Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (Tài liệu)

1. Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

 

Từ thế kỷ thứ IV, Giáo hội đã mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Đây là một lễ rất lâu đời xét về mặt thời gian. Nếu như câu hỏi mà những người đương thời để bụng suy nghĩ “con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? ” Thì ngày nay người ta vẫn không ngừng đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như : Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ? Và lý do gì mà Giáo hội lại mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan cách trọng thể như thế ?

 

Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ?

 

Lý do lấy ngày 24 tháng 6 thay vì ngày 25 tháng 6 là vì theo cách tính ngày xưa, tức là theo calends( ngày mùng 1), ides(ngày 15) và nones(ngày thứ chín). Dĩ nhiên, những niên hiệu này có một giá trị phụng vụ và biểu trưng hơn là một giá trị lịch sử. Chúng ta không biết chính xác ngày và năm Chúa Giêsu sinh ra, nên khi nào Gioan sinh ra chúng ta cũng không hay.

 

Dựa vào trang Tin Mừng, thánh Luca cho biết, khi loan báo sự sinh hạ của Chúa Kitô cho Đức Maria, thiên thần cho ngài biết bà Isave chị họ của ngài đang có thai trong tháng thứ sáu. Cho nên, Gioan Tẩy Giả phải được sinh ra sáu tháng trước Chúa Giêsu và như vậy bảng niên đại được tôn trọng cho đến ngày nay.

 

Giáo hội mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan

 

Thánh Augustinô nói : “ Giáo hội có thói quen lấy ngày qua đời của các vị thánh để mừng kính, vì đó là ngày sinh nhật của các thánh trên Trời. Riêng thánh Gioan Baotixita được miễn trừ khỏi qui luật bình thường đó, vì ngài đã được thánh hiến ngày từ trong lòng mẹ trước khi sinh ra, nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô trong lòng Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh khi thăm Bà Thánh Isave, từ đó Giáo hội tin rằng Gioan Tẩy Giả đã được thánh hoá trong dạ mẹ nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô. Đó là lý do Giáo hội cử hành lễ sinh nhật của ngài ”.

 

Bài Tin Mừng chính ngày lễ nói về sự chọn tên Gioan. Bài đọc thứ nhất trích sách Ngôn sứ Isaia và Thánh vịnh nói về giá trị cao cả của con người trước mặt Thiên Chúa : “ Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-3). Thánh vịnh trở lại với ý niệm này, tức là, Chúa biết chúng ta từ trong lòng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con…Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 138, 13). Như thế Thiên Chúa đã an bài sắp đặt mỗi người chúng ta ngay từ khi còn trong dạ mẹ.

 

Lời mời gọi bảo vệ sự sống các thai nhi

 

Theo Kinh Thánh, con người là kẻ được Thiên Chúa nhận biết, gọi tên; và Thiên Chúa biết chắc chúng ta từ khi còn trong lòng mẹ. Mắt Ngài thấy chúng ta : “Con mới là bao thai, mắt Ngài đã thấy ” (Tv 138,16).

 

Chúng ta có một ý niệm rất hẹp hòi và có tính pháp lý về con người, gây nhiều hoang mang trong sự bàn cãi về nạn phá thai. Xem ra một đứa bé chỉ được sở hữu phẩm giá con người khi nó được các thẩm quyền con người thừa nhận.

 

Khoa học nói với chúng ta rằng trong phôi thai, toàn diện hữu thể nhân bản đang thành hình, được phản chiếu trong mỗi chi tiết rất nhỏ; đàng khác, đức tin chúng ta thêm rằng, điều chúng ta có không phải là công trình vô danh của tạo vật, nhưng một công trình tình yêu của đấng Sáng tạo. Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76).

 

Vấn đề nghiêm trọng ngày nay là hàng triệu trẻ em chết vì phá thai mà không được rửa tội. Chúng ta phải nói gì về chúng? Chúng có được thánh hoá cách nào đó trong bụng mẹ chúng không? Chúng có được cứu rỗi không?

 

Câu trả lời không do dự: Chắc chắn chúng được cứu rỗi. Theo một ý kiến đã trở nên phổ thông từ Trung Cổ, những trẻ con không được rửa tội thì xuống lâm bô, một nơi trung gian trong đó không có đau khổ cũng không được thấy mặt Chúa.

