Nhớ Đức Cha Nicôla, vị Giám Mục kiên trung

Đức Cha Nicôla vừa mới ra đi. Những năm tháng khó khăn, đau khổ rồi cũng đã trôi qua, và như Lời Kinh Thánh, bây giờ “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài” (Kn. 3,1).

 

Ngài đã gắn liền đời Giám Mục của mình với hai giáo phận Sàigòn và Phan Thiết. Ngài làm Giám Mục phụ tá Sàigòn ít lâu thì được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám quản giáo phận Phan Thiết rồi Giám Mục Chính Tòa Phan Thiết. Những năm 1990, ngài lại được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám quản giáo phận Sàigòn trong thời buổi khó khăn nhất.

 

Những ai thao thức với các dấu chỉ thời đại hẳn không thể quên được những năm tháng đã qua. Lần giở lại những trang tư liệu, người ta khám phá dần dần nhiều điều về những khó khăn gian khổ mà Hội Thánh Chúa phải gánh chịu.

 

Tất cả các biến cố đều nói lên một điều này: Thiên Chúa quyền năng luôn điều khiển dòng lịch sử. Trong dòng lịch sử chung của ơn Cứu độ phổ quát cho cả thế gian này, có lịch sử của từng dân tộc và từng thời kỳ trong mỗi dân tộc đó.

 

Đức Cha Nicôla là chứng nhân lịch sử của Giáo Hội địa phương. Dịp Lễ Kim Khánh Linh Mục của Đức Cha Nicôla (29/06/1953-29/06/2003), Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết cho ngài như sau:

 

“Ta cũng biết rõ những năm nổi bật những chứng từ lỗi lạc về đức tin, những chứng từ mà tại Tổng Giáo Phận Thành Phố Saigon, Hiền đệ đã bày tỏ cách rạng ngời trong thời gian làm Giám quản tông Tòa, nơi mà trước kia, khi còn là giám mục phụ tá, những tài đức của Hiền đệ đã được chiếu tỏa. Ta cũng không muốn thinh lặng bỏ qua mà không nhắc đến lòng trung thành của Hiền đệ đối với Ta và đối với Tòa Thánh, hơn nữa, Ta cũng muốn biểu dương lòng trung thành ấy bằng những lời ngợi khen xứng hợp”.

 

Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc, viết: “Tôi đặc biệt tạ ơn Chúa cùng với Ðức Cha về lòng trung thành anh dũng và sự liên kết vững vàng của Ðức Cha với Ðấng kế vị Thánh Phêrô, mà Ðức Cha đã minh chứng trong thời gian đảm nhiệm chức Giám quản tông toà Giáo Phận Phan Thiết (1975-1979) và Giám quản Tông Toà ở Giáo phận Thành phố Sàigòn (1993-1998). Cùng với Ðức Cha, cầu Chúa ban cho thừa tác vụ linh mục và Giám Mục của Ðức Cha trổ sinh nhiều hoa trái, lợi ích cho Giáo hội và cho các linh hồn, và để cuộc đời mục tử của Ðức Cha sẽ là một khích lệ cho các linh mục trẻ trên Ðất Nước của Ðức Cha”.

 

Để hiểu được phần nào lòng trung thành anh dũng của Đức Cha Nicôla với Hội Thánh cũng như “sự liên kết vững vàng của Ðức Cha với Ðấng kế vị Thánh Phêrô”, người ta phải quay về nhìn lại thời buổi lúc bấy giờ khi tình thế nhiễu nhương đầy bất trắc.

 

Năm 1993, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình bị tai biến phải chữa trị tại bệnh viện, mà Đức Tổng Giám Mục Phó Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận thì không được thi hành sứ vụ của ngài, nên Tòa Thánh đã cử Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi lúc đó đang là Giám mục giáo phận Phan Thiết, làm Giám quản Tông tòa Tổng Giáo phận Sàigòn. Ngay sau khi nhận được Văn thư bổ nhiệm, Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi đã từ Phan Thiết vào Sàigòn để nhậm chức.

