Đến với nguồn tình yêu và ra đi với tình yêu

Chúa Nhật VI Phục sinh B

ĐẾN NGUỒN TÌNH YÊU VÀ RA ĐI VỚI TÌNH YÊU

Cv 10,2-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17

 

Sau thế chiến lần thứ II, Nước Pháp có nhiều người vô gia cư, ăn xin các nơi… Cha Pierre (Abbé Pierre) giúp họ có công ăn việc làm, tìm chỗ ở…

 

Mùa thu 1949, cha Pierre đã cứu thoát Georges, một người đang cô đơn và thất vọng sau 20 năm tù khỏi ý định tự tử. Cha đề nghị anh về ở với mình để, cùng nhau, xây dựng nơi tạm trú cho những người bất hạnh khác. Từ đó, Cộng đoàn Emmaus ra đời và căn nhà nơi Cha trú ngụ biến thành trung tâm Emmaus đầu tiên.

 

 Mùa đông buốt giá 1954 tại Pháp, lạnh đến 20 độ âm, Cha Pierre đã lên tiếng trên Radio Luxembourg báo động : ‘xin mọi người hay giúp đở vì một người đàn bà vừa chết cóng lúc 3 giờ sáng nay trên vỉa hè đại lộ Sépastopol, tay còn cầm án lệnh tòa cho phép trục xuất khỏi nhà… Để thảm trạng không tái diễn, từ đêm nay, những nhà có treo bảng ‘Trung tâm huynh đệ khẩn cấp’, các bạn đau khổ hãy vào đó ăn uống và ngủ nghỉ, tìm lại niềm hy vọng…

 

Trong 20 phút sau, người ta lần lượt kéo đến khách sạn Rochester, kệ nệ áo quần, chăn mền, trao các chi phiếu lẫn nữ trang… để cứu trợ.

 

Chiều đó, Cha lại lên tiếng kêu gọi các tình nguyện viên để chở những người bất hạnh đến nơi mà các lều vừa dựng lên hầu không một người lớn lẫn trẻ em phải ngủ trên vỉa hè qua đêm giá lạnh. Đúng 21 giờ như đã định, khoảng 500 xe cộ mới củ, tốt xấu đã có mặt để chở người vô gia cư, dưới sự điều khiển của Abbé Pierre. Từ đó, Cha đã là hình ảnh một ‘Linh mục bác ái chăm lo cho người vô gia cư’ trong lòng dân Pháp…

 

 Đầu mùa đông bất thường đó, dựa vào các dự đoán khí tượng, Cha Pierre đã đề nghị Quốc hội biểu quyết một ngân khoản một tỉ francs để lo xây nhà cho người vô gia cư nhưng các dân biểu đã bác bỏ. Thế nhưng chỉ ba tuần sau, chính họ đã phải thông qua ngân khoản 10 tỉ để xây cất ngay 12.000 căn nhà cho người bất hạnh…

 

Và cứ thế, cha giúp đỡ anh chị em bất hạnh đầu đường xó chợ có công ăn việc làm để mưu sinh. Giúp các thanh niên lầm lỡ hội nhập… Các cuộc thăm dò dư luận quần chúng của Viện thăm dò dư luận quần chúng Pháp (Institut francais d’opinion publique) cho thấy Cha Pierre là người được dân chúng Pháp yêu thích nhất liên tục trong 17 năm liền, từ năm 1989 tới 2003, đến nỗi tới năm 2004 Cha phải xin rút lui, để nhường cho những người khác.

 

 Khi người ta hỏi Cha Pierre : nếu mai đây ngài mất đi, người ta nên ghi lại điều gì về cuộc đời ngài. Cha trả lời liền không ngần ngại: “Xin đề trên mộ tôi câu nầy: nơi đây yên nghỉ của một người đã cố gắng yêu thương”. Sống tình yêu, trao ban tình yêu cho những người bất hạnh nhất như lệnh truyền của Chúa Giêsu : Yêu thương anh chị em chung quanh như Ngài đã yêu thương chúng ta.

