« Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa » (02.6.2015 – Thứ ba, sau Chúa Nhật IX Thường Niên)

« Của Xê-da, trả về Xê-da;
của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa »
(Mc 12, 13-17)

 

13 Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy.14 Những người này đến và nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp? ”

15 Nhưng Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem! “16 Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây? ” Họ đáp: “Của Xê-da.”

17 Đức Giê-su bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.

***

  1. Hai nhóm Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê

« Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy ». Họ ở đây là các thượng tế, kinh sư và kỳ mục (Mc 11, 27). Như thế, đàng sau những người trực tiếp đến gặp Đức Giê-su để gài bẫy, còn có cả một nhóm người thuộc giới lãnh đạo. Những người sẽ lên án Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó như đã có mặt hết ở đây rồi, hay nhìn một cách khác, âm mưu giết Đức Giê-su đã khởi động rồi (x. Mc 11, 18). Và cái bẫy họ giăng ra lần này rất đặc biệt, vì không phải là những vấn nạn liên quan đến Luật của Chúa ; chẳng hạn : điều răn nào trọng nhất, ai là người thân cận, có được phép rẫy vợ không ; cái bẫy họ giăng ra lần này liên quan đến vấn đề đóng thuế, nghĩa bổn phận dân sự. Trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su sẽ bị kết án trên cả hai bình diện, bình diện tôn giáo và bình diện dân sự. Và vì Đức Giê-su là Đấng Vô Tội tuyệt đối, cả hai bình diện đều để lộ ra bộ mặt gian dối của Sự Dữ.

Tuy nhiên, bộ mặt gian dối đã lộ diện ở đây rồi. Thật vậy, những người Pha-ri-sêu vốn không chấp nhận sự đô hộ của người Roma, nhưng lại đi hợp sức với những người phe Hê-rô-đê, là nhóm người cộng tác với người Roma, đi chất vấn Đức Giê-su. Hai nhóm, Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê, không cùng lập trường, nhưng lại bí mật bắt tay nhau để gài bẫy Đức Giê-su. Đối diện với Đức Giê-su, sự dữ có trong lòng của họ phải lộ diện, dù có khi chính họ không ý thức. Như thế, họ sẽ mắc vào cái bẫy, mà chính họ giăng ra để hại người khác ; như lời Thánh Vịnh loan báo :

Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài,
còn con đây, thì được thoát khỏi.

(Tv 141, 10)

Và ở những mức độ và bình diện khác nhau, cả loài người chúng ta, từng người chúng ta cũng phải như thế, nghĩa là phải là mình trong sự thật, khi đến với Đức Giê-su. Bởi vì, lời của Ngài và ngôi vị của Ngài là ánh sáng, soi tỏ hết mọi sự sâu kín trong lòng và trong quá khứ của chúng ta ; nhưng không phải để lên án, nhưng để chữa lành. Ngài sẽ mặc khải Tội và chữa lành chúng ta khỏi Tội cách triệt để bằng Thập Giá.

 

  1. Cái bẫy

Như chúng ta đều biết và có kinh nghiệm nữa, để gài bẫy thì phải có mồi nhử và nhất là phải che đậy với vẻ bề ngoài bình thường hay đẹp đẽ để thu hút đối tượng. Chính vì thế, bẫy của họ giăng ra cho Đức Giê-su bắt đầu bằng một câu khen ngợi :

Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa.

(c. 14)

Lời khen thật hay, nhưng hoàn toàn giả dối, vì lời này giống như là mồi nhử hay giống như lớp ngoài che đậy hiểm họa chết người bên trong. Như thế, cái bẫy có hai đặc điểm : dối trá và bạo lực, vốn là những đặc điểm của sự dữ ; và các Thánh Vịnh hay dùng hình ảnh « cái bẫy » như dụng cụ ưa thích của sự dữ (x. Tv 9, 17 ; 18, 6 ; 38, 14 ; 64, 6 ; 66, 11 ; 119, 110 ; 124, 7 ; 140, 6; 141,10).

Lạy Chúa, khi hồn con tiêu hao mòn mỏi,
thì chính Chúa đã am tường mọi nẻo con đi.
Trên quãng đường con đang tiến bước,
người ta đã gài bẫy rình chờ
.