 

Chúa Giêsu đã thiết lập các bì tích như những phương tiện bình thường của việc cứu rỗi. Do đó, các bí tích là cần thiết, và những ai dầu có khả năng nhận lãnh bí tích, mà từ chối hay lười biếng nhận lãnh bí tích, đi nghịch lại với lương tâm của mình, gây lâm nguy trầm trọng cho sự rỗi muôn đời của mình. Nhưng Thiên Chúa không bị ràng buộc bởi những phương tiện này. Ngài có thể cứu rỗi bằng những phương tiện bất thường, khi con người, không do lỗi mình, không được lãnh bí tích rửa tội. Chúa làm như vậy đối với các thánh Anh Hài, những em bé đã chết không được rửa tội.

 

Giáo hội đã luôn luôn công nhận khả năng của một phép rửa tội bằng ý muốn và một phép rửa tội bằng máu, và nhiều em bé chắc chắn đã biết một phép rửa tội bằng máu, dầu thuộc về một bản tính khác.

 

Khi làm sáng tỏ vấn đề trên sẽ mang lại một sự thoải mái cho những kẻ tin, những kẻ mất bình thản trước số phận khủng khiếp của rất nhiều em bé trong thế giới ngày nay.

 

Chúng ta hãy trở lại ngày sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Khi loan báo sự sinh của con trẻ cho Giacaria, Thiên Thần nói với ông: “ Isave vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai ông sẽ gọi là Gioan. Ông sẽ được vui mừng hớn hở và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời ” (Lc 1,13-14). Quả thật, nhiều người đã hỷ hoan vui mừng khi con trẻ sinh ra, bước sang thế kỷ XXI, chúng ta ở đây đang mừng vui nói về con trẻ này.

 

Xin Chúa cho tất cả những người cha và bà mẹ, như bà Isave và ông Giacaria, đang chờ đợi hay kinh nghiệm sự sinh con, có được niềm vui và hớn hở trong đứa con Chúa đã trao ban, và niềm vui sinh con, vì sự sống đã bừng lên nơi con cái. Xin cho mọi người tôn trọng các thai nhi ngay từ trong lòng mẹ. Amen.

 

Lm Antôn Nguyễn Văn Độ

 

+++++++++++++++++

 

2. Hồng Ân Sinh Nhật

 

Giáo Hội thường mừng lễ các thánh vào ngày các ngài qua đời. Đó là ngày các ngài được về với Thiên Chúa Tình Yêu, ngày sinh nhật trên thiên quốc.

 

Đối với thánh Gioan Tẩy Giả, Giáo hội mừng kính cả ngày ngài sinh ra và cả ngày ngài tử đạo. Ngày qua đời mừng ở bậc lễ nhớ. Ngày sinh nhật với bậc lễ trọng.

 

Trong năm phụng vụ chỉ có 3 lễ mừng sinh nhật. Đó là Giáng Sinh của Đức Giêsu (25.12). Sinh nhật của Đức Maria (8.9) và Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả (24.6). Như vậy trong hàng ngũ các thánh, chỉ có thánh Gioan được vinh dự lớn nhất là được mừng ngày chào đời của mình. Cuộc đời và sứ mạng của Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu nên Giáo hội có lý do để sắp đặt lễ mừng Sinh nhật Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ.

 

Gioan được sinh ra kỳ diệu và ơn gọi cũng kỳ diệu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

 

Gioan ra đời là niềm hạnh phúc cho cha mẹ, người thân và láng giềng. Một niềm vui quá lớn vì ông bà son sẻ. Mọi người đến chúc mừng người mẹ sinh con lúc tuổi già mà được “mẹ tròn con vuông”. Ai cũng trầm trồ khen bé trai thật dễ thương thật đáng yêu. Ai cũng mỉm cười với bé, đặt nhiều hy vọng vào bé: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em”.

 

Ông Bà Giacaria mong chờ con trai nối dõi tông đường và sẽ như cha, làm tư tế. Gioan có đủ điều kiện để tiến thân, giàu có, vinh dự thuộc giai cấp thượng lưu. Nhưng Gioan lại nghe tiếng gọi từ trời cao đi làm Ngôn sứ. Gioan vào hoang địa sống một mình. Cuộc sống khắc khổ, đơn sơ, nghèo nàn.

 

Từ đó, Gioan trở thành Ngôn sứ với đời sống cao đẹp và đã chết hào hùng.

 

  1. 1. Cuộc sống cao đẹp

 

Gioan sống đẹp trong cương vị sứ giả: “Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17), và là người tiên phong: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

 

Sống đẹp vì Gioan đã từ bỏ đời sống giàu sang uy thế của gia đình, đi vào trong sa mạc hoang vắng sống gắn bó với Thiên Chúa, lắng nghe và thực hiện thánh ý Ngài.

 

Sống đẹp vì Gioan có một số môn đệ, nhưng khi Chúa Giêsu đến, Gioan đã giới thiệu cho họ (Ga 1, 36) để họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu.

 

Sống đẹp vì Gioan đã thu phục được đám đông, được dân chúng ngưỡng mộ, nhưng Gioan chỉ cho họ biết có Đấng cao cả hơn đang đến, Đấng mà Gioan không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài (Ga 1, 27).

 

Gioan sống đẹp vì đã luôn tâm niệm rằng: “Chúa Giêsu phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”(Ga 3, 30).

 

  1. 2. Cái chết hào hùng

 

Cái chết của Gioan đau thương mà rất hào hùng.

 

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương,bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn,dân chúng lầm than,Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân.

 

Vị vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, lấy vợ của anh mình là Hêrôđiađê. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua,kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế Gioan đã bị vua chém đầu. Người theo Ðạo Hồi giáo Islam rất sùng kính Thánh Gioan ở giáo đường bên Syria. Theo tương truyền, trong ngôi đền thờ Hồi giáo Omajjden có phần mộ chôn đầu của Gioan. Người Hồi giáo Syria gọi ngài bằng tên Yaya Ben Zakariyah. Năm 2001, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến hành hương kính viếng cầu nguyện trước ngôi mộ Thánh nhân tại ngôi đền thờ này với những người Hồi giáo tại đó.

 

Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù.Thế nhưng Chúa Giêsu đã nói về ông: “ Trong các con cái người nữ sinh ra,chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả”(Lc 7,28). Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.Sứ mạng ngôn sứ thời nào cũng thế.Chúa Giêsu, vị ngôn sứ làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ, bị hành hạ và bị đóng đinh thập giá. Các Thánh Tử Đạo cũng đã làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đã đi,cũng gánh lấy tù tội và cái chết, bởi lẽ: “Nếu thế gian đã ghét Thầy,thì thế gian sẽ ghét các con vì các con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” ( Ga 15,18 – 19 ).

 

  1. 3. Hồng Ân Sinh Nhật

 

Được sinh ra và lớn lên trong bàn tay phù hộ của Thiên Chúa, Gioan đã sống vai trò Ngôn sứ, dọn đường cho Chúa Cứu Thế và đã chết vì chân lý.

 

Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, mỗi người nhớ đến ngày sinh nhật của mình. Ngày đó, cha mẹ, ông bà, thân bằng quyến thuộc mừng vui. Ai cũng cười tươi nhìn trẻ thơ, ai cũng muốn bồng ẵm chúc lành và đặt nhiều hy vọng nơi con trẻ. Rồi mỗi người được cha mẹ đặt tên, được đưa đến Nhà thờ để nhận phép thanh tẩy với một tên Thánh và trở nên con của Thiên Chúa.Mỗi lần mừng sinh nhật của mình, mỗi người nhớ đến bao nhiêu là hồng ân Thiên Chúa ban tặng để tạ ơn và sống xứng đáng hơn. Bài đọc 1 trích sách Ngôn sứ Isaia nói về giá trị cao cả của con người trước mặt Thiên Chúa: “Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-3). Chúa biết chúng ta từ trong lòng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con… Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 138, 13). Như thế Thiên Chúa đã an bài sắp đặt mỗi người chúng ta ngay từ khi còn trong dạ mẹ.

 

Ngày nay, nhiều gia đình có truyền thống kỷ niệm và mừng ngày sinh nhật của các thành viên trong gia đình. Đó là một việc làm thật ý nghĩa và nhiều niềm vui. Bởi vì, đã sinh ra trong đời, dù ở cảnh ngộ nào, ai cũng được Đấng Tạo Hóa ban tặng chức phận quý giá, đó là làm người. Qua mạc khải Kinh thánh và dưới ánh sáng đức tin, chúng ta biết rằng, con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu. Như vậy, mỗi người trong nhân loại đều được mời gọi theo một hướng đi nhất định để hoàn tất một định mệnh tươi đẹp và một cuộc sống cao cả.

 

Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, mỗi người nhớ đến ngày mình được tái sinh làm con Thiên Chúa.Nhờ phép rửa, chúng ta đã trở thành ngôn sứ loan báo hồng ân cứu độ của Chúa.

 

Là Kitô hữu, chúng ta vui mừng tạ ơn và hy vọng về ơn gọi, định mệnh, hướng đi của mình.Thánh Gioan là một mẫu gương tuyệt vời, sống cao đẹp và chết hào hùng. Cuộc đời của Gioan luôn mãi là tấm gương cho chúng ta. Không chỉ rao giảng bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống. Con đường nên thánh của Gioan chính là : Chúa phải lớn lên, còn tôi phải lu mờ đi.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An