 

Cha Pierre, đã sống yêu thương, được nuôi dưỡng bởi tình yêu như lời mời gọi của Chúa Kitô dành cho những ai bước đi theo Ngài: “Hãy ở lại trong Tình thương của Thầy” (Ga 15,9c). Dịch sát theo nguyên tự Hy lạp là: “hãy ở trong tình yêu vốn thuộc về Thầy” (xe lu Abel, Gl:ammaire du treo biblique 33r Rem.I), nghĩa là “trong tình yêu Thầy dành cho anh em”. Yêu Chúa Kitô, gắn bó với Ngài thúc đẩy theo mệnh lệnh của Ngài thực thi điều răn quan trọng nhất: “Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

 

Tình yêu xuất phát từ nguồn – Thiên Chúa Cha như Thánh Gioan sau này đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16a), một tình yêu vô tận và không ngừng trao ban:

 

– Từ Chúa Cha qua Chúa Con như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: như “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào” (Ga 15,9a). Đức Giêsu nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Người (x. Ga 3,35; 5,20; 17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x. Mt 3,17; 17,5)

 

– Rồi từ Chúa Con – Đức Giêsu đến môn đệ, như Ngài khẳng định: “Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15,9b). Người môn sinh khám phá  và chiêm nghiệm: “Hãy ở lại trong Tình thương của Thầy” (Ga 15,9c).  

 

–  Chính vì xuất phát nguồn từ nơi Thiên Chúa đến với nhau rồi lan ra giữa các môn đệ với nhau theo tiêu chuẩn mô phạm tình yêu của Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Ở lại trong tình yêu và trung tín với lệnh truyền yêu thương của Người, môn sinh sẽ được “tràn đầy niềm vui” vì “ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở
trong người ấy” (1 Ga 4,16b).

 

Từ ngữ trung tâm của lời Chúa truyền là “tình yêu” (tiếng Hy lạp: agape), và tình yêu cũng là từ chìa khoá của chuyển động tuần hoàn vòng tròn, A.Marchadour đưa ra một nhận xét: “Trong trường hợp này, hoàn trả và tặng đáp lễ, luật của tình yêu, luôn hướng về một đối tượng khác với người đã trao tặng. Sự đáp trả của Đức Giêsu đối với tình yêu của Chúa Cha lại hướng về các môn đệ. Cũng thế sự đáp trả của các môn đệ đối với tình yêu của Đức Giêsu dành cho mình lại hướng về anh em” (Tin Mừng theo thánh Gioan Centurion, trang 202).

 

Tình yêu trao ban cho anh em mà Đức Giêsu muốn người môn đệ thực hành luôn mang những đặc tính tiệm tiến:

 

– Yêu như Chúa yêu: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống… và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,8.11). Tình yêu chia sẻ ấy đã được thánh Gioan tông đồ mô tả: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết tình yêu là gì, đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta” (1Ga 3,16), hãy yêu thương nhau như yêu như thầy chúng ta (x.Ga 15,12). Yêu tận cùng bằng hy sinh bản thân và cho đến chết.

 

– Yêu đến tận cùng như Chúa Giêsu dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Ngài đã thực hiện chính sự hy sinh cao độ như các tông đồ xác tín: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,6.8; x. Ep 5,2; 1Ga 3,16). Thánh Gioan diễn giải “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Bằng việc làm cụ thể, đòi phải hy sinh, mà hy sinh càng lớn thì tình yêu càng sâu đậm, càng tha thiết.

 

– Tình yêu phải được thể hiện trong việc làm như Chúa Giêsu truyền là: “… các con giữ điều răn của Thầy” như Thánh Gioan sau này diễn giải: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,16-17).

 

Theo lời Chúa Giêsu đã mời gọi: “Hãy ở lại trong Tình thương của Thầy” (Ga 15,9), đó là cội nguồn của  tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại và nhân loại trao cho nhau như Chúa Giêsu truyền, cho nên R.Tagore nói :

 

“Vạn sự đã do Tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu”

 

Vâng, tôi và bạn cùng tiến bước vào thế giới mang tâm tình:

 

“Chúng ta được đặt để vào trong trái đất này một không gian nhỏ bé, để chúng ta có thể học hỏi được việc mang lại những tia sáng của tình yêu” (William Blake).

 

   Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn