Núi đá mọc lên từ đức tin

  WGPHH:  Hang đá Giáo xứ tôi được các “Cố Tây” xây dựng cùng thời điểm với ngôi Thánh đường, cách đây đã gần 100 năm. Ngày ấy giáo xứ tôi được coi là vùng sâu vùng xa, gần nửa thế kỷ  không có Linh mục thường trú. Mỗi dịp Noel về, hang đá leo lét ngọn đèn dầu, chập tối còn có bóng giáo dân đến… “xem” Chúa Hài Đồng, rồi vội vã ra về. Đêm khuya lạnh, Chúa nằm đó hai tay rộng mở, chờ đợi ai đó nán lại trò chuyện, nhưng bốn bề chỉ lạnh lẽo sương rơi. Chỉ có Cha Mẹ đang ngắm nhìn âu yếm, bên cạnh là mấy chú bò, lừa, đang ngơ ngác nhìn nhau như muốn nói: “Đêm nay nhà mình có khách lỡ đường xin tá túc, nhà nghèo không chăn ấm đệm êm, chúng ta hãy cùng nhau thở hơi ấm, cho đỡ tủi lòng Khách Thơ Nhi”.
            Giáo xứ tôi được hưởng lời chúc phúc của Chúa, nên chỉ mấy chục năm sau khi xây nhà thờ, đã trở nên đông đúc. Nhà nối nhà san sát, đời sống giáo dân thay đổi trông thấy, đường bê tông khắp làng trong xóm ngoài, đèn điện sáng như phố phường, thật đúng như tên gọi: Trù Mật. Giáo xứ càng thăng tiến, sốt sắng hơn, khi có cha xứ trong 7 năm. Chẳng bao lâu ngôi nhà xứ hai tầng khang trang, cao ráo, đã ung dung… “đứng” giữa khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng. Vì vậy, cha xứ cũng muốn có một hang đá xứng tầm với giáo xứ đang trưởng thành cả về cơ sở hạ tầng cũng như phần tâm linh.
Đầu năm 2012, cha xứ đã bàn với ban hành giáo và giáo dân, rồi quyết định bắt tay vào xây dựng Núi Đá Đức Mẹ. Giáo dân quê tôi vốn thuần nông, quanh năm ruộng lúa, đồng cá, luống rau… nay bỗng trở thành những “kỹ sư xây dựng” đại tài. Dãy núi đá nhấp nhô cao thấp, nếu không trực tiếp làm, sẽ không tin nó được tạo ra từ những khung sắt, rồi xi măng, bột đá, sợi đay, trộn đều, trông chẳng khác nào những phiến đá thật. Có… “hòn đá” thật lớn, ngồi chênh vênh trên vòm hang, cứ như sắp rơi xuống, có hòn nhô lên từ hồ nước dưới… “chân núi”, có hòn lại nằm phơi nắng trên thảm cỏ xanh, như chú rùa khổng lồ đang dạo chơi. Trong lòng núi lại có một đường hầm dẫn tới hang đá chính, trên vòm hang những nhũ đá mọi hình thù, kích cỡ, với những bóng điện màu sắc khác nhau, được giấu khéo léo sau các nhũ đá. Khi màn đêm buông phủ, ánh điện lunh linh, huyền ảo, như hang động được hình thành từ thời xa xưa. Nhiều du khách ngỡ ngàng, thích thú trầm trồ: “làm sao có thể đưa một… hòn đá lớn lên và đặt chơi vơi như vậy”.
 Sau gần một năm, cả cha và con cùng gắng sức, khi thì đắp, lúc lại đào, người lo vật liệu, người nắm kỹ thuật… Núi đá đã… “mọc” lên. Giáo xứ tôi vui mừng cảm tạ Chúa, vì bao hồng ân Chúa ban qua Mẹ Maria, ngày khánh thành, Đức Giám mục về dâng Thánh lễ tạ ơn thật trang trọng và sốt sắng. Niềm vui vừa nhen lên thì đã nhuốm buồn, vì đó cũng là khi cha xứ vâng lời Bề trên đi du học ở Pháp.
            Giờ đây, du khách đến với giáo xứ tôi, không chỉ tham quan ngôi Thánh đường cổ kính, mang trường phái Gô-tíc, với tháp chuông cao vút, uy nghi, bề thế, mà còn được thưởng ngoạn Núi Đá Đức Mẹ có chiều dài 32 mét và cao gần 16 mét. Tượng Mẹ được đặt trên đỉnh cao nhất, Mẹ đứng đó, âu yếm nhìn và che chở các con của Mẹ. Từ chân Mẹ, dòng suối ban ơn chảy róc rách qua các khe núi, các bậc đá, rồi đổ xuống hồ nước lấp lánh bóng cá vàng tung tăng bơi lội. Mỗi dịp Noel về, đèn điện trang hoàng khắp nơi, ánh sáng chan hòa, mọi người đông vui, du khách tấp nập. Đêm Giáng Sinh, thời gian như ngừng trôi, muốn kéo dài bất tận cái thời khắc linh thiêng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.
            Đã mấy mùa No-en, giáo xứ tôi vắng bóng cha xứ, người cha năng động, sáng tạo, đã dâng tâm hồn mình cùng với chiên của mình cho Đức Mẹ. Nơi xa xôi ấy, mỗi khi No-el về, chắc Cha vẫn nhớ về giáo xứ Trù Mật, nhớ Núi Đá Đức Mẹ, vẫn còn in đậm dáng hình cha trong những ngày tháng miệt mài, để từ đó Đức Tin đã trổ sinh Núi Đá.
 
                                                                                                                                      
Hồng Minh