 

Lập tức, nhóm Công Giáo yêu nước quốc doanh, còn có tên gọi là Đàn Két, tỏ thái độ phản đối vì Đức Cha Nicôla không chấp nhận thái độ gian dối. Báo Công giáo và Dân tộc, tiếng nói của nhóm đó, đã đăng bài: “Thành phố HCM, thêm một Giám quản Tông tòa” của Hương Khê, bút danh của linh mục Trương Bá Cần là tổng biên tập tờ báo.

 

Tiếp theo phát pháo hiệu đó, đài truyền hình và báo chí thay phiên nhau phản đối quyết định của Tòa Thánh, phản đối Đức Cha Nicôla, đưa tin sai lạc và lên án cả Đức Tổng Giám Mục Phó Phanxicô Xaviê, vị sau này là Hồng Y chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình và bây giờ đang trong tiến trình được tuyên thánh.

 

Phải nhìn hoàn cảnh bị chống phá tứ bề như thế, chúng ta mới hiểu được việc Đức Cha Nicôla trung tín với Tòa Thánh và với Giáo Hội trong sứ vụ của ngài có ý nghĩa như thế nào.

 

Đọc lại bài chia sẻ của ngài trong dịp mừng Kim Khánh Linh mục, chúng ta thấy tràn ngập niềm vui. Ngài kể lại việc ngài được Chúa gọi một cách duyên dáng, ý nhị và đầy xác tín: “Khi còn bé, tôi thích giỡn, thích chơi và cũng thích làm những việc lặt vặt giúp cha mẹ. Vì thế, rất nhiều người bỡ ngỡ khi nghe tin tôi đi tu. Một người cậu của tôi nói với mẹ tôi: “Nó đi tu à? Tôi đánh cá nó không ở được hơn ba tháng!”.

 

Thật dí dỏm, nhưng cũng thật xác tín khi ngài nói tiếp: “…rồi một năm đã trôi qua, rồi hai năm. Chúa đã kêu gọi ai Ngài không bao giờ rút lời”.

 

Khẩu hiệu Giám Mục của ngài là câu trong thư Thánh Gioan: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, và ngài ý thức mình ở lại trong tình yêu của Chúa, cho nên chúng ta hiểu được sự trung tín anh dũng của ngài.

 

Chính ngài nói về điều ấy và khuyên chúng ta như sau:

 

“Hãy ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô. Hãy ở lại, hãy ngồi đó, đừng nhúc nhích, di dời. Đừng tìm tình yêu ở nơi khác hay ở nơi người khác, nhất là những người giàu tiền giàu của, giàu quyền lực, giàu nhan sắc, v.v… Hãy bám chặt vào tình yêu Chúa Kitô, đừng lãng quên, đừng lơ là. Mỗi buổi sáng, hãy cảm nghiệm tình thương của Chúa, và suốt ngày hãy sống như đang ở trong tình thương của Người.

 

“Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, cũng có nghĩa là tránh né tất cả những gì làm cản trở, làm xa rời, làm yếu đi tình yêu ấy như tội lỗi, những tính hư tật xấu, những tệ nạn, tệ đoan, tính ích kỷ, sự kiêu căng, lòng tham lam tiền bạc, danh vọng, quyền thế: vì ánh sáng không chung sống được với tội lỗi”.

 

Đức Cha Nicôla đã từ giã chúng ta để về với Chúa, nhưng hình ảnh một vị mục tử nhân hiền, khiêm tốn và kiên trung ấy sẽ còn ở với chúng ta, nêu gương cho chúng ta và ngài đang cầu bàu cho chúng ta.

 

Cầu nguyện cho Đức Cha Nicôla, chúng ta cũng bắt chước ngài luôn nhớ lời Chúa Giêsu: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”.

 

Bây giờ thì Đức Cha ở lại trong tình thương của Chúa mãi mãi, xin nhớ đến chúng con, những người con mà một thời Chúa đã giao cho Đức Cha chăm sóc.

 

     Gioan Lê Quang Vinh