nọ sợ kia, sợ bóng sợ vía cứ “câm miệng hến” thì cũng kể như không. Mà cũng vì thế, mọi Ki-tô hữu “Hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần.” (Gđ 1, 20).

 

Đặt giả thử trong một gia đình có những người con không chịu tin vào những lời dạy bảo, những việc làm của cha mẹ, mà chỉ tin và nghe lời của những người hàng xóm lắm chuyện thích “thọc gậy bánh xe” hoặc của những ông thầy, bà mụ huyễn hoặc, thì liệu những đấng sinh thành có tha thứ không? Chắc chắn là không! Nếu chẳng nổi cơn thịnh nộ đánh cho một trận nhừ tử thừa sống thiếu chết rồi tống ra khỏi cửa, thì ít nhất cũng lạnh lùng coi như không có những người con bất hiếu bất mục đó. Và chuyện này cũng lại là chuyện xưa như trái đất, chẳng có gì là trái thường nghịch lý cả. Con người mà! Hỷ nộ ái ố là đương nhiên thôi! Còn với chàng thanh niên Giê-su con bác thợ mộc Giu-se và bà nội trợ Maria – cũng như những chàng thanh niên bằng xương bằng thịt khác trên đời – thì sao? Lạ lắm! Chàng không chỉ khoan dung với những môn đệ hoài nghi, mà còn tha thứ cho những kẻ đã bán rẻ mình cho quân dữ, thậm chí còn cầu xin với Cha trên trời tha thứ cho cả những kẻ đã đánh đập, đã bức tử mình trên thập tự nữa. Ấy cũng bởi vì chàng chính là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, đến thế gian để kêu gọi người tội lỗi và hy sinh cả mạng sống mình làm giá chuộc muôn người.

 

Đến như vậy mà loài người vẫn còn quá nhiều những kẻ không tin hoặc giả có tin thì cũng chỉ là tin trên môi mịêng bề ngoài mà thôi. Chính vì thế, Mầu nhiệm Phục Sinh Cứu Độ (bao hàm sự đau khổ, sự chết, sự mai táng, sự phục sinh và thăng thiên của Chúa Cứu Thế, đồng thời với việc gởi Chúa Thánh Thần đến) phải được kể là một Thông điệp Đức Tin từ Trời cao ban cho toàn thể nhân loại, đó là Thông điệp LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA. Vâng, Người mang Thông điệp này đến và thực hành cho nhân loại, chính là Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh. Người đã đến vì “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9, 12-13). Chính Người là biểu tượng duy nhất của LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA và cũng chính Người trao sứ vụ cho các Tông đồ tiên khởi đem Thông địêp này đến với muôn dân: ”Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20, 21-23).

 

Lòng Thương xót của Thiên Chúa trải dài theo lịch sử loài người từ khi được dựng nên cho đến ngày cánh chung, nhưng tập trung nhất vẫn là thời điểm mạc khải mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Con Một Thiên Chúa: Đức Giê-su Ki-tô. Người đã đến, đang đến và sẽ đến như Lời Người mạc khải cho Thánh Nữ Faustina Kowalska (1905-1938): “Trước khi Ta đến là một Đấng Thẩm Phán công chính, thì Ta đến trước hết là một “Vua Lòng Thương Xót”. Hãy nói cho nhân loại biết ngay lúc này hãy đến trước ngai tòa của Lòng Thương Xót Ta với sự tin tưởng tuyệt đối!” (Nhật ký “Lòng Thương xót Chúa” – Faustina Kowalska). Thật vậy, Chúa Giê-su đã đích thân chỉ định theo ý muốn của Người khi Người nhấn mạnh: “Hãy làm tất cả những điều mà các con có thể làm cho công việc của Lòng Thương Xót.” (ibid).

 

Cũng vì thế, trong buổi lễ phong thánh cho nữ tu Faustina vào ngày 30/4/2000, Thánh Gioan-Phaolô II đã tuyên bố: “Một điều rất quan trọng là chúng ta nên công nhận toàn bộ thông điệp đã đến với chúng ta qua Lời của Chúa trong ngày Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh, vì thế, từ đây trở đi toàn thể Giáo Hội sẽ tuyên xưng ngày này là “Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa.” Và đến ngày 23/5/2000, Thánh Bộ Phụng Tự đã ra quyết định chính thức chọn ngày Chúa Nhật II Phục Sinh là Lễ kính “Lòng Thương Xót Chúa”. Ngài còn xác quyết: ”Cũng như Thánh Faustina, chúng ta cũng tuyên xưng rằng ngoài Tình Chúa Thương Xót, không còn nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại. Chúng ta cùng hết lòng tin tưởng kêu lên Chúa: “Lạy Chúa Giê-su, con tin tưởng nơi Chúa”. Một năm sau, vào CN II/PS 2001, trong Thánh lễ kính Lòng Thương xót Chúa, Thánh Gioan-Phaolô II đã dâng lời tạ ơn:  “Con xin cảm tạ Chúa, một năm trước đây đã ban ơn cho con để con tuyên bố cho toàn thể Giáo Hội Chúa Nhật Thứ II Phục Sinh là ngày lễ Tình Thương Xót của Chúa.”

 

Vâng, “Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào Thập giá và đã sống lại, trong tinh thần sứ mệnh Cứu thế của Người vẫn luôn có mặt trong lịch sử nhân loại, chúng ta cất lên tiếng nói và những lời van xin của mình để tình thương ở trong Chúa Cha được mạc khải một lần nữa vào giai đoạn này của lịch sử; để nhờ tác động của Chúa Con và Thánh Thần tình thương biểu lộ sự hiện diện của mình trong thế giới chúng ta ngày nay, tình thương ấy mạnh hơn sự dữ, mạnh hơn tội lỗi và sự chết. Chúng ta nài van qua sự Trung gian của Mẹ Maria, Đấng vẫn không ngớt công bố “lòng thương xót hết đời nọ đến đời kia”, và của cả những vị từng cảm nhận thâm sâu những lời của Bài Giảng trên Núi: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, số 15).

 

Ôi! Lạy Chúa! Chúng con xin “tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, đến muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118, 1). Ôi! Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Vua Lòng Thương Xót! Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi vinh dự và vinh quang đều quy vào Cha Toàn Năng cùng với Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời. Ôi! Lạy Chúa! Con tín thác nơi Ngài! Xin thương xót con, xin thương xót con. Amen. Alleluia! Alleluia!

 

JM. Lam Thy ĐVD.