(Tv 142, 4)

Đức Giê-su biết họ giả hình, nên, trước khi trả lời, Ngài đã lấy đi con mồi hay lột bỏ vẻ bề ngoài đẹp đẽ, khi nói : « Tại sao các người lại thử tôi ? » (c. 15) Quả thật, câu hỏi có vẻ đơn giản : « Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ? », nhưng đó là cái bẫy rất nguy hiểm :

  • Nếu trả lời được phép, Đức Giê-su sẽ bị lên án là tay sai cho ngoại bang, là phản quốc !
  • Nếu trả lời không, Ngài sẽ bị lên án là chống lại người Roma !

 

  1. Xê-da và Thiên Chúa

Như thế, cái bẫy này đã loan báo cuộc Thương Khó của Đức Giê-su rồi, vì Ngài sẽ bị cả hai lên án, người Do thái và người Roma, một cách vô cớ, nghĩa là với những lí do hoàn toàn gian dối. Đức Giê-su trả lời :

Của Xê-da, trả về Xê-da;
của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

(c. 17)

Đây là một trong những câu nói của Đức Giê-su, được biết đến nhiều nhất, nhưng thường được hiểu theo nghĩa xã hội ; theo đó Đức Giê-su muốn nêu ra nguyện tắc : phân biệt giữa thần quyền và thế quyền. Hiện nay, tương quan giữa Giáo Hội và thế quyền được xây dựng dựa trên nguyên tắc này. Nhưng trong lịch sử, sự phân biệt này đã không được tôn trọng, hoặc về phía Giáo Hội (nghĩa là Giáo Hội ở trên thế quyền), hoặc về phía thế quyền (nghĩa là quyền dân sự can thiệp vào sinh hoạt của Giáo Hội).

Tuy nhiên, lời của Đức Giê-su không nhắm đến việc tổ chức quyền bính của Giáo Hội và xã hội ; mặc dù, người ta có thể áp dụng lời của Đức Giê-su vào trong lãnh vực này. Lời của Ngài thuộc bình diện thiêng liêng, đụng chạm đến chiều sâu của tâm hồn trong tương quan với Thiên Chúa và những gì không thuộc về Thiên Chúa.

Thật vậy, trên đồng bạc có khắc hình và danh hiệu của Xê-da, và ngày nay, trên các đồng tiền giấy hay tiền kim loại, cũng có những hình và chữ như thế. Đồng tiền nhỏ bé, nhưng lại nói lên ba điều : tiền của, quyền lực và danh vọng ; vốn rất dễ trở thành ngẫu tượng, trở thành tuyệt đối trong đời sống con người, cả trong xã hội lẫn trong Giáo Hội. Và đó sẽ là tai họa cho sự sống. Vậy thì, hãy trả lại cho Xê-da, những gì của Xê-da. Chúng ta cần nhận ra rằng, để có tiền của, quyền lực và danh vọng, hành động gian dối, tóm bắt và bạo lực, giống như những người gài bẫy Đức Giê-su, là không thể tránh khỏi.

Chúng ta đừng bỏ qua một chi tiết nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa : Đức Giê-su không có đồng tiền trong túi, vì thế Ngài nói : « Đem một đồng bạc cho tôi xem » (c. 15). Điều này không chỉ cho thấy rằng Ngài rất nghèo, nhưng sâu xa hơn thế nữa, tiền của, quyền lực và danh vọng không thuộc về lẽ sống của Ngài. Còn những người chất vấn Đức Giê-su, hoặc chủ trương đóng thuế hay không đóng thuế, lại có sẵn đồng tiền trong túi !

« Những gì thuộc về Thiên Chúa » là những gì ? Đơn giản là những điều ngược lại với tiền của, quyền lực và danh vọng ; đó là chia sẻ, phục vụ và khiêm tốn. Và chúng ta nhận ra những điều này thật rạng ngời nơi khuôn mặt của Đức Giê-su.

Vì thế, cách thức tốt nhất để sống lời mời gọi của Đức Giê-su: « Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa », là đi theo Đức Ki-tô, là lắng nghe và sống lời của Ngài, là để Ngài trở thành sự sống của chúng ta, ngang qua bí tích Thánh Thể.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc