Dù nhân loại có văn minh đến đâu, khoa học có tiến bộ đến mấy thì cũng không ai dám cắt bỏ đôi chân để thay thế bằng hình thức di chuyển khác, vì nó là phương tiện di chuyển hữu ích trong đời sống của con người. Hơn nữa, mỗi người cũng chỉ có một đôi chân, dù lành lặn hay tật nguyền, theo thiển ý, nó vẫn tốt đẹp bởi đó là quà tặng ân ban của Thiên Chúa. Bởi vậy, trong lối dàn trải những ưu tư một cách rất vụn vặt này, ta sẽ bắt gặp một vài đôi chân tiêu biểu có những bước đi khai mở thật độc đáo. Không những là bước chân của thể lý mà còn là bước chân của tinh thần. Khi thì tin tưởng, vâng phục. Khi thì mạnh dạn, can đảm, cảm thông, chia sẻ. Lúc lại chùn bước, yếu đuối, thậm chí là phản bội. Song trên hết vẫn là bước chân của Thầy Giêsu bởi vì, bước chân của Ngài là bước chân Cứu độ. Vậy chúng ta phải làm thế nào để cho mỗi bước chân của từng người trở nên hữu ích?
Bước chân tin tưởng, vâng phục: “Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường” (Lc 1,39). Đối với Mẹ Maria, khi nghe sứ thần truyền tin, Mẹ đã lên đường với bước chân của niềm vâng phục, tin tưởng hoàn toàn. Mặc dù lúc ban đầu, Mẹ có hơi lo sợ vì Mẹ không biết “việc ấy sẽ xảy ra cách nào” (Lc 1,34). Và rồi, bước chân của Mẹ trở nên thanh thoát tươi vui. Mẹ không quản ngại khi mang trong mình một trọng trách vô cùng lớn lao như thế. Mẹ vui đến nỗi đã xướng lên một bài ca để chúc tụng Thiên Chúa (Lc 1,46 – 47). Chúng ta cùng hiệp hoan với niềm vui của Mẹ.
Bước chân can đảm, mạnh bạo: Vượt qua tất cả mọi gian nguy sợ hãi là bước chân của bà Veronica khi trao cho Chúa Giêsu chiếc khăn vì lòng mến. “Nơi Thứ Sáu, bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lọt mặt” (Sách kinh giáo phận Bùi Chu, Ngắm Đàng Thánh Giá, Nơi Thứ Sáu). Bước chân của bà là động lực thôi thúc chúng ta thêm can đảm, mạnh dạn hơn trên con đường theo Chúa.
Bước chân cảm thông, chia sẻ: Hình ảnh đau khổ của Chúa đang hiện diện trong cái đói, cái nghèo nơi anh em đồng loại cũng cần ta góp một chút ít nhỏ nhoi công sức của mình như xưa ông Simon đã vác đỡ thập giá cho Chúa (Mc 15,21). Bước chân của ông vẫn đang từng bước trên cuộc hành trình theo Chúa và mời gọi chúng ta cùng kề vai gánh vác.
Bước chân yếu đuối, phản bội: Trong cuộc hành trình theo Chúa, chúng ta cũng bắt gặp những bước chân của sự yếu đuối, chùn lại, phản bội của Phêrô khi Chúa bị bắt (Ga 18,27). Hay là bước chân của Giuđa Ítcariốt ra đi tìm cách để nộp thầy mình (Lc 26, 14.15). Sự yếu đuối của Phêrô và sự phản bội của Giuđa cũng tiềm tàng trong con người rất đỗi mỏng giòn nơi mỗi chúng ta. Thế nhưng, bước chân trở lại của Phêrô đối với Chúa lại là bước chân của tình yêu – một tình yêu trọn vẹn. Với Giuđa, bước chân của ông phải chăng là một lối đường tuyệt vọng? Còn chúng ta, chúng ta thì sao?
Trong cuộc sống ngày nay, có biết bao những bước chân băng băng trên đường truyền giáo đem Chúa đến khắp nơi cho mọi người dù gặp muôn ngàn thử thách gian nguy, đầu rơi máu đổ. Thật là “Đẹp thay bước chân người sứ giả Tin mừng. Băng qua núi đồi, băng qua sóng ngàn vượt bao gian nan và đi khắp thế gian…” (Dấu Chân Dặm Ngàn – Nhạc sĩ Đăng Trình). Ngược lại, cũng có những bước chân ngập ngừng, yếu đuối, chùn lại khi gặp phải những con đường gồ ghề đầy sỏi đá chông gai.
Qua một vài bước chân tiêu biểu như thế, mỗi chúng ta liệu có dám mang trong mình bước chân của Mẹ Maria để hoàn toàn tin tưởng, vâng phục và phó thác trọn vẹn nơi Chúa và vội vã đem niềm vui đến cho nhân loại? Chúng ta có dám mang trong mình bước chân can đảm, mạnh dạn, dấn thân lên đường với Chúa để phục vụ tha nhân? Chúng ta có dám mang trong mình bước chân cảm thông để chia sẻ với nỗi đau của Chúa thể hiện nơi đồng loại? Liệu chúng ta có nhận ra bước chân của sự yếu đuối để nhìn nhận lại những lỗi lầm, thiếu sót của bản thân mà sửa chữa hầu mong có được bước chân khoẻ mạnh dâng lên Chúa trong suốt hành trình theo Ngài, nhất là trong nhân đức Tin, Cậy, Mến? Điều đó tùy thuộc vào cách tiếp nhận và đáp trả lời mời gọi của mỗi chúng ta mà thôi.
Lam Ngã