Bộ Phụng tự chưa thông qua bản dịch tiếng Pháp Sách lễ Roma

Bộ Phụng tự mới đây cho biết chưa thể thông qua bản dịch tiếng Pháp Sách lễ Roma, vì bản dịch này vẫn còn một số chi tiết chưa dịch đúng bản gốc La tinh.

RomanMissal.jpgTrước sự kiện này, báo La Croix đã tường thuật những nét chính diễn tiến công trình dịch thuật của các Hội đồng Giám mục sử dụng tiếng Pháp, đồng thời mượn lời của một giám mục Pháp đặt thành vấn đề: “Thật đáng ngạc nhiên, đúng lúc Đức giáo hoàng nhấn mạnh việc hội nhập văn hoá và tính công nghị, thì một bản văn đã được 120 giám mục Pháp bỏ phiếu chấp nhận lại bị một vị hồng y duy nhất ngăn chặn”.

Sau đây là bài viết nói trên của Nicolas Senèze đăng trên La Croix ngày 26-05-2016:

Bản dịch tiếng Pháp Sách lễ Roma hiện chưa được thông qua vì còn những khác biệt giữa Roma và các giám mục khối Pháp ngữ. Bộ trưởng Bộ Phụng tự mới đây đã nhắc lại: “Các bản dịch buộc phải tôn trọng bản gốc La tinh”. Đó là điểm khiến bản dịch phải sửa đổi.

Việc áp dụng bản dịch mới Sách lễ Roma được dự kiến có hiệu lực vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay 2017, có lẽ sẽ được hoãn lại đến Mùa Vọng 2017. Dù sao cũng phải có một thời hiệu cụ thể để các nhà xuất bản có thể phát hành ấn bản sách lễ thống nhất cho năm 2017-2018. Thực tế đã diễn ra cuộc chiến đối đầu nhẹ nhàng giữa các giám mục khối Pháp ngữ và Bộ Phụng tự vừa từ chối việc đồng ý recognitio (chấp nhận) đối với bản dịch.

Một lần nữa bản tiếng Pháp Sách lễ La tinh ấn bản 2002 lại gặp sự cố. Bản dịch đầu tiên đã bị Roma từ chối vào năm 2007. Một ủy ban dịch thuật mới bắt tay vào công việc, đều đặn gửi bản dịch cho các giám mục: thật là một công việc khó khăn vì liên quan đến nhiều Hội đồng Giám mục và mỗi lần như thế lại có các giám mục mới phải tham khảo ý kiến.

Bản dịch tiếng Pháp vẫn còn bị treo ở Roma

“Ở Pháp, mỗi năm đều có từ 6 đến 7 giám mục mới. Mỗi khi chúng tôi trình bày công việc ba năm một lần tại Hội nghị toàn thể Hội đồng Giám mục, lại có đến 20 vị yêu cầu giải trình về những điểm trước đó vốn đã được làm rõ”, một giám mục cho biết.

Tháng Ba vừa qua, Hội nghị Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) cuối cùng đã biểu quyết một văn kiện “giao cho Ủy ban dịch thuật Phụng vụ khối Pháp ngữ phụ trách việc điều chỉnh bản dịch lần cuối”. Tại các hội đồng giám mục khác thuộc khối Pháp ngữ (Thụy Sĩ, Canada, Bỉ), ý kiến đối lập còn mạnh mẽ hơn.

Việc bản dịch Pháp ngữ chưa được thông qua tại Roma đã làm rõ những đòi hỏi về một số điểm nhất định. Chẳng hạn, huấn thị Liturgiam Authenticam năm 2001 của Roma yêu cầu bản La tinh“phải được dịch thuật cách toàn vẹn và rất chính xác, nghĩa là không được thêm hay bớt, so với nội dung, không được diễn giải hoặc chú giải”.

Do đó không còn vấn đề phỏng dịch nữa. Nếu các giám mục khối Pháp ngữ ít nhiều bằng lòng chấp nhận phần lớn những yêu cầu của Roma, vốn cũng cho phép đào sâu một số bản văn, thì vẫn còn một vài điểm tế nhị; chẳng hạn, trong Kinh nguyện Thánh Thể, nếu không được dùng từ“coupe” (chén), mà cứ phải dùng “calice” (chén lễ) –để dịch đúng bản gốc La tinh– là một từ đã trở thành tiếng chửi thề ở Québec, Canada.

Văn phong bản dịch “quá câu nệ” và “rườm rà”

Đức cha Bernard-Nicolas Aubertin, Tổng giám mục Tours, chủ tịch Uỷ ban Phụng tự của HĐGM Pháp, sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 1 tháng Bảy tới, không muốn để lại hồ sơ dang dở cho người kế nhiệm, đã dành thời giờ xem xét đầu đuôi mọi việc, không quan ngại khó khăn nhằm đạt được sự đồng thuận với Roma. Ngày 7 tháng Tư vừa qua, Chủ tịch HĐGM Pháp đã nêu vấn đề với Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhưng Đức hồng y Sarah, Bộ trưởng Bộ Phụng tự, dường như vẫn dứt khoát giữ vững lập trường.

Đức hồng y Sarah nêu ví dụ về lời mời gọi Orate fratres (Anh chị em hãy cầu nguyện) của chủ tế và thổ lộ với tuần báo Famille chrétienne: “Trong buổi tiếp kiến dành cho tôi vào ngày thứ Bảy 2 tháng Tư, Đức Thánh Cha khẳng định với tôi: các bản dịch mới Sách lễ Roma buộc phải tôn trọng bản La tinh”.

Việc dịch sách Phụng vụ diễn ra trong một khung cảnh căng thẳng với các sự cố. Năm 2011, bản dịch mới của khối các nước nói tiếng Anh được đưa ra sử dụng: phân nửa giáo dân và 71% linh mục không đón nhận bản dịch vì văn phong “quá câu nệ” và “rườm rà”. Tại Đức, các giám mục phản đối ngôn ngữ bản dịch phụng vụ, vì: “không phải ngôn ngữ dân chúng sử dụng” và vào năm 2013 đã không đón nhận việc làm của Uỷ ban dịch thuật do Đức Bênêđictô XVI ấn định. Bản dịch tiếng Tây Ban Nha từng bị đình trệ, trong khi đó các giám mục Ý miễn cưỡng đón nhận bản dịch.

Từ đầu năm đến nay, trang blog Il Sismografo, vốn có mối liên hệ gần gũi với Radio Vatican, không ngừng đăng các bài viết dài của giáo sư Phụng vụ Andrea Grillo, trường Đại học Giáo hoàng Thánh Anselmô, phản đối mạnh mẽ huấn thị Liturgiam Authenticam, nhất là cho rằng huấn thị này hoàn toàn gây trở ngại cho việc hội nhập văn hoá. Ngược lại, có những người ủng hộ Đức hồng y Sarah, đồng tình với phong trào cổ võ truyền thống đã thúc đẩy Đức hồng y hãy giữ vững lập trường.

Vì thế một vị giám mục Pháp đã thốt lên: “Thật đáng ngạc nhiên, đúng lúc Đức giáo hoàng nhấn mạnh việc hội nhập văn hoá và tính công nghị, thì một bản văn đã được 120 giám mục Pháp bỏ phiếu chấp nhận lại bị một vị hồng y duy nhất ngăn chặn”.

(Thành Thi chuyển ngữ, WHĐ 28.05.2016)